Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du

Đề bài: Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

Bài văn mẫu Phân tích Truyện Kiều của Nguyễn Du về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật

 

I. Dàn ý phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du (Chuẩn)


1. Mở bài

Giới thiệu về tác giả và tác phẩm

2. Thân bài

* Giá trị nội dung:
- Giá trị hiện thực: Phản ánh bức tranh xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, xã hội kim tiền chà đạp lên quyền sống con người, đặc biệt là người phụ nữ.
- Giá trị nhân đạo:
+ Tiếng nói lên án, tố cáo những thế lực xấu xa chà đạp con người...(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du tại đây

 

II. Bài văn mẫu Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du (Chuẩn)

Văn mẫu phân tích Truyện Kiều về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật

 

Phạm Quỳnh đã từng khẳng định: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn". Từ trước đến nay, Truyện Kiều của Nguyễn Du được đánh giá là kiệt tác văn chương của dân tộc. Thật vậy, để làm nên giá trị đó là những đóng góp, sáng tạo mới mẻ của Nguyễn Du về cả nội dung và hình thức nghệ thuật.

Trước tiên, dù sáng tác dựa trên cốt truyện của tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm tài nhân) song Nguyễn Du đã sáng tạo nên một tác phẩm mới với những sáng tạo về giá trị nội dung. Truyện Kiều mang giá trị hiện thực phản ánh bức tranh xã hội phong kiến Việt Nam bất công, tàn bạo và xã hội kim tiền chà đạp lên quyền sống con người, đặc biệt là người phụ nữ. Đó là lời tố cáo các thế lực đen tối như sai nha, quan xử kiện, ... ích kỉ, tham lam, coi rẻ sinh mạng, phẩm giá con người. Tác phẩm còn cho thấy những tác động tiêu cực của đồng tiền: đó là những lời ngon ngọt "Có ba trăm lạng việc này mới xuôi", là những lần lừa gạt Thúy Kiều vào lầu xanh của Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh,... Tất cả chung quy lại cũng vì đồng tiền làm tha hóa nhân cách của con người.

Không chỉ dừng lại ở giá trị hiện thực rộng lớn, tác phẩm còn mang những giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc. Truyện Kiều là tiếng nói lên án, tố cáo những thế lực xấu xa chà đạp con người như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh,... Tác phẩm còn thể hiện tiếng nói thương cảm, xót xa của Nguyễn Du trước số phận bi kịch của con người: "Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về", để rồi sau này ông thốt lên: Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung". Thúy Kiều là người con gái tài sắc nhưng số phận lại vô cùng éo le, lấy chữ hiếu làm đầu để rồi sau bao nhiêu trắc trở, nàng lại cô đơn vò võ một mình. Càng xót xa bao nhiêu, nhà thơ lại càng khẳng định, đề cao tài năng, nhân phẩm và những khát vọng chân chính của con người: khát vọng về quyền sống, quyền tự do, công lý, khát vọng tình yêu, hạnh phúc. Mối tình Kim Kiều vượt lên trên lễ giáo phong kiến cùng thái độ chủ động của người con gái khi yêu: "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" thể hiện khát vọng tình yêu của con người cùng hình ảnh người anh hùng Từ Hải ẩn chứa ước mơ của tác giả về một xã hội công bằng,... Bởi những giá trị hiện thực và nhân đạo cao cả đó, Mộng Liên Đường chủ nhân đã từng ca ngợi Nguyễn Du là người "có con mắt nhìn xuyên sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời".

Không chỉ có những đặc sắc về nội dung mà Truyện Kiều còn mang những nét sáng tạo vô cùng độc đáo về nghệ thuật. Tác phẩm là sự kết tinh các thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại. Về thể loại, tác phẩm được viết dưới hình thức một truyện thơ Nôm với thể thơ lục bát truyền thống quen thuộc. Về ngôn ngữ, tác phẩm được viết bằng chữ Nôm có vận dụng kết hợp linh hoạt với các ca dao, thành ngữ quen thuộc. Nghệ thuật trong Truyện Kiều đã có bước phát triển vượt bậc: Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách, miêu tả tâm lí nhân vật. Trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, nhà thơ có sự kết hợp giữa ngôn ngữ độc thoại để miêu tả nội tâm và ngôn ngữ đối thoại để thể hiện tính cách, hoàn cảnh nhân vật. Với các nhân vật chính diện, Nguyễn Du sử dụng ngòi bút ước lệ, ẩn dụ tượng trưng quen thuộc trong thơ trung đại; với các nhân vật phản diện, nhà thơ thường sử dụng ngôn từ bình dân tả thực. Bên cạnh đó, ông còn có những đặc sắc nghệ thuật khi tả cảnh với bút pháp tả cảnh ngụ tình sinh động, giúp nhân vật thể hiện cảm xúc, tâm trạng của mình một cách gián tiếp. Tất cả đã làm nên một "Truyện Kiều" với những sáng tạo mới mẻ về hình thức thể hiện.

Với những đóng góp to lớn cả về nội dung và nghệ thuật, Truyện Kiều xứng đáng được coi là kiệt tác văn học của dân tộc. Thời gian cứ thế trôi và những gì là thơ, là văn, là tuyệt tác thì luôn còn mãi. Và "Truyện Kiều" cũng vậy...

-------------------HẾT-------------------

Truyện Kiều được coi là kiệt tác trong nền văn học trung đại Việt Nam. Để thấy được giá trị của tác phẩm, bên cạnh bài Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, các em có thể tham khảo thêm: Thuyết minh về tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều, Phân tích hình ảnh thiên nhiên trong truyện Kiều, Nghệ thuật miêu tả nhân vật trong Truyện Kiều, Vẻ đẹp ngôn từ trong truyện Kiều.

Truyện Kiều là đại kiệt tác của văn học trung đại Việt Nam. Để hiểu một cách cụ thể nhất về giá trị của tác phẩm, các bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài phân tích Truyện Kiều của Nguyễn Du dưới đây nhé!
Dàn ý phân tích sáu câu thơ cuối trong đoạn trích Cảnh ngày xuân
Phân tích giá trị nghệ thuật của bài thơ Con cò
Việt Bắc thể hiện rất đậm đà tính dân tộc trong nghệ thuật thơ Tố Hữu
Những giá trị về nội dung và nghệ thuật trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa
Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật đặc sắc truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh
Dàn ý phân tích và bình giá trị chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm đàn ghi ta của Lorca

ĐỌC NHIỀU