Nghị luận về tác phẩm để lại nhiều ấn tượng và suy nghĩ nhất

Đề bài: Trong số những tác phẩm văn học mà bạn đã tìm đọc được theo gợi ý ở các bài trong SGK Ngữ văn 10 KNTT, tập hai, tác phẩm nào để lại cho bạn nhiều ấn tượng và suy nghĩ nhất? Hãy viết một bài văn nghị luận bàn về tác phẩm đó theo các vấn đề nội dung và nghệ thuật tự chọn.

Dàn ý và bài văn mẫu Nghị luận về tác phẩm để lại nhiều ấn tượng và suy nghĩ nhất
 

I. Dàn ý chung:

1. Mở bài:
- Dẫn dắt và giới thiệu về tác phẩm.
- Nêu cảm nhận, đánh giá khái quát về giá trị của tác phẩm.
2. Thân bài:
a, Khái quát chung:
- Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.
- Nội dung chính/Tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
b, Phân tích tác phẩm:
- Về nội dung.
- Về nghệ thuật.
c, Đánh giá:
- Về nội dung.
- Về nghệ thuật.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị tác phẩm mang lại.
- Liên hệ mở rộng.
 

II. Dàn ý chi tiết Nghị luận về tác phẩm "Con đường không chọn":

1. Mở bài:
- Dẫn dắt, giới thiệu tác giả Rô-bớt Phờ-rót và bài thơ "Con đường không chọn".
- Nêu nhận xét khái quát về giá trị của tác phẩm: Bài thơ đã gửi gắm thông điệp sâu sắc, ý nghĩa về những sự lựa chọn của con người trong cuộc sống.
2. Thân bài:
2.1. Chủ đề tác phẩm:
- Bài thơ thể hiện quan điểm, sự băn khoăn của con người giữa những ngã rẽ cuộc đời.
- Thể hiện nỗi niềm trăn trở, tiếc nuối khi phải đưa ra lựa chọn.
-> Bộc lộc ngay từ nhan đề "Con đường không chọn".
2.2. Phân tích tác phẩm:
2.2.1. Nội dung:
a, Các hình tượng:
- Con đường: Là con đường đời, đường dẫn tới thành công của mỗi người.
- Hai lối rẽ: Là ẩn dụ cho những hướng đi khác nhau, buộc con người phải lựa chọn:
+ Đều có điểm giống nhau: cỏ rậm mọc um tùm, có những vệt mòn.
+ Gây ra sự phân vân, bối rối, khiến nhân vật "tôi"cứ "đứng mãi".
- "Biết làm sao, tôi chỉ có thể chọn một mà thôi": Sự tiếc nuối, khi không thể trải nghiệm cả hai lối đi.
-> Trong cuộc sống, ai cũng phải trải qua cảm giác khó khăn khi đứng giữa những lựa chọn.
b, Sự lựa chọn của nhân vật "tôi":
- Nhân vật đã "chọn lối mòn ít có ai đi":
+ Một sự lựa chọn đòi hỏi nhiều can đảm, dũng khí.
+ Mang đến sự chuyển biến, "làm thay đổi tất cả".
- Sự tiếc nuối với con đường không chọn:
+ Tiếng thở dài khi kể lại câu chuyện về "ngày xưa đã lâu lắm rồi".
+ Ước muốn một ngày được quay lại khám phá con đường không được chọn lúc đó.
+ Tự ý thức được sự khó khăn khi việc chọn lại gần như là không thể xảy ra.
-> Tâm lí chung của con người luôn hướng về những thứ đã qua.
2.2.2. Nghệ thuật:
- Thể loại thơ tự do phóng khoáng, giúp cảm xúc không bị bó buộc, thoải mái mà bày tỏ.
- Các hình ảnh ẩn dụ đơn giản, quen thuộc mà giàu ý nghĩa.
- Ngôn ngữ thơ giản dị mà giàu sức gợi.
2.3. Đánh giá:
a, Nội dung:
- Thể hiện tầm quan trọng của những sự lựa chọn trong cuộc sống.
- Niềm băn khoăn, nuối tiếc của con người về sự đúng - sai, trái - phải của những lựa chọn trong quá khứ.
b, Nghệ thuật:
- Thành công đem đến bài thơ giản dị, giàu ý nghĩa.
- Giúp thông điệp của tác giả trở nên dễ tiếp nhận hơn với mọi thế hệ.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của tác phẩm.
- Liên hệ mở rộng.

Nghị luận về tác phẩm để lại nhiều ấn tượng và suy nghĩ nhất hay, đạt điểm cao
 

III. Bài mẫu nghị luận về tác phẩm để lại nhiều ấn tượng và suy nghĩ nhất tham khảo:

Thành công phụ thuộc vào những lựa chọn của chúng ta. Như triết gia Hy Lạp nổi tiếng Aristotle đã nhận định: "...chính lựa chọn, không phải sự tình cờ, quyết định vận mệnh của bạn". Tuy vậy, không phải ai cũng đủ khả năng để đưa ra phương án, định hướng cho bản thân mỗi khi gặp vấn đề. Chúng ta thường bị phân vân, đắn đo, thậm chí còn hối hận, nuối tiếc về những điều đã qua. Viết về chủ đề này, nhà thơ người Mỹ Rô-bớt Phờ-rót có bài thơ "Con đường không chọn". Tác phẩm thể hiện góc nhìn rất độc đáo của nhà thơ về sự lựa chọn trong cuộc sống.

Ngay từ nhan đề bài thơ, ta đã thấy được cái khác lạ, đặc biệt trong tư tưởng của tác giả. Chắc hẳn nhiều người cũng sẽ thắc mắc tại sao Rô-bớt Phờ-rót không đặt tên bài thơ là "Con đường được chọn" mà lại là "Con đường không chọn". Có lẽ đó là vì ông biết rõ về tâm lí hối tiếc của con người. Ta luôn đặt ra những câu hỏi "Nhỡ đâu..." mỗi khi đứng giữa hai hay nhiều sự lựa chọn nào đó. "Nhỡ đâu chọn như kia tốt hơn", "nhỡ đâu mình thất bại", "nhỡ đâu làm như kia sẽ bớt rủi ro hơn thì sao",... Tất cả sự nghi hoặc, thiếu chắc chắn ấy chính là thứ cản bước con người. Nó khiến ta mất thời gian, mất cả công sức, có khi còn để lỡ mất nhiều cơ hội quý báu. Chính vì vậy, bài thơ cũng là lời nhắc nhở chúng ta phải biết hài lòng với sự lựa chọn của chính mình.

Những hình ảnh trong tác phẩm đã góp phần không nhỏ giúp thể hiện tư tưởng chủ đề mà nhà thơ muốn truyền tải. Đầu tiên chính là "con đường". Nếu hiểu theo nghĩa đen thì nó chỉ là con đường vào rừng quen thuộc. Nhưng đặt vào cái nhìn của tác giả, đây lại là đường đời, là lối dẫn đến sự thành công mà ai cũng mong đợi. Mỗi chúng ta đều mang "thân phận lữ hành", buộc phải bước đi để tiến tới tương lai. Nếu đứng lại, con người sẽ bị mắc kẹt trong cánh rừng bạt ngàn, vô tận. Con đường kia đã "rẽ làm đôi" trước mặt nhân vật "tôi". Cả hai lối đi đều có điểm chung, gây cho con người sự phân vân, phải "đứng mãi". Nó giống như cái cách mà cuộc đời bắt chúng ta phải đưa ra lựa chọn. Nhưng dù có rẽ theo hướng nào đi chăng nữa, ta đều sẽ đến được với thành công của riêng mình.

Đứng trước những ngã rẽ mà cuộc đời đưa ra, việc lựa chọn, quyết định là điều bắt buộc phải xảy ra. Chúng ta có thể suy nghĩ, chiêm nghiệm cả buổi nhưng vẫn "chỉ có thể chọn một mà thôi". Cuối cùng, nhân vật tôi đã tiến đến "lối mòn ít có ai đi". Đây cũng là điều dễ gây tranh cãi bởi có nhiều người thích theo số đông, làm cái gì phổ biến để đỡ phải mất công tìm tòi. Nhưng tư tưởng "ăn sẵn" như vậy không những không mang lại giá trị cho bản thân mà còn khiến con người hình thành thói quen ỷ lại, thụ động.

Mặc dù quyết định đã được đưa ra nhưng ta vẫn thấy được sự nuối tiếc, băn khoăn, trăn trở của nhân vật "tôi" về ngã rẽ mà mình không chọn. Điều này thể hiện vô cùng rõ ràng qua tiếng thở dài khi kể lại câu chuyện "ngày xưa đã lâu lắm rồi" cùng lời hẹn "sẽ quay lại con đường không đi một ngày nào đó". Nhân vật "tôi" hay chính chúng ta đều thừa hiểu điều đó rất khó để thực hiện. Hình ảnh "đường lại đưa đường" cho ta biết rằng một khi đã chọn thì gần như không thể quay đầu. Sự lựa chọn sẽ đưa ta theo những con đường khác, gặp thêm bao ngã rẽ khác.

Không chỉ thành công truyền tải thông điệp sống vô cùng ý nghĩa, "Con đường không chọn" còn rất thành công về mặt nghệ thuật. Với thể thơ tự do đầy phóng khoáng, bài thơ không bị bó buộc vào các quy tắc, luật thể cứng nhắc mà thoải mái thể hiện cảm xúc, nội dung. Ngôn ngữ và các hình ảnh thơ được sử dụng một cách gần gũi, đơn giản, mang tới sự quen thuộc, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận hơn. Những hình ảnh ẩn dụ "con đường" hay "ngã rẽ" không phải những thứ quá xa vời, vĩ đại như trong thơ cổ phương Đông. Các hình ảnh ấy giản dị, gần gũi, mang tới cho độc giả cái nhìn tự do, phóng khoáng của người phương Tây.

Bằng những nét đặc sắc rất riêng, "Con đường không chọn" đã mang đến cho bao độc giả bài học vô cùng sâu sắc. Bài thơ đến với độc giả giống như việc ai đó chia sẻ câu chuyện nhỏ trong cuộc sống, từ đấy gửi gắm thông điệp một cách tự nhiên mà hết sức hiệu quả. Không cần cầu kì vần điệu, tác phẩm vẫn thành công lưu lại dấu ấn đậm nét, khẳng định giá trị của mình trong lòng người đọc.

Trên bước đường tiến tới thành công, ai trong chúng ta cũng cần có lựa chọn, quyết định. Và để làm được điều đó, con người hãy chuẩn bị cho bản thân hành trang đầy đủ cả về kiến thức, kĩ năng và đạo đức. Chỉ như vậy, mỗi người mới có thể vững vàng với quyết định của mình. Qua đây, em càng thêm yêu thích "Con đường không chọn" - một tác phẩm giàu giá trị và ý nghĩa.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Khi phân tích một tác phẩm văn học, hãy chú ý đến các hình tượng nghệ thuật, từ đó rút ra thông điệp, quan điểm của tác giả về chủ đề tác phẩm. Hãy thường xuyên ghé qua Taimienphi.vn để cập nhật thêm nhiều bài văn mẫu lớp 10 khác: Bài văn về tình thế lựa chọn khó khăn nhưng đầy ý nghĩaBài luận giới thiệu bản thân ứng tuyển vào câu lạc bộ, Viết bản nội quy hay hướng dẫn nơi công cộng góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnhViết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá về nội dung và hình thức nghệ thuật của một trong các bài thơ mà bạn đã đọc theo yêu cầu đọc mở rộng....

Nghị luận về tác phẩm để lại nhiều ấn tượng và suy nghĩ nhất, Ngữ văn 10, Kết nối tri thức, học kì II là một đề văn phổ biến trong chương trình học. Hãy cùng luyện tập cách viết dạng đề này qua những mẫu sau đây do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn nhé!
Link tải Sách giáo khoa lớp 4 Kết nối tri thức PDF
Giải bài tập trang 65 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải Toán lớp 7 sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 95 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 91, 92 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 30, 31, 32, 33, 34 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống

ĐỌC NHIỀU