Đề bài: Suy nghĩ về câu nói: Không có cái hại nào lớn bằng không chịu sửa mình
Suy nghĩ về câu nói: Không có cái hại nào lớn bằng không chịu sửa mình
Giới thiệu về câu nói: " Không có cái hại nào lớn bằng không chịu sửa mình"
2. Thân bài
* Giải thích: " cái hại" là những điều ảnh hưởng xấu đến bản thân mình
* Phân tích:
- Tại sao lại nói: Không có cái hại nào lớn bằng không chịu sửa mình?
+ Biết sai mà không sửa dần dần sẽ trở thành thói quen trì trệ, không sửa đổi sẽ trở thành tật xấu không sửa được.
+ Không chịu sửa mình đồng nghĩa với bảo thủ, chứng nào tật lấy khiến sai lầm xảy ra liên tục ảnh hưởng đến bản thân và người khác.
+ Không chịu sửa mình sẽ không tiến bộ, không đạt được thành công, bị người khác chê trách...(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Suy nghĩ về câu nói: Không có cái hại nào lớn bằng không chịu sửa mình tại đây
Người khôn ngoan là người biết lắng nghe, thấy sai phải sửa thấy bất bình phải lên tiếng. Thật vậy trái ngược với nó là những người bảo thủ, bất chấp sai lầm của mình nhưng rồi lại nhắm mắt cho qua. Đó là một thói quen xấu, một hành động kém khôn ngoan mà mỗi chúng ta cần phải sửa chữa. Điều này hoàn toàn đúng với câu nói: "Không có cái hại nào lớn bằng không chịu sửa mình".
Đúng vậy, là người sống trên đời ai mà chẳng có lúc phạm phải sai lầm, ai mà chẳng từng vài lần trót dại để rồi sau đó mới lớn khôn. Tuy nhiên lại có người biết tận dụng những sai lầm để ngày một hoàn thiện mình và người thích che giấu những sai lầm của mình. Mỗi hành động, mỗi việc làm của chúng ta đều có nhân quả báo ứng, nếu có cố gắng sẽ có báo đáp còn cố chấp cứng đầu sẽ đem lại kết cục đau đớn. Và đây cũng là thông điệp mà câu nói: " Không có cái hại nào lớn bằng không chịu sửa mình" muốn truyền tải cho mỗi chúng ta.
Để hiểu rõ hơn về câu nói này trước tiên chúng ta cần hiểu "cái hại" là gì? Cái hại là những điều ảnh hưởng xấu đến bản thân mình. Trong cuộc sống hiện nay thì có vô số thứ có thể ảnh hưởng đến bản thân mình, cái hại có thể bắt nguồn từ nguyên nhân gián tiếp như khói bụi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, lũ lụt, thảm họa thiên nhiên,... Tuy nhiên câu nói trên truyền tải thông điệp nằm trong phạm vi nhỏ hẹp hơn là chính bản thân chúng ta, đây là nguyên nhân trực tiếp mà cũng là nguyên nhân dẫn đến cái hại lớn nhất cho bản thân mỗi người.
Vậy cái hại lớn nhất là gì? Đó là không chịu sửa mình. "Không chịu sửa mình" ở đây có thể là sự trì trệ cố hữu, cũng có thể là sự bảo thủ, cố chấp; sự kiêu ngạo mù quáng, luôn cho mình là đúng hoặc biết sai nhưng lại không chịu sửa đổi. Tật xấu không chịu sửa mình luôn mang đến những hậu quả đáng sợ và mỗi người chúng ta cần phải kịp thời thức tỉnh, sửa đổi trước khi quá muộn.
Sống trên đời ai mà chẳng một vài lần trì trệ, đôi khi cũng muốn dành cho mình một chút thời gian để nghỉ ngơi, dẹp công việc hiện tại sang một bên để có những giây phút thư thái cho tâm hồn mình, giải tỏa căng thẳng. Điều này không sai tuy nhiên nhiều người lại lấy đây là cái cớ để trì hoãn công việc, hôm nay mình nghỉ một chút ngày mai làm, mình còn nhiều thời gian, mình chưa đến hạn nộp,... Họ sớm nhận ra việc trì trệ công việc hằng ngày là không tốt nhưng rồi cũng ậm ừ cho qua, họ không chịu sửa đổi bản thân để rồi thói trì trệ trở thành một tật xấu không thể sửa được. Lại thêm nhiều ví dụ hơn về tật xấu không chịu sửa mình đó là những thói quen xấu của mỗi người, mặc dù biết hút thuốc rất hại sức khỏe, ham chơi quá sẽ ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống, vi phạm luật giao thông sẽ bị phạt và thậm chí đe dọa tính mạng bản thân,... Tất cả chúng ta đều biết đó là những việc làm không tốt, chúng ta cũng đã biết trước về hậu quả của mỗi thói quen xấu mà mình đang làm thế nhưng lại không chịu sửa đổi, bướng bỉnh cố chấp để rồi cuối cùng rơi vào những hậu quả đáng tiếc. Biết sai phải sửa, biết thiếu sót phải bổ sung, lắng nghe đóng góp, nhận xét cũng là một yếu tố rất quan trọng để có thể sửa đổi bản thân, thế nhưng nhiều người lại cho rằng những lời nhận xét kia khiến họ không hài lòng. Đó là những lời nhận xét không cần thiết, họ có tư cách gì mà đánh giá mình, mình sai mình chịu đâu có mất gì của người ta, và rồi cũng bởi vì suy nghĩ ấy mà họ gạt đi những lời góp ý kia, trở nên cố chấp, bảo thủ, không mở lòng với những người đang muốn họ thay đổi. Bướng bỉnh, cố chấp khiến họ ngày càng sai lầm, giữ nguyên thói quen xấu, sai phạm lặp đi lặp lại nhưng rồi họ lại đổ lỗi cho số phận, họ cho rằng bản thân mình sinh ra đã thế rồi, mình không thể sửa được, có chết cũng không thể sử được, nó đã trở thành thói quen rồi. Và rồi con người ấy từ một người bình thường như bao người khác trở thành đối tượng để người khác bàn tán, bình luận, không ai muốn góp ý, không ai muốn lại gần vì sự bảo thủ, cố chấp.
Mỗi người trong chúng ta là một cá thể trong một công đồng xã hội rộng lớn, chúng ta đều được học tập và làm việc nhưng tại sao lại có những người đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp, có người thành công nhưng cũng có người thất bại? Điều nó hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ và cách nhìn nhận của mỗi chúng ta. Ai cũng phải mắc sai lầm, kể cả nhà bác học vĩ đại nhất, chẳng phải để ra được một phát minh hay một công trình nào đó người ta phải thử đi thử lại không biết bao nhiêu lần, sau nhiều cố gắng và sửa chữa cuối cùng người ta mới đạt được thành công hay sao. Đừng nghĩ người ta làm được còn mình thì không, đừng cố gắng biến mình trở thành con vẹt, trở thành bản sao của người khác vì mỗi người có một thế mạnh khác nhau và không phải cứ áp dụng phương pháp của người kia là mình cũng sẽ thành công được như họ. Cuộc sống đâu dễ dàng như chúng ta tưởng và chỉ có người không ngừng cố gắng sửa đổi bản thân mình mới sớm đạt được thành công. Không chịu sửa mình mặc dù biết đó là sai, là thiếu sót dẫn đến những hành động nhằm che đậy đi sai lầm của mình, bảo thủ, ngoan cố gây ra bất đồng với người khác. Đôi khi lại vì cái thứ gọi là lòng tự trọng cao ngất trời kia mà sinh ra tranh chấp không đáng có, biết bản thân mình sai nhưng lòng tự trọng lại không cho phép mình cúi đầu dẫn đến những hành động không đáng có gây rạn nứt các mối quan hệ để rồi lại ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Không chịu sửa mình sẽ hình thành thói quen trì trệ, không sửa chữa, bảo thủ sẽ tụt hậu với thời đại, trở nên cổ hủ khó hòa nhập với xã hội nơi đầy ắp các tư tưởng tiến bộ.
Không chịu sửa mình dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, vậy phải làm thế nào để chúng ta tự sửa đổi bản thân mình? Câu trả lời là phải lắng nghe, mỗi người cần lắng nghe, tiếp thu đóng góp, nhận xét của người khác để hoàn thiện bản thân mình hơn. Có thể đó là những lời nhận xét thẳng thừng không chút kiêng nể, đó là những lời có chút khó nghe nhưng sau cùng đó là bởi vì mình còn thiếu sót, chưa đủ năng lực nên mới bị như thế. Đừng đặt lòng tự trọng sai chỗ, sai thời điểm vì nó chỉ làm cho những mối quan hệ của mình thêm tồi tệ, xấu xa sẽ ngày càng xấu xa mà thôi. Cách dẫn đến thành công nhanh nhất đó là trải qua thất bại, sau mỗi thất bại ta lại rút ra được những bài học, dày dặn thêm kinh nghiệm, có thêm hành trang cho hành trình vươn tới thành công của mình. Và điều không thể thiếu đó là phải luôn tỉnh táo trong suy nghĩ và hành động để kịp thời nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu và từ đó sửa đổi, phát huy hết năng lực của bản thân. Cũng cần tỉnh táo trong việc chọn bạn, chọn người để tin tưởng vì cuộc sống nhiều éo le, luôn có những kẻ nịnh hót nịnh bợ luôn tìm mọi cách cố để dìm bản thân ta xuống vực thẳm, nên nhớ sự thật mất lòng, thà chấp nhận cay đắng một lần còn hơn ngậm đắng cay về sau. Ngoài ra để tự hoàn thiện bản thân, tự sửa mình thì còn cần giao lưu, kết bạn với những người có phẩm chất tốt để từ đó học hỏi, cùng nhau sửa chữa và tiến bộ.
Cuộc sống luôn ẩn chứa những bất ngờ không tưởng và bên cạnh đó luôn có những kẻ rảnh rỗi ganh tị với thành công của người khác. Vậy nên cần tỉnh táo, có quan điểm riêng trong việc sửa đổi bản thân. Không phải ai bảo gì cũng nghe, ai nói gì cũng sửa đổi vì biết đâu đó chỉ là lời ganh ghét đầy giả tạo của kẻ luôn muốn hãm hại ta. Nếu điều đó đúng, nếu tất cả mọi người đều cho rằng mình sai thì có lẽ là mình đã sai và nên sửa đổi còn nếu đó chỉ là lời chua ngoa từ một vài kẻ xấu xa ngoài kia thì không cần để ý, không cần so đo với những kẻ tầm thường và rảnh rỗi.
Là người, sống trên đời ai mà chẳng có những lúc mắc phải sai lầm và điều quan trọng lúc bấy giờ là phải tỉnh táo để thoát khỏi sai lầm ấy, mỗi sai lầm cho ta một bài học giúp ta trưởng thành và hoàn thiện hơn. Vậy nên mỗi người cần phải tự sửa đổi bản thân mình, lắng nghe và tiếp thu để rồi tự sửa đổi vì không có cái hại nào lớn bằng không chịu sửa mình.
----------------------HẾT---------------------------
Trên đây là nội dung bài Suy nghĩ về câu nói: Không có cái hại nào lớn bằng không chịu sửa mình, bên cạnh đó để rèn luyện thêm kĩ năng viết bài nghị luận xã hội, các em có thể tham khảo thêm: Suy nghĩ về câu nói: Cái chết không phải mất mát lớn nhất trong cuộc đời..., Suy nghĩ về câu nói: Lao động là vinh quang, Suy nghĩ về câu nói: Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động, Suy nghĩ về câu nói: Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là một việc phải nhỏ...