a. Mở đầu: nêu ra vấn đề cần thảo luận.
b. Nội dung chính:
- Nêu ý kiến của bản thân: đồng tình với vấn đề được đưa ra.
- Lần lượt trình bày các ý kiến để làm sáng tỏ quan điểm của bản thân:
+ Giải thích: thuốc kháng sinh là gì?
+ Nêu thực trạng việc lạm dụng thuốc kháng sinh hiện nay.
+ Trình bày hậu quả của việc lạm dụng thuốc kháng sinh.
+ Đề xuất một số giải pháp khắc phục tình trạng này.
c. Kết luận: khái quát, khẳng định vấn đề.
Em chào cô và các bạn. Em là Khánh Huyền. Trong buổi thảo luận ngày hôm nay, em xin trình bày những suy nghĩ, quan điểm của mình về vấn đề "Có người quan niệm không nên lạm dụng thuốc kháng sinh, nhưng nhiều người lại cho rằng: khi ốm đau, tốt nhất là dùng kháng sinh cho nhanh khỏi bệnh". Mời cô cùng mọi người theo dõi, lắng nghe.
Những năm vừa qua, toàn thế giới lao đao khi dịch Covid-19 bùng nổ. Gần đây, các dịch bệnh khác như đậu mùa khỉ, cúm cũng đã xuất hiện tại nhiều nơi. Đứng trước tình hình ấy, mọi người không khỏi lo lắng, sợ hãi. Có người thường xuyên bồi bổ bằng các thực phẩm tốt cho sức khỏe như: rau củ, trái cây, vitamin tổng hợp. Nhưng một vài cá nhân lại chủ quan, nghĩ rằng có bệnh thì dùng thuốc. Các bạn nghĩ sao về điều này? Các bạn có hiểu nghĩa của cụm từ "thuốc kháng sinh" hay không?
Theo quan điểm cá nhân, mình không đồng tình với việc khi ốm đau, tốt nhất là dùng kháng sinh cho nhanh khỏi bệnh. "Thuốc kháng sinh là những chất kháng khuẩn (antibacterial substances) tạo ra bởi các chủng vi sinh vật (nấm, vi khuẩn, Actinomycetes) có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi sinh vật khác". Nghe giải thích, một số bạn nghĩ rằng thuốc có tác dụng trong việc ức chế mầm bệnh như vậy thì tại sao lại không nên lạm dụng. Để các bạn có thể hiểu rõ hơn, mình sẽ đưa ra những ý kiến sau:
Trước hết, các bạn phải hiểu nghĩa của từ "lạm dụng". Đó là việc chúng ta sử dụng quá một mức độ, giới hạn đã được quy định. Vậy nên, thuốc kháng sinh không thể tùy ý sử dụng khi chưa có sự kê đơn của các bác sĩ chuyên môn.
Hiện nay, rất nhiều người dân ốm đau thường lựa chọn giải pháp ra nhà thuốc mua thuốc về uống thay vì trực tiếp đi khám bệnh. Như vậy, sự thiếu hiểu biết đã dẫn đến nhiều tác hại, làm con người "tiền mất tật mang". Thứ nhất, khi dùng quá liều trong thời gian dài, chúng ta dễ dàng bị "nhờn thuốc" hay còn gọi là kháng kháng sinh - vi khuẩn có khả năng kháng lại thuốc. Thứ hai, sử dụng thường xuyên còn tăng nguy cơ bị ngộ độc. Tiếp đến, thuốc kháng sinh cũng có thể gây nên phản ứng dị ứng, đặc biệt là ở trẻ em.
Từ đây, mong rằng mỗi người sẽ có nhận thức đúng đắn hơn trong việc sử dụng thuốc kháng sinh. Khi thấy dấu hiệu có bệnh, chúng ta không được tự ý uống thuốc mà hãy đến cơ sở y tế để thăm khám. Hàng ngày, các bạn cũng nên chăm chỉ rèn luyện thể thao, ăn uống đủ chất, cân bằng dinh dưỡng để cơ thể luôn khỏe mạnh.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.
a. Mở đầu: nêu ra vấn đề cần thảo luận.
b. Nội dung chính:
- Nêu ý kiến của bản thân: đồng tình với vấn đề Thị Mầu là người lẳng lơ, xấu tính.
- Lần lượt trình bày các ý kiến để làm sáng tỏ quan điểm của bản thân:
+ Lời nói bỡn cợt, không phù hợp nơi ngưỡng cửa nhà Phật: trêu ghẹo Kính Tâm.
+ Hành động không phải phép nơi tôn nghiêm: tìm chỗ nấp, xông ra nắm tay chú tiểu và tranh việc quét sân chùa.
- Các ý kiến khác:
+ Đặt trong bối cảnh xã hội phong kiến, Thị Mầu đi ngược lại với các giá trị đạo đức tốt đẹp.
+ Đặt trong bối cảnh hiện đại, Thị Mầu có thể coi là người dám sống thực với bản thân vì đã dũng cảm theo đuổi ước muốn của bản thân. Tuy nhiên, cách bày tỏ và hành động lại không phù hợp và đứng đắn.
c. Kết luận: khái quát, khẳng định vấn đề.
Chào cô và các bạn. Em xin tự giới thiệu, em là Gia Huy. Trong tiết Nói và nghe hôm nay, em sẽ trình bày những suy nghĩ, ý kiến của mình xoay quanh vấn đề "Có ý kiến cho rằng nhân vật Thị Mầu trong đoạn trích: "Thị Mầu lên chùa" (trích chèo "Quan Âm Thị Kính") là người lẳng lơ, xấu tính. Ý kiến khác lại khẳng định Thị Mầu là người dám sống thực với mình, đáng thương hơn đáng trách".
Các bạn thân mến, nếu như Thị Kính mang vẻ hiền thục, đức hạnh thì Thị Mầu lại có sự lẳng lơ, phóng túng. Ở hai ý kiến được đưa ra phía trên, mình đồng tình với quan điểm: nhân vật Thị Mầu trong đoạn trích "Thị Mầu lên chùa" (trích chèo "Quan Âm Thị Kính") là người lẳng lơ, xấu tính.
Trước hết, sự phóng túng của nhân vật này được thể hiện trực tiếp qua lời nói bỡn cợt. Khi vừa bước vào ngưỡng của nhà Phật, Thị Mầu không hề e sợ mà trêu ghẹo Kính Tâm "Tuổi vừa đôi tám, chưa chồng đấy thầy tiểu ơi! Chưa chồng đấy nhá!". Chưa dừng lại ở đó, Mầu tiếp tục buông lời ve vãn "Người đâu mà đẹp như sao băng thế nhỉ?". Tiếp đến, bản chất lẳng lơ còn được khắc họa thông qua những hành động tìm chỗ nấp nhằm thực hiện mong ước được "nắm tận tay chú tiểu". Thị Mầu đã bỏ qua những lễ nghi phong kiến "nam nữ thụ thụ bất thân" mà làm hành động nắm tay, tranh việc quét sân. Và cuối cùng, mọi cố gắng đều không thành, Thị Mầu trực tiếp buông lời khó nghe "Mô với chả Phật".
Như vậy, thay vì thành tâm kính Phật, Thị Mầu lại có những lời lẽ, hành động thiếu tôn trọng ngay tại nơi trang nghiêm. Mầu không hề ý thức những việc làm của bản thân, bất chấp mọi lễ nghi để thỏa mãn mong muốn của bản thân. Từ đây, mình thấy nhân vật này là người lẳng lơ, xấu tính.
Tuy nhiên, các bạn ơi, chúng mình phải ghi nhớ một điều rằng đoạn trích này ra đời trong bối cảnh chế độ phong kiến. Khi đó, người phụ nữ phải tuân theo những quy phạm đạo đức cơ bản "tam tòng tứ đức", "công, dung, ngôn, hạnh". Vì thế, lời nói và hành động của Thị Mầu đã đi ngược với các chuẩn mực xã hội. Nếu đặt trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay, Thị Mầu có thể coi là người dám sống thực với bản thân vì đã dũng cảm theo đuổi ước muốn của bản thân. Tuy nhiên, mình thấy cách theo đuổi ở nhân vật này không hề phù hợp và đứng đắn.
Trên đây là bài thuyết trình của em. Cảm ơn cô và các bạn đã theo dõi, lắng nghe. Em rất mong sẽ nhận được ý kiến đóng góp, bổ sung để bài thêm hoàn chỉnh hơn nữa.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Để bài trình bày trở nên cuốn hút hơn, em có thể sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ như: hình ảnh, video,... Khi thuyết trình, hãy tự tin bày tỏ các quan điểm của mình, em nhé!
Các bài văn mẫu lớp 10 khác:
- Soạn bài Thực hành đọc: Thế giới mạng & tôi
- Theo em, nhân vật Thị Mầu là người như thế nào? Hãy viết một đoạn văn nêu lên nhận xét của mình về nhân vật này