I. Dàn ý
1. Mở đầu:
- Giới thiệu vấn đề: hình ảnh người lính (Dẫn dắt từ văn bản Đồng dao mùa xuân/Gặp lá cơm nếp).
2. Nội dung chính: Suy nghĩ của bản thân về hình ảnh người lính:
- Là những người sinh ra từ nhân dân, chiến đấu vì nhân dân và Tổ quốc.
- Người lính trong thời chiến và thời bình.
3. Kết thúc:
- Khái quát lại về hình ảnh người lính.
II. Bài nói mẫu: Trình bày suy nghĩ về hình ảnh người lính
Xin chào cô và các bạn. Em là Diễm My. Trong tiết Nói và nghe hôm nay, em xin trình bày suy nghĩ của bản thân về hình ảnh người lính.
Sau khi học xong tác phẩm “Gặp lá cơm nếp” của nhà thơ Thanh Thảo, em cảm thấy vô cùng biết ơn công lao to lớn của những người lính bộ đội cụ Hồ - thế hệ làm nên Việt Nam anh hùng, kiên trung và bất khuất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hơn một lần khẳng định: “Bộ đội ta là bộ đội nhân dân, bộ đội cách mạng, có truyền thống anh dũng, khắc khổ, kiên nhẫn, cần kiệm, chất phác, việc khó khăn nguy hiểm mấy cũng không sợ, nhất định làm cho kỳ được”. Tiếp thu lời dạy quý giá của Người, dù ở giai đoạn nào, người lính đã và đang thực hiện tốt các công việc và nhiệm vụ được giao.
Trong thời chiến, những người lính tuổi còn đôi mươi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc mà hăng hái lên đường đi vào tiền tuyến. Đứng trong hàng ngũ, họ hăng say học tập và rèn luyện, mong muốn được cống hiến hết sức mình. Ta không thể nào quên hình ảnh người anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hay còn là mười cô gái ngã ba Đồng Lộc và vô vàn người chiến sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Có thể nói, những người lính thế kỉ XX đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, anh hùng vì độc lập dân tộc. Họ đã hy sinh xương máu, tuổi xuân của mình để làm nên mùa xuân tươi đẹp cho đất nước. Công lao to lớn ấy sẽ được nhân dân đời đời khắc ghi.
Trong thời bình, những người lính vẫn đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hòa bình đất nước. Nơi biển đảo xa xôi, các chiến sĩ hải quân vừa canh gác gìn giữ lãnh thổ trên biển, vừa giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân đánh cá xa bờ. Nơi biên giới hẻo lánh, rất nhiều chiến sĩ biên phòng đã và đang chiến đấu chống lại các tệ nạn: buôn lậu, buôn người, thuốc phiện, ma túy,…
Như vậy, hình ảnh người lính ở bất kì giai đoạn nào cũng được nhân dân yêu mến và ngưỡng mộ bởi những công lao, đóng góp của họ trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước. Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã theo dõi, lắng nghe.
I. Dàn ý
1. Mở đầu:
- Giới thiệu vấn đề: tình yêu đất nước (Dẫn dắt từ văn bản Đồng dao mùa xuân/Gặp lá cơm nếp).
2. Nội dung chính: Suy nghĩ về tình yêu đất nước:
- Tình yêu đất nước là gì?
- Biểu hiện của tình yêu đất nước.
- Mỗi người cần làm gì để thể hiện tình yêu với đất nước.
3. Kết thúc:
- Khái quát lại về tình yêu đất nước.
II. Bài nói mẫu: Trình bày suy nghĩ về tình yêu đất nước
Em chào cô và các bạn lớp 7D. Hôm nay, em xin trình bày suy nghĩ của mình về tình yêu đất nước.
Bác Hồ đã từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta.”. Có thể nói, tình yêu nước luôn thường trực trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Đặc biệt, sau khi học xong tác phẩm “Đồng dao mùa xuân” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, em cảm thấy câu nói của Người đúng hơn bao giờ hết.
Trước hết, các bạn hiểu như thế nào là tình yêu đất nước? Theo mình, tình yêu đất nước là tình cảm chân thành, thân thiết của mỗi người dân với nơi họ sinh ra, lớn lên. Tình yêu đất nước thường được thể hiện thông qua suy nghĩ, lời nói và hành động.
Trong thời chiến, tình yêu đất nước càng thêm sục sôi và nóng bỏng. Chúng ta không thể nào quên hình ảnh những người lính vững vàng tay súng, dũng cảm chiến đấu để mang đến mùa xuân độc lập cho Tổ quốc. Bên cạnh đó, nhân dân cả nước cũng hăng hái lao động, vừa xây dựng đất nước, vừa là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Tất cả những hành động trên là minh chứng rõ ràng nhất cho tấm lòng yêu nước thủy chung, son sắt.
Trong thời bình, tình yêu đất nước được thể hiện qua hành động dựng xây, phát triển quê hương, nước nhà. Nhiều cá nhân, tập thể đã và đang khởi nghiệp, tạo dựng công ty, thương hiệu Việt. Hay một số bạn trẻ thì ra sức khôi phục lại truyền thống văn hóa của cha ông: kiến trúc, phong tục tập quán, trang phục cổ,…
Như vậy, tình yêu nước xuất phát từ những hành động giản đơn và thiết thực. Do đó, chúng ta – những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cần chăm chỉ học hành, bồi dưỡng đạo đức để đưa đất nước phát triển cùng năm châu bốn bể. Mỗi người nên tỉnh táo lên án, phê phán các hành vi, nhận thức lệch lạc về Tổ quốc. Thay vào đó, hãy cùng nhau đoàn kết, chung ta dựng xây Việt Nam tươi đẹp.
Bài trình bày của em đến đây là kết thúc. Em xin cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.
I. Dàn ý
1. Mở đầu:
- Giới thiệu vấn đề: lòng biết ơn đối với những người cống hiến thầm lặng cho quê hương đất nước (Dẫn dắt từ văn bản Đồng dao mùa xuân/Gặp lá cơm nếp).
2. Nội dung chính: Suy nghĩ của bản thân về lòng biết ơn đối với những người đang cống hiến thầm lặng cho xã hội:
- Lòng biết ơn là gì?
- Biểu hiện của lòng biết ơn với những người đang cống hiến thầm lặng cho xã hội.
3. Kết thúc:
- Khẳng định vấn đề.
II. Bài nói mẫu: Trình bày suy nghĩ về lòng biết ơn đối với những người đang cống hiến thầm lặng cho xã hội
Xin chào cô và các bạn. Em tên là Mai Hương. Hôm nay, trong tiết Nói và nghe, em xin chia sẻ suy nghĩ của mình về lòng biết ơn đối với những người đang cống hiến thầm lặng cho xã hội.
Từ xa xưa, ông cha ta đã răn dạy “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”. Đây là những đạo lí tốt đẹp mà người xưa muốn gửi gắm về lòng biết ơn. Sau tiết học “Đồng dao mùa xuân”, em cũng như tất cả các bạn ngồi dưới đây đều thổn thức trong mình sự biết ơn, tri ân với các cá nhân đang ngày ngày cống hiến cho đất nước.
Trước hết, lòng biết ơn là khắc ghi công lao mà người khác mang đến cho mình. Lòng biết ơn còn là cầu nối gắn kết người với người thêm gần gũi, gắn bó. Có thể nói, lòng biết ơn giúp mỗi chúng ta trở nên hoàn thiện về nhân cách, tư tưởng sống. Từ đây, xã hội sẽ trở nên tươi đẹp, văn minh hơn.
Ngày nay, chúng ta vẫn luôn ghi nhớ công ơn của những người cống hiến thầm lặng cho đất nước. Hàng năm, các địa phương trên cả nước thường tổ chức tu bổ, dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ để bày tỏ tấm lòng biết ơn, tưởng nhớ tới người lính bộ đội cụ Hồ. Không chỉ vậy, hình ảnh những thầy cô giáo vượt khó, bám núi, bám trường, tìm mọi cách đưa trẻ em vùng cao đến lớp làm ta thêm kính phục và yêu mến. Hay chân dung các chiến sĩ hải quân, biên phòng, ngày ngày canh gác biên giới Tổ quốc sẽ luôn in sâu trong tâm trí mỗi con người Việt Nam.
Bên cạnh những người sống biết ơn thì còn đó một vài cá nhân sống lạnh lùng, vô cảm, chỉ biết nhận mà không biết cho đi. Họ sẵn sàng phủi bỏ quan hệ, “đổi trắng thay đen”, coi việc người khác giúp đỡ mình là lẽ đương nhiên. Số khác thì ngoảnh mặt làm ngơ trước khó khăn, vất vả của những số phận bất hạnh. Như vậy, tất cả việc làm trên cần lên án và loại bỏ ngay từ bây giờ.
Để bồi dưỡng cho mình lòng biết ơn, mỗi người cần nhận thức đúng đắn “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.”. Hãy học cách bao dung và chia sẻ với mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, chúng ta nên yêu thương, vị tha nhiều hơn nữa.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã theo dõi, lắng nghe.
I. Dàn ý
1. Mở đầu:
- Giới thiệu vấn đề: sự hòa quyện giữa tình yêu gia đình và tình yêu quê hương (Dẫn dắt từ văn bản Đồng dao mùa xuân/Gặp lá cơm nếp).
2. Nội dung chính: Suy nghĩ của bản thân về vấn đề sự hòa quyện giữa tình yêu gia đình và tình yêu quê hương:
- Biểu hiện của sự hòa quyện giữa tình yêu gia đình và tình yêu quê hương.
- Ý nghĩa của sự hòa quyện giữa tình yêu gia đình và tình yêu quê hương.
3. Kết thúc:
- Khẳng định vấn đề.
II. Bài nói mẫu: Trình bày suy nghĩ về sự hòa quyện giữa tình yêu gia đình với tình yêu quê hương
Xin chào cô và các bạn. Em tên là Trung Kiên. Hôm bay, em sẽ trình bày suy nghĩ của bản thân về sự hòa quyện giữa tình yêu gia đình với tình yêu đất nước.
Sau khi học xong bài thơ “Gặp lá cơm nếp” – Thanh Thảo, các bạn ấn tượng với điều gì nhất? Còn mình, mình ấn tượng về sự gắn kết giữa tình cảm gia đình với tình yêu đất nước, được thể hiện qua hai câu thơ “Mẹ già và đất nước/ Chia đều nỗi nhớ thương”.
Trong thời chiến, hai tình cảm này luôn song hành và gắn bó mật thiết với nhau. Đó là hình ảnh những người lính đôi mươi tạm biệt quê nhà, đi vào nơi bom đạn, khói lửa để chiến đấu vì quê hương, đất nước. Đó còn là nhân dân ở mọi tầng lớp, hăng hái lao động và học tập, vừa dựng xây kiến thiết nước nhà, vừa là hậu phương cho tiền tuyến xa xôi. Tất cả đều đồng lòng, đồng sức bảo vệ đất nước. Họ nhận ra rằng: nước còn thì nhà còn, nước mất thì nhà tan.
Trong thời bình, sự hòa quyên tình yêu gia đình và tình yêu đất nước được thể hiện từ những điều đơn sơ, giản dị nhất. Mọi người biết trân trọng tình cảm gắn bó, đoàn kết giữa các thành viên trong ngôi nhà thân yêu. Mọi người còn nâng niu vẻ đẹp quanh mình: yêu cái cây trước nhà, yêu con đường tới trường,… Có thể nói, tình yêu đất nước và tình yêu gia đình đã trở thành điểm tựa vững chắc để chúng ta thêm mạnh mẽ tiến bước về phía trước.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Em rất mong sẽ nhận được ý kiến đóng góp của cô và các bạn. Em xin chân thành cảm ơn.
.....................................................HẾT.................................................
Sau khi học xong hai tác phẩm “Đồng dao mùa xuân” và “Gặp lá cơm nếp”, em thấy ấn tượng với vấn đề nào nhất? Nội dung trên đây sẽ là nguồn tham khảo chất lượng giúp em chuẩn bị tốt nhất cho bài thuyết trình của mình. Hãy thường xuyên theo dõi Taimienphi.vn để cập nhật những bài văn mẫu hay và ý nghĩa nhé! Em có thể tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 7 khác trên Taimienphi.vn như:
- Nói và nghe: Trao đổi về một vấn đề mà em quan tâm Ngữ văn 7 Kết nối tri thức với cuộc sống
- Tóm tắt văn bản theo những yêu cầu khác nhau về độ dài Ngữ văn 7 Kết nối tri thức với cuộc sống