Đề bài: Đoạn văn phân tích biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí trong 3 câu thơ cuối bài thơ Đồng chí
Đoạn văn phân tích biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí trong 3 câu thơ cuối bài thơ Đồng chí
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu về tác giả Chính Hữu, tác phẩm "Đồng chí" và biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí qua 3 câu thơ cuối bài thơ.
2. Thân đoạn:
- Thời gian: "Đêm nay"
- Không gian: "Rừng hoang sương muối": nơi rừng sâu với "sương muối" dày đặc, càng làm tăng thêm cái lạnh, sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
- Tư thế chủ động: "Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới": tư thế hiên ngang, sẵn sàng trong sự chủ động, tư thế thành đồng của những người bộ đội cụ Hồ.
- Hình ảnh biểu tượng: "Đầu súng trăng treo":
+ Là hình ảnh vừa mang ý nghĩa hiện thực lại vừa mang yếu tố lãng mạn.
+ Được đúc kết từ những lần phục kích chờ giặc của nhà thơ cùng đồng đội của mình.
+ Hai hình ảnh đối lập "súng": biểu tượng cho chiến tranh, "trăng": biểu tượng cho hòa bình lại bổ sung cho nhau tạo nên một hình ảnh biểu tượng.
+ Giữa những khắc nghiệt của hiện thực nhưng những người lính vẫn giữ cho mình tâm hồn lạc quan, lãng mạn, bay bổng vì họ có tình đồng chí đồng đội gắn bó, ấm áp.
+ Đây là biểu tượng cho tình đồng chí cao đẹp của những người lính trong kháng chiến chống Pháp.
3. Kết đoạn:
- Khẳng định giá trị của khổ thơ, bài thơ.
"Đồng chí" là tác phẩm viết về tình cảm đồng đội gắn bó keo sơn của những người lính trong chiến tranh chống Pháp. Đặc biệt, 3 câu thơ cuối của bài thơ đã cho ta thấy được biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí đồng đội:
"Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo"
Trong cái lạnh buốt giá của trời đêm, của "sương muối" cùng với không khí tĩnh lặng, hoang dại của rừng đêm, người lính vẫn hiện lên với tư thế hiên ngang, chủ động. Những người chiến sĩ cùng đồng đội của mình sát cánh bên nhau "chờ giặc tới". Những câu thơ được Chính Hữu xây dựng lên bằng chất liệu hiện thực vô cùng chân thực, sống động. Và câu thơ cuối của bài thơ là kết tinh vẻ đẹp của tình đồng chí đồng đội, là biểu tượng cao đẹp cho tình cảm ấy "Đầu súng trăng treo". Giữa rừng hoang mênh mông, những người lính khoác cây súng trên vai còn vầng trăng thì lơ lửng giữa trời như đang treo trên đầu ngọn súng. Hình ảnh đó vừa mang ý nghĩa tả thực lại vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Bởi "súng" tượng trưng cho chiến tranh, cho hiện thực khốc liệt còn "trăng" lại là biểu tượng cho hòa bình, cho chất thơ thi sĩ. Hai hình ảnh đối lập nhưng lại bổ sung cho nhau, vô cùng hài hoà, làm nên một hình ảnh biểu tượng cho người lính cụ Hồ. Hình ảnh đó còn biểu trưng cho tình cảm đồng chí, cho tình yêu quê hương khi những người lính cầm súng bảo vệ quê nhà. Chỉ với ba dòng thơ ngắn ngủi nhưng nhà thơ Chính Hữu đã giúp ta làm sáng rõ biểu tượng của tình đồng chí cao đẹp của những người lính trong kháng chiến chống Pháp.
Bài thơ Đồng Chí của nhà thơ Chính Hữu đã cho ta thấy vẻ đẹp tình đồng chí, đồng đội của những người lính áo vải trong kháng chiến chống Pháp. Và hơn thế, 3 câu thơ cuối của bài thơ còn cho ta thấy được một biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí. "Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới" Bức tranh về người lính hiện lên trong khung cảnh "đêm nay" khi trời đã về khuya, khi cái lạnh, cái buốt giá của khí đêm giữa rừng sâu, của "sương muối" đang bao phủ lấy họ. Những người lính đang phải đối mặt với cái khắc nghiệt của thiên nhiên, của thời tiết. Thế nhưng họ vẫn hiện lên với tư thế hiên ngang, chủ động, một tư thế thành đồng "đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới". Mọi gian khổ, khó khăn đều lu mờ trước sự hiên ngang, trước tình cảm đồng đội bền chặt của những người lính. Hình ảnh kết lại bài thơ là một chi tiết độc đáo, là sáng tạo riêng của nhà thơ Chính Hữu: "Đầu súng trăng treo". Đây có lẽ là hình ảnh đẹp nhất trong bài thơ Đồng chí. Nó được xây lên bởi cảm hứng lãng mạn pha lẫn hiện thực, là hình ảnh được chính tác giả nhận ra sau nhiều đêm cùng đồng đội phục kích chờ giặc tới. Những người lính đứng gác giữa rừng đêm, mũi súng hướng lên trời và vầng trăng thì đang lơ lửng như đang treo trên mũi súng. Hình ảnh "đầu súng trăng treo" cũng gợi ra cho ta bao nhiêu liên tưởng thú vị khi "súng" là biểu tượng cho chiến tranh còn "trăng" lại là biểu tượng cho hòa bình. Hai hình ảnh đối lập nhau nhưng lại được xếp chung vào một câu thơ đã bổ sung ý nghĩa, tạo nên một hình ảnh vừa hiện thực lại vừa lãng mạn. Giữa khắc nghiệt của hiện thực nhưng người lính bộ đội cụ Hồ vẫn mang trong mình tâm hồn lãng mạn, bay bổng cùng vầng trăng. "Đầu súng trăng treo" đã trở thành hình ảnh biểu tượng cao đẹp cho tình đồng chí trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Qua ba câu thơ của khổ cuối bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu, chúng ta đã được thấy những hình ảnh hiện thực hòa chung với chất lãng mạn tạo nên một biểu tượng cho tình đồng chí của những người bộ đội cụ Hồ.
Tình đồng chí là thứ tình cảm cao đẹp giữa những người chiến sĩ, Và biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí ấy đã được nhà thơ Chính Hữu thể hiện qua 3 câu thơ cuối bài thơ "Đồng chí" của mình:
"Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo"
Hình ảnh những người lính hiện lên trên nền cảnh khắc nghiệt của thiên nhiên, thời tiết. Các anh phải đối mặt với cái lạnh giá buốt của đêm khuya giữa rừng hoang vu đầy "sương muối". Cái lạnh ấy thấm vào da thịt những người lính thế nhưng họ chẳng hề run rẩy, họ vẫn nắm chặt cây súng trong tay. Họ chủ động, hiên ngang trong tư thế "chờ giặc tới". Những người lính hiện lên với vẻ đẹp kiên cường, bất khuất và phải chăng chính tình đồng chí đã khiến họ mạnh mẽ đến như thế? Hình ảnh thơ kết lại bài thơ là một hình ảnh đẹp đẽ vô cùng: "Đầu súng trăng treo". Giữa đêm khuya vắng lặng, giữa rừng hoang đầy sương, những người lính chắc tay súng hướng lên bầu trời và vầng trăng lơ lửng như đang "treo" trên đầu ngọn súng. Một hình ảnh vừa đậm chất hiện thực lại vừa mang sự lãng mạn bởi "súng" vốn là một vật gợi lên chiến tranh, chiến đấu còn "trăng" lại gợi lên sự yên ả, hoà bình. Hai hình ảnh đối lập nhau nhưng khi được xếp trong cùng một câu thơ đã bổ sung cho nhau tạo nên một biểu tượng cao đẹp vô cùng của người lính. Bằng bút pháp hiện thực xen lẫn lãng mạn, qua ba câu thơ cuối của khổ thơ, chúng ta đã thấy được vẻ đẹp tâm hồn cao đẹp của những người lính cũng như biểu tượng của tình đồng chí thắm thiết vô cùng.
------------------HẾT-------------------
Để tìm hiểu thêm, sâu sắc hơn, kỹ hơn về bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu cũng như hình tượng những người lính bộ đội cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp, các em có thể tham khảo thêm những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Cảm nhận về hình ảnh đầu súng trăng treo trong bài thơ Đồng chí, Phân tích 7 câu thơ đầu trong bài thơ Đồng chí, Phân tích hình ảnh người lính trong bài Đồng chí, Phân tích khổ cuối bài Đồng Chí.