Soạn bài Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ

Nội dung soạn bài Vũ trung tùy bút dưới đây sẽ giúp các em nắm được những nội dung đặc sắc được thể hiện trong tác phẩm Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, đó là vấn đề thi cử và tự thuật của chính tác giả.
Mục Lục bài viết:
1. Bình luận về Việc thi cử
2. Cảm nhận về bài Tự thuật

1. Bình luận về Việc thi cử được Phạm Đình Hổ nói đến trong Vũ trung tuỳ bút

Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) là một danh sĩ lỗi lạc Bắc Hà, học vấn uyên bác, tuy chỉ có bằng tú tài nhưng đã được vua Minh Mệnh triều Nguyễn cử giữ chức Tế tửu Quốc tử giám.

Ông để lại nhiều công trình khảo cứu về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, địa lí, v.v... Tác phẩm văn chương nổi tiếng nhất là cuốn "Vũ trung tuỳ bút" gồm 88 mẩu chuyện nhỏ về gia đình, bản thân, bạn bè, và một số hiện tượng, con người trong xã hội nước ta từ cuối thời Lê - Trịnh đến đời Tây Sơn và những năm đầu đời Nguyễn.

Tác giả có một lôi viết ngắn gọn đầy ấn tượng về sự việc và con người, nêu lên những nhận xét sâu sắc, tinh tế với bao cảm xúc, thể hiện một ngòi bút tài hoa, một tấm lòng mang nặng tình người và tình đời.

"Vũ trung tuỳ bút" là một tác phẩm có giá trị văn học đặc sắc. "Việc thi cử" là một trong 88 mẩu chuyện nhỏ rút trong "Vũ trung tuỳ bút". Qua trang tuỳ bút này, tác giả nêu lên một số thể thức về việc thi cử đời Lê để kén chọn nhân tài, phê phán và châm biếm những tệ trạng bi hài về khoa cử trong chế độ phong kiến thời suy thoái.

Trước hết, tác giả cho biết, đời Lê, năm Thuận Thiên lấy thể văn sách luận để thi học trò, nên đã "kén chọn được nhiều người hiền tài lắm". Ông ca ngợi những bài văn đình đối của Võ Duệ, Lương Thế Vinh là "lối văn sâu rộng, không phải những kẻ sĩ nông nổi đời sau có thể bắt chước được".

Nhưng từ đời Trung hưng (thời Lê - Trịnh) trở về sau (1533 - 1788) phép thi "càng thiên lệch mãi đi". Các quan ra đề thi hương thi hội, trong những đầu bài văn sách "chỉ ra những câu hiểm hóc để làm cho khó". Quan soạn đề thi bài văn chế sách đinh đối do quan đồng tiến sĩ phụng soạn. Vì quan soạn đề thi chỉ đỗ "cuối hàm tam giáp", vì "không muốn cho ai hơn mình" nên cách ra đề "rất hiểm hóc". Nhiều kì thi không lấy được đủ tam khôi; có khi chỉ lấy được đến nhị giáp, hoặc tam giáp mà thôi. Thi cử (nhất là thi hội) là để kén chọn hiền tài cho quốc gia, thế mà quan ra đề thi có nhân cách kém cỏi, tâm lí hẹp hòi như thế thì làm sao phát huy được đạo học! Trước hiện tượng ấy, tác giả "Vũ trung tuỳ bút" đau buồn phê phán và châm biếm: "Ôi cái tệ khoa cử đến thế là cùng”. Văn vận với thế đạo càng ngày càng kém. Thực đáng than thay.

Tiếp theo, tác giả còn cho biết thời Lê Trung hưng ngoài các kì thi Hương, thi Hội còn đặt ra khoa Đông các. Thí sinh là quan tam phẩm trở xuống, từng đỗ Đình nguyên, Hội nguyên, Hương, nguyên hoặc đã đỗ đầu khoa có ngự đề tuyển cử. Khoa Đông các là "một khoa đặc cách", thể hiện "ân điển cho người thi đỗ có phần rộng rãi hơn chế khoa tiến sĩ".

Phạm Đình Hổ dùng những lời tốt đẹp nhất ca ngợi Phạm Khiêm Ích đỗ khoa Đông các về vinh quy vì thương hại người hàng tổng bần cùng nên đã miễn cho không bắt chịu phí tổn làm nhà tư thất bằng gỗ lim, ba gian, lợp ngói cho mình nữa. Vì thế, lúc ông mất được dân làng cúng tế mãi. Tác giả nói lên thật thấm thía sự chiêm nghiệm về lẽ đời và tình người: "Xem thế, mới biết cái ơn di ái ở người ta thì người ta vẫn nhớ mãi không quên".

Chúng ta đã từng được học bài "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia", được biết vua Lê Thánh Tông biệt đãi các tiến sĩ như thế nào. Ở đây, tác giả "Vũ trung tuỳ bút" cũng cho biết: "Triều Lê đãi học trò rất hậu, nào là trâm, hốt, hoa bào, du nhai, tứ yến, lại phong cho cha mẹ, ấm cho con cháu, vinh quy áo gấm về làng, rất vinh dự". Ông phê phán các việc "đổ vào đầu dân" như làm nhà tư thất, bắt dân hàng tổng đến phục dịch lễ vinh quy của quan tân khoa,... thì "dân hàng tổng chịu làm sao được!". Ông nêu lên bao hiện tượng bi hài về các ông nghè bà nghè. Có kẻ phải "xoay xở đi vay mượn" để mở yến tiệc khao mừng. Có kẻ "chỉ dòm lấy con gái nhà giàu mà bỏ vợ tao khang". Có kẻ "luồn lỏi đi vay lãi mà kí liều văn khế". Ông nặng lời chỉ trích các sự việc xấu xa ấy và cho rằng đã "tích tệ từ lâu", ông nhắc lại câu nói từ miệng thế để mỉa mai: "Ông nghè đeo nợ, bà nghè mua chồng”. Ông chỉ ra nguyên nhân tất yếu về tệ nạn quan lại tham nhũng, về sự thối nát của chế độ phong kiến thời Lê mạt: "Thói quen ấy tích tệ từ lâu, nên đã có cái tiếng ông nghè đeo nợ, bà nghè mua chồng; như thế mà mong người ra làm quan giữ liêm khiết, không trái phép làm càn, thì sao được".

Tục ngữ có câu: "Trăm năm bia đá thì mòn - Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Tác giả nêu lên một số sự việc điển hình, một số nhân vật điển hình để lại tiếng dơ trong bia miệng thiên hạ.

Chuyện Phạm Tiến đỗ khoa Đinh Sửu (1757) bị "triều nghị bắt lỗi ông nghè, đình việc cất nhắc" vì lúc vinh quy "ả nhà giàu cứ tranh đi trước bà vợ cả" nên bị bà vợ cả kiện vào trong triều.

Võ Tôn Diễm, Nguyễn Bá Tôn đỗ khoa Nhâm Thìn (1772) cũng chỉ vì chuyện lấy thêm vợ lẽ thuộc dòng dõi cao môn lệnh tộc mà xảy ra bao chuyện bi hài, thương tâm. Vợ cả, vợ lẽ của Võ Tôn Diễm "không chịu nhường nhau, mới phân rẽ ra ở làm hai nhà". Vợ cả Nguyễn Bá Tôn "tức giận quá thành chứng điên” vì không đánh đổ được người vợ lẽ!

Nguyễn Quốc Ngạn đỗ đại khoa năm Ất Mùi (1775) được bà vợ ông huyện thừa Võ Độ người Yên Thái "lấy làm hâm mộ" đem ái nữ gả cho với điều kiện "cho vay mượn giúp đỡ, "bao nhiêu tiền phí tổn lúc vinh quy đều do bà tân phu nhân bỏ ra cả". Thói đời, lòng tham vô đáy nên được voi đòi tiên. Bà tân phu nhân mưu tính với mẹ đi vay giật được tám trăm quan tiền, "chạy chọt đút lót trong nội phủ. Quan chính phủ mới phụng chỉ bổ cho Nguyễn công chức Đốc đồng xứ Sơn Nam". Sau hơn hai trăm năm, chúng ta mới hiểu rõ chuyện mua quan bán tước, chuyện chạy chức chạy quyền vô cùng nhem nhuốc trong xã hội xưa nay! Thói đời đã tham thì tham, cuộc "buôn quan" của bà tân phu nhân bị một vố cực đau "mất cả chì lẫn chài". Câu chuyện được tác giả “Vũ trung tùy bút” kể lại thật có nhiều "dư vị" chua cay, đáng làm bài học cho những kẻ hám danh lợi trong cuộc đời:

Ở phủ đường vừa mới xướng danh xong, thì Nguyễn công phải bệnh chết. Không được bao lâu bà huyện thừa cũng mất, gia kế một ngày một kém. Sau khi nhà Lê mất rồi, bà nghè vẫn còn mắc nợ mãi".

Cái bi kịch của hai mẹ con bà tân phu nhân được Phạm Đình Hổ nhắc đến không phải là chuyện hi hữu xưa nay. Người đã được đọc Phạm Đình Hổ nên ngẫm lại cho kĩ; người chưa được đọc nên mách nhau tìm đọc để biết về sự chạy chức chạy quyền một tệ nạn vô cùng thối nát trong xã hội mà đến nay vẫn còn nọc độc!

Đọc "Việc thi cử", ta biết được một vài nét về tổ chức các khoa thi, đề thi trong thi Hương, thi Hội dưới thời Lê. Ta thấy được những điều hay cũng như làm được bao tệ lậu về khoa cử. Cách viết của Phạm Đình Hổ vừa cụ thể, vừa khái quát. Qua những sự việc điển hình, con người điển hình thời Lê mạt, ông chỉ chấm phá một vài dòng hoặc khen, hoặc chê thật sâu sắc, thật đích đáng, làm cho người đọc nhớ mãi.

Việc thi cử vẫn còn nhiều ý nghĩa thời sự đối với chúng ta khi cả xã hội đang phải tuyên chiến với những tiêu cực trong ngành giáo dục của nước nhà.
 

2. Cảm nhận về bài Tự thuật của Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tuỳ bút

"Tự thuật" là một trang văn thâm trầm, đậm đà và cởi mở trích trong "Vũ trung tuỳ bút", đúng là tiếng lòng của một bậc tài danh, trung hậu. Đại từ "ta" gợi lên sự gần gũi thân mật, thanh thản và ung dung làm cho người đọc tưởng như đang được trực tiếp nghe cụ Tế Đan Loan tâm tình, tâm sự.

Đoạn thứ nhất tác giả kể về gia cảnh và chí hướng của mình. Tác giả cho biết, ông sinh năm Mậu Tý (1768) niên hiệu cảnh hưng thời Lê. Xuất thân trong một gia đình quý tộc quan lại, khi ông lên năm, sáu tuổi thì đấng tiên đại phu của ông đã thăng làm Tuần phủ Sơn Tây. Tuy là con quan, sống trong cảnh phú quý "dư thừa bổng lộc” nhưng ngay từ thuở ấu thơ, ông không thích ăn chơi đua đòi, không "ham mê" những cách chơi cây, đá, hoa, chim. Ông sống có chí hướng, coi việc ''lập thần hành đạo" (đạo trung, hiếu) là phận sự của kẻ làm trai; "được lấy văn thơ nổi tiếng ở đời để cho người ta biết con cháu nhà nọ, nhà kia" Biết rõ chí hướng của con, đăng tiên đại phu và bà cung nhân của ông rất hài lòng, "đều ban khen cả".

Bố mẹ sớm qua đời, gia đình ngày một sa sút, phải sống lận đận giữa thời loạn lạc, ông càng thương nhớ mẹ cha, muốn noi gương chàng Tử Lộ ngày xưa mà không được, ông càng tủi cho thân phận cô đơn của mình. Câu văn của Phạm Đình Hổ như những tiếng than cất lên nhiều ai oán:

"Thấm thoắt đã hơn 20 năm trời mà lời dạy của cha mẹ vẫn văng vẳng bên tai. Nay đến bước đường cùng lận đận, biết còn đội gạo vì ai! Chỉ than thử cùng trời xanh, chứ biết gửi lòng mình vào đâu!''.

Nhắc lại điển tích Tử Lộ, một học trò nghèo mà học giỏi của Khổng Tử, thuở hàn vi từng đội gạo nuôi mẹ già, Đông Dã Tiều bộc lộ một cách cảm động lòng hiếu thảo của mình lúc nào cũng muốn được đền đáp công ơn của cha mẹ mà không thể nào được nữa.

Đoạn văn thứ hai, tác giả "Vũ trung tuỳ bút" chân thật nói lên một vài cái "tật" của mình mà ông vô cùng hối hận.

Thuở nhỏ, ông rất nghịch, thường hay lấy cái mũ trãi của bố ra đội và đùa bỡn, "dẫu cấm không cho chơi nghịch cũng không thể được". Một chút kỉ niệm ngây thơ hồn nhiên.

Ông cho biết thời trai trẻ "bịt tai lại không muốn nghe" khi có người rủ rê chơi đùa những trò thanh sắc, nghề cờ bạc. Tuy học vỡ được ít kinh sử mà chữ Nôm thì ông không biết hết; câu ca, bản đàn chẳng ham vì "chẳng hiểu gì cả". Năm Giáp Thìn (1784) lên 16 tuổi, người anh trưởng dạy ông đánh cờ, nhưng cờ thấp nên "hễ đánh với ai là thua". Những trò chơi cờ bạc, phán thán, ông "vốn không thích", dù có thử tập chơi, nhưng chẳng hiểu cái thuật nó ra thế nào! Thanh sắc, cờ bạc  vốn là trò đam mê của nhiều người nhưng Phạm Đình Hổ tự cảm thấy "tư chất mình, trời cho có phần mờ tối, không thể cưỡng mà học được các nghề chơi" . Một cách nói hóm hỉnh, chân thành, cũng chẳng dám chê ai mà cũng chẳng hợm mình.

Ông tự trách, tự phê phán mình về chuyện "mắc phải bệnh nghiện chè tàu" từ những ngày lưu lạc. Tuy khay chén thiếu thốn, tiền không đủ mua chè mà vẫn nghiện. Các thứ chè thơm tho đều mua nếm qua cả; muốn chừa mà không chừa được. Nhớ lời răn dạy của mẹ hiền ngày trước, ông vô cùng hối hận, mong tu chí "cố gắng sửa đổi". Đọc đoạn văn sau đây, ta cảm động biết bao trước tâm lòng thành thật của Phạm Đình Hổ:

"Còn nhớ khi bà cung nhân ta hãy còn, người thương lấy những điều cờ bạc, chè rượu làm răn, mà ta nay đã ngoài ba mươi tuổi, bốn điều răn ấy đã phạm mất ba. Đêm thanh vắng suy xét, hối hận vô chừng. Ta vẫn mong cố gắng sửa đổi để khỏi phụ lời tiên huấn''.

Chúng ta tưởng như tác giả đang cởi mở lòng mình để nhắn nhủ các bạn trẻ gần xa - những đứa con trong gia đình nên lấy làm răn về những chuyện rượu, chè, cờ bạc mà tu thân và lập chí, đừng ăn chơi đua đòi, sa ngã.

Hiện nay, ở xứ ta có quá nhiều tự truyện, hồi kí, hồi ức,... Hầu như tác giả của những "tác phẩm" ấy đang tự vẽ lại bộ mặt mình, tự khoe mẽ mình một cách lố bịch. Đọc “Tự thuật" của Đông Dã Tiều, ta càng thấy rõ đức tính khiêm tốn, chân thật, chân tình,... mới có thể làm nên nhân cách văn hóa.

Đoạn văn thứ ba trong bài "Tự thuật", tác giả nói lên sở thích và nếp sống văn hóa của mình từ thời trai trẻ. Lên 9 tuổi, ông đã học sách Hán thư được bốn năm; hồi cư tang bố "học hành bữa đực, bữa cái"; mãn tang mới học đến kinh. Vốn có năng khiếu văn chương và sớm có chí hướng "lấy thơ văn nổi tiếng ở đời" nên ông ham đọc sách cổ, thơ cổ, "không lúc nào rời tay". Trong nhiều năm ở lại quê nhà để hầu hạ mẹ già, ông sống với đèn sách, coi đèn sách là bầu bạn. Ngày nào cũng vậy, ăn cơm sáng xong, ông ra nhà khách đọc sách. Đêm nào cũng thức đến gà gáy (đọc sách) mới đi ngủ. Nếp tự học, tự nghiên cứu chuyên cần ấy mới tạo nên tầm vóc học vấn của tiên sinh sau này, để được tự hào nhận chiếu chỉ của vua Minh Mệnh ra làm Tế tửu Quốc tử giám.

Sinh trưởng trong một gia đình quyền quý, nên thuở nhỏ Phạm Đình Hổ được sống trong một môi trường lí tưởng, rất ít người thời bấy giờ được hưởng thụ. Dinh thự bao la: nhà trung đường bảy gian, nhà khách năm gian, nhà nội tẩm. Trong nhà khách, "chồng chất mấy giá sách, tuỳ ý muốn đọc quyển nào thì đọc". Vườn hoa, cây cảnh đẹp như một công viên. Chiếc ao vuông ở phía tây nhà khách thả sen hồng và sen trắng; liễu xanh và cam quýt trồng bốn xung quanh bờ. Hoa nhài, hoa hồng, hoa ngâu, hoa mẫu đơn trồng năm ha cây, vài ba khóm nơi phía trong giáp sân nhà. Phía xa là cánh đồng làng, cách hàng rào tre, thấp thoáng một cái quán trơ trọi. Chiều nào cũng vậy, khi mặt trời xế, tiếng hát, tiếng kèn lá của mục đồng thổi " ti toe". Tiếng hát xa xa trên đồng nội chợt đánh thức giấc ngủ ngày. Vị công tử con quan Tuần phủ cảm thấy bâng khuâng, rung động bởi "hồn Đường", bởi "tiếng ca thuyền chài" ánh ỏi ở đầu bến Nhược Gia. Những đêm trăng đẹp quê nhà như đưa tác giả vào cõi mộng. Đi tản bộ quanh bờ ao ngắm cảnh lúc trăng mọc. Ngâm nga mấy câu thơ Đường. Tựa gốc dừa, bẻ bông tước lá thử chơi khi cành hoa phơ phất trước mặt. Rồi thơ thẩn trở về nhà khách khi "bóng nguyệt hương hoa vẫn còn phảng phất trên án thư, tràng kỉ”.

Đoạn văn cuối bài "Tự thuật" đẹp như một bài thơ. Tâm hồn khách tài tử như được ướp hương hoa, như được chiếu sáng bởi ánh trăng trên đồng nội, được ru bằng làn gió máu khúc đồng dao. Chính đó là suối nguồn cho bao cảm hứng đẹp để Phạm Đình Hổ trang trải và gửi gắm trên những trang văn thơ làm say lòng người ở " Vũ trung tuỳ bút",...

Nhưng rồi cuộc sống thanh nhàn ấy đâu có được mãi giữa thời loạn lạc, khi gia cảnh ngày một sa sút khi người thân yêu lần lượt qua đời. Vị công tử con quan Tuần phủ Sơn Tây ngày nào, mỗi ngày một dấn bước vào giang hồ lưu lạc. Tất cả chỉ còn lại là kỉ niệm; kỉ niệm càng đẹp bao nhiêu thì càng buồn đau bấy nhiêu. Trang tuỳ bút của Đông Dã Tiều như rung lên bao thổn thức, như thấm đầy nước mắt:

"Cuối mùa đông năm ấy, anh thứ hai ta từ phương  xa trở về, lại cùng ta sớm tối được non một năm nữa. Nay anh hai đã mất rồi, cảnh gia đình tiêu diều, ta thì lưu lạc giang hồ, đoái nhìn non sông mờ mịt, khôn cầm giọt lệ".

Bài tuỳ bút "Tự thuật" của Phạm Đình Hổ để lại trong lòng chúng ta nhiều ấn tượng và cảm xúc. Ấn tượng về một vị con quan được nuôi dưỡng và giáo dục trong một nền nếp Nho gia. Ấn tượng về một đứa con giàu lòng hiếu thảo, hễ mỗi khi nhắc đến cha mẹ là biểu lộ cả một tấm lòng thương nhớ, kính yêu và biết ơn sâu sắc. Ấn tượng về một con người sớm có chí hướng tu thân, gắng sức và chuyên cần học tập, quyết làm nên sự nghiệp để cho cha mẹ và gia đình được vẻ vang.

Trang tuỳ bút của Phạm Đình Hổ còn thể hiện một cốt cách sống đẹp: chan hoà với thiên nhiên, biết lấy cái đẹp của thiên nhiên để nuôi dưỡng tâm hồn mình, phát huy tài năng, trí tuệ của mình.

------------------------HẾT------------------------------------

Soạn bài Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ là một nội dung, bài học hay trong SGK Ngữ Văn 9. Sau phần học này chúng ta tiếp tục chuẩn bị trả lời câu hỏi, Soạn bài Sự phát triển của từ vựng, tiếp theo cùng với phần Soạn bài Cảnh ngày xuân để học tốt môn Ngữ Văn lớp 9 hơn.

Sống đẹp, hướng về tầm cao nhân văn, tầm cao trí tuệ là bài học, là tấm gương của Phạm Đình Hổ để lại cho đời mà chúng ta ngưỡng mộ.
Cảnh ngày xuân là bài học nổi bật trong Bài 6 của chương trình học theo SGK Ngữ Văn 9, học sinh cần Soạn bài Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh, đọc trước nội dung, trả lời câu hỏi trong SGK.

https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-vu-trung-tuy-but-pham-dinh-ho-37884n.aspx

Tác giả: Nguyễn Cảnh Nam     (4.0★- 14 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Soạn bài Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt (trích, Vũ Bằng) ngắn gọn, Ngữ văn lớp 7, Kết nối tri thức với cuộc sống
Nằm mơ thấy hổ, hổ rượt, vồ, chơi với hổ
Lời bài hát Em đi rước đèn
Phát biểu cảm nghĩ của em khi đọc Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh
Phân tích nhân vật con hổ trong bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ
Từ khoá liên quan:

soan bai vu trung tuy but cua pham dinh ho

, soan bai chuyen cu trong phu chua trinh soan van 9 hay nhat, soan bai chuyen cu trong phu chua trinh trich vu trung tuy but,
SOFT LIÊN QUAN
  • Dàn ý thuyết minh về cây bút bi

    Hướng dẫn trình bày bài văn thuyết minh về cây bút

    Bút bi là vật dụng quen thuộc và không thể thiếu đối với các em học sinh, sinh viên trong quá trình học tập. Do đó, bài văn thuyết minh về cây bút bi là chủ để được khai thác rất nhiều. Để có thể làm một bài văn thuyết minh về cây bút bi hoàn chỉnh và xuất sắc nhất trước tiên các em cần phải lập dàn ý thuyết minh về cây bút bi. Dưới đây là một số sàn ý thuyết minh về cây bút bi chi tiết nhất các em cùng tham khảo nhé.

Tin Mới