Phân tích tâm trạng Kiều khi ở lầu Ngưng Bích qua 4 bức tranh: Buồn trông

Đề bài: Phân tích tâm trạng Kiều khi ở lầu Ngưng Bích qua 4 bức tranh: Buồn trông

 

Bài làm:

Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong thơ ca trung đại Việt Nam khá đặc sắc.Trong đó, đại thi hào Nguyễn Du là bậc thầy về miêu tả tâm lý nhân vật qua những bức tranh phong cảnh nhiều cảm xúc. Tác phẩm "Truyện Kiều", một truyện thơ Nôm bất hủ của ông có nhiều đoạn thơ hay, đặc biệt là đoạn được coi là bức tứ bình bắt đầu bằng hai từ "buồn trông", miêu tả tâm trạng Kiều ở Lầu Ngưng Bích:

"Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu

Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi."

Kiều vốn là một cô gái xinh đẹp, tài hoa và rất đỗi lương thiện.Sinh ra trong một gia đình trung lưu trong xã hội phong kiến, Kiều sống trong mái ấm gia đình cùng cha mẹ và hai em, được yêu thương và hạnh phúc trong nề nếp gia phong tốt đẹp.Thế rồi xã hội thối nát, với thế lực đồng tiền tàn nhẫn đã làm cho mái ấm gia đình ấy tan nát chỉ qua lời vu khống của "thằng bán tơ".Kiều vì hiếu thảo, bán mình chuộc cha mà bị lừa dối, rơi vào lầu xanh của Tú Bà.Sau đó nàng bị giam lòng tại lầu Ngưng Bích, một nơi hoang vắng, đáng sợ. Tâm trạng chua xót của Kiều trong những ngày tháng đơn độc ở đây đã được Nguyễn Du khắc họa qua một ngòi bút vô cùng sâu sắc và cảm động.

Mở đầu của bức tranh tứ bình, tác giả vẽ lên cảnh vật:

Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Đó là một bức tranh mênh mông của cảnh biển khơi "cửa bể" trong khoảng thời gian "chiều hôm" dễ gợi cho lòng người con gái xa quê hương xứ sở nhiều nỗi buồn thương. Giữa khung cảnh trời nước ấy là một con thuyền đang đi về đâu phía cuối chân trời. Nếu xét về ngòi bút tả cảnh thì đây quả thật là một bức tranh đẹp bằng ngôn từ, với tất cả sự khoáng đạt của thiên nhiên với mặt biển tuôn trào sóng vỗ. Nhưng đằng sau đó, ta như nhìn thấy nàng Kiều đang dõi mắt nhìn theo cánh buồm thấp thoáng xa dần. Buồm trôi về đâu, phải chăng đi về phía quê hương xa xăm, hãy cho nàng nhắn nhủ vài lời thương nhớ, bởi "xót người tựa cửa hôm mai...".Và như vậy, con thuyền phía xa cửa bể đã chứa nặng mối tình quê của Kiều. Câu thơ lục bát đậm đà chất Việt qua những từ ngữ bình dị như "cửa bể", "thấp thoáng" mà bỗng nhiên khiến người đọc liên tưởng tới cái xúc cảm Đường thi trong câu cuối bài thơ "Tuyệt cú" của Đỗ Phủ: "Muôn dặm thuyền Ngô cửa rập rình". Lúc viết bài thơ "Tuyệt cú", Đỗ Phủ đang lưu lạc tha hương với nỗi nhớ quê hương canh cánh trong lòng, và ông cũng đành gửi nỗi niềm đó theo bóng con thuyền rồi sẽ rời bến.

Nếu như cái nhìn đầu tiên của Kiều là hướng ra xa khơi, với nỗi nhớ quê dâng trào như ngọn sóng, gửi trọn tình theo cánh buồm thấp thoáng xa dần, thì đến bức tranh thứ hai, Nguyễn Du để nhân vật ngắm nhìn phong cảnh ở tầm gần hơn:

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu

Cái nhìn buồn của Kiều đã phát hiện ra một vài cánh hoa dập dềnh trôi trên ngọn sóng. Cảnh buồn thấm đẫm tâm trạng con người. Với câu hỏi tu từ "biết là về đâu?", ta cảm nhận được một nỗi đau thân phận của người hồng nhan. Từ lâu, trong văn chương cổ, những cánh hoa trôi đã trở thành hình ảnh ước lệ tượng trưng cho thân phận người con gái có số phận lênh đênh, lạc loài, đáng thương. Như vậy bức tranh ngoại cảnh cũng là tâm cảnh, càng khiến cho nhân vật trữ tình thêm chua xót cho mình.

Rồi phóng tầm mắt về phía khác, không còn là mặt biển, nàng Kiều nhìn thấy hình ảnh:

Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Câu thơ lục bát trầm buồn, với cách sử dụng từ láy tinh tế "rầu rầu" và "xanh xanh" vừa tả được cảnh mà vừa thể hiện được lòng người. Sắc thái "rầu rầu" của cỏ gợi lên sự úa héo, không sức sống, trái hẳn với màu "cỏ non xanh tận chân trời" mà Kiều từng được ngắm trong tiết thanh minh, thưở đời nàng còn yên ấm. Đó cũng là biểu tượng cho số phận của nàng. Nội cỏ hôm nay ở phía trước lầu Ngưng Bích là một màu xanh xanh mù mịt, không có phương hướng, không có một con đường để có chốn mà đi.Đó chính là tâm trạng bẽ bàng đau xót của Kiều, khi nghĩ về số kiếp hồng nhan của mình, hẳn là nỗi đoạn trường còn đợi ở nơi nào phía trước. Từng khía cạnh lo âu, sợ hãi cứ thế được nhà thơ thể hiện trên từng câu chữ, khiến cho người đọc thêm xót xa thương cảm cho Kiều.

Bức tranh thứ tư không được Nguyễn Du miêu tả nhiều bằng màu sắc và hình ảnh, mà nhà thơ đặc tả cảnh vật bằng âm thanh đe dọa của sóng gió:

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi

Những nét êm đềm, thi vị của cửa bể chiều hôm, ngọn nước- đóa hoa hay nội cỏ đã thay bằng sắc thái khác của cảnh vật. Đó là ngọn gió ở đâu kéo đến, cuốn dữ dội trên mặt duềnh. Có lẽ buổi chiều tà buông xuống, khiến cho sóng gió mạnh mẽ hơn, phong cảnh trở nên u ám, và lầu Ngưng Bích chơ vơ giữa khung cảnh đó càng khiến cho người con gái cô độc trở nên lo âu sợ hãi nhiều hơn. Từ láy "ầm ầm" gợi tả những âm thanh hung dữ của sóng gió, không còn ở đâu xa, mà ngay ở quanh ghế ngồi của nàng Kiều. Phải chăng đó không phải chỉ là sóng gió thiên nhiên, mà còn là linh cảm của Kiều về sóng gió cuộc đời đang bủa vây quanh nàng đầy đe dọa.

Bức tranh tứ bình cảnh vật thực ra là bức tranh tứ bình về tâm trạng, đã thể hiện rất rõ tài hoa của đại thi hào Nguyễn Du. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đã đạt đến bậc thầy trong miêu tả những khía cạnh tâm lý nhân vật. Từng từ ngữ, hình ảnh vừa rất cổ điển, mang tính ước lệ, mà vừa rất thật trong biểu lộ mạch cảm xúc thơ.Điệp từ "Buồn trông" đứng đầu mỗi câu lục bát tạo nên nhịp điệu vừa buồn bã, vừa ngày một dồn dập trong nhịp sóng. Và cũng từ "buồn trông" đó đã giúp người đọc nhìn rõ bức tranh trước lầu Ngưng Bích qua cái nhìn u sầu, âu lo của Kiều, người con gái đáng thương.

Có thể nói, không phải ngẫu nhiên mà "Truyện Kiều" được coi là một tuyệt tác của nền văn học dân tộc, và cũng không phải tự nhiên mà đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" đã làm lay động trái tim người đọc nhiều thế hệ. Ở đây, chúng ta cảm nhận được ngòi bút thấm thía tình yêu thương con người của đại thi hào Nguyễn Du, và càng thấy xót thương cho nàng Kiều, đóa hoa sen nhiều hương sắc bị chà đạp trong bùn lầy của xã hội phong kiến thối nát. Những nỗi đau xót của nàng Kiều sẽ mãi là tiếng nói tố cáo xã hội đó, và thôi thúc chúng ta thêm trân trọng giá trị cuộc sống bình yên, hạnh phúc ngày hôm nay.

Kiều ở lầu Ngưng Bích là đoạn trích trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, ngoài bài làm văn Phân tích tâm trạng Kiều khi ở lầu Ngưng Bích qua 4 bức tranh: Buồn trông, thầy cô cùng các bạn học sinh cùng tìm hiểu thêm các bài làm văn khác như Phân tích tám câu thơ cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích tâm trạng của Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích, Hãy phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích để làm nổi bật tâm trạng của người con gái trên bước đường lưu lạc hay cả các phần Soạn bài Kiều ở lầu Ngưng Bích, trích Truyện Kiều, Nguyễn Du. Các bạn cùng tìm hiểu và ứng dụng cho quá trình học tập tốt nhất.

Trong bài thơ “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, tác giả Nguyễn Du đã sử dụng điệp ngữ “buồn trông”, mỗi lần buồn trông được lặp lại là một bức tranh tâm cảnh đầy chua xót, đớn đau của nàng Kiều được mở ra. Em hãy phân tích tâm trạng Kiều khi ở lầu Ngưng Bích qua 4 bức tranh: Buồn trông để thấy trọn vẹn bức tranh tâm trạng của nàng Kiều.

ĐỌC NHIỀU