1. Mở đoạn:
- Giới thiệu nhân vật Lý Thông.
2. Thân đoạn:
* Cảm nhận về nhân vật: Lý Thông là con người xấu xa, độc ác, tham lam và ích kỉ. Tính cách, phẩm chất của nhân vật này được khắc họa qua:
- Lời nói:
+ "Người này khỏe như voi. Nếu nó về ở cùng ta thì lợi bao nhiêu" -> kết nghĩa anh em để lợi dụng người khác.
+ Bịa chuyện để đẩy Thạch Sanh đi ngủ ngoài miếu thần và cướp công lao giết trăn tinh.
- Hành động:
+ Đem đầu của con yêu quái vào kinh, dâng cho nhà vua và nhận công lao về mình.
+ Tìm đến túp lều của Thạch Sanh để nhờ vả chuyện tìm công chúa.
+ Sai quân lính vần những tảng đá lớn lấp kín cửa hang, nhằm nhốt Thạch Sanh trong hang.
3. Kết đoạn:
- Đánh giá: thông qua kết cục của nhân vật Lý Thông, người xưa muốn gửi gắm bài học sâu xa về quan niệm đạo đức: làm việc ác thì phải trả giá. Đồng thời, thể hiện ước mơ về cuộc sống công bằng, tốt đẹp.
Trái ngược với chàng Thạch Sanh hiền lành, tốt bụng, Lý Thông là kẻ ác độc, ích kỉ. Tính cách và phẩm chất của nhân vật này được khắc họa chân thực qua lời nói, hành động. Trước hết, hắn luôn mang trong mình suy nghĩ vụ lợi. Hắn kết nghĩa anh em với Thạch Sanh để mưu cầu lợi ích cho bản thân "Người này khỏe như voi. Nếu nó về ở cùng ta thì lợi bao nhiêu". Tiếp đến, hắn hèn hạ đến mức nhờ vả Thạch Sanh đi canh miếu thần. Hắn thản nhiên cướp công lao giết trăn tinh như thể mình là người lập nên chiến công ấy. Bộ mặt trơ trẽn, xấu xa của nhân vật này còn được tác giả dân gian lột tả rõ nét qua những hành động như: tiếp tục nhờ cậy Thạch Sanh chuyện tìm công chúa, lấy đá lấp cửa hang của đại bàng. Cuối cùng, dù được Thạch Sanh khoan dung thứ lỗi nhưng trước những việc bỉ ổi, ác độc mà hắn gây ra, ông trời cũng không thể khoan hồng, nhắm mắt làm ngơ "Nhưng về đến nửa đường thì chúng bị sét đánh chết". Xây dựng hình tượng nhân vật Lý Thông, tác giả dân gian bày tỏ ước mong về cuộc sống tươi đẹp, văn minh. Ngoài ra, người xưa cũng khéo léo bày tỏ suy nghĩ về các quan niệm đạo đức: sống phải biết nhân ái, lương thiện, tránh xa cái xấu xa.
Sau khi đọc xong truyện cổ tích "Thạch Sanh", em nhận thấy nhân vật Lý Thông là một người tham lam và ác độc. Bản tính xấu xa của nhân vật này được thể hiện rõ nét qua lời nói và hành động. Khi nhìn thấy Thạch Sanh cần mẫn gánh củi, hắn chẳng hề động lòng thương cảm, xót xa. Lúc này, trong đầu hắn nảy ra ý nghĩ thường thấy ở "hạng tiểu nhân": "Người này khỏe như voi. Nếu nó về ở cùng ta thì lợi bao nhiêu". Hắn lợi dụng việc kết nghĩa anh em để nhằm mưu cầu lợi ích cho bản thân. Quả là người ích kỉ, chỉ nghĩ đến mình. Bên cạnh đó, Lý Thông còn vô cùng hèn nhát, ham sống sợ chết. Hắn sẵn sàng đẩy người em kết nghĩa vào chỗ hiểm nguy, nhờ Thạch Sanh đi canh miếu thờ hộ. Đến khi chàng Thạch Sanh lương thiện giết được trăn tinh, hắn lại nổi lên tính tham lam, bịa chuyện để giành công lao về mình. Chưa dừng lại ở đó, thay vì cảm thấy xấu hổ, ân hận trước những chuyện đã làm, hắn tiếp tục trưng ra bộ mặt hèn hạ, đáng khinh của mình. Lý Thông tiếp tục đến nhờ vả Thạch Sanh chuyện tìm công chúa. Cuối cùng, tên độc ác này đã sai quân lính lấp cửa hang bằng những tảng đá lớn, nhằm mục đích nhốt Thạch Sanh và chiếm công. Thông qua kết cục của nhân vật Lý Thông, tác giả dân gian khéo léo gửi gắm bài học sâu xa: làm việc ác thì phải trả giá "ác giả ác báo". Đồng thời, thể hiện ước vọng về một cuộc sống hạnh phúc, công bằng, "ở hiền gặp lành".
Nhân vật Lý Thông trong câu chuyện quen thuộc "Thạch Sanh" đã để lại cho em nhiều ấn tượng xấu. Mỗi hành động, lời nói của nhân vật này đều không hề đáng tin cậy. Tưởng như, đó là những việc làm thể hiện sự quan tâm, chăm sóc tới người em kết nghĩa - Thạch Sanh. Nhưng thực chất, tất cả mọi việc đều chứa đựng tâm cơ, nhằm mưu cầu lợi ích cho riêng mình hắn. Đầu tiên, hành động kết nghĩa anh em mang mục đích lợi dụng. Tiếp đến, hắn dựa vào lòng tốt của Thạch Sanh, ngon ngọt bịa chuyện rồi nhờ vả chuyện đi canh miếu thần. Bản tính xấu xa, bỉ ổi của tên này còn được khắc họa qua hành động lừa dối mọi người, đem đầu con yêu quái vào kinh, dâng cho nhà vua và nhận công lao về mình. Sau khi cướp đi thành quả của người khác, hắn vẫn "mặt dạn mày dày", tìm đến Thạch Sanh hỏi chuyện tìm cứu công chúa. Thay vì dũng cảm, can đảm chiến đấu với đại bàng như người em kết nghĩa, hắn chỉ dám đứng trên cửa hang nhìn xuống. Đây quả là một con người hèn nhát, tham lam, chỉ biết nghĩ cho bản thân. Hành động "ra lệnh cho quân sĩ vần những tảng đá lớn lấp kín cửa hang" càng nhấn mạnh vào bản chất tồi tệ, đáng khinh bỉ của nhân vật này. Cuối cùng, Lý Thông cũng phải trả giá cho những việc xấu mà mình đã gây ra "Nhưng về đến nửa đường thì chúng bị sét đánh chết". Như vậy, thông qua kết cục bi thảm của Lý Thông, người xưa đã bày tỏ suy nghĩ, quan niệm về bài học đạo đức, về triết lí "ở hiền gặp lành", "gieo gió gặt bão". Đồng thời, thể hiện ước mơ vươn tới cuộc sống hạnh phúc, ấm êm.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Như vậy, thông qua những gợi ý trên đây, em sẽ biết viết dạng bài cảm nhận về một nhân vật văn học. Em nên tập trung cảm nhận về các phương diện như: tính cách, phẩm chất, hành động,... Em có thể tham khảo thêm một số bài văn mẫu lớp 6 khác trên Taimienphi.vn như:
- Đoạn văn cảm nhận về nhân vật Thạch Sanh
- Kể về một dũng sĩ mà em gặp ngoài đời hoặc biết qua sách báo, truyện kể