1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm.
- Khái quát hình ảnh người lính.
2. Thân bài:
b) Hình ảnh người lính cùng chung hoàn cảnh xuất thân, chung lí tưởng chiến đấu:
- "Nước mặn đồng chua", "Đất cày nên sỏi đá": Gợi lên những miền quê lam lũ, khó khăn.
- Họ vốn là những người xa lạ, cùng nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc tham gia kháng chiến. Từ đó trở nên gắn bó thân thiết "Súng bên súng, đầu sát bên đầu".
- "Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ": Chia sẻ hơi ấm cho nhau để vượt qua cái giá lạnh.
c) Hình ảnh người lính thấu hiểu nỗi lòng của nhau, cùng nhau vượt qua những thách thức:
- "Ruộng nương, gian nhà": Đó là quê hương, nơi có những người thân yêu mà người lính luôn cất giữ trong lòng.
- "Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính": Biện pháp tu từ nhân hóa để nhấn mạnh tình cảm của những người nơi hậu phương dành cho người lính.
- "Biết từng cơn ớn lạnh", "Sốt run người: Những khó khăn mà người lính phải trải qua.
- "Áo anh rách vai", "Quần tôi có vài mảnh vá", "Chân không giày": Những thiếu thốn về vật chất cũng không thể khiến người lính nhụt chí "Miệng cười buốt giá".
- "Thương nhau tay nắm lấy bàn tay": Hình ảnh cảm động, thể hiện tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng.
d) Hình ảnh người lính với tư thế chủ động chờ giặc tới:
- "Rừng hoang sương muối": Gợi không gian rừng núi rộng lớn, lạnh lẽo.
- "Chờ giặc tới": Nhấn mạnh tâm thế sẵn sàng chiến đấu.
- "Đầu súng trăng treo": Hình ảnh ẩn dụ để thể hiện niềm tin về một tương lai tươi sáng của đất nước.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ:
+ Nội dung: Hình ảnh người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
+ Nghệ thuật: Sử dụng những hình ảnh thơ gần gũi kết hợp với những biện pháp tu từ đặc sắc.
- Liên hệ mở rộng.
Trong kho tàng thơ ca dân tộc có rất nhiều bài thơ đặc sắc viết về người lính. Một trong số những bài thơ tiêu biểu về đề tài đó là bài "Đồng chí" của Chính Hữu. Tác giả đã làm nổi bật hình ảnh người lính trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngay ở những câu thơ đầu, tác giả đã gợi lên hoàn cảnh xuất thân của họ "Nước mặn đồng chua", "Đất cày nên sỏi đá". Qua đây, chúng ta phần nào cảm nhận được đó là những miền quê lam lũ, khó nhọc. Không chỉ có chung hoàn cảnh sống, họ còn đều giàu lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm chiến đấu. Vốn là những người xa lạ cùng nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc mà tham gia kháng chiến. Họ cùng nhau "súng bên súng, đầu sát bên đầu" trở thành những người đồng đội thân thiết. Hai chữ "tri kỉ" đã nhấn mạnh tình cảm keo sơn, gắn bó của những người đồng chí. Cũng vì lẽ đó mà họ luôn thấu hiểu tâm tư, nỗi lòng của nhau. Mặc dù hoàn cảnh chiến đấu có khó khăn nhưng ở những người lính ta luôn cảm nhận được tinh thần lạc quan chiến đấu. Họ nở "nụ cười " để xua đi cái giá lạnh của màn đêm và cùng đứng "chờ" giặc tới. Đó là tư thế sẵn sàng chiến đấu, không màng khó khăn gian khổ của những người lính cụ Hồ trong chiến tranh. Vậy qua bài thơ "Đồng chí", Chính Hữu đã mang đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về hình ảnh người lính. Chính họ đã mang đến hòa bình cho chúng ta ngày hôm nay.
Để tìm hiểu chi tiết hơn về văn bản, các em có thể tham khảo thêm văn mẫu lớp 9 khác như: Bài văn Cảm nhận về hình ảnh đầu súng trăng treo trong bài thơ Đồng chí hay, Phân tích 7 câu thơ đầu trong bài thơ Đồng chí, Vẻ đẹp của tình đồng chí được thể hiện trong bài thơ Đồng chí.
Chính Hữu là nhà thơ tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Pháp cứu nước. Ông có nhiều sáng tác tiêu biểu viết về hình ảnh người lính trong chiến tranh. Tiêu biểu phải nhắc đến bài thơ "Đồng chí".
Những người lính từ những vùng quê khác nhau nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc:
"Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày nên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau"
Ngay ở những câu thơ đầu tiên, Chính Hữu đã khái quát về hoàn cảnh xuất thân của người lính. "Nước mặn đồng chua" là nơi đất phèn nhiễm mặn khó trồng trọt. Còn "đất cày nên sỏi đá" đó là nơi nắng nóng khô hạn không canh tác được. Vậy qua đây, ta có thể thấy người lính đều là những người đến từ những miền quê nghèo, lam lũ, khó nhọc. Vốn là những người xa lạ, có chung hoàn cảnh xuất thân nên họ đồng cảm với nhau, cùng trải qua những khó khăn trong chiến đấu nên thành những người bạn tri kỉ, cùng chung lí tưởng.
Ở những câu thơ tiếp theo Chính Hữu đã nhấn mạnh hình ảnh người lính luôn kề vai sát cánh trong mọi cuộc chiến:
"Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
Đồng chí!"
Bằng việc sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ "Súng, đầu" tác giả đã nhấn mạnh giây phút gắn bó bên nhau của những người lính. Họ luôn bên nhau trong mọi hoàn cảnh. Ở nơi chiến khu Việt Bắc lạnh lẽo mà các anh chỉ có chiếc chăn mỏng manh. Vậy nên trong hoàn cảnh đó họ cùng san sẻ cho nhau hơi ấm của tình yêu thương, sự sẻ chia để vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn. Câu thơ cuối ngắn gọn vang lên như một lời khẳng định về tình đồng chí thiêng liêng.
Không chỉ gắn bó đồng cam cộng khổ mà những người lính cụ Hồ còn thấu hiểu tâm tư, nỗi lòng của nhau:
"Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay"
"Ruộng nương", "Gian nhà", "Giếng nước gốc đa" đó là những hình ảnh quen thuộc gắn liền với quê hương của người lính. Cả "anh" và "tôi" đều phải tạm rời xa những thứ thân thuộc để ra chiến trường. Họ đi để bảo vệ quê hương, đất nước. Hình ảnh "Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính" thể hiện tình yêu thương của những người thân yêu nơi hậu phương dành cho người lính. Chính tình cảm đó đã là động lực mạnh mẽ để họ vượt qua mọi khó khăn của cuộc chiến. Ở nơi chiến trường, người chiến sĩ phải đối diện với vô vàn những khó khăn. Đó là những cơn sốt rét rừng hay là thiếu thốn về vật chất "áo rách, quần vài mảnh vá, chân không giày". Nhưng trong cái gian khổ đó, họ "tay nắm lấy bàn tay". Đó không phải là cái bắt tay thông thường mà là những bàn tay tự tìm đến nhau truyền hơi ấm để xua tan đi cái buốt giá của rừng già.
Những câu thơ cuối khép lại bài thơ mang ý nghĩa to lớn:
"Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo".
Tác giả đã mở ra cho người đọc cảm nhận khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, rộng lớn có phần rợn ngợp. Trong hoàn cảnh đó những người lính lại luôn canh gác trong tư thế sẵn sàng, chủ động. "Đầu súng trăng treo" - hình ảnh tả thực bức tranh thiên nhiên lãng mạn. Mũi súng chĩa lên cao khiến cho ta tưởng như nó vừa vặn chạm đến ánh trăng. Ánh trăng như chiếu sáng tâm hồn của những người chiến sĩ giúp họ vơi đi phần nào những mệt nhọc, khó khăn. Có lẽ, phải là những người lính có tâm hồn lãng mạn thì mới có thể nhìn được một hình ảnh đặc biệt như thế.
Bằng việc sử dụng những hình ảnh thơ gần gũi kết hợp với những biện pháp tu từ đặc sắc, Chính Hữu đã làm nổi bật tình đồng đội, đồng chí gắn bó keo sơn trong chiến tranh. Họ chính là những người làm nên mùa xuân hòa bình cho đất nước. Vậy nên, sống trong độc lập như ngày hôm nay chúng ta cần khắc ghi công lao đó.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Khi Phân tích hình ảnh người lính trong bài thơ "Đồng chí", chúng ta cần chú ý làm rõ tình cảm gắn bó của họ để bài văn đầy đủ ý, đạt điểm cao.