1. Mở đoạn: Giới thiệu bài ca dao.
2. Thân đoạn:
* Nêu ấn tượng chung về nội dung bài ca dao:
- Bài ca dao khắc họa khung cảnh tươi đẹp của thành Thăng Long xưa:
+ Khung cảnh thiên nhiên trong sáng sớm.
+ Các địa danh nổi tiếng của kinh thành Thăng Long: Đền Trấn Võ, Thọ Xương, Yên Thái, Tây Hồ.
* Nêu cảm nhận về nghệ thuật:
- Thể thơ lục bát truyền thống.
- Ngôn ngữ giản dị, trong sáng, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân lao động.
* Nêu ý nghĩa của bài ca dao:
- Ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước.
3. Kết đoạn: Khẳng định lại cảm xúc, suy nghĩ về bài ca dao.
Mỗi lần đọc bài ca dao "Gió đưa cành trúc la đà", em đều thêm yêu quê hương, đất nước mình. Điều khiến em đặc biệt yêu thích ở bài ca dao chính là bức tranh thiên nhiên thơ mộng: "Gió đưa cành trúc la đà", "Mịt mù khói tỏa ngàn sương". Động từ "đưa" và "la đà" đã diễn tả được hình ảnh cành trúc đưa đi, đưa lại một cách nhẹ nhàng trước gió. Cảnh vật bị bao trùm trong tấm màn mờ ảo của khói sương càng làm cho bức tranh thiên nhiên trở nên trữ tình. Không những vậy, âm thanh đời sống càng nhấn mạnh vẻ đẹp thanh bình, yên ả của vùng đất ngàn năm văn hiến. Đó là tiếng chuông chùa Trấn Vũ, tiếng gà báo canh ở huyện Thọ Xương, tiếng nhịp chày làm giấy ở làng Yên Thái. Tất cả tạo nên bức tranh tươi đẹp, lay động lòng người. Để làm nên sức hấp dẫn của bài ca dao, ta không thể không nhắc tới thể thơ lục bát truyền thống với cách ngắt nhịp 2/2/2, 4/4 cùng ngôn từ giản dị, mang đậm màu sắc dân gian. Qua bài ca dao, tác giả dân gian đã miêu tả bức tranh Thăng Long xưa với những đường nét hài hòa, tinh tế. Từ đó, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Đọc bài ca dao, em càng thêm yêu, tự hào về đất nước mình.
Bài ca dao "Gió đưa cành trúc la đà" thuộc chùm ca dao về quê hương đất nước. Mỗi lần đọc bài ca dao trên, em vô cùng ấn tượng trước khung cảnh tươi đẹp của thành Thăng Long xưa. Có thể thấy, hai câu thơ "Gió đưa cành trúc la đà" và "Mịt mù khói tỏa ngàn sương" đã làm nổi bật bức tranh thiên nhiên trong khung cảnh sáng sớm. Trước tác động khe khẽ của những cơn gió, cành trúc như sà xuống thấp rồi đưa đi đưa lại theo chiều gió một cách nhẹ nhàng. Không những vậy, bức tranh ấy còn được bao trùm trong màn sương mờ ảo, mịt mù, đem lại cho ta cảm nhận về một vùng đất thơ mộng, trữ tình. Ngoài ra, tác giả dân gian còn nhắc đến các địa danh nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa trong hai câu "Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương", "Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ". Dường như trên nền không gian lắng đọng, yên bình ấy, tiếng chuông chùa, tiếng gà báo canh, nhịp chày của người dân làm giấy càng nhấn mạnh sự thư thái, yên bình trong buổi sáng sớm. m thanh của đời sống con người giao hòa với vẻ đẹp thiên nhiên khiến ta cảm thấy thư thái biết bao! Bằng thể thơ lục bát truyền thống cùng ngôn từ giản dị, trong sáng, tác giả dân gian đã khắc họa khung cảnh khoáng đạt, trữ tình của thành Thăng Long xưa. Qua đó, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng. Đối với em, bài ca dao trên luôn có một sức hút đặc biệt khiến em không thể nào quên.
Trong bài "Chùm ca dao về quê hương đất nước", em đặc biệt ấn tượng với bài ca dao "Gió đưa cành trúc la đà". Tác giả dân gian đã gửi gắm tình cảm sâu đậm của mình cho kinh thành Thăng Long thông qua việc khắc họa bức tranh tươi đẹp nơi đây. Sự tinh tế, khéo léo của tác giả được phô diễn thông qua việc miêu tả chuyển động của cành trúc. Những cơn gió khiến cành trúc sà thấp xuống, đưa qua đưa lại một cách nhẹ nhàng. Đặc biệt hơn, vạn vật như được bao trùm trong màn sương mờ ảo của buổi sớm. Tất cả đã tạo nên bầu không khí thơ mộng, trữ tình cho cảnh sắc vùng "đất rồng bay lên". Điểm xuyết lên không gian vắng lặng ấy là thanh âm của đời sống con người. Đó là tiếng chuông chùa Trấn Võ, tiếng gà báo canh ở đất Thọ Xương và cả nhịp chày cất lên từ hoạt động làm giấy của người dân vùng Yên Thái. Dường như, con người, vạn vật đã giao hòa, quyện lại với nhau, không thể tách rời. Với thể thơ lục bát truyền thống, nhịp chẵn 2/2/2, 4/4 cùng ngôn từ giản dị, hình ảnh gần gũi, thân quen, tác giả dân gian đã miêu tả một cách chân thực, sống động vẻ đẹp Thăng Long một thời. Qua đó, ta thấy được tình yêu quê hương, đất nước sâu đậm của tác giả dân gian.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Việc trình bày cảm nhận của bản thân về một bài ca dao sẽ giúp các em rèn luyện được kĩ năng viết bài. Taimienphi.vn luôn cố gắng đem đến cho các em những bài văn mẫu lớp 6 hay và chất lượng khác như:
- Soạn bài Chuyện cổ nước mình
- Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về một danh lam thắng cảnh của quê hương đất nước