Câu 1 (trang 79, SGK Ngữ văn lớp 10, tập 1):
Câu 2 (trang 79, SGK Ngữ văn lớp 10, tập 1):
- "Hương Sơn phong cảnh": chủ thể ẩn không xuất hiện trực tiếp và chủ thể nhập vai "khách tang hải".
- "Thơ duyên": chủ thể ẩn và chủ thể có danh xưng rõ ràng "anh".
- "Lời má năm xưa": chủ thể có danh xưng rõ ràng "tôi".
- "Nắng đã hanh rồi": chủ thể có danh xưng rõ ràng "anh".
Câu 3 (trang 79, SGK Ngữ văn lớp 10, tập 1):
Những lưu ý trong cách đọc hiểu một văn bản thơ trữ tình:
- Cần chỉ ra và phân tích, đánh giá được giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố trong thơ như: từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, chủ thể trữ tình.
- Cần có những phân tích, đánh giá được tình cảm, cảm xúc chủ đạo được thể hiện qua văn bản, phát hiện được các giá trị từ văn bản.
Câu 4 (trang 79, SGK Ngữ văn lớp 10, tập 1):
* Những điều cần lưu ý khi viết bài văn phân tích, đánh giá một bài thơ: bài viết cần có đầy đủ bố cục 3 phần.
- Mở bài:
+ Giới thiệu được các thông tin về tác giả và tác phẩm.
+ Nêu khái quát những nhận xét về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đó.
- Thân bài: lần lượt phân tích, đánh giá những đặc sắc về chủ đề và độc đáo về hình thức nghệ thuật của bài thơ.
- Kết bài:
+ Khẳng định lại giá trị chủ đề và những nét độc đáo về nghệ thuật của bài thơ.
+ Nêu cảm nhận của bản thân về tác phẩm.
* Những điều cần lưu ý khi giới thiệu, đánh giá nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm thơ:
- Bài giới thiệu cần có đầy đủ 3 phần.
- Phần mở đầu: giới thiệu vấn đề.
- Phần nội dung chính:
+ Cần trình bày được ý kiến đánh giá về nội dung, nghệ thuật của bài thơ.
+ Phân tích được tác dụng của một số hình thức nghệ thuật đặc sắc của bài thơ.
+ Trình bày được suy nghĩ, cảm xúc của bản thân về bài thơ đó.
- Phần kết thúc: tóm tắt lại nội dung trình bày về bài thơ và đưa ra vấn đề thảo luận cho người nghe.
Câu 5. Viết bài văn phân tích, đánh giá tình cảm của tác giả với thiên nhiên trong một bài thơ bạn đã đọc.
- HS chọn một bài thơ đã đọc và viết bài.
BÀI VIẾT THAM KHẢO
Phân tích, đánh giá tình cảm của tác giả Chu Mạnh Trinh với thiên nhiên Hương Sơn qua bài thơ "Hương Sơn phong cảnh"
Trong những sáng tác của các nhà thơ, nhà văn trung đại, thiên nhiên không còn là đề tài mới lạ mà trở thành nguồn cảm hứng bất tận. Ta bắt gặp phong cảnh thiên nhiên Côn Sơn trong "Bài ca Côn Sơn" của Nguyễn Trãi hay bức tranh thiên nhiên thắm thiết tình yêu quê hương, đất nước trong "Thiên trường vãn vọng" của Trần Nhân Tông,... Nối tiếp nguồn cảm hứng ấy, Chu Mạnh Trinh với tâm hồn thi sĩ cùng những cảm xúc, rung động của mình đã phác họa lên khung cảnh thiên nhiên tuyệt tác của Hương Sơn qua bài thơ "Hương Sơn phong cảnh".
Bài thơ với 19 câu thơ có độ ngắn dài khác nhau đã làm nổi bật đặc trưng của thể hát nói - thể loại thơ ca dân tộc. Bài thơ không chỉ là những nét gợi tả về cảnh sắc tươi đẹp nơi Hương Sơn mà còn thể hiện tấm lòng yêu mến, tự hào về cảnh đẹp ấy của nhà thơ.
Bốn câu thơ đầu là những cảm xúc ngỡ ngàng, thích thú cùng niềm sung sướng của chủ thể trữ tình khi được một lần đặt chân đến "đệ nhất động" - Hương Sơn:
"Bầu trời cảnh Bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.
Kìa non non, nước nước, mây mây,
"Đệ nhất động" hỏi nơi đây có phải?"
Ngay câu thơ đầu tiên, khung cảnh được mở ra với vẻ đẹp thoát tục "cảnh Bụt" cùng không gian mênh mông thanh khiết "bầu trời". Trong phút thích thú trước cảnh đẹp tuyệt tác ấy, nhà thơ đã nhận ra nơi đây chính là Hương Sơn mà mình "ao ước bấy lâu nay". Thi sĩ từ lâu đã cất giữ trong lòng ước muốn, trông mong sẽ được đến thăm chốn "non non, nước nước, mây mây". Và không phụ những ước mong ấy, không gian thiên nhiên nơi đây là sự hòa hợp đến ngỡ ngàng, núi non ẩn hiện trong mây trời. Một cảnh đẹp tưởng như chỉ có ở nơi thần tiên lại xuất hiện ngay trước mắt của chủ thể trữ tình. Và rồi, chủ thể trữ tình phải tự hỏi rằng "Đệ nhất động" hỏi nơi đây có phải?". Câu hỏi tu từ cùng cụm từ "đệ nhất động" đã khẳng định trực tiếp vẻ đẹp như chốn thần tiên của Hương Sơn.
Đến với mười câu thơ tiếp theo, ta sẽ nhẹ nhàng theo bước chân của "khách tang hải" để thấy được vẻ đẹp muôn màu, muôn vẻ:
"Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh.
Vẳng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng"
Theo nhịp bước khám phá cảnh sắc nơi đây, ta tạm rời ra vẻ đẹp như chốn tiên cảnh khi vừa nhìn thấy Hương Sơn để đến với khung cảnh núi rừng trong lành, tươi mát "rừng mai", "khe Yến". Với việc sử dụng biện pháp đảo ngữ cùng các từ láy "thỏ thẻ", "lững lờ", biện pháp nhân hóa "cá nghe kinh" đã làm cảnh vật trở nên có tình, có hồn. Sự hòa hợp giữa hình ảnh thiên nhiên và âm thanh biểu tượng "kinh Phật", "tiếng chày kình" của nơi cửa Phật đã làm vị khách tang hải giật mình. Giây phút tiếng chày kình vang lên như nhắc nhở vị khách rằng đây không phải là một giấc mộng mà là vẻ đẹp có thực nơi trần thế.
Và rồi, tâm trạng cùng cảm xúc của vị khách tang hải càng ngạc nhiên khi càng vào sâu, càng lên cao:
"Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng,
Này hang Phật Tích, này động Tuyết Quynh.
Nhác trông lên ai khéo họa hình,
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây
Chừng giang sơn còn đợi ai đây,
Hay tạo hóa khéo ra tay xếp đặt."
Đối mặt với vẻ đẹp phong phú của các dạng hình thể "suối Giải Oan", "chùa Cửa Võng", "hang Phật Tích", "động Tuyết Quynh", chủ thể trữ tình càng thêm ngỡ ngàng tưởng như cảnh sắc ấy là do "ai khéo họa hình" mà tạo nên. Điệp từ "này" cùng hình ảnh so sánh "đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt" đã mở ra cảnh tượng muôn màu, muôn vẻ của thiên nhiên. Đó là vẻ đẹp vừa kì vĩ, vừa thơ mộng, nên thơ. Vẻ đẹp ấy càng trở nên huyền diệu, lung linh qua hình ảnh mấy lối uốn thang hòa mình trong cái bồng bềnh của mây trời. Trước phong cảnh non nước hữu tình, chủ thể trữ tình đã bày tỏ tình cảm yêu mến, tự hào với quê hương, đất nước "Chừng giang sơn còn đợi ai đây". Giang sơn tuyệt tác, kì vĩ như vậy cần những người hiền tài dùng cái tâm, cái đức của mình để giữ gìn và phát triển.
Chủ thể trữ tình tiếp tục bày tỏ suy nghĩ, tình cảm về bức tranh thiên nhiên Hương Sơn qua khổ thơ cuối:
"Lần tràng hạt niệm "Nam mô Phật"
Cửa từ bi công đức biết là bao!
Càng trông phong cảnh càng yêu."
Đứng trước ngưỡng cửa nhà Phập, chủ thể trữ tình đã hướng tâm hồn mình tới sự từ bi, nhân ái. Câu thơ cuối với việc sử dụng quan hệ từ "càng - càng" đã nhấn mạnh, khẳng định vẻ đẹp phong cảnh linh thiêng, kì bí của Hương Sơn và những dòng cảm xúc tình tự, yêu mến đối với nơi đây.
Bằng những quan sát tinh tế cùng những sáng tạo độc đáo, nhà thơ Chu Mạnh Trinh không chỉ đưa người đọc đến với thiên nhiên cảnh sắc vừa kì vĩ, vừa thơ mộng lại có chút huyền ảo như chốn "cảnh Bụt" của Hương Sơn mà còn cho thấy những cung bậc cảm xúc khác nhau khi đứng trước tuyệt tác ấy. Bắt đầu là cảm xúc thích thú cùng niềm ao ước, rồi đến sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên và cuối cùng là tình cảm yêu mến tha thiết, tự hào.
Như vậy, Chu Mạnh Trinh đã đóng góp vào kho tàng thơ ca một tác phẩm tiêu biểu. Theo dòng trôi chảy của thời gian, "Hương Sơn phong cảnh" sẽ mãi in dấu trong lòng bạn đọc về bức tranh thiên nhiên đẹp tựa chốn tiên cảnh của Hương Sơn. Từ đây, ta cảm nhận được tình cảm chân thành, yêu mến, tự hào của nhà thơ với quê hương, đất nước.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Hi vọng các nội dung trên đây sẽ giúp em củng cố lại toàn bộ kiến thức của chủ điểm Giao hòa với thiên nhiên, Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo. Để có những chuẩn bị tốt nhất cho Bài 4 - Những di sản văn hóa, mời em tham khảo bài soạn, văn mẫu lớp 10 khác:
- Soạn bài Tranh Đông Hồ - nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam
- Soạn bài Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang khánh thành phòng truyền thống