Đề bài: Bình giảng bài thơ Tiến sĩ giấy
Bài làm:
Xét về làm thơ trào phúng thì mở đầu dẫn đường phải kể đến Nguyễn Khuyến, sau là Tú Xương và môn đệ của ông là Tú Mỡ. Tuy sinh sống trong những thời điểm khác nhau nhưng họ đều cùng mang một nỗi khổ trơ mắt nhìn đất nước bị xâm lăng, chịu cảnh nửa thuộc địa, nửa phong kiến, lố lăng, nửa nạc nửa mỡ chẳng ra sao. Điều đó khiến cho những nhà trí thức như Nguyễn Khuyến trở nên chán chường, bi quan không còn mấy thiết tha tự hào về cái chữ thánh hiền mà mình vẫn thường tâm đắc. Họ gởi vào những vần thơ trào phúng cái cảm xúc tưởng như cười cợt, nhưng sâu thẳm là một nỗi đau khôn tả, buồn cho một thế hệ, một đất nước đang dần lụi bại. Thơ của Nguyễn Khuyến không phô trương trào phúng mà thường ẩn sau những hình ảnh quen thuộc, tiếng cười phê phán rất thâm trầm và sâu sắc. Tiêu biểu nhất phải kể đến bài thơ Tiến sĩ giấy.
Nhan đề bài thơ là Tiến sĩ giấy,ấy là một nhan đề có nhiều ý nghĩa hơn cả. Về nghĩa tả thực, vốn hình nhân ông tiến sĩ giấy là một thứ đồ chơi cho trẻ con rất phổ biến thời xưa. Cha mẹ mua cho con chơi với một mong ước thật đẹp, mong con khôn lớn học hành, đỗ đạt khoa bảng, để làm rạng danh tổ tiên. Thế nhưng vào thơ Nguyễn Khuyến, ông tiến sĩ đồ chơi ấy lại mang tới hai tầng nghĩa ẩn dụ vừa xót xa vừa trào phúng. Một là ngụ ý chỉ những ông tiến sĩ ngoài đời thực, cũng học hành giỏi giang, đỗ đạt bằng chính thực tài của bản thân. Những tưởng đỗ đạt rồi sẽ được bước ra giúp sức cho đất nước, báo đáp nhân dân nhưng trớ trêu thay gặp buổi đất nước yếu hèn, triều đình mục nát, đế quốc xâm lược. Những con người có học vị tiến sĩ ấy chẳng thể xoay vần thế sự, cứu vãn cục diện đất nước, chỉ biết bất lực trơ mắt nhìn ngày mất nước đang đến gần, rồi vì chán nản mà có tư tưởng trốn đời, xa rời cuộc sống. Họ chính là những ông "tiến sĩ giấy" bằng da bằng thịt, cũng chẳng hơn thứ đồ chơi vốn để trưng bày cho đẹp mắt kia là bao. Còn một ý nghĩa khác đó là sự mỉa mai những con người đỗ đạt bằng tiền tài, không thực tài, hám danh hám lợi, cố kiếm cái danh tiến sĩ chỉ để vơ vét được nhiều của cải của nhân mà thôi. Riêng hạng "tiến sĩ giấy" này còn nguy hại gấp trăm lần.
"Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai.
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi."
Riêng bốn câu thơ đầu tiên, tác giả dùng để miêu tả những ông "tiến sĩ giấy", cái cách nói của Nguyễn Khuyến rất độc đáo, cứ hư hư thực thực, không rõ ràng. Đọc rồi riết ta cũng không rõ rốt cuộc ông đang nói đến hạng tiến sĩ nào đây hay là nói tổng cả ba hạng nữa. Tuy nhiên suy xét kỹ, thì đó lại là cái hay của Nguyễn Khuyến, bởi thơ ông tuy trào phúng nhưng lại sâu kín, khó ai mà bắt bẻ được. Cũng như cái việc ông cúi chào cái cột thay vì cúi lạy tên công sứ Hà Nam, rồi lại lấy cớ là mắt kém, xin lượng thứ, tên kia tức điên nhưng nào có bắt bẻ được đâu. Thâm thúy là ở chỗ ấy. Giọng điệu thơ Nguyễn Khuyến rất ỡm ờ, nửa vời, đặc biệt là ở mấy từ "cũng" lặp đi lặp lại trong hai câu đầu, ý chỉ bâng quơ rằng mấy ông "tiến sĩ giấy" cái gì cũng có, chẳng thua kém ai cả đâu. Hai tiểu đối "Mảnh giấy/thân giáp bảng", "Nét son/mặt văn khôi", càng làm tăng cái mức độ trào phúng, ỡm ờ. Đọc sơ thì tưởng mảnh giấy, nét son ấy là bài thi của sĩ tử, ai điểm cao người nấy đỗ đạt, nhưng đọc kỹ ôi hóa ra mảnh giấy, nét son ấy cũng có khi là đồng tiền, tờ ngân phiếu lắm chứ đùa à. Và dĩ nhiên cả hai mảnh giấy ấy đều ngang tài ngang sức khi đưa mấy ông tiến sĩ lên yết bảng vàng. Đối với những tứ đáng trân trọng như "thân giáp bảng", "mặt văn khôi" ấy thế mà chỉ được Nguyễn Khuyến cho sánh ngang với mấy thứ vụn vặt như mảnh giấy, nét son chẳng có giá trị gì mấy, thì chao ôi cái danh tiến sĩ kia cũng vậy thôi. Ý Nguyễn Khuyến là thế.
"Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh ấy mới hời!
Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
Nghĩ rằng đồ thật, hoá đồ chơi!"
Đến bốn câu thơ còn lại, là cái nhìn của Nguyễn Khuyến về giá trị và vị trí của những tiến sĩ thời bấy giờ. Đó là tấm áo tiến sĩ nhẹ bẫng, là cái khoa danh hời hợt, rẻ mạt biết mấy, chẳng xứng với cái danh tiến sĩ vốn bao đời được coi trọng. Thế rồi, những ông tiến sĩ ấy vẫn ung dung, hiên ngang ngồi "ghế tréo", "lọng xanh" nhìn cũng ra dáng, cũng "bảnh chọe" đấy. Câu kết bài "Nghĩ rằng đồ thật, hóa đồ chơi!" là cái giọng giả bất ngờ của tác giả, để đưa cái ý trào phúng, mỉa mai đến cực điểm. Danh tiến sĩ mà để làm gì khi thời buổi rối ren loạn lạc, có cái danh tiến sĩ treo trên người nhưng vô dụng, bất lực hay ẩn nấp sau đó là những kẻ đốn mạt, sâu mọt. Ham làm gì cái danh nghĩa "tiến sĩ" ấy khi cuối cùng cũng như thứ đồ chơi vô dụng mà bọn trẻ con hay cầm, không một phân lượng?
Đến đây ta đã thật rõ ràng cái ý châm biếm, trào phúng của Nguyễn Khuyến dành cho những con người mang danh tiến sĩ, cũng là lời phê phán dành cho chính bản thân mình. Bởi chính bản thân Nguyễn Khuyến cũng là một tiến sĩ có thực tài, nhưng bất lực trước thời cuộc, dành lui về ở ẩn, để tránh phải nhìn thêm cảnh đau xót của đất nước, ông cũng chẳng khác gì những "tiến sĩ giấy". Đau đớn và xót xa chính là lời ẩn sâu sau những vần thơ đầy trào phúng của tác giả.