Nghị luận về Hiện tượng bắt nạt trong học đường hiện nay

Đề bài: Nghị luận về Hiện tượng bắt nạt trong học đường hiện nay

Viết một bài văn ngắn trình bày ý kiến của em về nạn bạo hành học đường

Nghị luận về Hiện tượng bắt nạt trong học đường hiện nay thuộc chủ đề Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống Ngữ văn 6. 
 

I. Dàn ý Nghị luận về Hiện tượng bắt nạt trong học đường hiện nay:

1. Mở bài:
- Dẫn dắt và nêu vấn đề cần nghị luận: Hiện tượng bắt nạt trong học đường hiện nay.
2. Thân bài:
* Giải thích:
- Bắt nạt trong học đường:
+ Là những hành động bạo lực hoặc phi bạo lực, tác động đến thể chất và tinh thần của một đối tượng, cụ thể ở đây là học sinh.
+ Có thể gây thương tổn đến thể trạng của nạn nhân, để lại vết thương, bóng đen trong tâm lý nạn nhân.
+ Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của bắt nạt học đường.
* Lí do khiến hiện tượng này mãi chưa thể khắc phục được:
- Một vài cá nhân mang tâm lí nổi loạn, coi mình ở trên người khác, muốn tạo dựng quyền uy,...
- Tâm lí sợ hãi của nạn nhân, không dám phản kháng.
- Sự thờ ơ, thậm chí là hùa theo hành động bắt nạt của bạn bè trong trường, lớp.
* Liên hệ thực tế:
- Hiện tượng bắt nạt học đường xuất hiện ở rất nhiều nơi, dưới nhiều hình thức: lời trêu chọc, sự cô lập, hành vi bạo lực,...
- Được phản ánh trên rất nhiều phương tiện truyền thông: báo chí, tin tức, phim ảnh,...
- Mang đến rất nhiều hậu quả đáng tiếc.
* Đề xuất giải pháp:
- Sự tự ý thức, tự bảo vệ của mỗi cá nhân.
- Sự rèn luyện, dạy dỗ từ chính gia đình là yếu tố quan trọng hình thành tính cách của một đứa trẻ.
- Sự quan tâm, sát sao của thầy cô và nhà trường.
- Tinh thần đoàn kết, đùm bọc, bảo vệ lẫn nhau của các học sinh trong cùng một tập thể.
3. Kết luận:
- Khẳng định lại quan điểm, ý kiến của bản thân về vấn đề nêu trên.

Bài văn Nêu suy nghĩ của em về vấn đề học đường: Bạo lực hiện nay hay nhất
 

II. Bài mẫu Nghị luận Hiện tượng bắt nạt trong học đường tham khảo:


1. Nghị luận về Hiện tượng bắt nạt trong học đường hiện nay - mẫu số 1:

Ngày nay, dưới sự bùng nổ, phát triển của công nghệ, những câu chuyện đau lòng về bắt nạt học đường đã được phanh phui, đem đến cho mọi người một vài góc nhìn đa chiều và buộc các nhà quản lí giáo dục phải quan tâm, xem xét về vấn đề này. Bởi vậy, hiện tượng bắt nạt trong môi trường học đường đã trở thành một thực trạng xấu, cần lên án, phê phán.

Chúng ta vẫn hay nghe về cụm từ bạo lực hoặc bắt nạt học đường. Vậy bắt nạt học đường là gì? Bắt nạt học đường chính là những hành vi bạo lực hoặc phi bạo lực, tác động đến thể chất cũng như tinh thần của ai đó. Nó có thể gây nên những thương tổn về cơ thể hoặc không, nhưng chắc chắn sẽ để lại ám ảnh không cách nào xóa nhòa trong tâm lí người bị hại. Không chỉ vậy, ai trong chúng ta cũng có khả năng vô tình trở thành đối tượng bị bắt nạt, chế giễu.

Có rất nhiều lí do để việc bắt nạt xuất hiện và tồn tại cho đến tận hôm nay. Đầu tiên, có thể kể đến những kẻ gây chuyện với tâm lí nổi loạn. Người này có thể chịu ảnh hưởng bởi gia đình, xã hội, từ đó dẫn đến bất mãn, lấy việc hành hạ người khác làm thú vui. Tiếp đó, về phía nạn nhân, họ bị bao vây bởi nỗi sợ, không dám đứng lên để bảo vệ bản thân. Họ ám ảnh về những lời đe dọa, ức hiếp của thủ phạm và sợ sự chê bai, chế nhạo của xã hội. Vậy nên im lặng là phương thức họ chọn để giải quyết vấn đề. Nhưng quan trọng nhất, thái độ thờ ơ, vô cảm của người xung quanh mới chính là thứ tiếp tay cho sự bắt nạt dai dẳng kia. Tất cả đã khiến cho vấn nạn ấy hoành hành suốt bao năm tháng.

Trên thực tế, đã có rất nhiều sự việc đau lòng xảy ra chỉ vì vấn nạn bắt nạt. Không chỉ là hành vi bạo lực bằng hành động, nó còn được thể hiện qua lời nói, sự trêu chọc, chỉ trích quá đà. Điều này đã dồn nạn nhân đến tận cùng của sự tự ti, tủi thân, cô độc.

Vậy làm cách nào để có thể bài trừ vấn nạn trên? Trước tiên chính là nỗ lực hoàn thiện và phát triển của bản thân. Việc giáo dục của gia đình cũng hết sức quan trọng. Gia đình chính là môi trường có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành nhân cách mỗi người. Tiếp đó, nhà trường cũng cần sát sao hơn trong việc chăm sóc học sinh, đưa ra biện pháp, hướng giải quyết kịp thời, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra. Và cuối cùng, là thành viên trong một lớp học, mái trường, chúng ta phải biết chung tay bảo vệ bạn bè của mình. Ta cần lên án những hành vi tiêu cực, giúp đỡ và lan tỏa tình yêu thương đến với mọi người.

Trường học là nơi để học tập, vui chơi. Chính vì vậy, hãy cùng nhau dựng xây một môi trường nhân văn, tốt đẹp. Chỉ khi vấn nạn này được loại bỏ hoàn toàn, học sinh mới có thể yên tâm học tập, từ đó từng bước cống hiến và xây dựng quê hương, đất nước.

 

2. Nghị luận về Hiện tượng bắt nạt trong học đường hiện nay - mẫu số 2:

Chúng ta đã không còn quá xa lạ với thế giới học đường muôn màu muôn vẻ. Ở đó, ta được thấy cuộc sống hồn nhiên, vui tươi của tuổi học trò. Nhưng bên cạnh đó, ta cũng phải chứng kiến không ít mặt tiêu cực, đặc biệt là vấn nạn bắt nạt học đường.

Trước tiên, ta cần hiểu rõ về cụm từ "tệ nạn bắt nạt". Bắt nạt có thể là những hành động bạo lực hoặc phi bạo lực, tác động đến thể chất và tinh thần của một cá nhân nào đó. Tệ nạn này đã và đang để lại nhiều tổn hại cho nạn nhân: tổn thương cơ thể, bóng đen tâm lí không thể xóa nhòa. Ta thường hay nghĩ người bị bắt nạt chắc là những kẻ lập dị, yếu đuối. Nhưng không, đó có thể là bất cứ ai. Nạn nhân có thể là một bạn học sinh rất bình thường, cũng có thể là người vô cùng nổi bật. Đây quả là một thực trạng vô cùng dai dẳng và khó xóa bỏ.

Vậy tại sao hiện tượng tiêu cực này lại có thể tồn tại lâu đến như thế? Nó bắt nguồn từ tâm lí lệch lạc của những kẻ bắt nạt. Đó là những cá nhân nổi loạn, mang tâm thế chống đối xã hội, muốn làm những điều để bản thân có được mọi người chú ý. Không chỉ vậy, những nạn nhân do lo sợ bị trả thù, cũng không dám phản kháng để bảo vệ chính mình. Ngoài ra, một điều ta thấy rất rõ ràng là việc tiếp tay cho những hành vi sai trái kia, Một vài người biết chuyện nhưng lựa chọn im lặng, ngó lơ. Nhà trường sợ ảnh hưởng đến danh tiếng, các bạn học sợ liên lụy đến bản thân, thành ra nạn nhân chỉ có thể cô độc chịu đựng.

Nhìn vào thực tế, có thể nói, hiện tượng bắt nạt trong học đường xảy ra rất phổ biến, dưới nhiều hình thức. Hậu quả nó mang lại là vô cùng đáng tiếc: những đứa trẻ thu mình lại, xa cách với xã hội, lựa chọn từ bỏ cuộc sống vì sự châm chọc, chế giễu của bạn bè. Nó đem đến nỗi đau cho những gia đình cùng sự tiêu cực, xuống dốc của đạo đức xã hội.

Vậy làm cách nào để ta có thể loại bỏ sự tiêu cực ấy ra khỏi xã hội? Đầu tiên, nó phải được bắt đầu từ việc dạy dỗ, rèn dũa ngay trong gia đình. Cách đứa trẻ được đối xử sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, tâm lí và hành động của chúng sau này. Tiếp đó, nhà trường và xã hội cũng cần đề ra những phương thức răn đe, trừng phạt nghiêm khắc. Tình đoàn kết, yêu thương giữa những người bạn cũng là yếu tố không thể thiếu để loại trừ bắt nạt học đường. Vì thế, hãy học cách lan tỏa yêu thương, bạn nhé!

Tóm lại, tệ nạn bắt nạt trong trường học đã mang đến nhiều thứ tiêu cực, gây ảnh hưởng đến cá nhân, tập thể và cộng đồng. Chúng ta cần đứng lên bảo vệ chính bản thân mình và những người xung quanh, xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Trong cuộc sống, không khó để ta bắt gặp những hiện tượng gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Là thế hệ tương lai, em hãy chung tay cùng cộng đồng để góp phần giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn nhé. Taimienphi.vn vẫn còn rất nhiều bài văn mẫu lớp 6 với các chủ đề khác để em tham khảo như:
- Đoạn văn có câu mở đầu Tôi không muốn khác biệt vô nghĩa...
- Đoạn văn trình bày suy nghĩ về vấn đề Ai cũng có cái riêng của mình

Trong cuộc sống, ta rất dễ dàng bắt gặp những hành vi tiêu cực nhắm đến một bộ phận yếu thế hơn như cô lập, bắt nạt, bạo lực,... Hãy cùng bàn luận thêm về vấn nạn này qua bài Nghị luận về Hiện tượng bắt nạt trong học đường hiện nay, Ngữ văn 6, Kết nối tri thức, học kì II do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn nhé!
Link tải Sách giáo khoa lớp 4 Kết nối tri thức PDF
Giải bài tập trang 65 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải Toán lớp 7 sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 95 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 91, 92 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 30, 31, 32, 33, 34 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống

ĐỌC NHIỀU