1. Mở bài:
- Nêu thói quen mà người viết chuẩn bị thuyết phục người khác từ bỏ: thói quen không chuẩn bị bài mới.
2. Thân bài:
- Nêu ra nguyên nhân của thói quen không chuẩn bị bài mới:
+ Cảm thấy chuẩn bị bài mới là việc làm thừa thãi, tốn thời gian.
+ Lười nhác, không tự giác trong việc học.
- Nêu biểu hiện:
+ Lên mạng tìm bài soạn mẫu.
+ Làm bài qua quýt.
+ Mượn vở bạn chép bài.
- Nêu lên tác hại của thói quen này:
+ Thụ động, không thể bắt kịp chương trình học.
+ Gây ra phiền hà, khó chịu cho người khác.
+ Kết quả học tập giảm sút.
- Lợi ích của việc từ bỏ thói quen không chuẩn bị bài mới:
+ Giúp lĩnh hội kiến thức tốt hơn.
- Giải pháp để từ bỏ thói quen không chuẩn bị bài mới:
+ Dành thời gian tự học.
+ Trao đổi với thầy cô, bạn bè.
3. Kết bài:
- Khẳng định ý nghĩa của việc từ bỏ thói quen không chuẩn bị bài mới.
Bên cạnh việc không làm bài tập ở nhà, không chuẩn bị bài mới cũng trở thành thói quen phổ biến và để lại nhiều hệ lụy đối với các bạn học sinh.
Nguyên nhân chủ yếu khiến các bạn trẻ không chuẩn bị bài mới xuất phát từ sự lười nhác, cảm thấy không hứng thú và không xác định được mục tiêu trong học tập. Tôi biết có rất nhiều bạn cho rằng việc chuẩn bị bài mới trước khi lên lớp là một việc thừa thãi, tốn thời gian. Thay vì ngồi vào bàn học, các bạn sẵn sàng thỏa mãn bản thân bằng những trò chơi vô bổ, không cần thiết. Chỉ đến khi bố mẹ nhắc nhở, các bạn mới tạm gác lại thú vui để chuyên tâm vào học. Để qua mắt phụ huynh và chống đối lại giáo viên, nhiều bạn tận dụng mạng internet để tìm lời giải rồi tải về và ngồi hì hục chép. Thậm chí, có bạn sát giờ lên lớp mới hốt hoảng nhận ra mình chưa chuẩn bị bài, vội vã mượn vở bạn rồi viết vài dòng nguệch ngoạc cho đủ chữ.
Rõ ràng những điều kể trên đều là những biểu hiện của thói quen không chuẩn bị bài mới. Đây là thói quen xấu cần phải từ bỏ. Không chuẩn bị bài trước khi lên lớp khiến chúng ta thụ động và không thể bắt kịp với tiến độ giảng dạy của thầy cô. Lâu dần, kiến thức trở nên bị "hổng" và gây ra tâm lí hoang mang, chán nản với việc học. Kết quả học tập từ đó cũng giảm sút một cách nghiêm trọng.
Chính vì vậy, bạn hãy thay đổi thói quen này ngay từ hôm nay. Việc từ bỏ thói quen không chuẩn bị bài mới đem lại nhiều ích lợi hơn bạn tưởng. Khi từ bỏ được thói quen này, bạn sẽ có phong thái ung dung, tự tin, sẵn sàng chiếm lĩnh và làm chủ tri thức. Việc chuẩn bị bài mới còn giúp bạn lĩnh hội kiến thức tốt hơn. Từ đó, đạt được nhiều điểm cao và thành tích xuất sắc trong học tập.
Tôi biết rằng, để từ bỏ một thói quen đã hình thành và in sâu vào nếp sống, suy nghĩ không phải là điều dễ dàng. Nhưng tôi tin chắc, bằng sự nỗ lực không ngừng, mỗi người chúng ta đều có thể vượt lên chính mình. Thay vì tiêu phí thời gian vào các công việc không cần thiết, các bạn có thể dành ra từ 1-2 tiếng mỗi tối để ôn lại bài cũ đã học và chuẩn bị cho những tiết học sau. Ngoài ra, bạn nên xây dựng thời gian biểu, chế độ sinh hoạt phù hợp, cân bằng giữa việc học với hoạt động vui chơi. Cố gắng giữ tinh thần thoải mái, không nên quá thúc ép vào bản thân vào việc học và chuẩn bị bài mới. Nếu gặp khó khăn trong quá trình tìm hiểu bài, bạn nên trao đổi với bạn bè, thầy cô để được giải đáp và giúp đỡ kịp thời.
Không thể phủ nhận soạn bài và chuẩn bị bài trước khi lên lớp là một công việc nhàm chán nhưng bạn hãy cố gắng vượt lên những rào cản cảm xúc để hướng tới chân trời tri thức đang rộng mở ở tương lai.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Hi vọng qua bài viết này, các em sẽ cố gắng học và chuẩn bị bài mới một cách chỉn chu nhất có thể. Taimienphi.vn luôn đồng hành và hỗ trợ các em trong quá trình học. Bên cạnh bài viết trên, em có thể tham khảo thêm văn mẫu lớp 10:
- Bài luận thuyết phục từ bỏ thói quen hay ăn quà vặt trong lớp
- Bài luận thuyết phục từ bỏ quan niệm kì thị người tàn tật