1. Mở đầu:
- Lời chào của người nói.
- Giới thiệu về tác phẩm văn học (tùy bút, tản văn, truyện, thơ,...) hoặc tác phẩm nghệ thuật (điện ảnh, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, điêu khắc,...) mà em yêu thích.
2. Nội dung chính:
* Đối với tác phẩm văn học:
- Giới thiệu hoàn cảnh, lí do sáng tác tác phẩm.
- Giới thiệu về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
- Nêu lên cảm xúc, suy nghĩ tác giả gửi gắm qua tác phẩm.
- Nêu cảm nhận chung của em sau khi đọc tác phẩm ấy.
* Đối với tác phẩm điện ảnh:
- Giới thiệu sơ qua về đạo diễn, điểm đặc biệt của bộ phim.
- Giới thiệu bối cảnh, cốt truyện, kịch bản, nhân vật,...
- Nêu cảm nhận của em về diễn viên, âm thanh, ánh sáng, góc quay,...
* Đối với tác phẩm hội họa:
- Giới thiệu về họa sĩ.
- Nêu cảm nhận của em về tổng quan của bức tranh.
- Nêu cảm nhận của em về đường nét, bố cục, hình khối, màu sắc, kích thước, tỉ lệ, chất liệu,... của bức tranh.
- Nêu cảm nhận của em về ý nghĩa bức tranh.
* Đối với tác phẩm âm nhạc:
- Giới thiệu về nhạc sĩ sáng tác bản nhạc ấy.
- Nêu nội dung, ý nghĩ của bản nhạc.
- Nêu cảm nhận của em về giai điệu, tiết tấu, ca từ,...
- Đưa ra một số màn biểu diễn tác phẩm âm nhạc ấy mà em yêu thích.
* Đối với tác phẩm điêu khắc:
- Giới thiệu về nhà điêu khắc.
- Nêu cảm nhận chung của em về tác phẩm và phối cảnh, cách trưng bày tác phẩm.
- Nêu cảm nhận của em về bố cục, kích cỡ, chất liệu,...
3. Kết thúc
- Nhận xét, đánh giá lại điểm em thích hoặc không thích ở tác phẩm.
- Nêu lên cảm xúc, tâm trạng của em khi tiếp xúc với tác phẩm.
- Lời chào và lời cảm ơn thầy cô, các bạn đã lắng nghe.
Xin chào cô và các bạn, em là Mạnh Hùng. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe nhạc Trịnh một lần đúng không ạ? Hôm nay em sẽ giới thiệu cho mọi người về một bài hát rất nổi tiếng mà em yêu thích. Đó chính là ca khúc "Để gió cuốn đi" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ đã quá nổi tiếng với nền âm nhạc nước nhà. Tuy ông đã ra đi nhưng những sáng tác của ông đến nay vẫn còn nhận được rất nhiều sự yêu mến. Các tác phẩm của ông tuy có ca từ hết sức giản dị nhưng đều mang những giá trị sâu sắc, đề cao con người.
Nhạc phẩm "Để gió cuốn đi" cũng vậy. Ngay khi những câu hát đầu tiên được cất lên, ta đã hiểu được nội dung bài nhạc: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi..." Tác giả đã gửi gắm tình cảm yêu thương con người, nhắc nhở chúng ta phải biết giúp đỡ, san sẻ với người khác. Ngoài ra, tấm lòng "để gió cuốn đi ấy" cũng không cần ai nhắc nhớ hay biết đến. Làm việc tốt là điều thiện xuất phát từ tấm lòng, cốt để cuộc đời tốt đẹp hơn chứ không cần được báo đáp. Đó chính là những giá trị nhân văn cao đẹp mà bài hát mang lại.
Mong rằng những ai chưa nghe bài hát này có thể về nhà tìm nghe và cảm nhận những ý nghĩa, thông điệp mà Trịnh Công Sơn muốn gửi gắm.
Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe, em xin phép được kết thúc bài nói tại đây.
Xin chào cô và các bạn, em tên là Uyên Nhi, hôm nay em sẽ giới thiệu cho mọi người một bộ phim điện ảnh mà em rất yêu thích. Đó chính là phim "Cô Ba Sài Gòn".
Ý tưởng sản xuất bộ phim "Cô Ba Sài Gòn" đến từ một cuộc nói chuyện giữa Ngô Thanh Vân và nhà thiết kế Thủy Nguyễn. Cả hai người đều muốn một bộ phim về phụ nữ Việt Nam. Vậy là "Cô Ba Sài Gòn" ra đời với mục đích tôn vinh tà áo dài Việt.
Câu chuyện lấy bối cảnh ở Sài Gòn năm 1969 và 2017. Năm 1969, nhà may Thanh Nữ ở Sài Gòn cực kì nổi tiếng với bộ áo dài tuyệt đẹp. Thế nhưng con gái của bà chủ nhà may là Như Ý lại không đam mê áo dài. Cô cho nó là lạc hậu, lỗi thời, chỉ có một kiểu và chỉ thích may đồ Tây. Thế nhưng sau đó, Như Ý vô tình xuyên không đến năm 2017. Nhìn thấy nhà may Thanh Nữ giờ đây đã trở nên hoang tàn, đổ nát, cô vô cùng đau lòng và mong muốn vực dậy nhà may. Với sự giúp đỡ của mọi người, Như Ý đã vượt qua những khó khăn, thử thách và tái sinh lại nhà may Thanh Nữ. Thông qua tác phẩm này, người phụ nữ được hiện lên với đầy vẻ mạnh mẽ, tự tin, chăm chỉ. Họ luôn mặc những bộ áo dài - đại diện cho nét đẹp truyền thống của người Việt Nam.
Có thể nhận thấy Như Ý chính là tấm gương phản chiếu của một bộ phận giới trẻ chúng ta. Những người đã quá mải mê chạy theo xu hướng mới mà quên đi văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Từ đó, bộ phim truyền tải thông điệp ý nghĩa về việc giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống, hòa nhập vào với thế giới nhưng đừng để bị hòa tan.
Ngoài nội dung chính và dàn diễn viên thì phim còn đặc biệt đầu tư. Những bối cảnh của Sài Gòn hoa lệ khi xưa được dàn dựng hết sức tỉ mỉ. Xem phim, khán giả như được quay trở lại với những ngày tháng khi nơi đây còn là "Hòn ngọc viễn Đông". Phần phục trang trong phim cũng được chuẩn bị rất chỉn chu. Tính riêng bộ sưu tập áo dài mà các nhân vật mặc trong phim cũng đã hơn 200 bộ. Ngoài ra, bộ phim còn mang thời trang thập niên 60 quay trở lại với những chiếc váy chữ A, họa tiết chấm bi, phong cách pop-art rất đặc trưng. Những thước phim có màu hơi trầm, mang hơi hướng phim cũ ố vàng, hơi retro cũng là một trong những điểm đặc biệt của bộ phim.
"Cô Ba Sài Gòn" không hẳn là một tác phẩm điện ảnh quá xuất sắc nhưng nó là một bộ phim đáng xem vì những thông điệp, giá trị mà nó gửi gắm. Nếu ai chưa xem thì nên xem một lần để hiểu hơn về thời trang và Sài Gòn những năm 60 của thế kỉ trước.
Bài nói của em xin phép được dừng lại tại đây, cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật yêu thích là bài mẫu giúp em biết cách trình bày ý kiến, cảm xúc của mình về một tác phẩm nghệ thuật. Ngoài bài mẫu này, em có thể xem thêm các bài văn mẫu lớp 11 khác trên Taimienphi.vn như: Thuyết minh về một quy trình hoạt động hoặc đối tượng quan tâm; Viết đoạn văn chia sẻ về một thông điệp nhận được từ thiên nhiên.