I. Dàn ý Thuyết trình và thảo luận về một địa chỉ văn hóa ở nơi em đang sống
1. Mở đầu: Giới thiệu khái quát về địa chỉ văn hóa đó: chùa Bổ Đà.
2. Nội dung chính:
- Khái quát một vài nét chung về chùa:
+ Vị trí: nằm tại xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
+ Lịch sử: theo tương truyền, chùa có từ thời nhà Lý (thế kỉ XI).
- Trình bày những đặc điểm nổi bật của chùa: kiến trúc, di sản,...
+ Chùa có kiến trúc độc đáo "nội thông ngoại bế", được tạo bởi các hạng mục: chùa Tứ Ân, vườn tháp, am Tam Đức, chùa Cao, ao Miếu.
+ Chùa có bộ mộc bản cổ - một bảo vật quốc gia.
- Trình bày những ý nghĩa của lễ hội chùa Bổ Đà với đời sống, con người:
+ Là nơi con người thể hiện lòng thành kính với Đức Phật.
+ Là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
+ Là địa điểm để người dân tới vãn cảnh, tận hưởng không khí bình yên và cầu bình an cho gia đình.
3. Kết thúc: Khẳng định vai trò quan trọng của địa chỉ văn hóa đó.
II. Bài nói tham khảo thuyết trình về một địa chỉ văn hóa ở nơi em đang sống
Xin chào cô và các bạn. Em là Huyền My. Trong tiết học ngày hôm nay, em xin được thuyết trình về một địa chỉ văn hóa tại nơi em đang sinh sống. Nơi mà em muốn giới thiệu chính là chùa Bổ Đà.
Nhắc tới mảnh đất bên bờ sông Cầu - huyện Việt Yên, ai cũng sẽ nghĩ tới Di tích chùa Bổ Đà - một ngôi chùa cổ kính, linh thiêng. Theo tương truyền, chùa có từ thời nhà Lý (thế kỉ XI). Chùa tọa lạc tại xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Có thể nói, chùa Bổ Đà là một ngôi chùa tiêu biểu khi vẫn giữ được những nét kiến trúc truyền thống cổ xưa. Khác với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc nước ta, chùa Bổ Đà được xây dựng theo lối kiến trúc "nội thông ngoại bế".
Chùa Bổ Đà có năm hạng mục: chùa Tứ n, vườn tháp, am Tam Đức, chùa Cao, ao Miếu. Đầu tiên, chùa chính Tứ n được coi là khu nội tự, xây dựng ở thời vua Lê Hiển Tông. Tên gọi của chùa mang hàm nghĩa răn dạy các tăng môn phật tử phải biết báo đáp bốn (tứ) ơn (ân): ân trời đất, ân đất nước, ân thầy và ân cha mẹ. Tiếp đến là am Tam Đức. Đặt tên am là "Tam Đức", các tổ tu mong muốn tăng ni tu hành ở đây sẽ thông tuệ ba (tam) đức tính: trí đức, đoạn đức và ân đức. Chùa Cao thì có sự khác biệt hơn so với chùa Tứ n và am Tam Đức. Nơi đây được xây dựng sớm hơn, từ thời nhà Lý. Chùa còn được người dân gọi bằng cái tên Quán m hay chùa ông Bổ. Khu ao Miếu là nơi thờ các vị thần tướng và tướng quân. Cuối cùng, vườn tháp của chùa Bổ Đà có diện tích gần 8.000 m2.
Bên cạnh nét kiến trúc cổ xưa, độc đáo, chùa còn nổi tiếng với bộ mộc bản cổ. Gần 2000 mộc bản làm bằng chất liệu gỗ thị có niên đại từ thời vua Lê vẫn được bảo quản vẹn nguyên. Tháng 12/2017, mộc bản tại chùa được nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia.
Ngày nay, lễ hội chùa Bổ Đà thường được tổ chức vào tháng hai âm lịch, mang đến không khí nhộn nhịp, vui tươi cho người dân. Bên cạnh đó, Bổ Đà đã trở thành chốn về quen thuộc của các bậc tu hành. Đây cũng là nơi mà con người thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, Đức Phật. Chùa Bổ Đà sẽ mãi là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Mong rằng, nếu có thời gian rảnh rỗi, cô và các bạn hãy tới ghé thăm chùa Bổ Đà để có thể tự mình khám phá nét đẹp nơi đây.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
I. Dàn ý Thuyết trình về lễ hội Đền Hùng hoặc lễ hội Ka-tê (Ninh Thuận)
1. Mở đầu: Giới thiệu khái quát về lễ hội Đền Hùng.
2. Nội dung chính:
- Trình bày những đặc điểm nổi bật của lễ hội:
+ Thời gian: diễn ra từ ngày 1 - 10/3 âm lịch.
+ Phần lễ: thờ cúng tổ tiên, lễ dâng hương diễn ra tại đền Thượng.
+ Phần hội: có nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: rước kiệu truyền thống, tổ chức Hát Xoan, đánh trống đồng,...
- Trình bày những ý nghĩa của lễ hội Đền Hùng:
+ Lễ hội mang những giá trị văn hóa tâm linh của dân tộc.
+ Nhắc nhở mỗi người dân về cội nguồn lịch sử dân tộc.
3. Kết thúc: Khẳng định lại giá trị văn hóa của lễ hội Đền Hùng.
II. Bài nói tham khảo Thuyết trình về lễ hội Đền Hùng hoặc lễ hội Ka-tê (Ninh Thuận)
Chào cô và các bạn. Tên em là Thục Anh. Hôm nay, em xin được thuyết trình về lễ hội Đền Hùng.
Từ xa xưa, ông cha ta đã có câu "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba". Mỗi dịp 10/3 âm lịch hàng năm, nhân dân ta đều hướng về mảnh đất linh thiêng Phú Thọ. Lễ hội Đền Hùng bắt đầu diễn ra từ ngày mùng một đến ngày mùng mười tháng ba âm lịch. Trong đó, việc tế lễ được tổ chức vô cùng trọng thể vào ngày 10/3. Khi đó, đại diện cơ quan Chính phủ nhà nước sẽ bắt đầu lễ dâng hương tại đền Thượng. Các đền thờ khác cũng được người dân tới thăm và dâng hương lễ. Thường thường, đồ tế lễ sẽ bao gồm mâm ngũ quả cùng bánh chưng, bánh giầy. Truyền thống này đã được lưu truyền từ rất lâu, nhằm nhắc lại "Sự tích bánh chưng, bánh giầy", đồng thời tỏ lòng biết ơn tới các vị vua Hùng.
Lễ hội Đền Hùng còn có phần hội hết sức đặc sắc. Rất nhiều hoạt động văn hóa dân gian được tổ chức trong khoảng thời gian lễ hội diễn ra. Bạn có thể bắt gặp những đoàn người mặc trang phục cổ và rước kiệu truyền thống. Hoặc bạn có thể ghé thăm không gian tổ chức hát Xoan, đánh trống đồng, thi giã bánh giầy, thi gói bánh chưng,...
Có thể nói, lễ hội Đền Hùng chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc. Lễ hội nhắc nhở chúng ta về cội nguồn lịch sử tốt đẹp của dân tộc. Mong rằng, là một người con đất Việt, mỗi người cần tự ý thức về trách nhiệm bản thân trong việc tiếp nối, lưu truyền những truyền thống quý báu như vậy.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.
I. Dàn ý thuyết trình về Di tích lịch sử văn hóa Hoàng Thành Thăng Long
1. Mở đầu: Giới thiệu khái quát về Di tích lịch sử văn hóa Hoàng Thành Thăng Long.
2. Nội dung chính:
- Trình bày những đặc điểm nổi bật của Di tích:
+ Có các khu di tích tiêu biểu: cột cờ Hà Nội, cửa Bắc, di tích khảo cổ, điện Kính Thiên, Đoan Môn, Hậu Lâu, nhà Cách mạng D67.
- Trình bày những ý nghĩa của Di tích:
+ Là nơi lưu lại các dấu vết kiến trúc cùng hàng triệu hiện vật quý giá của các thời kì.
+ Nhắc nhở chúng ta về lịch sử phát triển của kinh thành Thăng Long xưa.
3. Kết thúc: Khẳng định vai trò quan trọng của Di tích.
II. Bài nói tham khảo Thuyết trình về Di tích lịch sử văn hóa Hoàng Thành Thăng Long
Xin chào cô và các bạn. Em là Minh Tú. Trong tiết học ngày hôm nay, em xin được thuyết trình về Di tích lịch sử văn hóa Hoàng Thành Thăng Long.
Như mọi người đã biết, xưa kia, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La. Trong "Chiếu dời đô", nhà vua đã khẳng định nơi đây là "khu vực giữa trời đất, có được thế rồng cuộn, hổ ngồi". Chính vì thế, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, hầu hết các triều đại đều chọn Thăng Long làm kinh đô.
Bên trong Hoàng Thành gồm các khu di tích nhỏ hơn như cột cờ Hà Nội, cửa Bắc, di tích khảo cổ, điện Kính Thiên, Đoan Môn, Hậu Lâu, nhà Cách mạng D67. Các di tích cột cờ Hà Nội, cửa Bắc, di tích khảo cổ, điện Kính Thiên, Đoan Môn, Hậu Lâu đều mang đậm kiến trúc độc đáo, tiêu biểu của thời kì phong kiến. Đặc biệt, nhà Cách mạng D67 nằm ở vị trí hầm ngầm, dưới lòng đất. Đây chính là nơi Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương họp bàn để đưa ra những chiến lược, quyết sách mang tính lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.
Ngày nay, khu Di tích lịch sử văn hóa Hoàng Thành Thăng Long không còn vẹn nguyên như Cố đô Huế. Thế nhưng, nơi đây đã để lại rất nhiều giá trị lịch sử, văn hóa to lớn của cả một dân tộc. Vào tháng 12 năm 2022, các chuyên gia đã tiến hành khai quật khu di tích này. Diện tích khai quật rơi vào khoảng 19.000m2. Sau một khoảng thời gian, các chuyên gia đã phát hiện ra rất nhiều dấu vết cùng hàng triệu hiện vật của từng thời kì. Đây là những minh chứng rõ ràng, xác đáng cho sự phát triển rực rỡ ở kinh thành Thăng Long. Từ đây, chúng ta càng thêm tự hào về lịch sử của cha ông, dân tộc.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe, theo dõi.
--------------------------HẾT-------------------------
Khi thuyết trình về một địa chỉ văn hóa, em cần trình bày rõ ràng những đặc điểm nổi bật ở nơi đó. Taimienphi.vn luôn thường xuyên cập nhật các bài văn mẫu lớp 10 chất lượng nhằm phục vụ việc học môn Ngữ văn 10 của em:
- Viết bài luận về bản thân
- Viết bài luận thuyết phục người bạn từ bỏ một thói quen xấu