1. Mở bài:
- Giới thiệu về đối tượng và lí do cần thuyết minh.
2. Thân bài:
- Trình bày tổng quan về đối tượng hoặc quy trình cần thuyết minh.
- Trình bày những đặc điểm cụ thể của đối tượng hoặc các bước, các công đoạn của một quy trình (nguyên liệu thực hiện, các bước tiến hành, yêu cầu thành phẩm, ý nghĩa,...).
- Miêu tả chi tiết một vài đặc điểm, một vài công đoạn độc đáo, đặc sắc hoặc lồng ghép các nhận xét, đánh giá, bày tỏ cảm xúc.
3. Kết bài:
- Đánh giá lại về đối tượng hoặc quy trình đã thuyết minh.
Từ lâu, Trung thu đã trở thành một ngày Tết của thiếu nhi. Và trong ngày này, chúng ta không thể thiếu bánh Trung thu.
Bánh Trung thu có ý nghĩa là bánh mặt trăng. Chính vì vậy, mặt bánh thường có hình tròn. Sự tích ra đời chiếc bánh này gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Chu Nguyên Chương người Trung Quốc. Chiếc bánh được tạo hình tròn từ nhân cho đến vỏ, gửi đi thông điệp sẽ khởi nghĩa vào ngày trăng tròn tháng tám. Từ đó, chiếc bánh đã trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày này.
Bánh Trung thu được chia ra làm hai loại là bánh dẻo và bánh nướng. Điểm khác nhau giữa chúng nằm ở phần vỏ bánh:
- Bánh dẻo có màu trắng, mềm hơn. Đúng như tên gọi, vỏ của nó được làm từ bột bánh dẻo, nước đường, không cần nấu lên mà chỉ cần trộn hai nguyên liệu này lại, ủ bột khoảng 30 phút rồi bỏ ra nhào lại, thêm nhân, tạo hình là ta đã có một chiếc bánh dẻo thơm ngon
- Bánh nướng có màu vàng sẫm. Vỏ bánh thường được làm bằng bột mì đa dụng. Sau khi nhào bột, thêm nhân và tạo hình, ta mang bánh đi nướng là hoàn thành.
Có rất nhiều vị nhân bánh Trung thu khác nhau. Người thích ăn bánh nhân thập cẩm truyền thống, người thích nhân trứng muối, đậu đỏ, matcha, sầu riêng, cốm dừa,... Để làm ra nhân, người ta thường nấu chín các nguyên liệu rồi xay nhuyễn ra để vo viên tròn. Mỗi loại nhân sẽ tạo cho bánh có hương vị khác nhau. Bánh Trung thu thành phẩm phải có độ mềm vừa phải, nhân bên trong chín đều, định lượng bánh bằng nhau và quan trọng nhất là bánh không được cháy.
Không biết bánh Trung thu có từ bao giờ nhưng nó đã trở thành thứ quà không thể thiếu mỗi tháng tám trăng tròn. Vì bánh Trung thu có vị ngọt, người ta thường thưởng thức nó cùng với cốc trà để trung hòa lại hương vị. Cùng với đèn ông sao, mâm ngũ quả, loại bánh này đã trở thành biểu tượng của ngày lễ Trung thu.
------------------------------
Mời em tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 11 sau: Viết đoạn văn chia sẻ về một thông điệp nhận được từ thiên nhiên; Giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật yêu thích.
Việt Nam được biết đến là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới, nhất là hai loại Arabica và Robusta. Khi đến Việt Nam, các du khách nước ngoài cũng thường trầm trồ ngạc nhiên vì cách chế biến, thưởng thức cà phê ở nước ta quá mức khác biệt, độc đáo.
Cây cà phê được du nhập vào Việt Nam ngay từ cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp. Rất nhiều đồn điền cà phê được mở ra ở vùng ven sông Bắc Kỳ. Sau đó, khi khai phá ra vùng đất Tây Nguyên trù phú với loại đất đỏ bazan cùng khí hậu phù hợp, Pháp đã chuyển xuống canh tác ở khu vực này. Việc trồng cà phê ở Tây Nguyên đã phát triển đến tận ngày nay. Sản lượng cà phê ở khu vực này cũng cao nhất cả nước, đặc biệt là Buôn Ma Thuột - vựa cà phê Robusta đứng đầu thế giới.
Cây cà phê sau khi được trồng khoảng ba đến bốn năm thì có thể bắt đầu cho ra quả. Vào khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm là mùa thu hoạch. Cà phê thường sẽ được người nông dân dùng tay hái từng quả từ trên cây xuống. Đặc biệt, khi hái cà phê không được tuốt cả cành lá, tránh làm gãy cành để không gây ảnh hưởng đến sản lượng của những vụ sau. Trong một vài trường hợp, người nông dân cũng có thể dùng máy để thu hoạch. Tuy cách này nhanh chóng và tiện lợi hơn nhưng máy sẽ không phân biệt được cà phê còn xanh hay đã chín. Việc thu hoạch cà phê chưa chín sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, khiến cho cà phê bị mất mùi và dễ sinh ẩm mốc. Chính vì thế, thu hoạch quả cà phê chính là quy trình quan trọng và vất vả nhất.
Cà phê bắt buộc phải được chế biến trong vòng 24 giờ sau khi thu hoạch, nếu không chất lượng sẽ không được đảm bảo. Hiện nay, có ba cách phổ biến để chế biến cà phê:
- Chế biến khô: Cà phê sau khi thu hoạch sẽ được để nguyên trái phơi khô. Đến khi độ ẩm của quả chỉ còn khoảng 12-13% sẽ được mang đi xay xát, bỏ đi lớp vỏ bên ngoài để lấy nhân. Cách làm thủ công này thường được sử dụng ở các hộ trồng cà phê nhỏ lẻ.
- Chế biến ướt: Cà phê sau khi thu hoạch xong sẽ được mang đến bể rửa và phân loại rồi xay xát để lấy được lớp nhân bên trong. Công đoạn cuối cùng là lên men bằng enzym rồi mang đi sấy khô. Đây là cách là thường thấy để tạo ra những sản phẩm cà phê hòa tan trên thị trường hiện nay.
- Chế biến bán ướt: Đây là cách chế biến đòi hỏi kĩ thuật cao. Tất cả những hạt cà phê đều phải được chọn lọc kĩ càng, chín 100% mới được mang đi xay xát. Phải đảm bảo sau khi xay xát, các hạt cà phê vẫn giữ được chất nhầy. Sau đó, cà phê sẽ được mang lên giàn phơi tự nhiên đến khi độ ẩm còn 12% là đạt chuẩn.
Sau khi chế biến, cà phê phải được bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp và nơi có độ ẩm cao. Nếu không đảm bảo được những yếu tố này, quá trình oxi hóa sẽ xảy ra khiến cho hương vị cà phê suy giảm.
Không biết từ bao giờ, "văn hóa cà phê" đã đi sâu vào cuộc sống của con người Việt Nam. Ở đất nước chúng ta, những phương pháp thủ công vẫn được người dân sử dụng phổ biến. Người Việt thường rang cà phê từ từ ở nhiệt độ thấp trong khoảng 12 đến 15 phút, đến khi hạt có màu nâu nhạt và mùi thơm là dừng. Khi pha cà phê, ta đặt phin lên cốc, cho bột vào rồi đổ nước nóng từ từ vào phin. Đậy nắp, đợi những giọt cà phê tinh túy chảy xuống cốc Có lẽ chính sự chờ đợi ấy làm cho cốc cà phê trở nên ngon hơn, đặc biệt hơn trong mắt mọi người. Ngoài việc uống cà phê nguyên chất, người Việt thường dùng sữa đặc hoặc các gia vị khác nhau kết hợp với cà phê. Đó chính là lí do tại sao "bạc xỉu", "cà phê sữa đá", "cafe trứng", "cafe muối",... ra đời.
Sau rất nhiều năm phát triển, với sự giúp đỡ của nhà nước, ngành cà phê đã trở nên lớn mạnh với rất nhiều "ông lớn" như Trung Nguyên, G7,... hay các thương hiệu trẻ như The Coffee House, Urban Coffee. Bây giờ, ở bất cứ đâu chúng ta cũng có thể thấy cà phê, từ nhà hàng sang trọng đến hàng quán ngoài vỉa hè. Cà phê đã len lỏi vào từng ngóc ngách, trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của người Việt Nam.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Với đề bài Thuyết minh về một quy trình hoạt động hoặc đối tượng quan tâm, Taimienphi.vn đã giới thiệu bài mẫu Thuyết minh về quy trình thu hoạch và chế biến cà phê. Hi vọng rằng các em đã nắm được cách làm bài văn thuyết minh để tự thực hành bài viết của mình.