Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết.
- Lựa chọn bài thơ có yếu tố kể chuyện và các chi tiết miêu tả.
Bước 2: Tìm và lập dàn ý:
- Tìm ý: chỉ ra câu chuyện được kể cùng các chi tiết miêu tả trong tác phẩm và đánh giá ý nghĩa của chúng.
- Lập dàn ý: sắp xếp các ý đã tìm được thành một dàn ý có đầy đủ bố cục 3 phần.
Bước 3: Viết bài.
- Viết thành bài hoàn chỉnh dựa trên dàn ý đã lập.
Bước 4: Đọc lại bài và chỉnh sửa, bổ sung.
- Xem lại và chỉnh sửa: đọc lại toàn bộ bài, sửa lại các lỗi sai như chính tả, ngữ pháp. Có thể đọc bài cho các bạn nghe và nhờ họ đưa ra ý kiến đóng góp, nhận xét để bài viết thêm hoàn chỉnh.
I. Dàn ý Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả Chuyện cổ tích về loài người
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu nhan đề bài thơ và tên tác giả.
- Giới thiệu khái quát về cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ.
2. Thân đoạn:
- Nêu cảm xúc về bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả.
- Chỉ ra yếu tố tự sự và miêu tả có trong bài thơ:
+ Yếu tố tự sự: Tác giả đã kể lại câu chuyện về sự hình thành và phát triển của con người theo dòng thời gian (từ lúc trẻ em được sinh ra chưa có cành cây ngọn cỏ cho đến khi đạt đến sự tiến bộ, văn minh với sự xuất hiện của bàn ghế, trường lớp,...).
+ Yếu tố miêu tả: từ ngữ miêu tả đặc điểm, tính chất của sự vật, hiện tượng: "trái đất trụi trần", "không dáng cây ngọn cỏ", "chỉ toàn là bóng đêm", "không khí chỉ màu đen", "Mắt trẻ con sáng lắm",...
- Chỉ ra tác dụng của yếu tố tự sự và miêu tả:
+ Mô tả một cách sinh động, gần gũi những sự vật, hiện tượng.
+ Gợi cho người đọc những liên tưởng độc đáo về sự sinh sôi, nảy nở để phục vụ cho sự phát triển của trẻ em.
+ Thông qua câu chuyện cổ tích về loài người, nhà thơ Xuân Quỳnh đã thể hiện thái độ thương yêu đối với trẻ em.
3. Kết đoạn:
- Khái quát được cảm xúc về bài thơ.
II. Đoạn văn mẫu tham khảo Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả Chuyện cổ tích về loài người
Nhan đề bài thơ "Chuyện cổ tích về loài người" đã gợi cho ta những liên tưởng độc đáo về quá trình hình thành vạn vật trên Trái Đất để phục vụ sự phát triển của trẻ em. Khi đọc từng câu thơ của Xuân Quỳnh, em không khỏi thích thú trước câu chuyện và ngôn từ trong sáng mà tác giả đã tạo nên. Nhà thơ bắt đầu bằng sự trần trụi của Trái Đất buổi ban sơ "Không dáng cây ngọn cỏ/ Mặt trời cũng chưa có/ Chỉ toàn là bóng đêm" cho đến việc tự nhiên sinh sôi, nảy nở, rồi cuối cùng là cuộc sống văn minh, tiến bộ với sự xuất hiện của bàn ghế, trường lớp. Sông suối, cỏ cây, cá tôm,... được sinh ra để thúc đẩy khả năng cảm nhận về thế giới ở trẻ. Tiếp đến, trẻ được nuôi dưỡng, giáo dục trong tình yêu thương của bà, bố, mẹ. Họ xuất hiện, đem theo lời ru, tiếng hát, những câu chuyện cổ và cả lời bảo ban. Tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều tập trung cho hành trình khôn lớn của trẻ. Để đem đến cho người đọc những liên tưởng thú vị, độc đáo và mô tả sinh động thế giới tự nhiên, tác giả đã sử dụng rất nhiều từ ngữ giàu sức gợi: "trái đất trụi trần", "không dáng cây ngọn cỏ", "chỉ toàn là bóng đêm", "không khí chỉ màu đen", "Mắt trẻ con sáng lắm",... Thông qua câu chuyện cổ tích về loài người, nhà thơ Xuân Quỳnh thể hiện thái độ thương yêu, trân trọng đối với trẻ em.
Từ dàn bài và đoạn văn mẫu trên, chắc hẳn các em đã có thêm những gợi ý cho quá trình soạn và chuẩn bị bài của mình. Ngoài ra, em có thể tham khảo bài văn mẫu lớp 6 khác:
- Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả
- Soạn Nói và nghe: Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình ngắn nhất Ngữ văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống.