Kể lại truyện Em Bé Thông Minh bằng lời văn của em

Đề bài: Kể lại truyện Em Bé Thông Minh bằng lời văn của em

Viết bài văn kể lại truyện Em Bé Thông Minh bằng lời văn của em
 

Nội dung:
1. Dàn ý
2. Bài văn mẫu số 1
3. Bài văn mẫu số 2

 

I. Dàn ý Kể lại truyện Em Bé Thông Minh bằng lời văn của em (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu câu chuyện.

2. Thân bài

- Diễn biến câu chuyện:
+ Nhà vua cho người đi khắp nơi để tìm người tài giúp nước
+ Đến làng nọ gặp được cậu bé thông minh
+ Cuộc đối đáp của viên quan và cậu bé
+ Viên quan đã khẳng định tìm được người tài...(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Kể lại truyện Em Bé Thông Minh bằng lời văn của em tại đây.

 

II. Bài văn mẫu Kể lại truyện Em Bé Thông Minh bằng lời văn của em
 

1. Kể lại truyện Em Bé Thông Minh bằng lời văn của em, mẫu số 1 (Chuẩn):

Có một vị vua nọ, để tìm được người tài giỏi giúp nước đã cho người đi khắp nơi để tìm kiếm. Viên quan đến nhiều vùng, đưa ra nhiều câu hỏi khó thử tài nhưng không ai giải được.

Một ngày nọ, khi dừng chân nghỉ ngơi bên cánh đồng, thấy hai cha con đang cày ruộng, viên quan bèn hỏi về số đường cày trong ngày của con trâu. Thấy cha không trả lời được, người con trai bèn nhanh trí hỏi ngược lại vị quan rằng một ngày ngựa của ông đi được bao nhiêu bước khiến vị sứ giả thua cuộc.  Biết gặp được người tài, vị quan bèn quay về bẩm báo với nhà vua.

Để thử tài cậu bé thông minh, nhà vua đã ban cho ngôi làng của cậu bé 3 thúng gạo nếp và 3 con trâu đực và yêu cầu 1 năm sau phải để cho 3 con trâu đực đẻ thành 9 con. Nhận được lệnh vua, ai nấy trong làng đều lo lắng, sợ hãi nhưng cậu bé lại nói mọi người lấy gạo, giết trâu ăn, còn một phần để cậu bé và cha làm lộ phí vào cung gặp vua. Gặp vua cậu bé đã nhanh trí chứng minh với nhà vua rằng 3 con trâu không thể đẻ.

Thấy được sự nhanh trí của cậu bé, nhà vua đưa thêm một thử thách khi ra lệnh cho cậu bé xẻ thịt một con chim sẻ để làm thành 3 mâm cỗ. Cậu bé đã không hề lo lắng mà yêu cầu nhà vua rèn cho mình cây kim thành con dao để mình xẻ thịt. Qua thử thách lần này nhà vua đã hoàn toàn tin tưởng vào tài trí của cậu bé.

Bấy giờ nước ta có giặc ngoại xâm nhăm nhe xâm lược, để thăm dò nước ta, chúng đã cho người sang thăm dò. Sứ giả của quân giặc đã đưa ra một câu hỏi hóc búa: làm sao để xâu được chỉ qua chiếc vỏ ốc. Cậu bé thông minh đã nhanh trí buộc sợi chỉ vào người con kiến càng, thoa mỡ bên kia vỏ ốc để kiến bò sang. Hoàn thành thử thách, cậu bé không chỉ khiến sứ giả quân địch tâm phục khẩu phục mà còn được nhà vua phong làm trạng nguyên.
 

2. Kể lại truyện Em Bé Thông Minh bằng lời văn của em, mẫu số 2 (Chuẩn):

Con người thông minh thì làm việc gì cũng dễ dàng vì họ nghĩ ra các phương pháp tốt và hiệu quả nhất để giải quyết những đề đó. Nếu họ có nhân cách và đạo đức tốt thì sẽ trở thành nhân tố giúp đất nước phát triển. Dân gian đã lưu truyền rất nhiều câu chuyện nói về những người như vậy, nhưng câu chuyện mà tôi ấn tượng nhất là câu chuyện "Em bé thông minh". Sau đây tôi xin kể lại.

Ngày ấy, đất nước ta đang đứng trước nguy cơ bị xâm lược, ở bên ngoài kia bọn giặc nhăm nhe xâm chiếm nước ta. Nhà vua lo lắng cho đất nước cho muôn dân thiên hạ nên đã cử một viên quan đi khắp đất nước để tìm người tài. Viên quan ấy đã đi khắp nơi, đến nhiều chỗ, gặp qua rất nhiều người và ra những câu hỏi hóc búa nhưng ông vẫn không tìm được người nào cả.

Một hôm ông đi qua một cánh đồng, thấy hai cha con nọ đang đi cày ruộng bèn đứng lại hỏi: "Này, lão kia! Trâu của lão cày một ngày được mấy đường?". Đây là một câu hỏi khó bởi nào có ai đếm lại xem mình đã cày bao nhiêu đường. Người cha đang loay hoay không biết trả lời làm sao thì cậu con trai đã hỏi ngược lại: "Con sẽ trả lời câu hỏi của ngài nếu ngài cho con biết chính xác một ngày đường ngựa của quan đi được bao nhiêu bước?". Viên quan nghe cậu bé hỏi vậy thì sửng sốt. Ông ngạc nhiên với tài năng của cậu bé, nghĩ đây nhất định là thiên tài, liền hỏi lại tên địa chỉ quê quán rồi về tâu lại với nhà vua.

Về đến cung, viên quan kể lại chuyện này cho nhà vua và khẳng định đây chính là nhân tài của đất nước. Nghe thấy viên quan khẳng định chắc nịch như thế, vua mừng lắm. Nhưng ông vẫn muốn thử tài năng của cậu bé nữa để xác minh lại. Vua liền hạ chỉ ban cho làng của cậu bé ba thúng gạo nếp, ba con trâu đực và yêu cầu dân làng phải dùng số gạo ấy để nuôi trâu. Một năm sau ba con trâu ấy phải đẻ thành chín con. Nếu không nộp đủ thì làng phải chịu tội. Thấy thế dân làng ai nấy đều lo lắng vì trâu đực sao mà đẻ được con. Cậu bé nghe được chuyện liền thưa với cha nói dân làng thịt hai con trâu và đồ hai thúng gạo nếp để mọi người cùng ăn. Còn lại một trâu và thúng gạo cha xin làng bán để lấy lộ phí cho hai cha con tiến cung. 

Ngày hôm sau, hai cha con bắt đầu lên đường để vào kinh. Khi đã đến cổng vua, cậu bé bảo cha đứng ngoài đợi còn mình thì lẻn vào sân vua để khóc. Nghe thấy tiếng trẻ con khóc nhà vua liền sai lính ra đưa cậu bé vào hỏi: "Thằng bé kia, có việc gì? Sao lại đến đây mà khóc ầm ĩ, làm kinh động đến ta?". Nghe thấy vua hỏi cậu bé liền nói: "Thưa đức vua, sự tình là như vậy, mẹ con mất từ sớm mà cha thì mãi không chịu đẻ thêm em bé để cùng chơi đùa với con. Dám mong nhà vua hạ lệnh để cha con đẻ em cho con chơi". Vua nghe xong liền bật cười và nói: "Ngươi muốn có em thì phải kiếm vợ khác cho cha chứ cha ngươi là đàn ông thì sao mà đẻ được". Cậu bé nghe thấy thế liền đáp lại: "Thế sao làng của con lại bị lệnh trên bắt nuôi ba con trâu đực cho đẻ thành chín con để nộp đức vua? Giống đực thì làm sao mà đẻ được ạ!".

Trước cách ứng xử nhạy bén của cậu bé, cả vua và triều thần đều trầm trồ khen ngợi. Nhà vua chưa dừng ở đó, ông vẫn muốn thử cậu bé thêm lần nữa. Hôm sau khi hai cha con đang ngồi ăn cơm thì sứ giả đến mang theo một con chim sẻ và bảo cậu làm ra ba mâm cỗ đầy. Em bé liền đưa cho sứ giả một cây kim và bảo mang cây kim này đi rèn thành một con dao để xẻ thịt chim. Sứ giả về tâu với nhà vua và vua rất vui mừng vì đã tìm ra nhân tài liền ban thưởng cho hai cha con họ.

Nước láng giềng đang lăm le xâm lược nước ta, bèn gửi sứ giả sang để thám thính. Sứ thần mang lên một vỏ ốc dài và một sợi dây đố dùng sợi dây xuyên qua ruột ốc. Câu hỏi của nước bạn của thật rất khó. Các bá quan trong triều thử hết mọi cách nhưng không làm được. Không tìm được cách nhà vua liền sai sứ giả trở về quê để hỏi cậu bé. Đến nơi, sứ giả trình bày câu chuyện cho cậu bé nghe. Cậu không trả lời mà cất giọng hát :

"Tang tình tang, tình tính tang
Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng
Bên thời lấy giấy mà bưng
Bên thời bôi mỡ kiến mừng kiến sang
Tang, tình tang..."

Viên sứ giả vội về tâu với nhà vua cả triều đình vui sướng sứ giả nước láng giềng thán phục. Nhà vua đã phong cho em bé là trạng nguyên đưa vào cung để tiện hỏi han.

Nước ta từ xưa đến nay có rất nhiều người tài giỏi họ thông minh bẩm sinh nhưng cũng nhờ chăm chỉ học hỏi. Là thế hệ trẻ của Tổ quốc, chúng ta cần chăm chỉ học tập rèn luyện cố gắng trở thành người có ích cho đất nước.

-----------------------HẾT---------------------------

Để rèn luyện kĩ năng viết bài kể chuyện đồng thời bổ sung thêm những đơn vị bài học quan trọng, bên cạnh bài kể lại truyện Em Bé Thông Minh bằng lời văn của em, các em có thể tham khảo thêm: Tóm tắt Em bé thông minh, Soạn bài Em bé thông minh, Đóng vai người cha kể lại truyện Em bé thông minh, Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật đặc sắc truyện Em bé thông minh.

Em hãy tham khảo những bài văn mẫu hay kể lại truyện Em Bé Thông Minh bằng lời văn của em do Taimienphi biên soạn để có thêm ý tưởng thú vị cho bài viết của mình nhé.
Tóm tắt Em bé thông minh
Dàn ý đóng vai người cha kể lại chuyện Em bé thông minh
Trong vai cô bé kể lại truyện Cô bé bán diêm
Soạn bài Em bé thông minh, ngắn gọn, Ngữ văn lớp 6 - Chân trời sáng tạo
Phân tích truyện cổ dân gian Em bé thông minh
Đóng vai người cha kể lại chuyện Em bé thông minh

ĐỌC NHIỀU