Đề bài: Nghị luận xã hội về đức tính chăm chỉ
Nghị luận xã hội về đức tính chăm chỉ
1. Mở bài
Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Chăm chỉ chính là chìa khóa vàng để dẫn đến thành công.
2. Thân bài
- Giải thích: Chăm chỉ là gì? Là sự cần cù chịu khó trong khi làm một việc nào đó.
- Biểu hiện:
+ Cố gắng hoàn thành nhiệm vụ dù phải mất nhiều thời gian
+ Luôn tìm tòi, nghiên cứu kỹ, tìm ra các phương án đến khi nào có kết quả.
+ Kiên trì bền bỉ với mục tiêu của mình.
- Ý nghĩ, vai trò: Giúp con người đạt được thành quả mà mình mong muốn, trau dồi tính kiên nhẫn.=> đưa ra các dẫn chứng chứng minh: Có công mài sắt có ngày nên kim...- Mở rộng: " Cần cù bù thông minh', dù không có thông minh, nhưng chỉ cần chăm chỉ, nỗ lực, bạn vẫn thành công được. Tuy nhiên cần phải chăm chỉ đúng các, tránh lối đi mòn, thực dụng...
- Phản đề: Những người không có tính chăm chỉ sẽ khó mà thành công được và sẽ luôn gặp khó khăn
3. Kết bài
Liên hệ bản thân, rút ra bài học, kết luận.
Để đến được với điểm đích của thành công, con người cần phải có mục tiêu, bản lĩnh lớn, niềm tin vào bản thân và một điều không thể thiếu trong công thức của thành công đó là chăm chỉ. Chăm chỉ chính là một chiếc khóa vàng vạn năng giúp con người đạt những điều mình mong muốn.
Chăm chỉ chính là sự kiên trì, chịu khó làm việc để hoàn thành cũng như để đạt được một mục đích nào đó. Đó là một đức tính tốt để cho chúng ta rèn luyện. Ta rất dễ nhận biết đâu là một người chăm chỉ, chỉ cần nhìn vào hành động của họ. Họ là những người luôn kiên trì, làm việc thường xuyên, liên tục, luôn luôn cố gắng hết sức cho dù có tốn nhiều thời gian. Họ là những con người ham học hỏi, luôn tìm tòi, nghiên cứu vấn đề mình quan tâm, tìm ra các phương án phù hợp cho đến khi có kết quả. Với họ, mục tiêu đã đề ra thì phải kiên trì đến khi thực hiện được mới thôi. Những người có đức tính chăm chỉ này, con đường dẫn đến thành công của họ sẽ ngắn hơn. Bởi khi họ kiên trì với việc mình làm họ sẽ có nhiều kiến thức hơn trong lĩnh vực đó, hiểu biết rộng hơn, tìm ra được lối đi và họ sẽ thành công.
Bỏ công sức, bỏ lao động của mình ra, rồi một ngày ta sẽ nhận lại được thành quả mà mình mong muốn. Từ xa xưa, ông cha ta đã có câu "Có công mài sắt, có ngày nên kim", ý người xưa muốn dạy ta rằng, làm việc gì cũng cần phải có tính chăm chỉ, kiên nhẫn thì mới có thể thành công được. Một học sinh học một ngoại ngữ mới, dù có tố chất họ vẫn cần phải học, vẫn phải rèn luyện ôn tập. Một nghệ sĩ đánh đàn piano sẽ trở nên điêu luyện khi trải qua năm tháng kiên trì luyện tập chăm chỉ. Như ta đã biết "Với những thiên tài, óc sáng tạo chỉ chiếm 1 % còn 99% là lao động cực nhọc" đúng vậy, trên thế giới có bao nhiêu doanh nhân họ thành công như vậy đều có những ngày tháng nỗ lực, kiên nhẫn làm việc không ngừng nghỉ. Vì vậy, có thể nói chăm chỉ tạo một nền tảng vững chắc giúp bạn thành công.
"Cần cù bù thông minh" quả đúng vậy, dù không thông minh nhưng những người chăm chỉ sẽ vẫn giỏi hơn người thông minh ở đức tính cần cù, kiên nhẫn. Tuy nhiên, chăm chỉ thôi thì nó vẫn không đủ để tạo nên được thành công, ta cần phải xác định rõ mục tiêu, lối đi đúng đắn, chăm chỉ một cách đúng cách, tránh quá bảo thủ tạo thành một lối mòn, một đường không có lối ra.
Những người không có đức tính chăm chỉ thì làm việc gì cũng khó, bởi họ đâu có lòng kiên nhẫn, kiên trì với công việc đang làm, họ bỏ cuộc thì bao giờ mới có thành công. Nhiều người không biết rằng, khi họ đang mơ mộng về một thành công nào đó thì có nhiều người khác đã "thức dậy" và làm việc rất cật lực và chăm chỉ.
Là thế hệ trẻ, chúng ta càng cần biết rõ được tầm quan trọng của đức tính này và cần áp dụng ngay nếu muốn thành công. Hãy luôn cố gắng học tập, rèn luyện đức tính chăm chỉ, hãy dành nhiều thời gian để "chăm chỉ" và rồi kết quả sẽ đến với bạn - một thành quả như bạn đã mong ước!
-------------------HẾT----------------------
Bên cạnh chăm chỉ còn rất nhiều đức tính tốt đẹp của con người cần học tập, rèn luyện. Tìm hiểu chi tiết về những đức tính, phẩm chất này, các em có thể tham khảo thêm: Nghị luận xã hội về tính tự lập, Nghị luận xã hội Đức tính khiêm tốn, Nghị luận xã hội về tính tự tin và tự phụ, Nghị luận xã hội về tính tự lập và sự chủ động hòa nhập với thế giới xung quanh.