Phân Tích bài thơ Khuê Oán (Nỗi oán của người phòng khuê)

Đề bài: Phân Tích bài thơ Khuê Oán

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

Phân Tích bài thơ Khuê Oán


I. Dàn ý Phân Tích bài thơ Khuê Oán (Chuẩn)

1. Mở bài

* Giới thiệu tác giả, bài thơ và nêu khái quát nội dung
· Tác giả Vương Xương Linh, bài thơ "Khuê oán" - Nỗi oán của người phòng khuê
· Nội dung: Diễn biến tâm trạng của người chinh phụ có chồng đi tòng quân

2. Thân bài

· Sự vô tư, hồn nhiên của người chinh phụ:
· Trang điểm, chải chuốt lên lầu ngắm cảnh
· Làm việc bình thường, bình thản
· Nỗi nhớ thương, ân hận, nuối tiếc khi để chồng đi tòng quân...(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân Tích bài thơ Khuê Oán tại đây.

 

II. Bài văn mẫu Phân Tích bài thơ Khuê Oán (Chuẩn)

Tác giả Vương Xương Linh - một trong những nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc thời Thịnh Đường, nổi tiếng với những bài thơ nói về cuộc sống của tướng sĩ nơi biên cương, nỗi oán hờn của người cung nữ, nỗi sầu của người thiếu phụ khuê các... ở chủ đề nào cũng có những kiệt tác. Đặc biệt trong chủ đề về nỗi sầu li biệt của người chinh phụ có bài thơ "Khuê oán", bài thơ không chỉ nói lên nỗi sầu muộn, nhớ thương của người vợ nhớ chồng mà còn thể hiện khao khát hạnh phúc lứa đôi và gián tiếp lên án chiến tranh phi nghĩa.

Những năm diễn ra cuộc chiến tranh phi nghĩa, biết bao người chồng, người cha đã phải rời xa mái ấm, xa rời vợ con và đành dang dở hạnh phúc để làm theo nghĩa vụ. Người chồng của chinh phụ trong bài thơ cũng nằm trong số đó, tuy nhiên những ngày đầu khi chồng mới đi tòng quân, người chinh phụ vẫn chưa cảm nhận được sự đau thương, mất mát, ngược lại vẫn hồn nhiên và vô tư sống rất bình thản:

"Thiếu phụ phòng khuê chẳng biết sầu,
Ngày xuân chải chuốt bước lên lầu."

Sự vô tư hồn nhiên thể hiện rất rõ qua từng hành động của người khuê phụ, đó là trang điểm, chải chuốt và lên lầu ngắm cảnh mùa xuân. Trong khi chồng đang chinh chiến nơi chiến trường biên ải xa xôi, đối mặt với hiểm nguy và cái chết, nàng vẫn chưa nhận thức được mối nguy đó. Mới thiếu vắng bóng dáng người chồng chưa lâu có lẽ nàng chinh phụ vẫn chưa biết sầu mặc, vẫn bình thản với cuộc sống hàng ngày, làm việc bình thường và vui vẻ. Nhà thơ tuy tả rất ít nhưng lại gợi lên rất rõ tâm trạng của người khuê phụ, nàng hiện lên với vẻ yêu kiều, tiểu thư đài các phong lưu, bởi đã quen cảnh sống trong êm ấm, trướng rủ màn che. Khi chồng đi tòng quân, nàng chưa nghĩ đến được những cái mất mát mà chỉ nghĩ đến khao khát ấn phong hầu cho chồng khi lập được công trên chiến trường. Nàng đâu biết rằng trên chiến trường đao kiếm kẻ thù vô tình, giữ được mạng sống và bình an trở về đã là điều may mắn, chưa nghĩ đến chức tước công hầu. Để rồi khi ngồi trên lầu, nhìn thấy cành dương liễu nàng mới chợt tỉnh ngộ, bừng tỉnh về hoàn cảnh của mình:

"Đầu đường chợt thấy màu dương liễu,
Hối để chàng đi kiếm tước hầu."

"Màu dương liễu" là màu đại diện cho mùa xuân và tuổi trẻ, màu sắc xanh tươi mơn mởn của dương liễu gợi lên những khát vọng hạnh phúc, không chỉ vậy, cành dương liễu còn là biểu tượng của sự chia li, lưu luyến. "Cành liễu" hay "bẻ liễu" là hình ảnh ước lệ tượng trưng cho sự li biệt. Chính vì những ý nghĩa này của "màu dương liễu" mà khi người khuê phụ nhìn thấy lại ngộ ra nhiều điều, nàng nhìn dương liễu mà nhớ đến giây phút tiễn biệt chồng ra trận, cảm xúc và tâm trạng của nàng đã hoàn toàn thay đổi. Đến lúc này nàng đã thấu nỗi buồn li biệt, chồng đi rồi chẳng biết đến khi nào mới trở về và liệu có thể bình an trở về hay không. Nàng nhìn cành dương liễu cũng như đang nhìn hạnh phúc từng ngày dần héo mòn, tuổi xuân của người phụ nữ đâu thể tồn tại mãi mãi, rồi cũng phải phai dần theo năm tháng. Nàng chợt nhận ra hạnh phúc và tuổi xuân đang từ từ tuột khỏi tầm tay mà không thể níu giữ lấy, để rồi nàng ân hận, trách cứ chính bản thân mình khi đã để chồng đi tòng quân. Khao khát hạnh phúc và mái ấm gia đình giờ đây rất xa vời và ngoài tầm tay của nàng, giờ đây dù nhớ thương chồng da diết cũng chẳng cách nào xoa dịu nỗi nhớ mong ấy, càng không thể gọi chồng trở về, chỉ còn cách chờ đợi trong mỏi mòn, lo lắng. Tương lai tước hầu mà nàng nghĩ đến khi chồng ra trận giờ đây hóa hiện thành khó khăn, hiểm nguy, và cái chết, nàng không dám nghĩ nhiều chỉ biết oán hận cho cái tước hầu ấy, căm ghét chiến tranh phi nghĩa đã đẩy người chồng phải ra trận.

Có thể nói, bài thơ "Khuê oán" của Vương Xương Linh trải qua hàng ngàn năm vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị, sống mãi trong lòng người đọc và được truyền bá rộng rãi. Người đời hâm mộ thơ ông không chỉ vì nội dung gắn liền với cuộc sống, phản ánh hiện thực xã hội mà còn vì sự trong trẻo, tinh tế, thanh tân trong từng câu chữ của phong cách thơ.

--------------------HẾT----------------------

Khuê oán (Nỗi oán của người phòng khuê) là khắc họa tâm trạng đau khổ, mong mỏi đợi chờ trong vô vọng của người chinh phụ. Tìm hiểu chi tiết về bài thơ, bên cạnh bài Phân tích bài thơ Khuê oán trên đây, các em không nên bỏ qua: Soạn bài Nỗi oán của người phòng khuê, Khái quát đặc sắc về nội dung và nghệ thuật bài Nỗi oán của người phòng khuê, Sơ đồ tư duy bài Nỗi oán của người phòng khuê, Phân tích bài thơ Khuê oán để chứng minh nhận định sau.

Cùng phân tích bài thơ Khuê oán để đồng cảm với nỗi đau khổ, bất hạnh của những người thiếu phụ khi phải chôn vùi, lãng phí tuổi xuân nơi phòng khuê vì có chồng ra chiến trận và tiếng nói tố cáo của tác giả khi chiến tranh phi nghĩa chính là nguyên nhân gây ra nỗi khổ đau cho họ.
Dàn ý phân tích bài thơ Khuê oán
Khái quát đặc sắc về nội dung và nghệ thuật bài Nỗi oán của người phòng khuê
Soạn bài Nỗi oán của người phòng khuê
Phân tích bài thơ Khóc Dương Khuê
Soạn bài Khóc Dương Khuê
Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội xưa qua Cung oán ngâm và Trao duyên

ĐỌC NHIỀU