* Gợi ý trả lời câu hỏi phần trước khi đọc:
Câu hỏi 1 trang 78 SGK Ngữ văn 7 - tập 2
- Những lo lắng ẩn chứa trong lời nhận xét "Thời tiết bây giờ khó lường thật" đã khiến em không ngừng suy nghĩ về hiện tượng cực đoan mang tên "biến đổi khí hậu".
Câu hỏi 2 trang 78 SGK Ngữ văn 7 - tập 2
- Những thay đổi bất thường trong nhịp sinh trưởng và tập tính của một số loài sinh vật: di chuyển tới khu vực mát mẻ hơn, việc sinh sản bị ảnh hưởng (hoa nở quá muộn/ sớm so với các năm trước),...
- Những thay đổi bất thường ấy gợi lên trong em biết bao suy ngẫm về tác động của biến đổi khí hậu. Trái Đất và muôn loài đang phải đối diện với hiểm họa đến từ tự nhiên: băng tan, lũ lụt, nhiệt độ cao,... Và nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này bắt nguồn từ ý thức và hành động của con người.
* Gợi ý trả lời câu hỏi phần đọc văn bản:
1. Theo dõi: Những cách gọi tên khác nhau đối với hiện tượng biến đổi khí hậu trên Trái Đất.
- Các cách gọi tên khác nhau đối với hiện tượng biến đổi khí hậu trên Trái Đất: "sự nóng lên của Trái Đất", "sự bất thường của Trái Đất".
2. Chú ý: Hiện tượng được nhắc ở đây chứa đựng lời giải thích về nhan đề của văn bản.
- Đó là hiện tượng những bông hoa thủy tiên vàng trên lối đi ở bang Me-ri-lân vốn thường nở vào tháng Ba nhưng năm nay lại bất ngờ nở từ đầu tháng Một.
3. Theo dõi: Giải thích của tác giả về sự xuất hiện đồng thời hai thái cực của thời tiết.
- Nhiệt độ trung bình tăng cùng với sự nóng lên của Trái Đất sẽ dẫn tới việc đất bốc hơi nhiều hơn:
+ Khu vực có khí hậu khô thì ngày càng khô.
+ Khu vực gần diện tích mặt nước rộng - nơi thường có lượng mưa cao lại càng thêm ẩm ướt.
4. Suy luận: Tại sao có thể cho rằng người ta đã nhầm lẫn khi dùng thuật ngữ "sự nóng lên của Trái Đất"?
Vì:
- Thuật ngữ "sự nóng lên của Trái Đất" chủ yếu muốn nhắc đến nhiệt độ. Tuy nhiên, hiện tượng này hoàn toàn có thể không gây ra vấn đề gì.
- Trong khi đó, thực tế khí hậu Trái Đất đang diễn ra khác hẳn so với thuật ngữ "sự nóng lên của Trái Đất": "Nó không giống nhau trên các vùng địa lí [...] nhiều hơn là tích cực".
5. Theo dõi: Cách trình bày đoạn trích dẫn dài lấy từ một nguồn tài liệu tham khảo có liên quan tới vấn đề đang bàn.
- Tác giả lần lượt trình bày những địa điểm bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự bất thường của Trái Đất. Để nội dung đoạn trích thêm cụ thể, chân thực, tác giả còn đề cập đến năm xảy ra và số liệu.
6. Liên hệ: Hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra thế nào trong thời điểm hiện nay?
- Hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra ngày càng cực đoan hơn:
+ Băng tan, nước biển dâng.
+ Nhiệt độ trung bình hàng năm tăng.
+ Một số nơi bị hạn hán, đất nhiễm mặn nặng nề.
+ Thiên tai xảy ra thường xuyên và nguy hiểm hơn bao giờ hết: động đất, sóng thần, lũ lụt,...
=> Con người khó có thể lường trước những thay đổi của tự nhiên, môi trường.
* Gợi ý trả lời câu hỏi phần sau khi đọc:
Câu hỏi 1 trang 82 SGK Ngữ văn 7 - tập 2
- Cụm từ có thể khái quát được nội dung chính của vấn đề mà tác giả muốn trao đổi: "sự bất thường của Trái Đất".
Câu hỏi 2 trang 82 SGK Ngữ văn 7 - tập 2
- Nhan đề văn bản gợi lên cho em suy nghĩ về việc hoa thủy tiên nở vào tháng Một.
- Có thể xem chi tiết hoa thủy tiên nở đầu tháng Một là chi tiết "đắt". Bởi:
+ Chi tiết này là một nhan đề ấn tượng, khiến người đọc không ngừng suy đoán về nội dung được đề cập trong văn bản.
+ Khéo léo làm nổi bật ý tưởng, chủ đề của văn bản: sự thất thường của khí hậu đã gây ảnh hưởng tới đời sống muôn loài.
+ Nhấn mạnh vào tài năng, cảm nhận tinh tế của tác giả khi kết hợp thông tin mang tính khoa học với những trải nghiệm thực tế.
Câu hỏi 3 trang 82 SGK Ngữ văn 7 - tập 2
* "Sự bất thường của Trái Đất" đã được tác giả làm sáng tỏ qua những bằng chứng:
- Thời tiết thay đổi bất thường và diễn ra nhanh chóng, khiến các loài chịu ảnh hưởng, thiên tai có quy mô lớn hơn:
+ "Khi những bông hoa thủy tiên vàng [...] đó chính là sự bất thường".
+ "Nhưng thực tế khí hậu Trái Đất đang diễn ra khác hẳn [...] và hiện tượng "nước trồi"."
+ "Bốn đợt gió mùa [...] đến 25 cm trên mặt đất...".
- Đồng thời có thời tiết ở cả hai thái cực:
+ "Nhiệt độ trung bình tăng và cả Trái Đất nóng lên sẽ dẫn tới đất bốc hơi nhiều hơn [...] xu hướng càng ẩm ướt hơn.".
* Bổ sung bằng chứng dựa vào trải nghiệm bản thân:
- Thời tiết ngày một cực đoan: nắng nóng gay gắt, lượng mưa lớn,...
- Sự xuất hiện đột ngột của hiện tượng thời tiết chưa từng xảy ra trước đấy ở một địa phương nào đó.
Câu hỏi 4 trang 82 SGK Ngữ văn 7 - tập 2
* Đoạn văn thể hiện rõ mối quan hệ nhân quả giữa các sự kiện thuộc loại "sự biến đổi cực đoan của thời tiết" là đoạn 2, 3.
* Em xác định được như vậy bởi:
- Ở đoạn 2, tác giả trình bày nội dung: nhiệt độ trung bình toàn Trái Đất tăng lên dẫn đến các kiểu hiện tượng thời tiết bất thường (lấy dẫn chứng về những bông hoa thủy tiên vàng).
- Ở đoạn 3, tác giả chỉ ra việc: Trái Đất nóng hơn, tốc độ bay hơi nước thay đổi dẫn đến làm xuất hiện các trận mưa lớn, các đợt nắng nóng khắc nghiệt.
Câu hỏi 5 trang 82 SGK Ngữ văn 7 - tập 2
- Những dấu hiệu chứng tỏ khi viết văn bản này người viết sử dụng nhiều tài liệu tham khảo cần thiết:
+ Trích dẫn: giải thích của Hân-tơ Lo-vin về cụm từ "sự bất thường của Trái Đất", ý kiến của Giôn Hô-đơ-rơn về thuật ngữ "sự nóng lên của Trái Đất".
+ Đề cập đến báo cáo "Sự bất thường của Trái Đất năm 2007" được trang CNN.com giới thiệu.
+ Lần lượt nêu ra những địa phương trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi "Sự bất thường của Trái Đất": "Bốn đợt gió mùa, nhiều gấp đôi mọi năm [...] 25 cm trên mặt đất...".
Câu hỏi 6 trang 82 SGK Ngữ văn 7 - tập 2
- Những số liệu đó là:
+ "sập 23 000 ngôi nhà".
+ "ít nhất 62 người thiệt mạng".
+ "những đợt sóng lớn, cao đến 4,6 m đã tràn qua 68 hòn đảo".
+ "nhiệt độ xuống tới -22 độ C ở Ác-hen-tin-na, -18 độ C ở Chi-lê".
+ "một vài vùng tuyết rơi dày đến 25 cm trên mặt đất...".
+ "mực nước sông cao hơn mặt nước biển đến 9,1 m".
+ "bạn chỉ có thể vượt qua mức cũ 2,5 đến 5 cm. Nhưng hơn kỉ lục cũ tận 1,8 m thì quá sức ngạc nhiên".
- Ý nghĩa của việc dẫn số liệu:
+ Tăng tính thuyết phục cho vấn đề mà tác giả đề cập đến trong văn bản.
+ Làm nổi bật việc tác giả đã có sự tham khảo, cập nhật số liệu từ nhiều nguồn để đưa vào bài viết.
Câu hỏi 7 trang 82 SGK Ngữ văn 7 - tập 2
Sau khi đọc văn bản, em thu nhận được rất nhiều bài học, ý nghĩa sâu sắc. Trái Đất là hành tinh xanh, là cái nôi của sự sống. Song, nơi này đang phải đối mặt với những hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan. Vì thế, em cảm thấy bản thân cần hiểu rõ hơn nữa về "biến đổi khí hậu". Từ đó, có nhận thức và hành động đúng đắn, góp phần bảo vệ, tái tạo môi trường.
Hãy viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) trình bày hiểu biết và suy nghĩ của em về tác động của biến đổi khí hậu ở vùng miền em đang sống.
- HS viết bài dựa theo hiểu biết của bản thân
* Gợi ý:
Ứng phó với "biến đổi khí hậu" là bài toán nan giải của hầu hết quốc gia trên thế giới. Nhắc tới hiện tượng này, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến sự thay đổi thất thường của thời tiết và khí hậu như: nhiệt độ tăng, lượng mưa lớn, băng tan nhanh,... Vài năm trở lại đây, miền Bắc Việt Nam đã và đang hứng chịu nhiều tác động tiêu cực của "biến đổi khí hậu". Năm 2020, thành phố Hà Nội cùng một số tỉnh thành lân cận có nền nhiệt trung bình tháng cao hơn trung bình năm từ 0,5 - 1,5 độ C. Trong đợt nắng nóng cao điểm, nhiệt độ phổ biến từ 28 - 40 độ C, thậm chí còn vượt lên ngưỡng 40,9 độ C. Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết cực đoan (mưa đá, bão, rét đậm rét hại) cũng thường xuyên xảy ra ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất của nhân dân.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Khi đọc hiểu một văn bản thông tin, em cần tìm hiểu chủ đề, nội dung trọng tâm mà tác giả đề cập đến. Sau đó, lần lượt chỉ ra các ý chính. Mời em tham khảo thêm một số bài soạn văn mẫu lớp 7 khác trong chương trình như: Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 83 ngắn gọn, Soạn bài Một ngày của Ích-chi-an theo chương trình học.