Bài văn thuật lại một sự kiện (lễ hội) từng tham dự hoặc chứng kiến

Đề bài: Viết bài văn (khoảng 400 chữ) thuyết minh thuật lại một sự kiện (lễ hội) mà em từng tham dự hoặc chứng kiến.

Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện lễ hội hay nhất
 

A. Đề 1. Thuyết minh thuật lại sự kiện: đêm hội Trăng rằm tổ chức ở thôn xóm
 

I. Dàn ý Thuyết minh thuật lại sự kiện: đêm hội Trăng rằm tổ chức ở thôn xóm

1. Mở bài: giới thiệu sự kiện.
2. Thân bài:
- Thời gian diễn ra: rằm tháng Tám âm lịch.
- Không gian: nhà văn hóa thôn.
- Quang cảnh, bầu không khí:
+ Đầy ắp tiếng cười của trẻ nhỏ.
+ Lung linh, rực sáng màu sắc của đèn trung thu.
- Sự việc, hoạt động mở đầu:
+ Các bạn nhỏ ổn định vào vị trí.
+ Bác trưởng thôn thay mặt người lớn phát biểu ngắn gọn.
- Các sự việc, hoạt động tiếp theo:
+ Các tiết mục văn nghệ lần lượt diễn ra: múa lân, hát, thổi sáo,...
+ Trẻ em phá cỗ trung thu.
- Hoạt động cuối cùng:
+ Trẻ con cùng nhau đi rước đèn trung thu quanh nhà văn hóa.
+ Các cô, chú dọn dẹp sạch sẽ nhà văn hóa.
3. Kết bài: nêu cảm nhận và đánh giá về sự kiện.
 

II. Bài văn mẫu thuyết minh thuật lại sự kiện: đêm hội Trăng rằm tổ chức ở thôn xóm

Bên cạnh ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu cũng là ngày lễ dành cho trẻ em. Vào ngày này, các địa phương thường tổ chức đêm hội Trăng rằm, phá cỗ hay rước đèn ông sao. Thôn em cũng không ngoại lệ. Nhờ đó, lũ trẻ trong xóm đã có một đêm thật đáng nhớ.

Trước ngày rằm tháng Tám âm lịch, người lớn rục rịch họp bàn công tác chuẩn bị cho Trung thu. Các cô, các bác bận rộn mua sắm hoa quả, bánh kẹo và đồ trang trí. Các chú, các ông vội vã hoàn thiện chiếc đèn ông sao khổng lồ, có đường kính bằng cả sải tay. Khắp mọi nẻo đường được bao phủ bởi hình bóng lá cờ tam giác đủ sắc màu đang phấp phới trong gió. Lúc ấy, cảnh sắc xóm làng giống như một bức tranh tươi đẹp, rực rỡ.

Đêm hội Trung thu bắt đầu vào lúc 19h. Những ánh đèn lấp lánh trong khu vực nhà văn hóa đã thắp sáng cả một khoảng không, phá tan sự yên tĩnh, tối tăm của đất trời. Loa đặt ở các ngã ba, ngã tư phát ra tiếng "rè rè". Sau đó là câu nói rành mạch, rõ ràng của bác trưởng thôn "Giờ lành đã điểm. Trân trọng mời các cháu thiếu nhi đến nhà văn hóa thôn để phá cỗ". Một lát sau, lũ trẻ ùa ra các con đường làng. Trên tay, chúng cầm những chiếc đèn lồng đủ màu sắc, đủ hình dáng. Nhiều bạn nhỏ tinh nghịch còn đeo cả mặt nạ. Trông thật ngộ nghĩnh và đáng yêu làm sao!

Sau khi trẻ con ổn định chỗ ngồi, bác trưởng thôn thay mặt người lớn phát biểu đôi lời. Bác dành lời chúc tới tất cả trẻ em trong xóm. Nghe xong, ai nấy cũng hào hứng vỗ tay và hò reo tưng bừng. Tiếp theo, mọi người cùng theo dõi các tiết mục văn nghệ mang đặc trưng "cây nhà lá vườn", "của nhà làm được". Đầu tiên là phần trình diễn múa lân vui nhộn đến từ những anh thanh niên. Tiết mục thứ hai, thứ ba là hát đơn ca rồi hát tập thể. Cuối cùng, phần biểu diễn hóa thân thành chị Hằng, chú Cuội đã khép lại hoạt động văn nghệ sôi động.

Từ trẻ em đến người lớn, ai cũng mãn nhãn với các tiết mục hấp dẫn, thú vị. Ngay khi tiếng nhạc dừng lại, bác trưởng thôn nhanh chóng thông báo hoạt động phá cỗ chính thức diễn ra. Từng mâm bánh kẹo, hoa quả lần lượt được đưa lên. Lũ trẻ cùng nhau ăn uống đến ngon lành. Nào là bánh trung thu, nào là bưởi vàng, nào là kẹo hoa quả,... Thứ nào thứ nấy đều chất chứa cái vị ngọt ngào, khiến chúng em thích mê.

Phá cỗ xong, trẻ con lại cùng nhau đi rước đèn trung thu quanh nhà văn hóa. Tiếng nói cười rộn rã hòa trong tiếng gió thổi. Giữa màn đêm, ánh sáng lung linh phát ra từ đèn trung thu như ánh lửa hồng bập bùng. Một cảnh tượng thật tươi đẹp, huyên náo!

Đêm hội Trung thu ở thôn đã mang đến cho em những giây phút tuyệt vời. Từ đây, em càng thêm trân trọng khoảnh khắc dung dị, ấm áp này. Sau này, dù có đi nơi đâu, em vẫn mãi nhớ về những đêm hội vui vẻ như vậy.

Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện (một sinh hoạt văn hóa ngắn gọn) hay
 

B. Đề 2. Thuyết minh thuật lại sự kiện: lễ chào cờ đầu tuần
 

I. Dàn ý Thuyết minh thuật lại sự kiện: lễ chào cờ đầu tuần

1. Mở bài: giới thiệu sự kiện.
2. Thân bài:
- Thời gian diễn ra: thứ hai.
- Không gian: sân trường.
- Quang cảnh, bầu không khí: nghiêm trang, nghiêm túc.
- Sự việc, hoạt động mở đầu:
+ Sau khi tiếng trống báo hiệu kết thúc giờ truy bài vang lên, học sinh toàn trường mang theo ghế nhựa xuống sân trường xếp hàng, tập trung ở đúng vị trí lớp mình.
- Các sự việc, hoạt động tiếp theo:
+ Ổn định vị trí, tất cả mọi người chỉnh trang lại trang phục, đầu tóc.
+ Thầy phụ trách Đội bắt đầu tổ chức lễ chào cờ, toàn trường đồng thanh hát Quốc ca.
+ Bạn Liên đội trưởng của trường lên đọc xếp hạng điểm nề nếp của các lớp trong tuần vừa qua.
+ Thầy hiệu trưởng lên nhận xét, quán triệt và dặn dò một số nội dung đáng chú ý.
- Hoạt động cuối cùng:
+ Thầy phụ trách Đội nhắc nhở công tác nề nếp đến tất cả các lớp.
+ Học sinh thu dọn rác quanh chỗ ngồi, di chuyển về lớp học.
3. Kết bài: nêu cảm nhận và đánh giá về sự kiện.
 

II. Bài văn mẫu thuyết minh thuật lại sự kiện: lễ chào cờ đầu tuần

Lễ chào cờ đầu tuần là một hoạt động không thể thiếu tại các trường học trên khắp nước ta. Đây chính là dịp để thầy Hiệu trưởng triển khai công tác trong tuần tới tất cả thầy cô và học sinh.

Vào sáng thứ hai hàng tuần, sau khi kết thúc giờ truy bài, học sinh sẽ cầm theo ghế nhựa và đi xuống sân trường tập trung. Các bạn lần lượt xếp ghế vào vị trí cố định của lớp mình. Lớp trưởng, lớp phó học tập có nhiệm vụ quản lớp, yêu cầu giữ trật tự và kiểm tra trang phục.

Buổi lễ chào cờ chính thức bắt đầu vào lúc 7h15. Thầy phụ trách Đội là người phụ trách tổ chức hoạt động chào cờ. Trước hết, thầy đề nghị toàn bộ thầy cô, học sinh ổn định vị trí, chỉnh trang lại quần áo, đầu tóc. Sau đó, thầy hô to "Nghiêm" rồi đến "Chào cờ, chào!". Lúc này, nhạc Quốc ca vang lên. Học sinh bên dưới sẽ giơ tay phải lên trán để chào và đồng thanh hát vang bài "Tiến quân ca". Hết nhạc, thầy phụ trách thông báo "Thôi! Mời tất cả thầy cô và các bạn học sinh ngồi về vị trí.".

Không giống như các giờ tập trung khác, bầu không khí của buổi lễ chào cờ thường rất nghiêm trang. Ai nấy đều tỏ ra nghiêm túc, cẩn thận. Sau khi hát xong Quốc ca, mọi người sẽ ngồi xuống ghế và nghe bạn Liên đội trưởng lên đọc xếp hạng điểm nề nếp của từng lớp trong tuần vừa qua. Tiếp đến là thầy Hiệu trưởng lên nhận xét, quán triệt và dặn dò một vài nội dung cần chú ý. Thầy thường thông báo về các cuộc thi thể thao, văn nghệ hay văn hóa đáng chú ý. Đồng thời, nhắn nhủ, động viên học trò cần nỗ lực, chăm chỉ học tập hơn.

Buổi lễ chào cờ kết thúc bằng lời nhắc nhở đến từ thầy phụ trách Đội. Thầy nhấn mạnh về các công tác nề nấp cần chấp hành theo đúng quy định như: mặc đúng đồng phục, sơ vin khi đến trường, đeo khăn quàng đỏ, vệ sinh lớp học,... Sau cùng, trước khi trở lại lớp học, tất cả học sinh phải thu dọn giấy rác quanh chỗ ngồi của mình.

Ba mươi sáu tuần học tại trường là ba mươi sáu lễ chào cờ khác nhau. Mỗi lần tham gia tiết học này, em lại thấy xúc động, tự hào khi được hát vang "Tiến quân ca" - "Bài quốc ca hào hùng nhất thế giới".

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Mong rằng, những gợi ý trên đây sẽ giúp ích cho em trong quá trình viết bài. Hãy thuật lại sự kiện theo trình tự, diễn biến hợp lí. Đừng quên nêu lên cảm nhận của bản thân về sự kiện ấy, em nhé. Mời em tham khảo thêm bài văn mẫu lớp 6 hay và chất lượng mà Taimienphi.vn đã biên soạn: Bài văn thuyết minh về một lễ hội mà em ấn tượngTrình bày ý kiến về hiện tượng đời sống gợi ra từ cuốn sách đã đọc, Bài văn đề xuất một thay đổi để trường học trở nên tốt hơnĐoạn văn giới thiệu về một cảnh thiên nhiên yêu thích...

Bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện (lễ hội) từng tham gia hoặc chứng kiến là dạng bài trọng tâm thuộc chương trình Ngữ văn 6, Chân trời sáng tạo, học kì II. Em hãy theo dõi và tham khảo để biết cách thuật lại sự kiện nào đó theo đúng diễn biến nhé.
Đoạn văn thuật lại một hoạt động ở trường mà em thích
Giải Toán lớp 6 sách Chân trời sáng tạo
Link tải Sách giáo khoa lớp 4 Chân trời sáng tạo PDF
Soạn bài Ôn tập bài 3 ngắn nhất, Ngữ văn lớp 6 - Chân trời sáng tạo
Soạn bài Ôn tập bài 2, ngắn gọn, Ngữ văn lớp 10, Chân trời sáng tạo
Soạn bài Ôn tập bài 10 ngắn nhất, Ngữ văn 7 - Chân trời sáng tạo

ĐỌC NHIỀU