1. Trước khi viết.
a. Lựa chọn bài thơ
- Lựa chọn bài thơ lục bát mà em ấn tượng.
b. Tìm ý
- Đọc bài thơ nhiều lần, ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ, ý tưởng của em về bài thơ.
- Tìm ý bằng cách đặt một số câu hỏi.
c. Lập dàn ý
Sắp xếp các thông tin, ý tưởng đã có thành một dàn ý sau:
- Mở đoạn: Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ, tác giả (nếu có)
- Thân đoạn: Trình bày cảm xúc về bài thơ.
+ Nêu cảm xúc về nội dung chính của bài thơ.
+ Nêu ý nghĩa, chủ đề của bài thơ.
+ Nêu cảm nhận về một số yếu tố hình thức nghệ thuật của bài thơ.
- Kết đoạn: Khái quát lại những ấn tượng, cảm xúc về bài thơ.
2. Viết bài
- Từ dàn ý chi tiết, hãy triển khai thành một đoạn văn hoàn chỉnh.
3. Sau khi viết
- Kiểm tra bài viết đã đầy đủ, chính xác yêu cầu của đề bài chưa.
- Kiểm tra chính tả, diễn đạt.
Đề bài: Nêu cảm nghĩ của em về bài ca dao sau.
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.
1. Dàn ý nêu cảm nghĩ về bài ca dao "Gió đưa cành trúc la đà [...] mặt gương Tây Hồ"
a. Mở đoạn:
- Giới thiệu ngắn gọn về bài ca dao.
b. Thân đoạn: Trình bày cảm xúc về bài ca dao
- Về nội dung chính của bài ca dao:
+ Bài ca dao gợi ra khung cảnh thiên nhiên lúc sáng sớm nơi kinh thành Thăng Long xưa.
+ Khắc họa vẻ đẹp của các địa danh Trấn Võ, Thọ Xương, Yên Thái và Tây Hồ.
- Nêu cảm nhận về một số yếu tố hình thức nghệ thuật của bài ca dao:
+ Sử dụng thành công các biện pháp tu từ: đảo ngữ "mịt mù" lên đầu câu, ẩn dụ "mặt gương Tây Hồ".
+ Sử dụng ngôn ngữ mộc mạc, trong sáng.
c. Kết đoạn:
- Khái quát, khẳng định những cảm xúc về bài ca dao.
2. Đoạn văn mẫu trình bày cảm xúc về bài ca dao Gió đưa cành trúc la đà [...] mặt gương Tây Hồ
Trong "Chùm ca dao về quê hương đất nước", em thấy ấn tượng nhất với bài ca dao "Gió đưa cành trúc la đà [...] mặt gương Tây Hồ". Trước tiên, kinh thành Thăng Long xưa hiện lên với hình ảnh cành trúc đang nhẹ nhàng, rung rinh trong gió. Lúc này, đất trời như được bao trùm trong sương khói mịt mù, mờ ảo. Khung cảnh thiên nhiên thật trong trẻo, nên thơ làm sao! Không gian thanh bình, yên ả ấy đã bị phá vỡ bởi tiếng chuông thánh thót nơi đền Trấn Võ, tiếng gà báo canh ở Thọ Xương và tiếng chày giã vỏ cây làm giấy vùng Yên Thái. Đây chính là những thanh âm quen thuộc trong đời sống con người trên mảnh đất "nghìn năm văn hiến". Có thể thấy, bức tranh nhiên nhiên có sự hòa hợp giữa đường nét, hình ảnh và âm thanh. Bằng việc sử dụng thành công các biện pháp tu từ như đảo ngữ "mịt mù" lên đầu câu, ẩn dụ "mặt gương Hồ Tây" và ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, tác giả dân gian đã mang đến cho độc giả những hình dung chân thực về khung cảnh thiên nhiên nơi kinh thành Thăng Long xưa. Từ đây, ta còn cảm nhận được tấm lòng yêu mến, tự hào về vẻ đẹp quê hương, đất nước của tác giả dân gian.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Taimienphi.vn rất vui khi được đồng hành cùng em trong quá trình học môn Ngữ văn 6. Em hãy tham khảo thêm một số bài soạn và văn mẫu lớp 6 chất lượng khác như:
- Tập làm thơ lục bát
- Soạn bài Nói và nghe: Trình bày ý kiến về tình cảm gắn bó của con người với quê hương
- Soạn bài Củng cố, mở rộng bài 4