Các bước khi viết bài:
Bước 1: Chuẩn bị và lên ý tưởng cho bài viết.
- Nhớ lại và xác định một kỉ niệm sâu sắc.
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý.
* Tìm các ý dựa trên phần chuẩn bị. Có thể đặt một số câu hỏi như:
- Kỉ niệm ấy xảy ra khi nào? Ở đâu?
- Câu chuyện diễn ra như thế nào? Có những nhân vật nào liên quan?
- Vì sao kỉ niệm ấy khiến em nhớ mãi?
* Lập dàn ý theo bố cục ba phần của bài văn:
- Mở bài: Giới thiệu về kỉ niệm.
- Thân bài:
+ Nêu địa điểm, thời gian diễn ra câu chuyện, những nhân vật có liên quan.
+ Kể lại diễn biến câu chuyện theo trình tự nhất định, có sự logic.
+ Cảm xúc của em về câu chuyện đó.
- Kết bài: Nêu cảm nghĩ hoặc bài học rút ra. Nói lên mong ước từ kỉ niệm.
Bước 3: Viết bài.
- Tiến hành viết dựa trên dàn ý đã lập.
Bước 4: Kiểm tra và chỉnh sửa.
- Kiểm tra bài viết xem đã đầy đủ, chính xác yêu cầu của đề bài chưa.
- Kiểm tra chính tả, diễn đạt.
Đề bài: Viết bài văn kể lại một kỉ niệm sâu sắc của em với thầy cô, bạn bè khi học ở trường tiểu học.
- Giới thiệu khái quát về kỉ niệm định kể.
- Nêu thời gian, địa điểm xảy ra câu chuyện và các nhân vật liên quan:
+ Thời gian: giáp Tết.
+ Địa điểm: trường học.
+ Nhân vật: cô Hà - giáo viên chủ nhiệm.
- Kể lại diễn biến câu chuyện theo trình tự thời gian:
+ Nhà trường phát động phong trào "Mùa xuân về trên quê hương".
+ Trong ngày hội, mọi người được học cách gói bánh chưng.
+ Em gói mãi không được nên cô Hà đã đi đến giúp đỡ.
+ Cô hướng dẫn các bước để gói một chiếc bánh chưng thật đẹp.
+ Dưới sự giúp đỡ và kiên trì của bản thân, cuối cùng em đã có thể tạo ra thành phẩm đẹp mắt.
+ Cô khen ngợi, khuyến khích khiến em rất tự tin vào bản thân mình.
- Nêu cảm xúc của bản thân về câu chuyện đó.
+ Yêu mến, trân trọng.
- Nêu cảm nghĩ hoặc bài học rút ra từ kỉ niệm.
- Trình bày mong ước của bản thân từ kỉ niệm ấy.
Trong mỗi chúng ta, kỉ niệm dưới mái trường luôn là những ký ức khó phai. Nhớ lại những tháng ngày học tập dưới ngôi trường tiểu học Minh Khai, em không khỏi bồi hồi, xúc động trước những tình cảm nồng ấm mà cô Hà đã đem lại cho em.
Em còn nhớ khi đó là giáp Tết, nhà trường phát động phong trào "Mùa xuân về trên quê hương". Nghe cô giáo phổ biến trước lớp, ai cũng háo hứng vì mình chuẩn bị được tự tay gói một chiếc bánh chưng. Cuối cùng, sau bao ngày chờ đợi thì ngày hội cũng tới. Do chưa quen tay nên chiếc bánh cứ méo mó, chẳng thể vào khuôn. Thấy vậy, cô Hà liền đi đến giúp đỡ em. Đầu tiên, cô kêu em xếp thật nhiều lá lên để bánh không bị bục khi gói. Sau khi lá đã đủ dày, em đong một bát gạo đổ lên lớp lá như lời cô bảo. Tiếp đến là bát đỗ, thịt và gạo xen kẽ nhau. Cuối cùng, nhân bánh đã đủ đầy. Cô dặn em phải tập trung quan sát cách cô làm để có thể làm theo. Dưới đôi bàn tay mềm mại, khéo léo của cô, chiếc bánh chưng trở nên vuông vức, đẹp đẽ. Mặc dù rất để tâm vào học nhưng chiếc bánh của em vẫn không đẹp như mong muốn. Phải gói đi gói lại mà không đạt khiến em vô cùng giận bản thân. Tuy nhiên, cô luôn động viên, hỗ trợ em. Sau hơn hai tiếng luyện tập, em đã gói thành thạo một chiếc bánh chưng. Nhìn thành quả mình làm ra, em rất sung sướng, hạnh phúc. Cô Hà khen em gói đẹp, thậm chí cô còn trêu rằng: "Chẳng mấy em sẽ là một người thợ gói bánh chưng". Nghe cô nói vậy, em cười khúc khích.
Đối với em, đó luôn là kỉ niệm đẹp mà em không thể nào quên. Cô Hà không chỉ là cô giáo mà còn là người mẹ thứ hai của em. Cô luôn sẵn sàng giúp đỡ em trong mọi việc. Em vô cùng yêu mến, quý trọng cô.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Từ những gợi ý trên, hi vọng các em có thể kể lại một kỉ niệm của bản thân một cách hợp lí, lôi cuốn. Ngoài bài soạn trên, trên Taimienphi.vn còn rất nhiều bài soạn và văn mẫu lớp 6 mẫu chất lượng khác như:
- Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của em với thầy cô, bạn bè khi học ở trường tiểu học
- Soạn bài Nói và nghe: Kể về một kỉ niệm của bản thân