Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang

Đề bài: Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang

Mục lục bài viết:
1. Dàn ý
2. Bài mẫu số 1
3. Bài mẫu số 2

Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang


I. Dàn ý Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang (Chuẩn)

1. Mở bài:

- Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm.
- Dẫn dắt vào hai khổ 3, 4 bài thơ.

2. Thân bài:

a. Phân tích khổ 3:

- Hình ảnh "bèo":
+ Những cánh bèo nổi trôi vô định, không biết đi đâu, về đâu, tượng trưng cho những kiếp người nhỏ bé, bơ vơ, bất lực giữa dòng đời.
+ "Hàng nối hàng": những kiếp người "hàng nối hàng" đang lạc lõng trước cuộc đời, phó mặc dòng đời xô đẩy...(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang (Chuẩn)


1. Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang, mẫu 1 (Chuẩn)

Nhắc đến Huy Cận là nhắc đến hồn thơ u sầu, trong thơ ông luôn chất chứa những nỗi niềm của một kẻ sĩ vương nỗi sầu nhân thế. Một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách ấy của ông là “Tràng giang”, tác phẩm được viết vào mùa thu năm 1939. Hai khổ thơ cuối bài “Tràng giang” là những khổ hay nhất bài thơ, diễn tả nỗi buồn lữ thứ trước cảnh hoàng hôn rợn ngợp của thi nhân.

“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;”

Không còn là không gian rộng lớn, hùng vĩ, mở ra với nhiều chiều kích như khổ thơ trước, với khổ thơ thứ ba, tác giả đưa tầm mắt về hình ảnh bèo dạt trên sông nước. Những cách bèo nổi trôi vô định, không biết đi đâu về đâu. Cánh bèo nhỏ bé giữa dòng mênh mang phải chẳng là tượng trưng cho những kiếp người nhỏ bé, bơ vơ, bất lực giữa dòng đời? Đọc câu thơ, ta như cảm nhận được sự bất lực, nỗi bế tắc của thi nhân. Những cánh bèo hàng nối hàng trôi dạt hay là những kiếp người “hàng nối hàng” đang lạc lõng trước cuộc đời. Họ không biết rồi sẽ đi về đâu, cánh bèo mặc dòng nước cuốn trôi như chính cuộc đời họ đang mặc dòng đời xô đẩy. 

“Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”

Điệp từ “không” được sử dụng đầy tinh tế đã vẽ ra một không gian vắng lặng, hoang hoải. Dòng sông mênh mông sóng nước, rộng lớn là vậy mà chẳng có lấy một chuyến đò, một bóng hình của ai đó, cũng chẳng có lấy một cây cầu bắc ngang cho dòng người qua lại. Tất cả đều chênh vênh, người và sông như hai thế giới cùng một nỗi niềm tâm sự, khát khao tìm kẻ tâm giao mà chẳng có, càng hi vọng lại càng xa xôi. Thiên nhiên đẹp mà vắng bóng con người, mở ra một miền vắng lặng, lẻ loi. Nỗi cô đơn tự nhiên ngự trị khắp không gian, xâm chiếm lấy tâm hồn thi nhân. 

“Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”

Trong cái nền của không gian không thanh âm ấy, những gam màu len lỏi xuất hiện: “bờ xanh” tiếp “bãi vàng”, nhưng dẫu có màu xanh tươi mát hay sắc vàng ấm áp của bến bờ, cồn bãi thì cũng không khiến cho bức tranh thiên nhiên tươi mới hơn mà trái lại càng tô đậm thêm vẻ u tịch của một miền hoang hoải. Bất chợt ta tự hỏi do cảnh buồn hay lòng thi nhân đang sầu nỗi sầu nhân thế mà lời thơ, tứ thơ chất chứa những mệt nhoài? Bởi :

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

(Nguyễn Du)

Đưa tầm mắt lên, hướng về phía bầu trời cao rộng:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.”

Những hình ảnh cổ điển “mây”, “cánh chim” được tác giả sử dụng kết hợp với các động từ “đùn”, “nghiêng”, “sa” đã diễn tả được cái hùng vĩ và sức sống tràn đầy của thiên nhiên. Những tầng mây “lớp lớp” chất chồng lên nhau tạo nên những dãy núi bạc khổng lồ, lơ lửng trên nền trời xanh ngắt. Một cảnh tượng thật hùng vĩ biết bao! Thiên nhiên lúc này không còn trong trạng thái tĩnh mịch nữa mà nét động dần thay thế. Mây đùn núi bạc trong ánh chiều, chim nghiêng cánh nhỏ mơ màng trong bóng hoàng hôn, tất cả tạo nên một không gian đẹp đẽ, rực rỡ và sống động. Tuy nhiên, trong khung cảnh ấy, ta vẫn thấy nét buồn, cô đơn của tâm hồn thi nhân khi bắt gặp hình ảnh “chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”. Cánh chim nhỏ bé, mỏng manh bay giữa mây cao, núi bạc, cô đơn giữa đất trời mênh mông, hùng vĩ tựa như hình ảnh thi nhân đang bơ vơ, chán ngán giữa dòng đời. Bởi thế mà nỗi buồn cứ thế trào dâng, miên man bất tận, thấm đượm trong cảnh, chất chứa trong tình.

Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang để thấy được tâm trạng của người thi sĩ

Có thể nói, tình quê là một tình cảm đáng trân trọng của các thi nhân dành cho quê hương, đất nước. Thôi Hiệu từng nhìn khói sóng trên sông mà nhớ nhà:

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.”

Hay Lí Bạch từng nhìn trăng mà nhớ quê hương da diết:

“Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương.”

Người ta xa quê thì nhớ quê, nhưng với Huy Cận thì khác, tác giả đang đứng trên quê hương mà lại nhớ quê hương da diết:

“Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”

Từ láy “dợn dợn” gợi tả nét chuyển động diễn ra liên tục trong tâm khảm nhà thơ, một nỗi nhớ luôn thường trực khôn nguôi, đầy sâu sắc và ám ảnh. Dường như, không giây phút nào là thi nhân không nhớ đến quê hương, đất nước mình, đặc biệt là trong cảnh tổ quốc đang bị xâm lăng, giày xéo bởi quân thù.  

Có thể nói, hai khổ cuối bài thơ đã vẽ nên một bức tranh đẹp nhưng buồn sầu. Ẩn sâu trong từng con chữ là cái tôi thi sĩ cô đơn song lại chất chứa tình cảm sâu nặng, tha thiết với quê hương, đất nước.
 

2. Bài văn Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang, mẫu 2 (Chuẩn)

Huy Cận là gương mặt nhà thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới của Việt Nam. Trước cách mạng tháng Tám, thơ ông chất chứa một nỗi buồn man mác, đó là nỗi buồn của người trí thức luôn đau đáu một nỗi niềm trước thời thế loạn lạc. "Tràng giang" được coi là bài thơ tiêu biểu nhất cho tài năng và phong cách sáng tác ấy. Đặc biệt, trong 2 khổ thơ cuối của bài, nhà thơ đã tái hiện đầy khắc khoải nỗi buồn thương, sầu não của một con người đang cảm thấy lạc lõng, cô độc giữa cuộc đời rộng lớn.

Nếu như những khổ thơ đầu, nhà thơ Huy Cận tập trung miêu tả khung cảnh sông nước, mây trời rộng lớn, rợn ngợp thì ở hai khổ thơ cuối, nhà thơ đã trực tiếp bộc lộ tâm trạng phiền não và những suy nghĩ sâu sắc về cuộc đời, về kiếp người:

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Hình ảnh "bèo dạt" không chỉ mang ý nghĩa tả thực về cảnh vật mà nhà thơ bắt gặp trên sông mà còn gợi ra sự nhỏ bé, trôi nổi lênh đênh của những kiếp người giữa cuộc đời rộng lớn. Sông nước mênh mông, rộng lớn nhưng buồn vắng đến cùng cực "Mênh mông không một chuyến đò ngang", dù cố gắng tìm kiếm nhưng nhà thơ không tìm thấy dù một "chút niềm thân mật". Câu thơ "Không cầu gợi chút niềm thân mật" tựa như một tiếng thở dài đầy bất lực của nhà thơ khi chẳng thể tìm kiếm được một chút hơi ấm của con người, của sự sống. Điệp từ "không" đã cực tả sự vắng lặng của không gian, nó phủ định tất cả những gì gắn kết giữa con người và thiên nhiên sông nước, không có con đò, không cầu, không chút niềm thân mật. Tất cả mở ra trước mắt của nhà thơ chỉ có sự rộng lớn, hoang vắng đến rợn ngợp.

Bài văn Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang hay nhất

Từ láy "lặng lẽ" cực tả sự vắng lặng đồng thời cũng gợi ra sự tồn tại nhạt nhòa, không mang đến ấn tượng sâu đậm của "bờ xanh", "bãi vàng". Sự xuất hiện của bờ, bãi hai bên sông cùng những hình ảnh gợi liên tưởng đến sự sống xanh, vàng vẫn không đủ để làm cho bức tranh sông nước bớt đi phần hiu quạnh, trống vắng bởi bờ xanh, bãi vàng chỉ là những cảnh vật vô tri, nó không "chút thân mật", giao hòa gì với nhau. Và cũng bởi lẽ, khi con người mang nỗi sầu muộn thì cảnh vật cũng trở nên ảm đạm, đìu hiu hơn giống như nhà thơ Nguyễn Du từng nói:

"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"

Giữa trời đất rộng lớn, mênh mông nhưng nhà thơ Huy Cận lại không tìm được một tiếng nói đồng cảm, tri âm, không có một ai có thể thấu hiểu được tâm trạng và những nỗi buồn đang giăng kín trong tâm hồn nhà thơ. Nỗi phiền muộn, u sầu không thể giãi bày, chỉ có thể tự mình giữ lấy nên nó càng nhức nhối, khắc khoải.

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Không thể tìm thấy một chút giao cảm từ khung cảnh sông nước, nhà thơ Huy Cận hướng sự chú ý của mình đến không gian rộng lớn, khoáng đạt của hoàng hôn. Từ láy "lớp lớp" gợi liên tưởng đến rất nhiều sự vật chất chồng lên nhau. "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc" mở ra khung cảnh huy hoàng, tráng lệ với những đám mây bàng đan xen, xếp chồng lên nhau. Động từ "đùn" gợi ra sự tiếp diễn, dâng lên ngày càng mạnh mẽ. Chúng ta cũng từng bắt gặp trong thơ Nguyễn Trãi:

"Rồi hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương"

Câu thơ "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc " thật đẹp nhưng cũng thật buồn bởi nó càng tô đậm thêm sự trống trải, hoang vắng. Hình ảnh những đám mây lớp lớp còn gợi ra những cảm xúc bộn bề cứ khoắc khoải, xếp chồng lên nhau. Sự xuất hiện của hình ảnh cánh chim trong "bóng chiều xa" càng tô đậm nỗi trống vắng, cô đơn trong tâm hồn của nhà thơ. Giữa khung cảnh hùng vĩ, huy hoàng của những đám mây bàng bạc, cánh chim càng trở nên nhỏ bé, nó cũng giống với tâm trạng cô đơn, lạc lõng của nhà thơ giữa cuộc đời rộng lớn.

"Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà"

Từ láy "dợn dợn" là sáng tạo đặc biệt của nhà thơ Huy Cận, khi được hô ứng với "vời con nước" đã khắc họa sống động nỗi niềm bâng khuâng, cô quạnh của một con người đang nhớ về quê hương. Khói hoàng hôn trong thơ ca cổ điển thường là dấu hiệu gợi nhắc con người ta nhớ về quê hương, trong thơ Thôi Hiệu có viết: "Nhật mộ hương quan hà xứ thị/Yên ba giang thượng sử nhân sầu". Thế nhưng, nếu những thi nhân xưa nhìn khói trên sông nhớ về quê nhà thì nỗi nhớ của Huy Cận da diết, khắc khoải hơn, nhà thơ không nhìn khói hoàng hôn vẫn nhớ nhà. Có lẽ rằng nỗi nhớ luôn thường trực trong lòng nhà thơ nên dù không có "chất xúc tác", nhà thơ vẫn khôn nguôi một tấm lòng quê.

Hai khổ thơ cuối của bài thơ Tràng giang không chỉ mở ra trước mắt chúng ta khung cảnh sông nước mênh mông, rợn ngợp mà còn bộc lộ nỗi lòng sầu muộn của người thi nhân. Hai khổ thơ gieo vào lòng người đọc một nỗi buồn man mác, thế nhưng nỗi buồn ấy cũng thật đẹp bởi đó đều là những cảm xúc quen thuộc, có phần mơ hồ mà chúng ta vẫn thường trải qua, thế nhưng qua ngòi bút của Huy Cận nó lại thật thơ, thật da diết. Như nhà phê bình Hoài Thanh cũng từng nhận định: "Huy Cận lượm lặt những chút buồn rơi rác để rồi sáng tạo nên những vần thơ ảo não. Người đời sẽ ngạc nhiên vì không ngờ với một ít cát bụi tầm thường thì người lại có thể đúc thành bao châu ngọc".

-------------------HẾT---------------------

Tràng giang là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Huy Cận trước cách mạng tháng Tám. Tìm hiểu chi tiết về bài thơ, bên cạnh bài Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng giang, các em có thể tìm đọc thêm: Phân tích hai khổ đầu bài Tràng Giang, Phân tích khổ 3 bài thơ Tràng giang của Huy Cận, Phân tích cái tôi trữ tình trong bài Tràng giang, Bình giảng bài thơ Tràng giang.

Bài văn Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang sẽ giúp các em cảm nhận được khung cảnh thiên nhiên sông nước rộng lớn nhưng đìu hiu, vắng lặng, cùng với đó là tâm trạng chất chứa những nỗi buồn của người thi nhân trước cuộc đời rộng lớn.
Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Tràng giang
Phân tích hai khổ đầu bài Tràng Giang
Phân tích khổ 3 bài thơ Tràng giang của Huy Cận
Dàn ý phân tích khổ thơ đầu bài thơ Tràng giang
Bình giảng khổ thơ thứ hai bài Tràng giang
Phân tích ý nghĩa nhan đề bài Tràng Giang

ĐỌC NHIỀU