Đề bài: Bàn về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức qua câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn...
Bàn về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức qua câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn...
1. Mở bài
Giới thiệu hai câu tục ngữ "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" và "Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người": Để nói về mối quan hệ giữa cặp phạm trù nội dung và hình thức, không chỉ có các học thuyết và quan điểm hiện đại mà ngay từ thời xa xưa ông cha ta đã nhắc đến mối quan hệ này qua hai câu tục ngữ "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" và "Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người"
2. Thân bài
- Giải thích hai câu tục ngữ:
+ "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn": So sánh giữa gỗ tốt và nước sơn tốt; thông thường các loại đồ gỗ sau khi hoàn thiện sẽ được phủ một lớp sơn để thêm phần bóng đẹp, bảo vệ lớp gỗ và bắt mắt hơn
+ "Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người": Phần "người" chính là vẻ đẹp hình thức bên ngoài hay chính là "nước sơn", còn "nết" chính là những phẩm chất, tính cách và đạo đức bên trong con người hay chính là "gỗ"
- Ý nghĩa hai câu tục ngữ: Nói về cách nhìn nhận sự vật, sự việc và con người, ở trong bất cứ thứ gì đều tồn tại hai mặt hình thức và nội dung, chúng ta cần phải nhìn nhận chính xác đâu là hình thức và đâu là nội dung để đánh giá cũng như dung hòa hai mặt này một cách hài hòa, hợp lý
- Mối quan hệ giữa nội dung và hình thức: Nội dung và hình thức có sự thống nhất chặt chẽ với nhau dù ở trong sự vật hay con người; hình thức sẽ chứa đựng nội dung và nội dung sẽ tồn tại dưới một hình thức nào đó
3. Kết bài
Liên hệ thực tiễn: Chính vì vậy, trong bản thân mỗi con người cần phải biết tìm cách dung hòa, hoàn thiện cả về phẩm chất (nội dung) và vẻ bề ngoài (hình thức), không nên quá coi trọng hình thức mà quên đi việc trau dồi nội dung, và cũng không nên chỉ quan tâm nội dung bên trong mà thờ ơ, bỏ mặc hình thức bên ngoài...
Để nói về mối quan hệ giữa cặp phạm trù nội dung và hình thức, không chỉ có các học thuyết khoa học và quan điểm hiện đại mà ngay từ thời xa xưa, ông cha ta đã nhắc đến mối quan hệ này qua hai câu tục ngữ "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" và "Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người". Các câu tục ngữ đã khẳng định mối quan hệ biện chứng gắn bó khăng khít giữa hình thức và nội dung, cặp phạm trù này có sự thống nhất với nhau trong đó nội dung quyết định hình thức và hình thức có tính độc lập sẽ tác động ngược trở lại nội dung.
Hai câu tục ngữ trên đã phản ánh rất rõ tầm quan trọng cũng như mối quan hệ giữa nội dung và hình thức tồn tại trong xã hội, vậy chúng ta cùng tìm hiểu và giải thích ý nghĩa của hai câu tục ngữ này. Đầu tiên là câu tục ngữ "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn", ý nói so sánh giữa gỗ tốt và nước sơn tốt, thông thường các loại đồ gỗ sau khi hoàn thiện sẽ được phủ một lớp sơn để thêm phần bóng đẹp, bảo vệ lớp gỗ và đồ dùng được bắt mắt hơn. Khi chọn đồ gỗ, chúng ta nên quan tâm chất lượng gỗ làm nên sản phẩm chứ không nên nhìn vào lớp sơn bên ngoài, bởi gỗ tốt thì đồ dùng sẽ chắc chắn và bền lâu hơn, còn lớp sơn dù tốt cũng chỉ là vẻ bên ngoài, dần sẽ hao mòn đi, sơn tốt mà gỗ xấu thì đồ dùng đó cũng không bền và giá trị không cao. Áp dụng vào cách nhìn nhận con người, người ta nói "Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người", ở đây phần "người" chính là vẻ đẹp hình thức bên ngoài hay chính là "nước sơn", còn "nết" chính là những phẩm chất, tính cách và đạo đức bên trong con người hay chính là "gỗ". Con người có thể xấu về ngoại hình, nhan sắc không ưa nhìn nhưng nết na, ngoan hiền, phẩm chất đức hạnh sẽ tốt hơn nhiều lần những người chỉ được vẻ đẹp hình thức bên ngoài còn bên trong thì đủ mọi tật xấu, suy đồi đạo đức và không có phẩm hạnh.
Hai câu tục ngữ cùng nói về cách nhìn nhận sự vật, sự việc và con người, ở trong bất cứ thứ gì đều tồn tại hai mặt hình thức và nội dung, chúng ta cần phải nhìn nhận chính xác đâu là hình thức và đâu là nội dung để đánh giá cũng như dung hòa hai mặt này một cách hài hòa, hợp lý. Nội dung và hình thức có sự thống nhất với nhau dù ở trong sự vật hay con người, hình thức sẽ chứa đựng nội dung và nội dung sẽ tồn tại dưới một hình thức nào đó. Tuy nhiên, nội dung và hình thức không hoàn toàn phù hợp với nhau, không phải cứ gỗ tốt là nước sơn cũng tốt và ngược lại, cũng giống như người có vẻ ngoài xấu xí nhưng chưa chắc đã là người xấu và người xinh đẹp chưa chắc đã là người tốt. Chính vì vậy, ta phải biết nhìn nhận thực sự vào cả hai mặt để đánh giá toàn diện sự vật và con người, không nên chỉ nhìn nhận từ một mặt nội dung hoặc chỉ một mặt hình thức để đánh giá. Một tác phẩm văn học cho ta thấy rõ mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong con người đó chính là "Hạnh phúc của một tang gia" được trích trong tiểu thuyết "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng. Các nhân vật được nhà văn miêu tả với vẻ ngoài sang trọng, lịch lãm, ra vẻ có học nhưng thực chất lại là mục ruỗng, đạo đức giả, suy đồi nhân phẩm như bà Phó Đoan, ông Văn Minh, cô Hoàng Hôn, cô Tuyết... Trong đám tang cụ cố tổ, họ cố tỏ ra u buồn, cho đúng hình thức của một đám tang, nhưng bên trong suy nghĩ lại là niềm vui, hạnh phúc khi "cái di chúc đã đi vào thời kì thực hành". Có thể nói, một người có tính cách tốt đẹp, đầy đủ phẩm chất đức hạnh thì dù có xấu xí hay dị tật cũng được mọi người coi trọng, đề cao, ngược lại một người dù có xinh đẹp hoàn mỹ nhưng không có đạo đức, mất hết nhân phẩm sẽ bị xã hội lên án, phê phán và đào thải.
Bởi vậy, tự bản thân mỗi người cần phải biết tìm cách dung hòa, hoàn thiện cả về phẩm chất (nội dung) và vẻ bề ngoài (hình thức), không nên quá coi trọng hình thức mà quên đi việc trau dồi nội dung, và cũng không nên chỉ quan tâm nội dung bên trong mà thờ ơ, bỏ mặc hình thức bên ngoài. Có dung hòa và hoàn thiện được cả nội dung và hình thức con người mới có thể tiến tới được quan niệm chân - thiện - mỹ.
------------------------HẾT-------------------------
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ hay, ý nghĩa đúc kết kinh nghiệm, tư tưởng tình cảm của cha ông ta. Bên cạnh câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, các em có thể khám phá sự phong phú của văn học dân gian qua các bài: Nghị luận về câu tục ngữ Tiên học lễ, Hậu học văn, Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách, Bàn về ý nghĩa tư tưởng của câu tục ngữ: Ta về ta tắm ao ta..., Bình luận câu tục ngữ Anh em khinh trước, làng nước khinh sau.