1. Mở đầu: nêu vấn đề cần trình bày ý kiến.
2. Nội dung chính:
- Trình bày ý kiến của bản thân: đồng tình trước vấn đề "Việc sử dụng các từ tiếng Anh trong giao tiếp của người Việt trẻ đang làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt".
- Giải thích vấn đề:
+ Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, là ngôn ngữ chúng ta dùng để giao tiếp hàng ngày.
+ Việc sử dụng thường xuyên các từ tiếng Anh trong giao tiếp đã và đang làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
- Tác hại của việc lạm dụng tiếng Anh trong giao tiếp:
+ Đánh mất vẻ đẹp trong sáng vốn có của ngôn ngữ dân tộc.
+ Không tuân theo các quy tắc chung của tiếng Việt.
- Một vài đề xuất:
+ Sử dụng tiếng Anh trong đúng trường hợp, đúng hoàn cảnh và đối tượng.
+ Luôn nhắc nhở bản thân phải biết giữ gìn sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ.
+ Tuân thủ quy chuẩn, từ ngữ và ngữ pháp tiếng Việt.
3. Kết thúc: khẳng định lại ý kiến của bản thân về vấn đề.
Xin chào cô và các bạn. Tên em là Khánh Huyền. Trong tiết học Nói và nghe ngày hôm nay, em xin trình bày những suy ngẫm của mình về vấn đề "Có người cho rằng: Việc sử dụng các từ tiếng Anh trong giao tiếp của người Việt trẻ đang làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt".
Ngày nay, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ phổ biến trên toàn thế giới. Vì thế, có rất nhiều người thông thạo tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Vậy, các bạn có cho rằng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp đang làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt hay không?
Để mọi người có cái nhìn cụ thể hơn, mình sẽ giải thích rõ ràng vấn đề. Trước hết, tiếng Việt chính là tiếng mẹ đẻ, là ngôn ngữ dân tộc. Vì thế, chúng ta sử dụng tiếng Việt trong mọi hoàn cảnh, từ giao tiếp hàng ngày đến công việc, học tập. Thế nhưng, hiện tại, một vài người Việt trẻ lại thường sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp đời thường. Điều này đã dẫn đến việc làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
Như mình đã nói, ngày nay, nhiều bạn trẻ học tiếng Anh để phục vụ học tập, công việc. Tuy nhiên, vẫn còn một số người sử dụng tiếng Anh sai hoàn cảnh, sai trường hợp. Họ đã và đang lạm dụng quá mức ngôn ngữ này. Thay vì nói một câu tiếng Việt hoàn chỉnh, họ lại thích chêm xen các từ tiếng Anh để cho "sang". Do đó, việc lạm dụng tiếng Anh trong giao tiếp sẽ làm mất đi vẻ đẹp trong sáng vốn có của ngôn ngữ dân tộc. Dần dần, con người dễ lãng quên vốn từ ngữ phong phú, đa dạng của tiếng Việt.
Vậy nên, mỗi người cần sử dụng tiếng Anh trong đúng trường hợp, đúng hoàn cảnh và đối tượng. Đồng thời, phải luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ. Khi giao tiếp, mỗi người nên cân nhắc kĩ lưỡng, sử dụng phù hợp từ ngữ, không sáng tạo, biến đổi ngôn ngữ một cách lung tung, tùy tiện.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Em xin cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.
Chào cô và các bạn. Em là Thu Hương. Hôm nay, em xin trình bày ý kiến của mình về vấn đề "Có người cho rằng: Việc sử dụng các từ tiếng Anh trong giao tiếp của người Việt trẻ đang làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt".
Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói "Tiếng Việt của chúng ta rất giàu; tiếng ta giàu bởi đời sống muôn màu, đời sống tư tưởng và tình cảm dồi dào của dân tộc ta...". Quả thực như vậy, tiếng Việt vẫn luôn giàu và đẹp bởi hệ thống từ ngữ phong phú.
Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta lại bắt gặp thực trạng một vài người trẻ sử dụng các từ tiếng Anh trong giao tiếp. Họ không ý thức được việc làm của bản thân đã làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Họ sử dụng ngôn ngữ này trong các trường hợp, hoàn cảnh không phù hợp. Ví như, khi nói chuyện với người lớn tuổi, chúng ta thêm vài từ tiếng Anh vào câu nói thì họ không thể hiểu được. Bên cạnh đó, vài cá nhân thường có thói quen chêm xen vài từ tiếng Anh vào câu tiếng Việt. Đặc biệt, nhiều trường hợp còn sáng tạo ra những ngôn ngữ nửa Anh, nửa Việt.
Có thể thấy, lạm dụng tiếng Anh thường xuyên sẽ khiến chúng ta đánh mất vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt. Chúng ta dễ bị loạn ngôn ngữ khi sử dụng lẫn lộn kiểu "nửa ta, nửa Tây".
Do đó, mỗi người cần dùng tiếng Anh trong đúng hoàn cảnh. Đồng thời, luôn nhắc nhở chính bản thân phải biết giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc. Khi giao tiếp, chúng ta nên sử dụng từ ngữ hợp lí, không nói kiểu chêm xen.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Trong tiết học ngày hôm nay, em xin trình bày những ý kiến của bản thân về vấn đề "Việc sử dụng các từ tiếng Anh trong giao tiếp của người Việt trẻ đang làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt". Mời cô cùng các bạn theo dõi, lắng nghe.
Ngày nay, việc giao lưu hội nhập quốc tế đòi hỏi con người phải học thêm ngoại ngữ. Trong đó, tiếng Anh được người học coi là "sự lựa chọn hàng đầu". Vì thế, hiện tại, ở Việt Nam, việc học tiếng Anh đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, một vài người đang có xu hướng lạm dụng ngôn ngữ đó vào giao tiếp hàng ngày. Hành vi này đã dẫn đến nguy cơ đánh mất sự trong sáng vốn có ở tiếng Việt.
Vậy nguyên nhân của thực trạng này đến từ đâu? Trước hết, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do tư tưởng sính ngoại cùng những ảo tưởng về sự sang trọng, thời thượng, thích thể hiện của một vài cá nhân. Ngoài ra, một phần nguyên nhân còn đến từ suy nghĩ lệch lạc khi tiếp nhận các trào lưu, xu hướng mới mẻ.
Lạm dụng tiếng Anh trong giao tiếp để lại rất nhiều hệ lụy đáng báo động. Chêm xen tiếng Anh vào tiếng Việt khiến cho cuộc trò chuyện dễ bị cản trở vì không phải ai cũng hiểu được nghĩa của từ ngữ mà người nói sử dụng thay thế cho tiếng Việt. Từ đó, dẫn tới việc người nghe khó hiểu, không tiếp nhận đầy đủ thông tin. Đồng thời, lạm dụng tiếng Anh còn dễ dàng làm mất đi sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ. Việc giao tiếp kiểu nửa Anh, nửa Việt khiến con người dễ quên đi các quy tắc, chuẩn mực chung của ngôn ngữ dân tộc. Bên cạnh đó, nó cũng khiến bạn bè quốc tế lầm tưởng tiếng Việt nghèo nàn, không đủ khả năng diễn đạt những ý nghĩa cơ bản.
Bởi vậy, là người Việt Nam, chúng ta phải ra sức gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Đầu tiên, mỗi người cần hiểu được những vai trò, giá trị mà Tiếng Việt chứa đựng, luôn biết tự hào về sự giàu đẹp của ngôn ngữ dân tộc. Ngoài ra, mỗi người cần sử dụng tiếng Anh đúng lúc, đúng chỗ và đúng đối tượng giao tiếp.
Bài thuyết trình của em đến đây là hết. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Cô và các bạn thân mến, từ xa xưa, ông cha ta đã nhắc nhở con cháu về việc trân trọng, giữ gìn ngôn ngữ dân tộc qua câu "Chém cha không bằng pha tiếng". Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều bạn trẻ thường sử dụng các từ tiếng Anh trong giao tiếp hằng ngày. Thói quen xấu này đã và đang dẫn đến tình trạng lạm dụng tiếng Anh. Đồng thời, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
Thật không khó để bất gặp hiện tượng một vài cá nhân lồng ghép từ ngữ tiếng Anh riêng lẻ vào câu cú tiếng Việt như kiểu "enjoy cái moment",... Hay đó còn là việc sáng tạo ra những ngôn ngữ nửa Tây, nửa ta như "wa" (qua), "khok" (khóc),... Rõ ràng, việc sử dụng tiếng Anh một cách vô lí, lố lăng như vậy là vô cùng phản cảm và phần nào hạ thấp giá trị tiếng Việt. Tiếng Việt có đủ vốn từ để gọi tên, minh họa cho bất kì khái niệm, sự vật hiện tượng nào. Bởi vậy, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về sự giàu đẹp của ngôn ngữ dân tộc. Việc cố tình chêm xen tiếng Anh vào tiếng Việt không hề giúp chúng ta "sang trọng" hơn trong mắt người khác mà chỉ thể hiện nhận thức, suy nghĩ chưa đúng đắn của bản thân. Đồng thời, nó còn gây khó chịu, mất thiện cảm đối với mọi người.
Ngay từ bây giờ, mỗi người nên sử dụng tiếng nước ngoài trong giao tiếp một cách hợp tình, hợp lí. Chúng ta cần chăm chỉ rèn luyện, tích lũy vốn từ để góp phần giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng mẹ đẻ. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân phải nắm rõ, hiểu đúng các quy tắc, chuẩn mực chung của tiếng Việt. Hãy nâng cao ý thức, trách nhiệm về việc giữ gìn, bảo vệ ngôn ngữ dân tộc.
Bài trình bày của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và mọi người đã chú ý theo dõi, lắng nghe.
--------------------------HẾT-------------------------
Hi vọng rằng, nội dung tham khảo trên đây sẽ giúp em có những định hướng mới mẻ cho bài trình bày của mình. Hãy thường xuyên ghé thăm Taimienphi.vn để không bỏ lỡ các bài văn mẫu lớp 6 chất lượng như:
- Đi tham quan, du lịch, chúng ta sẽ được mở rộng tầm mắt và học hỏi được nhiều điều. Trình bày ý kiến của em về vấn đề trên.
- Viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về một bài ca dao Việt Nam đã học