1. Mở đoạn:
- Giới thiệu văn bản "Bài tập làm văn".
- Dẫn dắt và nêu vấn đề cần nghị luận: Tinh thần tự giác trong cuộc sống.
2. Thân đoạn:
* Giải thích: Tự giác là một đức tính tốt của con người, là việc chúng ta tự ý thức được công việc, vai trò, trách nhiệm của bản thân.
* Phân tích, bàn luận:
- Biểu hiện của sự tự giác:
+ Chủ động hoàn thiện công việc của bản thân và giúp đỡ, hỗ trợ mọi người.
+ Không cần đến sự nhắc nhở của người khác.
- Ý nghĩa của tinh thần tự giác:
+ Giúp con người hiểu rõ hơn về bản thân, từ đó đưa ra những hướng rèn luyện trong tương lai.
+ Nâng cao kĩ năng.
+ Đạt được nhiều thành tựu.
* Mở rộng vấn đề: Vẫn tồn tại những con người có tính ỷ lại, phụ thuộc, gây ảnh hưởng xấu đến chính bản thân và cộng đồng.
* Bài học nhận thức:
- Cần rèn luyện tính tự giác từ khi còn nhỏ.
- Phê phán sự phụ thuộc, ỷ lại.
3. Kết đoạn:
- Khẳng định lại quan điểm của bản thân về vấn đề cần nghị luận.
- Liên hệ mở rộng.
Thành công là thứ mà ai cũng mong đạt được. Muốn vậy, ta không thể không rèn luyện cho mình tinh thần tự giác. Đây là đức tính vô cùng đáng quý, thể hiện sự chủ động trong học tập và công việc của mỗi cá nhân. Những người có tính tự giác luôn lên kế hoạch cho cuộc sống một cách chi tiết, khoa học mà không cần tới sự nhắc nhở của người khác. Tuy nhiên, không phải ai sinh ra cũng đã có ngay cho mình thói quen tự giác ấy. Sự tự giác phải được hình thành và rèn luyện không ngừng nghỉ, giúp con người hoàn thiện và phát triển bản thân. Lấy ví dụ cậu bé trong tác phẩm "Bài tập làm văn", khi bố cùng bác Blê-đúc ngỏ lời muốn giúp đỡ, bài về nhà của cậu vẫn chẳng có tiến triển gì. Chỉ đến lúc tự mình làm bài, cậu mới viết được một bài văn ra trò, đạt điểm cao và nhận được lời khen ngợi của cô giáo. Chính vì vậy, chúng ta cần rèn luyện cho mình tinh thần tự giác từ sớm, không nên phụ thuộc vào người khác. Chỉ có vậy, ta mới có được thành công cho riêng mình.
Qua "Bài tập làm văn", tác giả đã đem đến cho độc giả bài học rất bổ ích về tinh thần tự giác. Đây là một trong những đức tính vô cùng cần thiết với mỗi chúng ta. Thay vì nhờ sự giúp đỡ của bố hay ông Blê-đúc, cậu bé đã tự mình hoàn thành bài tập. Nhờ đó, bài văn của cậu đạt điểm rất cao. Như vậy, tinh thần tự giác đã giúp cậu hoàn thành tốt việc của mình. Tự giác là chìa khóa dẫn đến sự thành công, là công cụ để ta hoàn thiện bản thân. Nhờ sự tự giác, ta sẽ khám phá ra được tiềm năng của mình, từ đó phát triển một cách đúng đắn. Trái lại, sự phụ thuộc, thụ động sẽ khiến ta ngày càng thụt lùi. Nếu chỉ dựa dẫm vào người khác, ta sẽ dần trở thành kẻ "lành lặn về cơ thể nhưng khuyết tật về ý thức". Vậy nên, ngay từ khi còn nhỏ, mỗi người nên hình thành và rèn luyện thói quen tự giác. Nhờ đó, chúng ta sẽ tiến bộ từng ngày, trở thành người có ích cho xã hội.
Tinh thần tự giác là một trong những yếu tố quan trọng đối với sự thành công của mỗi con người. Một cá nhân tự giác sẽ luôn hoàn thiện công việc, nhiệm vụ của bản thân mà không cần đến sự nhắc nhở của người khác. Họ có khả năng lên kế hoạch tỉ mỉ, cuộc sống nề nếp, quy củ. Không chỉ vậy, họ còn vô cùng năng nổ, chủ động giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng, đem lại nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội. Tính tự giác sẽ kích thích mỗi người tự tìm hiểu thế giới xung quanh, hoàn thiện bản thân. Giống như cậu bé trong tác phẩm "Bài tập làm văn", không cần đến sự giúp đỡ từ người cha từng được ví như Ban-dắc, cậu vẫn đạt được điểm số tốt cùng lời khen của giáo viên. Như vậy, chúng ta cần rèn luyện cho bản thân tinh thần tự giác ngay từ khi còn nhỏ. Không chỉ thế, sự giáo dục của gia đình cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thái độ và hành động của một đứa trẻ trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn rất nhiều cá nhân có thói quen dựa dẫm, phụ thuộc, ỷ lại vào người khác. Đây là một thói quen xấu, cần được sửa đổi. Để sớm đạt được thành công, hãy rèn cho bản thân tính tự giác, chủ động trong mọi việc.
Văn bản "Bài tập làm văn" đã đem đến một bài học đáng quý về tinh thần tự giác. Đó là đức tính tốt đẹp, là sự tự ý thức của con người về nhiệm vụ bản thân cần thực hiện. Những người có tính tự giác luôn chủ động lên kế hoạch tỉ mỉ để hoàn thành công việc. Họ không cần đến những lời nhắc nhở, thậm chí còn giúp đỡ cộng đồng cùng phát triển. Nhờ tinh thần tự giác, con người có thể tự xem xét và hoàn thiện mình. Chỉ có tự mình tìm tòi, nghiên cứu thì ta mới nâng cao được bản thân cả về kiến thức và kĩ năng, làm phong phú kinh nghiệm của mình. Tuy vậy, trên thực tế có rất nhiều người vẫn giữ thói quen ỷ lại, phụ thuộc. Đây là một tật xấu vô cùng nguy hiểm, khiến con người trở nên thụ động và dần thụt lùi so với cộng đồng. Ngay trong việc học tập, nếu ta không chủ động học hỏi, tìm tòi và hoàn thành bài tập, điểm số của ta cũng sẽ giảm sút. Chính vì vậy, việc rèn luyện thói quen tự giác là rất quan trọng. Nó cần được bắt nguồn từ chính gia đình và những người xung quanh. Hãy tự giác từ những việc nhỏ nhất như dọn dẹp nhà cửa, hoàn thành bài tập, tự đề ra và hoàn thành mục tiêu của bản thân từng ngày. Dần dần, chúng ta sẽ cải thiện và phát triển bản thân theo hướng tích cực nhất, đạt được thành công mình mong đợi.
Muốn đạt được thành công, ta cần rèn luyện cho mình rất nhiều đức tính tốt đẹp. Trong đó, không thể không kể đến tinh thần tự giác - chìa khóa để ta khám phá và phát triển bản thân. Tự giác là việc con người chủ động ở mọi lĩnh vực. Người có tinh thần tự giác sẽ sắp xếp công việc và cuộc sống một cách có tổ chức, hoàn thiện nó bằng tất cả khả năng của mình mà không cần đến sự đốc thúc, nhắc nhở từ người khác. Qua quá trình rèn luyện và nỗ lực không ngừng nghỉ, con người sẽ dần dần vượt qua giới hạn của bản thân, đem lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Sự tự giác cũng đồng thời là tự nhận thức. Khi ta tự hiểu rõ năng lực của mình, ta có thể đưa ra được các phương án, giải pháp để xử lí những vấn đề xảy đến. Giống như cậu bé trong "Bài tập làm văn", chỉ khi ngồi lại một mình, cậu mới có thể hoàn thành bài tập một cách hoàn chỉnh. Nếu như bài viết có sự giúp đỡ của cha hay người hàng xóm thì có thể cậu sẽ không đạt được điểm cao đến vậy. Việc dựa dẫm, phụ thuộc quá nhiều vào người khác cũng mang đến những hậu quả hết sức tiêu cực. Nó khiến ta trở nên thụ động, dần dần thụt lùi so với mọi người. Đó là biểu hiện đáng báo động của một bộ phận người hiện nay mà chúng ta cần hết sức lưu ý. Để không bị cuốn vào ảnh hưởng tiêu cực ấy, mỗi người phải nghiêm túc rèn luyện và bồi dưỡng tinh thần tự giác cho bản thân. Hãy cùng chung tay phát triển xã hội ngày một văn minh và tiến bộ hơn trong tương lai.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Tự giác là thói quen rất quan trọng trong cuộc sống, cần phải được trau dồi và bồi dưỡng ngay từ khi còn nhỏ. Hãy rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp để có thể phát triển và hoàn thiện bản thân nhé. Đừng quên thường xuyên ghé qua Taimienphi.vn để cập nhật thêm những bài văn mẫu lớp 6 khác:
- Đoạn văn với câu mở đầu "Tôi không muốn bị người khác cười nhạo..."
- Đoạn văn có câu chủ đề: Không ai muốn bị bắt nạt