1. Dàn ý: Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật bài thơ của Ba-sô.
a. Mở đầu:
- Giới thiệu vấn đề cần trình bày.
b. Triển khai:
- Đánh giá về nội dung: tâm trạng của con người trong cảnh chiều thu.
+ Hình ảnh trung tâm: "con quạ" gợi ra sự tang tóc, buồn bã.
+ Không gian: cành cây khô.
+ Thời gian: chiều thu.
=> Bức tranh thiên nhiên ảm đạm, thiếu sức sống.
- Đánh giá về nghệ thuật:
+ Dung lượng ngắn.
+ Hình ảnh gần gũi, quen thuộc.
+ Ngôn từ cô đọng, hàm súc.
c. Kết luận:
- Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.
2. Bài nói: Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật bài thơ của Ba-sô.
Chào cô và các bạn, em tên là Minh Hằng. Sau đây em xin phép trình bày bài Nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật một bài thơ hai-cư Nhật Bản.
Sau khi đọc và tìm hiểu ba bài thơ hai-cư được học trong văn bản "Chùm thơ hai-cư Nhật Bản", em vô cùng ấn tượng với bài thơ đầu tiên của tác giả Ba-sô. Bài thơ này thể hiện tâm trạng buồn trước cảnh chiều thu của thi sĩ. Hình ảnh trung tâm là con quạ được đặt trong không gian cành cây khô và thời gian chiều thu. Hình ảnh con quạ thường gợi ra sự tang tóc, buồn bã. Còn cành cây khô lại diễn tả được khung cảnh u ám, lụi tàn. Sự vật được đặt trong chiều thu càng khiến cho bức tranh thiên nhiên trở nên ảm đạm, thiếu sức sống.
Điều khiến em đặc biệt ấn tượng ở bài thơ chính là sự đặc sắc về mặt nghệ thuật trong tác phẩm. Bài thơ có dung lượng rất ngắn, có tất cả 8 tiếng và gói gọn trong 3 dòng. Có lẽ đây là bài thơ ngắn nhất trong tất cả những bài thơ em từng đọc. Hình ảnh thơ rất giàu sức gợi, trong sáng nhẹ nhàng nhưng đậm tính tượng trưng. Ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc, gợi cho người đọc nhiều cảm xúc, suy tưởng khác nhau. Có thể nói, bài thơ này không chỉ mang dấu ấn của nhà thơ Ba-sô nói riêng mà còn chứa đựng những nét độc đáo của thể thơ hai-cư nói chung.
Như vậy, em đã trình bày xong bài nói và nghe của mình. Em cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Em mong sẽ nhận được sự góp ý của cô và các bạn để phần thuyết trình của em ngày càng hoàn thiện hơn!
1. Dàn ý: Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật bài thơ của Chi-y-ô.
a. Mở đầu:
- Giới thiệu vấn đề cần trình bày.
b. Triển khai:
- Đánh giá về nội dung: tâm trạng bất ngờ của nhà thơ khi nhìn thấy hoa triêu nhan vương trên dây gàu bên giếng.
+ Câu cảm thán: "Ôi hoa triêu nhan" trực tiếp bày tỏ cảm xúc của nhà thơ khi đứng trước vẻ đẹp của thiên nhiên.
+ Đứng trước vẻ đẹp của hoa triêu nhan, nhân vật trữ tình quyết định "xin nước nhà bên" để sự sống được tiếp diễn.
- Đánh giá về nghệ thuật:
+ Dung lượng ngắn.
+ Hình ảnh gần gũi, quen thuộc.
+ Ngôn từ cô đọng, hàm súc.
c. Kết luận:
- Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.
2. Bài nói: Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật bài thơ của Chi-y-ô.
Trong bài nói và nghe ngày hôm nay, em xin phép được trình bày phần chuẩn bị của mình về: "Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật một bài thơ hai-cư Nhật Bản". Mời cô và các bạn cùng lắng nghe phần thuyết trình của em!
Thơ hai-cư có một vai trò quan trọng trong nền văn học Nhật Bản. Đóng góp vào thể thơ này, nhà thơ Chi-y-ô đã đem đến bài thơ viết về cảm xúc của mình khi nhìn thấy hoa triêu nhan vương trên dây gàu bên giếng. Ngay từ dòng thơ đầu tiên, tác giả đã trực tiếp bày tỏ cảm xúc của mình bằng câu cảm thán: "Ôi hoa triêu nhan!". Đó không chỉ là sự phát hiện đầy bất ngờ của nhà thơ mà bà còn muốn bày tỏ sự nâng niu, trân trọng trước vẻ đẹp của loài hoa này. Giây phút nhân vật trữ tình thấy dây gàu vương hoa bên giếng, nhân vật đã sang "xin nước nhà bên" vì không nỡ làm tổn thương sự sống, để sự sống và cái đẹp được hiện hữu, tiếp diễn.
Bài thơ có dung lượng ngắn chỉ 15 tiếng cùng hình ảnh thơ giàu sức gợi, ngôn từ cô đọng, hàm súc đã cho chúng ta thấy một tình yêu thiên nhiên đầy tinh tế và sâu sắc của Chi-y-ô. Đồng thời, để lại cho ta những suy ngẫm về việc sống hòa hợp với thiên nhiên.
Phần thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe!
1. Dàn ý: Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật bài thơ của Ít-sa.
a. Mở đầu:
- Giới thiệu vấn đề cần trình bày.
b. Triển khai:
- Đánh giá về nội dung: suy ngẫm của tác giả về hành trình chinh phục ước mơ của con người.
+ Hình ảnh trung tâm: "con ốc sên" gợi ra sự nhỏ bé, chậm chạp.
+ Hình ảnh đối lập giữa "ốc sên" và "núi Phu-gi" tượng trưng cho hình ảnh của con người đang trên đường đi đến vinh quang.
- Đánh giá về nghệ thuật:
+ Dung lượng ngắn.
+ Hình ảnh gần gũi, quen thuộc.
+ Ngôn từ cô đọng, hàm súc.
c. Kết luận:
- Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.
2. Bài nói: Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật bài thơ của Ít-sa.
"Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một bài thơ hai-cư Nhật Bản" là chủ đề chính trong bài nói và nghe ngày hôm nay. Sau đây, em xin phép được trình bày phần chuẩn bị của bản thân về vấn đề này.
Trong bài "Chùm thơ hai-cư Nhật Bản", em vô cùng ấn tượng với bài thơ của nhà thơ Ít-sa. Tác phẩm lấy hình ảnh trung tâm là con ốc sên để từ đó bày tỏ suy ngẫm của tác giả về hành trình chinh phục đỉnh cao. Hình ảnh giữa con ốc sên và ngọn núi Phu gi tạo nên sự đối lập khi một bên thì chậm chạp nhỏ bé còn bên kia thì kì vĩ, cao rộng. Con ốc chậm chạp di chuyển còn ngọn núi ở trạng thái tĩnh, đứng yên. Hình ảnh đối lập giữa con ốc và núi Phu-gi đã truyền tải thông điệp ý nghĩa: tượng trưng cho hình ảnh của con người đang trên đường đi đến vinh quang. Sự nhỏ bé của ốc sên cũng chính là những khả năng có giới hạn của con người, nhưng không vì thế mà ta từ bỏ đi ước mơ của chính mình. Dẫu có khó khăn, trở ngại như sự kì vĩ của ngọn núi Phu-gi thì ta vẫn cần phải nỗ lực, không ngừng phấn đấu.
Như cô và các bạn có thể thấy, hình ảnh thơ trong bài đều gắn liền với thế giới tự nhiên, quen thuộc gần gũi với con người, vô cùng trong sáng, nhẹ nhàng nhưng chứa đựng ý nghĩa sâu sắc. Từ ngữ thơ cô đọng, hàm súc, có khả năng khơi gợi nhiều liên tưởng cho người đọc. Nét đặc sắc về mặt nghệ thuật của bài thơ cũng là nét độc đáo của thể thơ hai-cư Nhật Bản.
Cuối cùng, phần thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe!
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Thơ hai-cư là thể thơ độc đáo của nền thơ ca Nhật Bản. Các em có thể tìm thêm một số bài thơ hai-cư khác và tiến hành chuẩn bị để trình bày ý kiến của bản thân với mọi người xung quanh.
Các bài văn mẫu lớp 10 khác:
- Phân tích bài thơ Cánh đồng
- Tự tình: Tác giả, thể thơ, nhan đề, bố cục, nội dung, nghệ thuật, dàn ý