Suy nghĩ của em về bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Ánh trăng là bài thơ chứa đựng nhiều triết lí sâu sắc của nhà thơ Nguyễn Duy. Bài Suy nghĩ của em về bài thơ Ánh trăng dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận được những ân tình thủy chung của vầng trăng với con người, qua đó ý thức được thái độ sống “Uống nước nhớ nguồn”, trân trọng, thủy chung với quá khứ.

Đề bài: Suy nghĩ của em về bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu
  1. Bài mẫu số 1
  2. Bài mẫu số 2

suy nghi cua em ve bai tho anh trang cua nguyen duy

Bài văn mẫu Suy nghĩ của em về bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy
 

I. Dàn ý Suy nghĩ của em về bài thơ Ánh trăng (Chuẩn)


1. Mở bài

- Sơ lược về Nguyễn Duy và phong cách sáng tác
- Dẫn vào bài thơ Ánh trăng.


2. Thân bài

a. Hai khổ thơ đầu: Kỷ niệm về một thời quá khứ đáng nhớ.
- Cuộc sống thơ ấu gắn liền với quê hương, đất nước bằng những hình ảnh vô cùng quen thuộc “sông”, “bể”, “đồng”, để lại trong lòng tác giả nhiều kỷ niệm, tình yêu quê hương sâu sắc.
- Khi chiến tranh, tác giả gắn bó với rừng sâu, sống chan hòa với thiên nhiên, gần gũi thân thuộc với ánh trăng sáng trong những ngày chiến đấu gian khổ, đến mức tưởng như chẳng bao giờ quên vầng trăng tình nghĩa.

b. Hai khổ thơ sau: Cuộc sống thay đổi khiến con người dần quên đi quá khứ, kể cả vầng trăng tình nghĩa.
- Rời xa chiến trường ác liệt, quen cuộc sống ánh điện cửa gương, vầng trăng dần bị lãng quên do ảnh hưởng của thời gian và cuộc sống hiện đại mới mẻ.
- Sự cố mất điện đã đem đến cơ hội cho nhà thơ gặp lại “tri kỷ” vầng trăng, sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng đã khiến nhà thơ mang nhiều cảm xúc hỗn loạn,  xúc động, bối rối, xấu hổ.

c. Hai khổ thơ cuối:
- Hình ảnh vầng trăng xuất hiện khiến tác giả nhớ về những kỷ niệm xa xăm đầy xúc động thời thơ ấu và cả những năm tháng chiến đấu gian khổ.
- Đặc biệt sự tròn “vành vạnh”, ánh sáng nhàn nhạt tươi mát, sự im “phăng phắc” không hề thay đổi của vầng trăng qua bao nhiêu năm tháng đã khiến tác giả phải “giật mình” vì sự thủy chung, ân nghĩa, trong khi đó bản thân lại nỡ lòng quên đi tất cả những ân tình trong quá khứ, mải mê với cuộc sống thảnh thơi hiện tại.
=> Triết lý vô cùng sâu sắc, nhắc nhở con người về lối sống ân tình, vẹn nghĩa với quá khứ, dẫu có vô tình bẵng quên đi nhưng chỉ cần đến một lúc nào đó có thể chợt nhận ra mà không hoàn toàn chối bỏ thì đều là đáng quý, đáng trân trọng.


3. Kết bài

- Nêu cảm nhận về bài thơ.

 

II. Bài văn mẫu Suy nghĩ của em về bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy


1. Suy nghĩ của em về bài thơ Ánh trăng, mẫu số 1 (Chuẩn):

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nhận định về đặc điểm cũng như định hướng nghệ thuật của thơ Nguyễn Duy bằng những lời rất sâu sắc: “Thơ Nguyễn Duy đưa ta về một thế giới quen thuộc. Nguyễn Duy đặc biệt thấm thía cái cao đẹp của những con người, những cuộc đời cần cù gian khổ, không tuổi không tên. Đọc thơ Nguyễn Duy thấy anh hay cảm xúc, suy nghĩ trước những chuyện lớn, chuyện nhỏ quanh mình. Cái điều ở người khác thì có thể chỉ là chuyện thoáng qua thì ở anh, nó lắng sâu và dường như đọng lại…”. Đọc thơ Nguyễn Duy ta thường cảm nhận thấy ở ông là một giọng thơ phóng khoáng, ngang tàng nhưng ẩn chứa trong ấy lại là cả một thế giới nội tâm sâu sắc, giàu sức suy tưởng, triết lý về kiếp nhân sinh, về những giá trị thiết thực ở đời, đặc biệt là trong khía cạnh tình cảm mà con người thường có lúc bẵng quên đi. Chính bởi giọng thơ thoải mái, vừa hiện đại vừa truyền thống, dẫn người đọc đi từ quá khứ đến hiện tại bằng nhịp thơ nhẹ nhàng, thong thả, nên thơ Nguyễn Duy dễ đi vào lòng người, ngấm sâu tận tâm hồn, để rồi có đôi lúc khiến người đọc phải bừng tỉnh, giật mình ngẫm lại xem bản thân có phải hình như đã bỏ lỡ một điều gì đó quan trọng hay không. Bên cạnh những tác phẩm rất được yêu thích của nhà thơ như Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Đò lèn, Tre Việt Nam, Sông Thao,… thì Ánh trăng cũng là một bài thơ xuất sắc tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Nguyễn Duy, phóng khoáng nhưng đầy chiêm nghiệm.

Nguyễn Duy là một người lính chiến từng có khoảng thời gian hơn 10 năm tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ trên các chiến trường ác liệt nhất tại miền Nam, đồng thời ông cũng có mặt trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Cuộc đời chiến sĩ đã để lại trong Nguyễn Duy những ấn tượng, những trải nghiệm khó quên về hình tượng người lính, đặc biệt là những hiểu biết về tâm hồn của người lính thông qua chính bản thân mình. Sau giải phóng miền Nam, đất nước hoàn toàn độc lập, Nguyễn Duy rời chiến trường trở về thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và tiếp tục công việc sáng tác. Năm  1978, ba năm sau ngày giải phóng, có lẽ rằng cuộc sống yên bình đã làm người lính vô tình lãng quên những kỷ niệm đầy gian khó, nhưng anh hùng của quá khứ. Chỉ khi có ánh trăng soi tỏ tấm lòng, người lính mới giật mình nhớ lại về một thời quá khứ đã xa không ánh điện, cửa gương chỉ có rừng hoang sương muối và ánh trăng làm tri kỷ, Ánh trăng đã ra đời trong những giây phút xúc động như vậy.

 “Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với biển
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỷ

Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa”

Nguyễn Duy quay trở về một thời thơ ấu thật xa, ông ra đi từ một làng quê nghèo của tỉnh Thanh Hóa với cái nắng bỏng rát của mùa hè, cái lạnh cắt từng thớ thịt của mùa đông. Nhà thơ Rasun Gamzatop đã từng nói: “Chúng ta không thể lựa chọn Quê hương, nhưng Quê hương thì ngay từ đầu đã lựa chọn chúng ta!” và có thể thấy rằng Nguyễn Duy đã rất thành tâm với sự lựa chọn đó của quê hương như là một định mệnh. Trong rất nhiều tác phẩm, nhà thơ vẫn thường nhắc về chốn làng quê của mình một cách đầy yêu thương và trân trọng, trong Ánh trăng cũng không hề ngoại lệ, Nguyễn Duy hồi tưởng về một thời thơ ấu, bé dại cuộc sống gắn liền với những cánh đồng xanh ngắt, với những con sông với những bờ biển đầy muối, đó là những thời khắc vô cùng đáng giá của một con người. Rồi đến khi lớn lên, rời xa quê hương đi chiến đấu dọc các chiến trường ác liệt nhất của miền Nam, đường 9 – Khe Sanh đến mặt trận Nam Lào, cuộc sống của người lính có lẽ gắn bó nhất là với hình ảnh những cánh rừng bát ngát rậm rạp, với những đêm dài thức trắng chờ giặc. Khi đó cuộc sống đầy máu và lửa, chất chứa nhiều gian khổ,  thì hình ảnh vầng trăng trên cao, tròn vành vạnh, sáng trong là biểu tượng cho sự sum họp, hạnh phúc, biểu tượng cho sự hòa bình, yên ấm sớm đã trở thành tri kỷ theo mỗi bước chân của người lính. Nguyễn Duy cũng như vậy, trăng đã trở thành một phần trong đời sống chiến đấu, trong đời thơ dài của tác giả, thậm chí thân thiết quen thuộc đến mức tưởng rằng ông sẽ chẳng bao giờ quên được cái vầng trăng đẹp đẽ, “cái vầng trăng tình nghĩa”, thủy chung, son sắt đã làm bạn với nhà thơ trong hơn chục năm trời chiến đấu đầy gian khổ. Thế nhưng có vẻ nhà thơ đã đánh giá quá thấp sức ảnh hưởng của ngoại cảnh, sự thay đổi môi trường mới trong một thời gian dài dường như cũng làm thay đổi suy nghĩ của con người ít nhiều.

“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường

Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn”

Những ngày chinh chiến gian khổ cuối cùng cũng đã lùi xa, người lính chiến rời bỏ chiến trường ác liệt, đầy mưa bom bão đạn để trở về với cuộc sống yên bình mà ông cũng như biết bao người lính khác đã mong ước và đã chiến đấu hết mình vì nó suốt mấy chục năm qua. Thời thế thay đổi, cuộc sống trở nên thảnh thơi hơn, Nguyễn Duy được sống trong những căn phòng bê tông cốt thép, với nước sơn đẹp đẽ, cửa gương sáng loáng, với ánh điện sáng trưng, khác hẳn những ngày chiến đấu gian khổ màn trời chiếu đất, tối tăm đôi lúc được hứng vài ánh trăng nhàn nhạt khi còn chiến đấu. Có một sự thật rằng khi bình yên người ta thường dễ dàng quên đi những thời thề son sắt trong gió bão, không phải chỉ riêng mình tác giả, mà có lẽ đó đã là xu hướng chung của loài người, bởi ít khi nào họ muốn mường tượng lại những ngày tháng gian khổ, thiếu thốn họ chỉ muốn tiến về phía trước, nên lời thề theo đó mà dễ dàng bị quên đi. Nói tệ hại hơn một chút thì người ta gọi đó là lòng người “vô tình”, chỉ có điều có phải nhà thơ cố tình quên đi hay là do sự chảy trôi của thời gian của cuộc sống xô bồ dễ khiến tác giả nhiều lúc chẳng còn để ý lên trời cao. Và may mắn sao, Nguyễn Duy thuộc vế thứ hai, một sự cố “Thình lình đèn điện tắt” đã bất ngờ đánh thức tác giả, giữa cái tối tăm của căn phòng kín đáo, ngột ngạt, tác giả buộc phải tìm cho mình một ánh sáng, một bầu không khí khác. Khi cửa sổ bật tung, Nguyễn Duy thực sự sửng sốt nên đã dùng từ “đột ngột” để diễn tả sự xuất hiện của vầng trăng, đôi lúc ta cảm thấy ánh trăng dường như ập đến khiến nhà thơ trở mình không kịp, mà chỉ còn cách đứng sững đón nhận tất cả. Ánh trăng mang về nhiều lắm, đâu chỉ riêng cái ánh sáng vàng nhàn nhạt, mà đó còn là một bầu trời ký ức trong những năm kháng chiến gian khổ, ánh trăng với tuổi thơ nông nổi, dại khờ,… và quan trọng nhất là mang về lời thề tình nghĩa nguyện cùng trăng làm tri kỷ đã lãng quên suốt mấy năm nay. Nguyễn Duy đã cảm thấy thế nào trong cái giây phút đột ngột ấy, có lẽ là xúc động, có lẽ là xấu hổ và cũng có thể là cả sự hoài niệm tha thiết về những ngày xưa thân ái.

“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng

Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”

Đối mặt với vầng trăng trước sau như một, vẫn ân tình, thủy chung son sắt nhà thơ trở nên bối rối, niềm xúc động tuôn trào như cảnh hội ngộ cố nhân, người đã lâu không gặp mặt, ký ức thuở ấu thơ tràn về “Như là đồng là bể/Như là sống là rừng”. Thế nhưng đứng trước sự lạnh lùng, trong sáng của vầng trăng “cứ tròn vành vạnh” như thuở còn gian khổ, còn chiến tranh ở rừng, đã nhắc nhở tác giả về sự “vô tình”, bạc bẽo, có mới nới cũ. Vầng trăng ấy không nói gì, không kể lể không trách tội, trăng quân tử, “trăng im phăng phắc” nhưng lại chính là sự dằn vặt, sự chỉ trích nghiêm khắc nhất đối với người dưới ánh trăng. Hình ảnh vầng trăng sáng tỏ, trên nền trời đối mặt với người thi sĩ trong căn phòng thiếu ánh điện, cửa gương bật mở, như nhắc nhở cuối cùng chỉ còn có vầng trăng mãi vẫn luôn ngự trị, vẫn luôn ân tình, thủy chung theo sát bóng người lính chiến dẫu là khi chiến tranh hay khi đã hòa bình độc lập. Nhiêu đó thôi cũng để người ta phải “giật mình”, không phải vì sợ hãi mà giật mình, đó là sự xấu hổ, bối rối, bất ngờ và xúc động đã đánh thức tâm hồn tác giả, buộc Nguyễn Duy phải nhìn nhận lại bản thân trong cách sống, cách suy nghĩ. Rõ ràng rằng hình ảnh người lính và vầng trăng hòa bình đã dẫn ra một triết lý vô cùng sâu sắc, nhắc nhở con người về lối sống ân tình, vẹn nghĩa với quá khứ, dẫu có vô tình bẵng quên đi nhưng chỉ cần đến một lúc nào đó có thể chợt nhận ra mà không hoàn toàn chối bỏ thì đều là đáng quý, đáng trân trọng.

 Bằng giọng thơ phóng khoáng tự nhiên, lối thơ tự sự giản dị Nguyễn Duy đã đưa người đọc về những năm tháng chiến đấu đầy vất vả của người lính, cũng như đời sống nội tâm thông qua hình ảnh vầng trăng gắn bó tri kỷ. Đồng thời cũng để lại cho mỗi người một bài học, một lời nhắc nhở về cách sống, cách đối xử với quá khứ, những gì tuy đã đi qua nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mỗi chúng ta cần phải biết trân quý,  giữ gìn bằng tấm lòng ân nghĩa, thủy chung.

 

2. Suy nghĩ của em về bài thơ Ánh trăng, mẫu số 2:

Không biết tự bao giờ trăng đã trở thành nàng thơ ,thành người bạn tri âm tri kỉ của biết bao tâm hồn thi sĩ .Với ánh sáng huyền diệu ,với chu kì tròn khuyết lạ lùng, trăng đã gợi cho các thi nhân cổ kim nhiều thi tứ .Trong miền thơ mênh mang ấy,"Ánh trăng "của Nguyễn Duy như một lời tâm sự chân thành,đã neo lại trong tâm hồn người đọc những tâm trạng riêng,những suy ngẫm riêng giàu trăn trở .

Bài thơ mang dáng dấp một câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian. Cảm nghĩ trữ tình của tác giả men theo dòng tự sự này để bộc lộ .Trước hết là hình ảnh vầng trăng thiên nhiên gắn bó với tuổi thơ:

Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể

Bằng cách gieo vần lưng và điệp từ "với" được nhắc đi nhắc lại gợi ra trước mắt người đọc một tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm êm đềm ,tuổi thơ được vui đùa, được hoà mình với thiên nhiên,sông,bể ...Và khi đã trở thành người lính,trăng và người vẫn gắn bó bên nhau:

hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ

Vầng trăng đẹp đẽ ân tình ,gắn với những kỷ niệm thiếu thời và những tháng năm chinh chiến .Trăng là hình ảnh của thiên nhiên hồn nhiên tươi mát ,là trò chơi tuổi thơ ,là ước mơ trong sáng ,là ánh sáng ,là niềm vui bầu bạn của người lính . Con người khi ấy sống giản dị và hoà hợp với thiên nhiên trong lành :

Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa .

Vậy mà, hoàn cảnh sống thay đổi ,hết chiến tranh , con người trở về thành phố, quen với cửa gương và ánh điện của cuộc sống hiện đại lúc nào cũng rực rỡ sáng loà ,vầng trăng tri kỉ ,vầng trăng tình nghiã của ngày xưa đã mau chóng trở thành quá khứ. Nếu ở khổ thơ đầu ta rung động trước một tình cảm gắn bó bền chặt thì đến đây người đọc lại sửng sốt , ngỡ ngàng:

Vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường

Vẫn là vầng trăng ngày xưa nhưng con người giờ đã khác xưa, quen với ánh sáng nhân tạo nên coi trăng hoàn toàn xa lạ. Một sự thay đổi đến phũ phàng,tê tái... Người lính đã quên những tình cảm chân thành ,những tháng năm gian khổ nhưng chan chứa ân tình thuở trước.Mặc dù vậy trăng vẫn không quên, vẫn đến với bạn xưa bằng tình cảm tràn đầy không hề sứt mẻ .Người lính chỉ nhận ra điều đó khi:

Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn .

Việc mất điện như một tình huống có vấn đề đột ngột xảy ra ,theo thói quen con người vì cần ánh sáng mà mở tung cửa sổ, lại nhìn thấy hình ảnh vầng trăng vẫn hiện diện trên bầu trời và toả sáng khắp căn phòng.Chính vầng trăng xuất hiện bất ngờ trong bối cảnh ấy đã gây ấn tượng mạnh ,thổi bùng nỗi nhớ về một thời quá khứ chưa xa :

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng .

Phép nhân hoá tài tình khiến trăng và người đối diện đàm tâm là một cách viết lạ và sâu sắc của riêng Nguyễn Duy .Trong cuộc gặp mặt không lời ,người lính xưa xúc động" rưng rưng" .Cảm xúc nghẹn ngào ,khoắc khoải như chỉ chực trào nước mắt.Sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng làm ùa dậy trong tâm trí nhà thơ bao kỷ niệm xưa : những kỷ niệm thiếu thời ,những tháng năm chinh chiến giữa thiên nhiên, đất nước bình dị , hiền hoà. Tất cả hiện hình trong nỗi nhớ ,trong cảm xúc thiết tha và cả trong tư thế lặng im thành kính của tác giả... Vào lúc đó ông đã nhận ra, trăng vẫn tròn đầy, tình nghĩa ,thuỷ chung và vị tha, cao thượng :

Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình .
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình .

Hình ảnh" vầng trăng tròn vành vạnh" không chỉ thể hiện vẻ đẹp bình dị và vĩnh hằng của cuộc sống mà còn có ý nghĩa biểu tượng cho nghiã tình quá khứ đẹp đẽ, vẹn nguyên, chẳng thể phai mờ .Trăng xuất hiện không một lời oán hờn trách cứ, nhưng đôi khi , im lặng lại là sự trừng phạt nghiêm khắc nhất .Không gian như chững lại,lặng yên trong cuộc gặp mặt không lời của hai người tri kỉ .Giây phút ấy tác giả nhận ra trăng chính là người bạn ,là nhân chứng đã chứng kiến trọn vẹn quá khứ nghĩa tình giờ lặng yên như nghiêm khắc nhắc nhở ta :con người có thể vô tình, có thể lãng quên ,nhưng thiên nhiên và nghiã tình quá khứ thì luôn luôn tròn đầy,luôn luôn bất diệt .Điều đó đã tạo nên cái "giật mình " đầy ý nghĩa của tác giả: giật mình để nhớ lại,để tự vấn lương tâm ,để nhận ra và hoàn thiện chính mình...

Giọng điệu tâm tình ,nhịp thơ lúc trầm lắng suy tư, lúc lại nhịp nhàng,ngân nga, tha thiết đã góp phần làm nổi bật chủ đề ,tạo nên sự chân thành và sức truyền cảm sâu sắc của bài thơ .

Từ một câu chuyện riêng ,tiếng thơ của Nguyễn Duy như một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở thấm thía về thái độ sống "uống nước nhớ nguồn","ân nghĩa thuỷ chung" cùng quá khứ.Có lẽ vì vậy mà đến với "ánh trăng",người đọc nào cũng thấy lòng mình dường như lắng lại !

----------------------------HẾT---------------------------------

Sau khi đã Suy nghĩ của em về bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy các em có thể đi vào Bình giảng bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy hoặc tham khảo Cảm nhận bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy nhằm củng cố kiến thức của mình.

https://thuthuat.taimienphi.vn/suy-nghi-cua-em-ve-bai-tho-anh-trang-cua-nguyen-duy-41000n.aspx

Tác giả: Trần Hoạt     (4.6★- 9 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Mở bài bài thơ Ánh trăng
Soạn bài Ánh trăng
Cảm nhận khổ cuối bài thơ Ánh trăng
Trình bày suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài Ánh trăng
Cảm nhận của em về 2 khổ đầu bài Ánh trăng
Từ khoá liên quan:

suy nghi cua em ve bai tho anh trang cua nguyen duy

, cam nhan ve bai tho anh trang, suy nghi ve bai tho anh trang cua nguyen duy,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới