Đề bài: Phân tích nhân vật Phan Bội Châu trong Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu
Phân tích nhân vật Phan Bội Châu trong Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu
- Giới thiệu khái quát về tác giả Hồ Chí Minh (những nét cơ bản về tiểu sử, cuộc đời, con người, sự nghiệp sáng tác, đặc điểm sáng tác,...)
- Giới thiệu khái quát về văn bản "Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu" (hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, những đặc sắc về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,..)
- Giới thiệu vấn đề cần phân tích: Nhân vật Phan Bội Châu trong "Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu"
- Nhân vật Phan Bội Châu qua cách giới thiệu nhân vật
+ Khi viết về Va-ren: Sử dụng những từ ngữ mang sắc thái mỉa mai, châm biếm như "con người đã phản bội giai cấp", "kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình"
+ Khi viết về Phan Bội Châu: Sử dụng những từ ngữ rất đẹp đẽ, mang màu sắc trang trọng như "bậc anh hùng", "vị thiên sứ", "đấng xả thân vì độc lập"
→ Phan Bội Châu là một người tù, một nhà cách mạng vĩ đại, được nhân dân cả nước tôn trọng và yêu quý.
- Nhân vật Phan Bội Châu trong cuộc gặp gỡ với Va-ren và lời bình của tác giả
+ Trong cuộc gặp gỡ giữa Va-ren và Phan Bội Châu, Va-ren nói rất nhiều, gần như chỉ có mỗi Va-ren lên tiếng còn Phan Bội Châu thì luôn giữ thái độ im lặng.
+ Sự im lặng của Phan Bội Châu mang nhiều ý nghĩa, trước hơn hết nó thể hiện thái độ khinh bỉ, coi thường của ông. Những lời lẽ của Va-ren dường như không lọt vào tai của Phan Bội Châu, nó chỉ như "nước đổ lá khoai".
+ Thái độ coi thường ấy của Phan Bội Châu còn được thể hiện rõ nét qua phần cuối của tác phẩm: "đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay" hay như "Phan Bội Châu có mỉm cười, mỉm cười một cách kín đáo, vô hình và im lặng, như cánh ruồi lướt qua"
→ Sự im lặng cùng thái độ coi thường ấy của Phan Bội Châu xét đến cùng là biểu hiện của một con người với nhân cách cứng cỏi, bản lĩnh vững vàng, không chịu khuất phục trước bạo lực, cường quyền
Khái quát những nét cơ bản về nhân vật Phan Bội Châu trong tác phẩm và nêu cảm nghĩ của bản thân.
Sinh ra trên mảnh đất có truyền thống cách mạng, sớm giác ngộ lí tưởng cách mạng của Đảng, Nguyễn Ái Quốc không những trở thành nhà hoạt động cách mạng, vị lãnh tụ tài ba của dân tộc mà còn là một nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc Việt Nam. Những trang viết của Người luôn thấp thoáng tình yêu nước tha thiết, đậm tính chiến đấu và truyện ngắn "Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu" là một trong số những tác phẩm như thế. Ra đời với mục đích cổ động phong trào đấu tranh của nhân dân trên khắp cả nước đòi thả Phan Bội Châu, tác phẩm không những đã lột trần bộ mặt giả dối, bịp bợm của Va-ren mà hơn thế nữa, tác phẩm đã làm nổi bật hình tượng vị anh hùng dân tộc với khí phách hiên ngang - Phan Bội Châu.
Như chúng ta đã biết, Phan Bội Châu là nhà cách mạng, lãnh tụ của phong trào dân chủ ở nước ta trong những năm đầu thế kỉ XX. Có thể thấy, trong tác phẩm, Nguyễn Ái Quốc đã viết về Phan Bội Châu trong sự so sánh, đối lập với Va-ren - người được Chính phủ Pháp cử sang làm Toàn quyền Đông Dương. Sự so sánh, đối lập ấy trước hết thể hiện ở cách giới thiệu về các nhân vật của tác giả. Nếu như khi viết về Va-ren, tác giả thường sử dụng những từ ngữ mang sắc thái mỉa mai, châm biếm như "con người đã phản bội giai cấp", "kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình" thì với Phan Bội Châu lại hoàn toàn khác, tác giả đã sử dụng những từ ngữ rất đẹp đẽ, mang màu sắc trang trọng như "bậc anh hùng", "vị thiên sứ", "đấng xả thân vì độc lập". Như vậy, thông qua việc sử dụng những từ ngữ này có thể thấy được thái độ trân trọng, yêu mến của tác giả đối với Phan Bội Châu và qua đó đã giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện về ông, đó là một người tù, một nhà cách mạng vĩ đại, được nhân dân cả nước tôn sùng và yêu quý.
Thêm vào đó, hình tượng Phan Bội Châu còn hiện lên rõ nét trong sự đối sánh với Va-ren qua cuộc gặp gỡ của hai nhân vật này. Cuộc gặp gỡ ấy đã được tác giả Nguyễn Ái Quốc xem là "một tấn kịch", "một cuộc chạm trán" giữa "kẻ phản bội nhục nhã" với "bậc anh hùng, thiên sứ". Trong cuộc gặp gỡ giữa Va-ren và Phan Bội Châu đã được tác giả kể lại, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy nhân vật Va-ren nói rất nhiều, gần như chỉ có mỗi Va-ren lên tiếng còn Phan Bội Châu thì luôn giữ thái độ im lặng. Sự im lặng ấy của người anh hùng Phan Bội Châu mang nhiều ý nghĩa và chính điều đó đã cho chúng ta thấy rõ được tính cách, tâm hồn, con người của ông. Trước hết, sự im lặng ấy của Phan Bội Châu cho thấy thái độ khinh bỉ, coi thường của ông tước hành động, thái độ và lời nói của Va-ren. Những lời lẽ của Va-ren dường như không lọt vào tai của Phan Bội Châu, nó chỉ như "nước đổ lá khoai". Và hơn thế nữa, thái độ coi thường ấy của Phan Bội Châu còn được thể hiện rõ nét qua phần cuối của tác phẩm. Có thể thấy, tác giả đã dùng hàng loạt các hành động để gián tiếp thể hiện thái độ ấy của Phan Bội Châu, "đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay" hay như "Phan Bội Châu có mỉm cười, mỉm cười một cách kín đáo, vô hình và im lặng, như cánh ruồi lướt qua". Sự im lặng cùng thái độ coi thường ấy của Phan Bội Châu xét đến cùng là biểu hiện của một con người với nhân cách cứng cỏi, bản lĩnh vững vàng, không chịu khuất phục trước bạo lực, cường quyền.
Tóm lại, dù không được kể nhiều, không được miêu tả chi tiết, cụ thể trong tác phẩm, nhưng qua "Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu" đã giúp chúng ta hiểu hơn về người anh hùng cách mạng Phan Bội Châu - một con người với nhân cách cao đẹp, ý chí và bản lĩnh kiên cường.
----------------------HẾT-----------------------
Qua bài Phân tích nhân vật Phan Bội Châu trong Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu, các em đã thấy được vẻ đẹp nhân cách và bản lĩnh của nhà cách mạng Phan Bội Châu. Tìm hiểu về đoạn trích để thấy được bút pháp trào phúng, nghệ thuật lập luận xuất sắc của Hồ Chí Minh, các em có thể tham khảo: Soạn văn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu, Phân tích Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu, Ý nghĩa nhan đề Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu của Hồ Chí Minh.