Đề bài: Giải thích câu tục ngữ: Thương người như thể thương thân
Giải thích câu tục ngữ: Thương người như thể thương thân
· Nhân ái là truyền thống của con người Việt Nam.
· Tục ngữ có câu: "Thương người như thể thương thân".
2. Thân bài
a. Ý nghĩa câu tục ngữ:
· "Thương người" có nghĩa là gì?
· Thế nào là thương người khác như thương thân mình?
· Tóm lại, câu tục ngữ đề cao vấn đề gí?
b. Biểu hiện của tình thương người như thương thân:
· Cảm thông với khổ đau, bất hạnh.
· Đề cao giá trị, phẩm chất của con người...(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý giải thích câu tục ngữ: Thương người như thể thương thân tại đây
Từ bao đời nay, dân tộc Việt Nam luôn giữ gìn và phát huy những truyền thống quý báu: truyền thống yêu nước và truyền thống nhân đạo. Trong đó, tình yêu thương con người là nét đẹp của tâm hồn Việt Nam, thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam, có khá nhiều câu tục ngữ khuyên mỗi người phải biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Câu tục ngữ "Thương người như thể thương thân" mang ý nghĩa tốt đẹp đó.
Vậy thế nào là "thương người"? Từ "thương" ở đây bao hàm ý nghĩa về sự mong muốn che chở, giúp đỡ để đem đến những điều tốt đẹp, xoa dịu đau khổ cho người khác. Ý nghĩa của nó thật cao cả, vì nó bao hàm trong đó tấm lòng cao thượng của con người với nhau. Tình thương giúp bỏ qua mọi khác biệt, đem lại niềm tin cho con người vào tình nhân ái. Trong cuộc sống, con người ai cũng mong mình được yên vui hạnh phúc, nên thương người như thể thương thân có thể hiểu là: mình mong mỏi điều gì thì cũng giúp người khác được như vậy. Mình không muốn điều gì thì cũng không bao giờ khiến người khác phải hứng chịu điều đó. Đem bản thân mình ra để làm tiêu chuẩn cho tình thương yêu người khác là một cách nói giản dị mà vô cùng chuẩn xác. Và như vậy, ta thấy câu tục ngữ đề cao tình thương giữa con người với nhau, sự đùm bọc yêu thương luôn có ý nghĩa cao đẹp nhất trong cuộc sống.
Biểu hiện của "thương người như thể thương thân" là gì? Trước tiên, do thương yêu con người nên người có tấm lòng nhân ái thường biết cảm thông với nỗi đau đớn mà con người phải gánh chịu. Đó là bởi vì họ đặt mình ở vị trí người khác để hiểu những thiệt thòi mà con người phải gánh chịu. Những giọt nước mắt ta khóc vì bản thân mình là rất đáng thương cảm, mà những giọt nước mắt ta khóc vì nỗi đau của người khác thì rất đáng kính trọng. Cũng vì cảm thông cho những bất hạnh của người khác, con người sẽ khao khát dẹp bằng bất công, đem cái thiện mà chống lại cái ác gây tổn thương cho con người. Ngoài ra, thương người còn có biểu hiện là sự trân trọng giá trị, phẩm chất của con người, nhất là khi người ấy ở trong hoàn cảnh bất hạnh. Ngày xưa, Nguyễn Đình Chiểu từng thương người tài hoa mà không gặp thời thế:
Thương ông Gia Cát tài lành
Gặp cơn Hán mạt đã đành phui pha...
Ngày nay, trọng người trung thực, quý người nhân hậu... đều là xuất phát từ lòng thương yêu con người. Lòng thương người không chỉ là cảm xúc trong trái tim, nó còn là những hành động cụ thể để nâng đỡ người khác vượt lên bất hạnh, khó khăn. Trong xã hội hiện nay, có rất nhiều vị Mạnh thường quân luôn sẵn lòng đưa đôi tay để đỡ đần cho những hoàn cảnh đáng thương, đáng quý. Đó là truyền thống "Lá lành đùm lá rách" tỏa sáng từ ngàn đời nay của con người Việt Nam. Truyền thống đó góp phần giúp người Việt Nam vượt lên thiên tai, địch họa, để cùng nhau dựng xây non nước này.
Mỗi người chúng ta phải luôn ghi nhớ lời dạy "Thương người như thể thương thân", đó là bởi lòng nhân ái là một tình cảm cao cả của con người, là một giá trị nhân bản quan trọng. Nói như vậy, có thể hiểu đơn giản là: nếu không có tình thương người thi thiếu đi phẩm chất căn bản nhất, khó xứng đáng được coi là người tốt. Tình thương người còn giúp cho người và người gắn bó với nhau trong xã hội. Từ đó mà có xóm giềng, lối xóm, có cộng đồng ấm cúng, tràn đầy tình yêu thương, cội nguồn của tình quê hương xứ sở và tình đồng loại. Tóm lại, lòng thương người là gốc rễ của tất cả những gì đẹp đẽ nhất trong xã hội của chúng ta. "Thương người như thể thương thân" sẽ giúp người khổ đau tìm được hạnh phúc, người lầm lỡ có cơ hội sửa chữa sai lầm... Thật vô cùng cao đẹp và quý giá!
Bài học mà câu tục ngữ đưa ra còn ở chỗ: tình thương người phải xuất phát từ trái tim chân thành, chứ không chỉ là lời nói bề ngoài, hay sự quảng cáo cho bản thân. Nhà văn nào từng nói rằng "Chỉ có điều gì từ trái tim mới đến được với trái tim". Nên chỉ có tình thương chân thành mới giúp được con người. Nó sẽ biến thành những việc làm hữu ích thật sự, đem lại hạnh phúc và sự che chở. Tình thương người thật sự còn có sức mạnh lan tỏa và cảm hóa. Và khi yêu thương lan tỏa, đó là lúc niềm vui và sự bình an lên ngôi, cuộc sống con người mới được yên ổn và có hạnh phúc.
Đã bao năm trôi qua, câu tục ngữ "Thương người như thể thương thân" chưa bao giờ mất đi giá trị của nó. Bời tình thương là nền tảng hạnh phúc của con người. Là một người trẻ, bạn hãy để tình yêu thương luôn tràn ngập tâm hồn mình. Đó cũng là một cách để bạn tìm ra niềm vui và một đời sống giàu ý nghĩa tốt đẹp.
-------------------------HẾT-----------------------
Các em vừa tìm hiểu về truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam qua bài Giải thích câu tục ngữ: Thương người như thể thương thân, bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm những tài liệu hữu ích khác để giúp cho bài viết của mình thêm phong phú như: Nghị luận về câu nói Dân tộc ta chủ yếu sống bằng tình thương, Nghị luận xã hội về mái ấm tình thương, Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách, Tình thương là hạnh phúc của con người.