Đề bài: Phân tích đoạn thơ sau: Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác... Mà sao nghe nhói ở trong tim
Bài làm:
Đã gần 50 năm trôi qua kể từ khi Bác kính yêu rời xa nhân dân Việt Nam về với cõi vĩnh hằng. Sự kiện đau đớn ấy đã để lại trong lòng mỗi người con, người dân Việt Nam một nỗi xót xa, một niềm tiếc nuối vô cùng sâu sắc. Nỗi đau ấy được nhiều nhà thơ nhà văn đưa vào trong thơ văn của mình và trở thành những tác phẩm xuất sắc ghi dấu trong lòng người đọc bao thế hệ. Ví như Tố Hữu có bài Bác ơi, thì Viễn Phương - một người con Việt Nam cũng có bài thơ Viếng lăng Bác để lại nhiều cảm xúc trong lòng độc giả. Mỗi lần đọc Viếng lăng Bác, tôi thường đọc đi đọc lại rất nhiều lần, bởi những hình ảnh về Bác quá đỗi đẹp đẽ và thiêng liêng.
"Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng."
Viễn Phương tự xưng mình là "con", một từ rất đỗi thân thuộc, đối với Bác như là chính những người thân yêu ruột thịt trong gia đình, đó là thứ tình cảm ấm áp và thân thương biết nhường nào. Từ xa, tác giả đã thấy mờ mịt từ trong lớp sương dày ban sớm, một "hàng tre bát ngát", ôi một hình ảnh thân thuộc và dân dã vô cùng! Tre xanh đã làm bạn với người dân Việt Nam từ bao đời nay, một ngôi làng lúc nào cũng thấy hiện diện bụi tre rậm rạp xanh tốt, như là để canh giữ, để làm mốc làm dấu cho dân làng biết mà về. Tre cũng hăng hái tham gia chiến đấu, trong suốt những năm tháng kháng chiến của nhân dân ta, rồi tre còn làm đủ thứ khác, tre dựng nhà, tre làm đồ gia dụng,... Đâu cũng có mặt tre cả. "Ôi, hàng tre xanh xanh Việt Nam", có lẽ tre đã trở thành một biểu tượng của Việt Nam, hàng tre ấy xanh mướt tràn đầy sức sống, dẻo dai, bền bỉ như chính con người Việt Nam vậy. Dù có "bão táp, mưa sa", trải bao mưa gió, bao kẻ thù xâm lược, nhân dân Việt Nam ta vẫn ngoan cường chiến đấu, vẫn đoàn kết chặt chẽ tựa như hàng tre kia vậy, chẳng một sức mạnh nào có thể đánh ngã. Hàng tre trước lăng Bác ấy, tựa như những người con Việt Nam đang dang rộng đôi tay, canh gác cho Bác được giấc ngủ bình yên.
"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân..."
Hình ảnh tả thực "Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng" đối với hình ảnh ẩn dụ "Có một mặt trời trong lăng rất đỏ". Là tấm lòng của Viễn Phương đối Bác, Bác sánh ngang với mặt trời, thậm chí so với mặt trời ngoài vũ trụ thì mặt trời là Bác còn có phần đỏ hơn, rực rỡ hơn. Điều đó đã thể hiện tầm vóc vĩ đại của Bác sánh ngang và trường cửu cùng vũ trụ to lớn ngoài kia. Hình ảnh ngày "Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ", vừa mang nghĩa tả thực thực về dòng người thăm viếng, vừa có ý thể hiện tình cảm thương xót của nhân dân Việt Nam, tựa như dòng người kia, nó dàn trải "ngày ngày" và không bao giờ đứt đoạn. Đó là một sợi dây tình cảm rất đỗi trân quý và thiêng liêng biết mấy. Những tình cảm trân quý ấy, tựa như những đóa hoa đẹp đẽ kết thành tràng, đem dâng lên lên vị cha già kính yêu với một tấm lòng thành kính nhất, bởi Người đã hi sinh cả 79 năm thanh xuân cuộc đời cho Tổ quốc, cho nhân dân. Người có giữ riêng cho mình điều gì đâu, trong Di chúc, Người cũng chỉ băn khoăn một nỗi niềm về đất nước, về nhân dân. Mong mỏi cuối cùng của Người trước lúc ra đi khiến ai cũng trào nước mắt, Người muốn mang theo chút tình quê hương về cõi vĩnh hằng bằng những câu hò Nghệ-Tĩnh, bằng điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh ngọt ngào. Đau đớn lắm!
"Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim."
Viễn Phương nén nỗi đau trong, nhìn ngắm Bác bằng một niềm cảm xúc hết sức trìu mến và thân thương, đôi lúc ta còn cảm thấy đó là ánh mắt rất đỗi trân trọng mà xót thương. Bác nằm dưới lớp kính dày trong suốt, sáng long lanh. Nhìn Bác tươi tắn, tưởng như chỉ là đang ngủ một giấc ngủ thật dài, đầu kê gối, hai tay chắp vào nhau để trước bụng, nhìn thật "bình yên" đến lạ. Trong lăng dĩ nhiên chẳng thể có vầng trăng nào, nhưng dưới ánh đèn vàng, tưởng như ánh trăng nhàn nhạt đang phủ lên di thể của vị lãnh tụ kính yêu. Đó là sự trân trọng của Viễn Phương đối với Bác, Bác mang tầm vóc to lớn, vĩ đại nhường nào để khi vào giấc ngủ ngàn thu thì trăng dường như cũng đang nâng niu cho Người được giấc ngủ bình yên và thiêng liêng vĩnh viễn như thế. Hình ảnh "vầng trăng sáng dịu hiền" thật đẹp, chứa đầy sự trân trọng và kính yêu của người con miền Nam dành cho vị Cha già dân tộc. Câu thơ "Vẫn biết trời xanh là mãi mãi" khơi gợi lại bao cảm xúc trong lòng tác giả, "trời xanh" vừa có nghĩa thực là trời xanh ngoài vũ trụ bao la kia, "trời xanh" cũng lại phiếm chỉ vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Hồ Chí Minh. Trong lòng Viễn Phương và hàng triệu người dân Việt Nam, Bác tựa như trời cao, còn mãi mãi với thời gian, vẫn ngự trị trong trái tim nhân dân, trái tim Tổ quốc.
Bác mang một sức sống vĩ đại, đó là sức sống của những giá trị tinh thần cao đẹp, phong cách sống tuyệt vời cùng những đóng góp to lớn cho nền cách mạng Việt Nam trong suốt mấy mươi năm cuộc đời. Đó là những hi sinh to lớn, không ai có thể phủ nhận, Bác tưa một người cha đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cho con dân cơm ăn áo mặc, tự do, hạnh phúc thật quý giá. Mặc dù vững lòng với niềm tin là Bác sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam, tồn tồn tại vĩnh cửu sánh ngang với vũ trụ nhưng Viễn Phương cũng chẳng thể ngăn nổi nỗi đau đớn trong lòng vì một sự thật rằng Bác đã vĩnh viễn đi vào giấc ngủ ngàn thu, từ đây chẳng còn có thể nghe Bác trò chuyện, thấy Bác cười, thấy Bác làm việc như trước nữa. Bác mãi mãi dừng bước ở tuổi 79, sao thời gian tàn nhẫn, cướp đi của dân tộc Việt Nam người cha già vĩ đại, đó là nỗi đau vĩnh viễn nằm trong tim. Câu thơ "Mà sao nghe nhói ở trong tim", khiến người ta phải trào nước mắt và tưởng như trái tim bị một mũi kim châm, đau nhói, đau tận tâm can. Nỗi đau của một người con từ miền Nam xa xôi ra thăm Bác, mà chỉ được thấy Bác chìm sâu trong giấc ngủ ngàn thu, là nỗi tiếc thương và xót xa tận cùng. Đó vĩnh viễn là nỗi đau không thể nào xóa nhòa trong tim mỗi người dân Việt Nam.
Có thể chẳng có sự mất mát nào to lớn bằng sự ra đi của Bác. Tố Hữu đã viết thế này trong ngày Bác ra đi "Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa/Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa". Để thấy rằng Bác ra đi vào cõi vĩnh hằng là sự mất mát và đau thương lớn cho dân tộc. Nhưng dù thế, những giá trị đạo đức, tư tưởng và phong cách sống của Bác vẫn tồn tại mãi với thời gian, là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ thanh niên noi theo. Đặc biệt hình ảnh Bác sẽ mãi còn in sâu trong lòng những người con Việt Nam.