Vào vai cây lau bên bờ kể lại câu chuyện về người con gái Nam Xương

Câu chuyện về cuộc đời và số phận của nàng Vũ Nương mang đến bao xót thương và cả những day dứt, suy tư nơi người đọc, vào vai cây lau bên bờ kể lại câu chuyện về người con gái Nam Xương để một lần nữa chúng ta cảm nhận thấm thía hơn về số phận nàng Vũ Nương cũng như số phận của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa.

Đề bài: Vào vai cây lau bên bờ kể lại câu chuyện về người con gái Nam Xương

vao vai cay lau ben bo ke lai cau chuyen ve nguoi con gai nam xuong

 

Bài làm

Hôm nay, ngoài mặt nước sông Hoàng Giang, ta thấy sóng gió nổi lên, hình như có một cơn giông tố nhỏ ở phía đó. Đột nhiên, ta nhớ lại câu chuyện mà ta chứng kiến vào mấy năm về trước, khi ta còn là một cây lau trẻ trung và nhí nhảnh. Đó là câu chuyện về một thiếu phụ nhà ở huyện Nam Xương...

Cũng phải tự giới thiệu ta là một cây lau đẹp, mẹ ta sinh ra ta bên dòng sông này cũng vào một mưa gió. Ta nảy mầm trong lòng đất trù phú của quê hương, rồi vươn lên, ngày một cao, ta hát lên cùng gió đông, ru lòng cùng gió heo may khi thu đến, và lặng lẽ ngả theo chiều gió mùa đông bắc. Bên sông, biết bao kẻ đến người đi, ta vẫn đứng đó, cùng với các anh chị em của mình làm đẹp cho cảnh sắc thôn quê.

Ta biết Vũ Thị Thiết từ khi nàng còn là một cô gái vô tư giặt áo bên sông. Đó là một thiếu nữ xinh xắn với làn da trắng hồng và đôi mắt rất to. Đặt biệt, nàng hiền từ và tốt bụng vô cùng. Những người bạn gái khác của nàng thường thích bẻ bông lau để vui đùa, nhưng nàng hay ngăn lại và bảo các bạn: "Nếu không cần thì đừng bẻ cành lau, có khi cây cỏ cũng biết đau đó". Vì lẽ đó, tất cả cây cối ven sông đều yêu mến nàng, chúng ta thường reo lên đón chào khi thấy nàng xuất hiện, nhưng có lẽ nàng không hay biết, mà cho rằng đó chỉ là tiếng gió thổi lao xao...

Rồi một ngày kia, ven sông rộn ràng một đám cưới thật to, hỏi ra thì mấy ngọn gió kể cho chúng ta nghe rằng nàng Thiết đã được cha mẹ gả cho chàng Trương ở làng bên, nghe nói chàng ta là con một, nhà rất giàu, đi cưới vợ mà đem làm sính lễ cả trăm lạng vàng. Nghe thế, chúng ta đều mừng rỡ, nghĩ rằng: Cuối cùng người con gái đẹp người đẹp nết như nàng đã được trọn vẹn hạnh phúc. Chỉ có bác Si già đứng ở trên bến Hoàng Giang thì thở dài mà bảo: "Chắc gì...". Nhưng ta cho rằng bác ấy già lẩm cẩm nên chỉ cười với các bạn lau khác.

Bẵng đi một thời gian, một hôm vào lúc sáng sớm, sương mờ còn phủ lên khắp cánh đồng và dòng sông, ta vẫn đang ngái ngủ thì nghe anh Gió Đông bay qua làng bên về kể: "Hôm nay, nàng Vũ Nương tiễn chồng ra trận, nàng khóc nhiều, dặn dò chồng rằng chỉ mong hai chữ bình an". Ta bừng tỉnh, xót thương Vũ Nương quá, hôm trước nghe tin nàng mới mang thai đứa con đầu lòng, nay lại biết chồng nàng phải ra trận, chắc nàng buồn lo lắm, bởi "cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi" (tức: xưa nay chinh chiến mấy ai về). Chúng ta, những cây lau bên bờ sông đều cầu mong gia đình Vũ Nương được đoàn tụ. Một năm, hai năm, ba năm... trôi đi... Nàng Vũ Thị Thiết đã trải qua bao ngày cô đơn, vất vả, thấy "bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được". Nàng sinh được một đứa con trai đặt tên là Đản, một mình chăm con, nuôi mẹ chồng tuổi đã ngoài tám mươi, nàng thật đảm đang và hiền dịu. Nhiều lần, ta thấy nàng ra sông giặt áo, ngồi soi bóng mình trên dòng nước, mà lệ tràn mi. Nhất là khi mẹ chồng qua đời, nàng thương mẹ, khóc suốt ba ngày ba đêm, đôi mắt đỏ quạch, dáng người tiều tụy khiến chúng ta càng thương cảm.

Một ngày kia, chị Gió mùa hạ rộn ràng bay tới bến sông, báo cho chúng ta biết chiến tranh đã chấm dứt, chàng Trương đã trở về, nàng Thiết vui lắm, từ đây gia đình nàng đã sum họp, sẽ hạnh phúc bên nhau trọn đời. Chúng ta cũng múa lên cùng chị Gió, để chúc phúc cho nàng và cả gia đình. Đêm đó, ta còn trêu bác Si già: "Bác cứ lo hão, người như nàng Thiết thì phải được hạnh phúc". Bác ừ à trong đêm, nghe vẫn giống như tiếng thở dài...

Ấy vậy mà, nỗi lo của bác Si già không phải là lo hão mất rồi. Chỉ ba hôm sau ngày vui sum họp đó, trong một ngày mưa gió, ta thấy Vũ Nương băng mình trong gió mưa, chạy đến bến Hoàng Giang mà ngửa mặt lên trời than rằng: "Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mỹ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, chẳng những là chịu khắp mọi người phỉ nhổ". Rồi mặc cho chúng ta kêu lên ngăn cản, nàng chẳng nghe thấy, một mực gieo mình xuống sông mà tự vẫn. Cả xóm hoa lau đau buồn đến nỗi trắng xóa cả đầu, để khăn tang cho người bạc mệnh, gió than vãn trong mưa buồn cả một quãng sông...

Về sau, hỏi ra, chúng ta mới biết Vũ Nương bị chồng nghi oan là kẻ "ngõ liễu tường hoa", không giữ lòng thủy chung khi chồng ra trận. Chúng ta nghiến răng trách chàng Trương thật là kẻ hồ đồ, sao có thể nghi oan cho người vợ tào khang một lòng một dạ với chồng. Nhưng cũng chẳng biết làm sao, chúng ta cũng chỉ biết sớm chiều hát lên những khúc ca bi thương để khóc nàng mà thôi. Rừng lau ven sông từ đó uốn cong bông lau như chở nặng buồn đau của kiếp người thiếu phụ.

Nhưng cũng chỉ ba hôm sau cái ngày buồn mà Vũ Nương tự vẫn dưới sông, chúng ta nhìn thấy người chồng tàn nhẫn Trương Sinh chạy ra bến sông mà gào lên rằng: "Ta sai rồi, ta sai rồi! Nương tử ơi, nàng ở đâu?"... Việc gì nữa nhỉ, thật kỳ lạ! Một lát sau thì tin tức truyền tới, thì ra Trương Sinh hiểu nhầm lời bé Đản nói: "Ông không phải cha tôi, cha tôi tối mới đến, khi mẹ tôi đi thì cha tôi đi, khi mẹ tôi ngồi thì cha tôi ngồi...". Mà thực ra đó chỉ là cái bóng trên vách mà Vũ Nương dùng để dỗ con trong những đêm dài thương nhớ người chồng ngoài mặt trận. Đến khi Trương Sinh hiểu ra sự việc thì đã muộn, người vợ hiền thục của chàng ta đã không còn nữa. Ta thấy vừa giận mà vừa thương hại cho chàng ta.

Mùa mưa năm sau đó, Trương Sinh quay trở lại, bày một đàn giải oan ven sông cho Vũ Nương, cúng liền ba ngày ba đêm. Nhìn chàng ta thật tiều tụy và già đi cả chục tuổi: đôi mắt buồn bã, nét mặt mệt mỏi... Trương Sinh đến bến Hoàng Giang khấn gọi Vũ Nương. Một lát sau, từ dưới sông, bỗng nhiên sóng cuồn cuộn, trời quang mây tạnh mà gió nổi lên ào ào. Rồi cả bến sông ngẩn ra khi thấy thuyền bè, kiệu hoa nổi lên giữa dòng. Trong chiếc kiệu đẹp nhất, có Vũ Thị Thiết ngồi trong, mái tóc búi xễ, y phục lộng lẫy. Nghe thấy chàng Trương gọi tha thiết, nàng ngoảnh vào bờ mà trả lời rằng:

- Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể lại về nhân gian được nữa.

Nói dứt lời thì thuyền bè, kiệu hoa tan đi mất, hình bóng Vũ Nương cũng tan như sương khói. Bọn hoa lau chúng ta hiểu ra: Linh Phi là vợ vua Nam Hải ở chốn Thủy Cung, thì ra, Vũ Nương đã được bà cứu giúp, nay sống ở chốn làng mây cung nước. Bọn ta thấy thế cũng yên tâm, dù trong lòng có xót thương chàng Trương và bé Đản, nhưng nghĩ đi nghĩ lại: Chén nước đầy đổ đi thì không hốt lại cho được, hạnh phúc đã tan vỡ thì làm sao mà hàn gắn. Âu cũng là bài học cho chàng Trương và cho người đời sau, phải cố mà trân trọng người bên cạnh, đừng để mất đi rồi mới khổ sở nuối tiếc thì đã muộn, có kêu trời, trời không thấu, kêu đất, đất không hay...

Rồi mỗi năm, mỗi năm, khi mùa mưa gió về, những cây lau chúng ta lại thầm thì kể câu chuyện về nàng Vũ Thị Thiết. Người con gái Nam Xương có còn sống nơi chốn Thủy Cung hay không, ta cũng không biết nữa, nhưng mỗi mùa hoa lau nở trắng, ngọn gió bay về ru sóng nước Hoàng Giang, thì câu chuyện bi thương trên lại sống lại trong hồi ức của người Nam Xương. Nhắc nhở con người phải biết chin chắn suy nghĩ trước sau, chớ vội vàng, bồng bột mà đánh rơi mất những yêu thương trong cuộc sống này.

https://thuthuat.taimienphi.vn/vao-vai-cay-lau-ben-bo-ke-lai-cau-chuyen-ve-nguoi-con-gai-nam-xuong-41961n.aspx
Chuyện người con gái Nam Xương là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Dữ, bên cạnh bài làm văn Vào vai cây lau bên bờ kể lại câu chuyện về người con gái Nam Xương, học sinh và thầy cô tham khảo các bài làm văn mẫu khác như Suy nghĩ của em về Chuyện người con gái Nam Xương, Cảm nhận về nhân vật Vũ Nương qua tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương, Phân tích bài Chuyện người con gái Nam Xương, Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương, Tóm tắt Chuyện người con gái Nam Xương hay cả phần Soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương.

Tác giả: Ngọc Thảo     (3.3★- 4 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Bình luận về cái hay của tình huống truyện Chuyện người con gái Nam Xương
Dàn ý bình luận về cái hay của tình huống truyện Chuyện người con gái Nam Xương
Đóng vai một cây tre, tự kể chuyện về mình
Ý nghĩa cái bóng trong Chuyện người con gái Nam xương
Mở bài Chuyện người con gái Nam Xương
Từ khoá liên quan:

vao vai cay lau ben bo ke lai cau chuyen ve nguoi con gai nam xuong

, Vào vai cây lau bên bờ kể lại câu chuyện về người con gái Nam Xương,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới