Đề bài: Đoạn văn cảm nhận khổ 3, 4 Bài thơ về tiểu đội xe không kính
1. Mở đoạn
Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và khổ thơ 3,4.
2. Thân đoạn
a. Hiện thực khốc liệt của cuộc chiến
- Những chiếc xe bị bom đạn tàn phá đến mức biến dạng "không có kính".
- Thiếu đi tấm kính che chắn khiến cho "bụi phun", "mưa tuôn", "mưa xối" vào buồng lái như "ngoài trời".
b. Thái độ lạc quan của những người lính lái xe
- Cấu trúc "Không có...ừ thì" thể hiện thái độ ngang tàn, coi thường hiểm nguy, gian khó.
→ Với những người lính lái xe, những khó khăn ấy chẳng hề chi, họ coi đó là một phần tất yếu trong chiến đấu.
- Từ láy tượng thanh "ha ha", động từ "phì phèo" cho thấy thái độ bình thản, lạc quan trong mọi hoàn cảnh.
c. Giá trị nội dung, nghệ thuật:
- Nội dung:
+ 2 khổ thơ đã tái hiện sống động những khó khăn, thách thức mà những người lính lái xe phải đối mặt.
+ Khắc họa vẻ đẹp hiên ngang, bản lĩnh kiên cường và thái độ lạc quan, yêu đời của những người lính.
- Nghệ thuật: ngôn ngữ tự nhiên, giàu tính khẩu ngữ, giọng thơ hóm hỉnh, hài hước lại có sự biến hóa linh hoạt.
3. Kết đoạn
Khẳng định giá trị khổ 3,4.
Qua "Bài thơ về tiểu đội xe không kính", nhà thơ Phạm Tiến Duật đã dựng lên bức chân dung sống động về những người lính lái xe, đó là những con người "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Trong khổ thơ 3,4, nhà thơ đã tái hiện những khó khăn, gian khổ của cuộc kháng chiến, qua đó làm nổi bật lên vẻ đẹp của những người lính lái xe. Bom đạn kẻ thù tàn phá làm cho những chiếc xe trở nên méo mó, biến dạng. Xe không kính cũng mang đến rất nhiều khó khăn cho những người lính, không có kính khiến "bụi phun", "mưa tuôn, mưa xối" khiến cho những người lính "tóc trắng như người già", khiến cho những bộ quân phục trở nên ướt sũng. Gian khổ là vậy, khắc nghiệt là vậy thế nhưng những người lính lái xe vẫn đối diện với tâm thế lạc quan, bình thản. Cấu trúc "Không có...ừ thì" thể hiện thái độ ngang tàn, coi thường hiểm nguy, gian khó. Với những người lính lái xe, những khó khăn ấy chẳng hề chi, họ coi đó là một phần tất yếu trong chiến đấu. Từ láy tượng thanh "ha ha", động từ "phì phèo" cho thấy thái độ coi thường gian khổ, ngay trong hiện thực khốc liệt nhất thì những người lính vẫn lạc quan, yêu đời. Qua việc sử dụng ngôn ngữ tự nhiên, giọng điệu bông đùa, hóm hỉnh thể hiện được chất lính, chất trẻ trong những người chiến sĩ lái xe. Đó là những con người không quản khó khăn, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, hi sinh để thực hiện lí tưởng cứu nước cao đẹp.
Từ chất liệu hiện thực sinh động, độc đáo, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã xây dựng thành công hình tượng những chiếc xe không kính và chân dung, vẻ đẹp của người lính lái xe trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính". Khổ thơ 3,4 đã thể hiện được tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường, không ngại gian khổ của những người lính lái xe. Những chiếc xe "không kính" gây ra rất nhiều khó khăn cho người lính khi lái xe. Kính xe bị mất khiến cho bụi, mưa xối xả vào buồng lái, gây cản trở tầm nhìn và làm cho quân phục của những người lính bị ướt lạnh. Thế nhưng, đối mặt với những thử thách, những người chiến sĩ vẫn không hề nao núng, họ đối diện bằng tâm thế bình tĩnh, lạc quan. Điệp cấu trúc "Không có...ừ thì..." đã thể hiện sự ngang tàn, coi thường gian khổ. Với những người lính, hiện thực khắc nghiệt không đáng bận tâm, đó chỉ là phép thử cho ý chí kiên cường và bản lĩnh của "kẻ làm trai". Họ không sợ hãi, nao núng trước những khó khăn mà chọn đối diện bằng thái độ tự tin, bình thản. "Bụi phun", "mưa tuôn, mưa xối" có hề chi, bụi cũng chỉ làm cho diện mạo của họ thêm phần hài hước "bụi phun tóc trắng như người già", mưa tuôn, mưa xối làm ướt áo thì khi mưa ngừng, gió lùa sẽ "khô ngay thôi". 2 khổ thơ đã tái hiện sống động những khó khăn, thách thức mà những người lính lái xe phải đối mặt, thế nhưng điều đáng quý nhất đọng lại trong câu thơ lại là vẻ đẹp hiên ngang, bản lĩnh kiên cường và thái độ lạc quan, yêu đời của những người lính.
Nếu ở khổ thơ 1,2 nhà thơ Phạm Tiến Duật tập trung miêu tả diện mạo lạ lùng, độc đáo, "có một không hai" của những chiếc xe không kính thì đến khổ 3,4, nhà thơ lại làm nổi bật vẻ đẹp của những người lính lái xe. Những chiếc xe mất đi bộ phận che chắn khiến bụi đất, nước mưa tuôn xối xả vào khoang xe. Động từ "phun", "tuôn", "xối" đã thể hiện được cái khắc nghiệt, dữ dội của hoàn cảnh. Những người lính lái xe bị bụi phun cay xè đôi mắt, tầm nhìn bị cản trở; nước mưa làm cho quần áo sũng nước. Phải đối diện với rất nhiều những khó khăn, thế nhưng người chiến sĩ lái xe vẫn bình thản đối diện, không một lời than thở. Đáng quý hơn, qua con mắt "rất trẻ", "rất lính" cùng tinh thần lạc quan, yêu đời, những người lính còn cảm nhận những khó khăn chỉ là một gì đó không đáng kể, gian khổ ấy không khiến họ nao núng mà còn làm cho cuộc sống của họ thêm phần thú vị. Bụi phun làm cho họ trở nên hài hước, đáng yêu "Bụi phun tóc trắng như người già", mưa tuôn mưa xối cũng chẳng đáng chi, mưa tạnh, gió lùa khô ngay thôi. Điệp ngữ "Ừ thì" thể hiện được cái hào sảng, vô tư cùng tinh thần bất khuất, kiên cường của những người chiến sĩ. Hai khổ thơ 3,4 đã hé lộ một phần vẻ đẹp của những người lính, đó là sự lạc quan, ý chí kiên cường, không ngại khó, ngại khổ.
4.1. Dàn ý Dàn ý khổ 3 4 bài thơ về tiểu đội xe không kính
4.1.1. Mở đoạn:
- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm, nội dung khổ 3, 4.
4.1.2. Thân đoạn:
a) Hiện thực của chiến tranh:
- "Không có kính": Những chiếc xe bị chiến tranh tàn phá.
- "Bụi phun, mưa tuôn, mưa xối: Nhấn mạnh những khó khăn khi lái xe trên tuyến đường Trường Sơn.
b) Tinh thần chiến đấu của người lính:
- "Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha": Thể hiện sự yêu đời, hóm hỉnh, lạc quan.
- "Bụi phun tóc trắng như người già": Biện pháp so sánh, thể hiện sự vui vẻ, hài hước của người lính.
- "Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc", "Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa/Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi": Coi nhẹ những khó khăn, không điều gì có thể cản bước chân của người lính.
=> Với tinh thần lạc quan, ý chí chiến đấu, người lính vẫn luôn tiến về phía trước.
4.1.3. Kết đoạn:
- Nêu cảm nhận về giá trị nội dung và nghệ thuật của khổ ba, bốn:
+ Nội dung: Tâm thế ung dung, lạc quan.
+ Nghệ thuật: Sử dụng biện pháp tu từ đặc sắc, hình ảnh thơ đặc sắc, ngôn ngữ thơ tự nhiên.
- Liên hệ mở rộng.
4.2. Đoạn văn khổ 3, 4 Bài thơ về tiểu đội xe không kính chọn lọc hay nhất:
Trong các tác phẩm viết về những người lính lái xe Trường Sơn, ta không thể bỏ qua "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật. Đặc biệt, với khổ thơ thứ ba, bốn tác giả đã cho ta cảm nhận được những khó khăn nơi chiến trường và tinh thần chiến đấu kiên cường của những người lính. Lái những chiếc xe không có kính, người lính gặp khá nhiều khó khăn. Những con đường Trường Sơn gập ghềnh toàn đất, khói bụi bay đầy trời nên người lính lái xe mới có hình tượng "Bụi phun tóc trắng như người già". Thời tiết trong rừng cực kì khắc nghiệt, mưa nắng thất thường nên đôi khi họ phải chịu đựng những cơn mưa xối thẳng vào người qua khung cửa không kính. Khó khăn, gian khổ là vậy nhưng họ vẫn vững chắc tay lái tiến về phía trước bằng một niềm tin bất diệt. Với những người lính lái xe, vất vả, thách thức chẳng là gì, chỉ cần đất nước được độc lập thì họ sẽ làm mọi thứ. Từ tượng thanh "ha ha" cho ta cảm nhận được tinh thần lạc quan, yêu đời của người lính. Tiếng cười của họ như át đi tiếng mưa bom bão đạn nơi chiến trường ác liệt. Rõ ràng những thách thức của thời cuộc sẽ chẳng bao giờ ngăn được tinh thần chiến đấu dũng cảm của những người chiến sĩ cách mạng. Bằng việc sử dụng ngôn ngữ thơ tự nhiên, giọng thơ hóm hỉnh, Phạm Tiến Duật đã mang đến cho độc giả một cái nhìn rất riêng về hình ảnh người chiến sĩ Trường Sơn. Đó là những người trong hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn cố gắng, lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng.
Hình ảnh người lính trong chiến tranh là đề tài được rất nhiều tác giả khai thác. Tiêu biểu trong số đó phải nhắc đến nhà thơ Phạm Tiến Duật với "Bài thơ về tiểu đội xe không kính". Đặc biệt, khổ thơ thứ ba, bốn đã làm nổi bật tâm thế ung dung, lạc quan của người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Tác giả sử dụng điệp từ "bụi" kết hợp với động từ "phun" để nhấn mạnh mức độ ghê gớm của bụi trên con đường Trường Sơn ác liệt. Khói bụi biến những người lính trẻ trung thành ông già với mái tóc bạc trắng "Bụi phun tóc trắng như người già". Không chỉ vậy, xe thiếu kính che chắn còn gặp phải "Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời". Thế nhưng, hai tiếng "ừ thì" vang lên như một sự chấp nhận, sẵn sàng chịu đựng những khó khăn. Người lính "Chưa cần rửa lái trăm cây số nữa/Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha". Mặc kệ diện mạo trông có khác thường, những người lính lái xe vẫn băng băng tiến về phía trước với niềm tin về một tương lai tươi sáng. Cùng diễn tả tinh thần lạc quan đó Tố Hữu đã từng viết "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Chính sự yêu đời cùng quyết tâm chiến đấu của những người chiến sĩ đã mang đến hòa bình cho đất nước. Bằng việc sử dụng biện pháp tu từ so sánh kết hợp với hình ảnh thơ chân thực, tác giả đã giúp chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp của những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Viết Đoạn văn cảm nhận khổ 3, 4 "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" giúp chúng ta thấu hiểu được những khó khăn mà người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn gặp phải. Các em hãy cùng khám phá những nội dung đặc sắc này qua việc tham khảo: Đoạn văn cảm nhận khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Đoạn văn phân tích khổ 1, 2 Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Đoạn văn phân tích vẻ đẹp của người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Đoạn văn phân tích tinh thần lạc quan của những người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính.