Đề bài: Suy nghĩ của em về truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao
Suy nghĩ của em về truyện ngắn Lão Hạc
"...Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ kiếp lầm than...", đó chính là tuyên ngôn nghệ thuật vị nghệ thuật của một nhà văn nhân đạo. Ngòi bút của ông luôn thấm đẫm những giọt mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu của những con người thống khổ trong xã hội. Không ai khác đó là Nam Cao, một nhà văn hiện thực xuất sắc trong văn học Việt Nam. Những tác phẩm của ông đều thể hiện rõ tinh thần sáng tác ấy, và một trong những tác phẩm hiện thực xuất sắc nhất của ông phải kể đến Lão Hạc.
Ngay từ đầu tác phẩm, nhân vật lão Hạc hiện lên là một ông lão khổ cực. Vợ mất sớm, lão phải sống trong cảnh gà trống nuôi con. Rồi con lão cũng bỏ lão mà đi kiếm sống. Lão lại sống cô đơn, buồn tủi một mình. Lão chỉ có cậu Vàng làm bạn. Ấy thế mà, bi kịch vẫn chưa kết thúc với lão Hạc, đau đớn thay, lão lại phải bán đi cậu Vàng, người bạn thân thiết nhất của mình. Một con vật nhưng không phải là vô tri vô giác, bởi nó đã ở cạnh lão trong những lúc lão cô đơn nhất. Đến miếng ăn, lão cũng san sẻ cho cậu Vàng. Nhưng vì hoàn cảnh, vì để tiền dành dụm cho con mà lão phải bán đi người bạn thân thiết nhất. Quyết định bán đã khó khăn, sau khi bán lão còn ân hận, day dứt nhiều hơn, lão nghĩ lão đã lừa một con chó.
Nam Cao đã rất thành công khi khắc họa chân dung lão Hạc sau khi bán cậu Vàng. Trên mặt lão, "những vết nhăn co rúm lại, những nếp nhăn ép lại cho nước mắt chảy ra. Cái miệng lão nghẹo về một bên và miệng lão móm mém như con nít. Lão khóc". Rồi những ngày sau đó, lão chỉ sống qua ngày bằng những củ, rau trong vườn tìm được. Lão không muốn tiêu phạm một đồng nào vào tiền để dành cho cậu con trai mình, lão tằn tiện hết mức có thể. Lão cũng không muốn phiền hà đến hàng xóm xung quanh. Đau đớn thay, lão tìm đến cái chết. Kết thúc của câu chuyện mới đau đớn làm sao, con người vất vả ấy đã tìm đến cái chết để giải thoát cho bản thân mình. Cả cuộc đời người nông dân ấy giờ đây đánh đổi bằng vài ba liều thuốc chuột. Cái chết của lão Hạc cũng đau đớn như chính cuộc đời của lão vậy. Trước khi chết, lão cũng đã cố dành dụm một chút tiền gửi ông giáo để lo cho đám tang của mình chu toàn mà không muốn phiền đến tất cả mọi người.
Cái chết của lão Hạc là sự phê phán, tố cáo đối với xã hội phong kiến. Ngòi bút của Nam Cao chưa bao giờ là vô nghĩa, chưa bao giờ là không có tác dụng. Chính giá trị hiện thực này của câu chuyện đã đem đến cho người đọc những xót xa về thân phận cuộc đời của một người nông dân sống quay quắt trong bế tắc mà không hề có sự quan tâm, giúp đỡ của xã hội thời bấy giờ. Cái xã hội ấy đã chôn vùi cuộc sống của những người dân lao động, để họ phải sống trong cô đơn, cùng cực đi đến bế tắc. Lão Hạc chết nhưng tâm hồn, nhân cách và trái tim của một người cha với con trai, một người chủ với con chó Vàng vẫn đáng kính nể và đáng để học tập.
Nam Cao đã rất thành công khi khắc họa hình tượng nhân vật người nông dân với nhân vật tiêu biểu là lão Hạc. Với những đặc sắc về nghệ thuật cũng như giá trị nội dung hiện thực, nhân đạo sâu sắc, đến ngày nay, chúng ta vẫn xem đây như một trong những tác phẩm tiêu biểu về đề tài người nông dân trước Cách mạng tháng Tám.
------------------HẾT-------------------
Trên đây chúng tôi đã giới thiệu đến các em bài văn mẫu Suy nghĩ của em về truyện ngắn Lão Hạc, để củng cố vốn hiểu biết về tác phẩm, các em không nên bỏ qua những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Cảm nhận về truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, Vẻ đẹp con người của lão Hạc trong truyện ngắn của Nam Cao, Phân tích bi kịch của lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao, Thuyết minh truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao.