Soạn bài Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội, Văn 12

Với phần Soạn bài Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội, Văn 12 các em sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn cho phần tập làm văn nhận định của bản thân về nghị luận xã hội trong trang 35 SGK Ngữ Văn lớp 12

SOẠN BÀI VIẾT BÀI LÀM VĂN SỐ 1:NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Nắm vững các thao tác lập luận cơ bản khi làm một bài văn nghị luận xã hội, bao gồm: giải thích, chứng minh, phân tích, bác bỏ, bình luận,...
2. Xác định được yêu cầu của đề ra để tránh làm sai đề, không đúng trọng tâm đề bài yêu cầu.
3. Xác định cách thức làm bài: - Thao tác lập luận: Các thao tác giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận,... cần phải được kết hợp nhuần nhuyễn, đúng lúc nhằm tăng hiệu quả lập luận.
- Lựa chọn dẫn chứng: Dẫn chứng phải xác thực và phù hợp với luận điểm, mạch lập luận. Cần phải dùng dẫn chứng từ thực tiễn cuộc sống, tránh lan man và rơi sang dẫn chứng của nghị luận văn học.
- Từ ngữ diễn đạt phải chuẩn xác, mạch lạc: có thể sử dụng các yếu tố biểu cảm; cần phải liên hệ thực tế và phát biểu suy nghĩ của bản thân.
B. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI, BÀI TẬP
1. Phát biểu quan niệm của anh (chị) về ý kiến: “Tình thương là hạnh phúc của con người”.
Gợi ý làm bài
1. Mở bài:
- Trong cuộc đời, con người sống cần phải có tình yêu thương. Thiếu tình yêu thương, cuộc sống trở nên vô nghĩa bởi những toan tính ích kỉ tầm thường.
- Xét ở một góc độ nào đó tình yêu thương chính là hạnh phúc của con người. Đó là tình yêu thương trong hành động chứ không phải là những câu nói hoặc hứa hẹn suông.
2. Thân bài:
- Giải thích khái niệm tình thương: là tình cảm cao quí giữa con người với con người trong cuộc sống. Là sự quan tâm, bảo ban, chăm khó khăn sóc, khen ngợi, kịp thời; là sự sẻ chia, động viên, giúp đỡ những lúc khó khăn.
- Được yêu thương: đã là con người, ai cũng muốn được yêu thương, để được sống vui vẻ, hạnh phúc, có nghị lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc đời. Yêu thương giúp con người tự tin hơn trong cuộc sống.
- Yêu thương người khác: là khả năng quan tâm, chia sẻ với người khác. Mọi người yêu thương mình, mình cũng cần phải yêu thương mọi người. Không yêu thương mọi người thì sẽ không cảm nhận được giá trị của tình thương và cũng sẽ khó mà nhận được tình yêu thương lâu dài của mọi người.
- Yêu thương loài vật, cỏ cây, con đường đi học, mái trường.
- Yêu thương và được yêu thương, đó dường như là tất cả ý nghĩa của cuộc sống. Con người sẽ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, thấy mình trở thành người sống có ích khi mang lại niềm vui cho mọi người, do đó sẽ có cuộc sống hạnh phúc.
- Tình thương không phải là một khái niệm trừu tượng, xa vời mà nó hiện hữu ngay trong đời sống thường ngày của chúng ta.
- Chúng ta luôn nhận được tình yêu thương từ gia đình, thầy cô và bạn bè. Và chỉ cần để ý một chút, là bạn đã có dịp thể hiện sự quan tâm, yêu thương đối với người khác.
- Ví dụ:
+ Một lời nói, một việc làm giúp đỡ bạn bè lúc khó khăn.
+ Một vài nghìn đồng với những người túng thiếu.
+ Một lời nói ân cần, dịu dàng đối với mọi người khi họ cần giúp đỡ.
+ Một thái độ học tập, rèn luyện thật tốt để khỏi phụ lòng mong mỏi của cha mẹ, thầy cô.
- Nêu những tấm gương về tình yêu thương và những biểu hiện của lối sống ích kỉ, thiếu tình thương cần phê phán.
+ Chẳng hạn như việc quay lưng lại với nỗi khổ đau của những người mang di chứng chất độc màu da cam, người có HIV/AIDS, người bị mất nhà cửa do thiên tai.
+ Ví dụ, tình yêu thương bao la của Bác Hồ dành cho chiến sĩ và đồng bào trong bài thơ “Bác ơi” của nhà thơ Tố Hữu: “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta / Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa / Chỉ biết quên mình cho hết thảy / Như dòng sông chảy nặng phù sa...”
3. Kết bài:
- Khẳng định giá trị và sức mạnh của tình thương: Tình yêu thương là tình cảm hồn nhiên, nguyên thuỷ của con người. Tình cảm ấy là cội nguồn cho mọi lẽ sống. Nhờ nó nhân loại vượt qua mọi thử thách, mọi định kiến xấu xa trên đời. Không có tình yêu thương, xã hội loài người sẽ không tồn tại.
- Suy nghĩ của bản thân: Tình yêu thương có trong mỗi con người. Cần phải có ý thức vun đắp, phát huy trong những tình huống cụ thể. Tình yêu thương chỉ có giá trị trong hành động. Chỉ khi ấy, con người mới thực sự có được hạnh phúc và xã hội, cuộc sống của mỗi một cá nhân sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Do vậy, cần phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức, thực hiện lẽ sống tình thương.

Việt Bắc là bài học nổi bật trong Tuần 8 của chương trình học theo SGK Ngữ Văn 12, học sinh cần Soạn bài Việt Bắc, đọc trước nội dung, trả lời câu hỏi trong SGK.

4. "Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”.
Ý kiển trên của M. Xi-xê-rông (nhà triết học La Mã cổ đại) gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về việc tu dưỡng và học tập củabản thân?
Gợi ý làm bài
1. Mở bài:
– “Đức hạnh” là phẩm chất đạo đức, trí tuệ, tình cảm, tâm hồn của con người. Một người có đức hạnh là người hội đủ nhiều phẩm chất cao quý của con người và thời đại.
– “Đức hạnh” chỉ được thể hiện thông qua hành động. Không hành động đức hạnh không có cơ hội lộ diện và phát huy sức mạnh.
2. Thân bài:
- Trong mối quan hệ với hành động, đức hạnh là cội nguồn tạo ra hành động. Ngược lại, hành động là biểu hiện cụ thể của đức hạnh.
– Để hành động, con người ta cần biết vì sao mình hành động, cách thức hành động và mục đích hành động của con người đều do đức hạnh chi phối. Chẳng hạn, một cụ già hoặc một em bé bị ngã, ta giúp nâng dậy bởi “đức hạnh” bảo ta rằng đó là những con người yếu đuối cần giúp đỡ. Hành động trợ giúp ấy là hành động tốt, đáng làm. Hay khi nhìn thấy một tên cướp đang cướp tài sản của một ai đó, chúng ta cần phải hành động (như tấn công bắt giữ tên cướp, gọi điện báo cho công an,...) vì hành vi cướp bóc là trái đạo lí, vi phạm pháp luật.
– Đức hạnh bẩm sinh vốn có trong con người. Nhưng nếu không có ý thức duy trì, tu dưỡng thì đức hạnh sẽ sớm bị mai một, cái xấu, cái ác sẽ có cơ hội xâm lấn. .
– Con người có thể vun đắp đức hạnh bằng cách noi theo những gương tốt của ông bà tiên tổ qua sách báo (chẳng hạn truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, truyền thống nhân ái,...), học đức hạnh trong đời sống thường nhật, trong quan hệ ứng xử văn hoá với bạn bè. Tri thức con người càng phát triển thì đạo đức của con người cũng phát triển tương ứng. Đức hạnh đòi hỏi sự cân đối về mọi mặt trong đời sống tâm hồn, nếu phát triển lệch lạc thì những tri thức, những thành tựu khoa học tự nhiên có được có thể trở thành mối hiểm nguy đe doạ chính sự sống của con người (việc tìm ra nguyên tử chẳng hạn).
- Mọi biểu hiện của đức hạnh đều được thông qua con đường hành động. Chỉ có hành động mới mang lại giá trị đích thực cho con người. Nói cách khác, thước đo đức hạnh của con người là hành động. Do
vậy, việc tu dưỡng bản thân cần phải có sự điều chỉnh phù hợp giữa trau dồi đức hạnh và hành động. Học phải đi đôi với hành. Lí thuyết phải kết hợp với thực tiễn.
- Đức hạnh của con người chỉ trở thành đức hạnh thực sự khi được kiểm chứng qua hành động. Trên ghế nhà trường, học sinh được truyền dạy những kinh nghiệm sống từ ngàn đời của cha ông, nhân loại. Mục đích của việc giáo dục là đào tạo ra những con người hội đủ mọi mặt của đức hạnh. Nhưng quan trọng hơn là khi ra đời, học sinh phải biết hành động đúng với lương tri, đạo đức,... Đây chính là điều quan trọng.
3. Kết bài:
- Nhấn mạnh đến vai trò của hành động, nhà triết học Hi Lạp cổ đại không hề có ý phủ nhận nền tảng của hành động là đức hạnh.
- Đức hạnh cần được phải trau dồi bền bỉ qua thời gian. Mỗi chặng đường của nó đều được kiểm định trong hành động. Hành động là con đường đi đến mọi kết quả cuối cùng của đức hạnh, của lẽ sống con người.
3. Hãy phát biểu ý kiến của mình về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.
Gợi ý làm bài
1. Mở bài:
- Vấn đề học tập và mục đích của việc học từ xưa đến nay luôn được mọi cá nhân và xã hội đề cao, quan tâm.
- Học để làm gì? Mục đích của việc học ra sao? Xưa nay có nhiều cách cắt nghĩa: “Học đi đôi với hành”, “Học, học nữa, học mãi”...
- Ý kiến do UNESCO đề xướng có ý nghĩa khái quát cao, nhấn mạnh được mối quan hệ giữa việc “học” và “hành”, đúc kết được nhiều quan điểm về giáo dục của nhân loại.
2. Thân bài:
- “Học để biết” tức là hiểu, nắm vững tri thức của nhân loại. Tri thức này được tập trung vào hai phạm vi chính: Tri thức khoa học tự nhiên (vật lí, hoá học, toán học,...) và tri thức khoa học xã hội (triết học, văn học...). Các tri thức này có vai trò rất quan trọng trong việc bổ trợ cho nhau, tạo nên nền tảng kiến thức quan trọng cho việc hình thành nên nhân cách và tri thức cho con người.
- “Học để làm”: Vận dụng được kiến thức đã học vào trong cuộc sống, giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Chính là ý nghĩ của câu “Học đi đôi với hành”.
- “Học để chung sống”: Mục đích cuối cùng của mọi hoạt động học tập, rèn luyện của con người là để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình và xã hội. Học để chung sống tốt với mọi người. Không chỉ học kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp mà còn là vấn đề văn hoá, ứng xử, khả năng giao tiếp... Nếu không học thì con người sẽ không có những tri thức tối thiểu để hoà nhập với cộng đồng. Chẳng hạn trong thời đại sử dụng máy vi tính toàn cầu hiện nay, nếu ai đó không có kiến thức về lĩnh vực này thì rất khó giao tiếp với thế giới bên ngoài.
- “Học để tự khẳng định mình”: Qua quá trình học tập, con người tự hoàn thiện nhân cách, khẳng định sự tồn tại, ý nghĩa của mình trong cuộc sống, trong lòng mọi người. Từ đó, trở thành người có ích cho xã hội..
- Quá trình học tập, là con đường tích luỹ kiến thức, rèn luyện, tu dưỡng, biến tri thức của nhân loại thành tri thức, vốn sống, kĩ năng sống của mình. Mục đích của học tập không dừng lại ở tri thức khoa học, kĩ năng, kĩ xảo nghề nghiệp, mà điều quan trọng hơn nữa đó là quá trình rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống. Có như vậy mới có thể chung sống tốt với mọi người, trở thành người có ích.
– Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó, có tài mà không có đức thì trở thành người vô dụng”.
3. Kết luận:
- Câu nói do UNESCO đề xướng có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực đối với việc học tập tu dưỡng trình độ, đạo đức cho mỗi một cá nhân.
- Việc học tập chỉ có hiệu quả khi người học phải nỗ lực không ngừng và thường xuyên học hỏi.

Ngoài Soạn bài Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội, để học tốt Ngữ Văn 12 hơn các em cần tìm hiểu thêm các bài viết khác như Soạn bài Tuyên ngôn độc lập, phần tiếp theo cũng như Soạn bài Viết bài làm văn số 2: Nghị luận xã hội nằm trong phần soạn bài SGK Ngữ Văn 12

Bài văn mẫu lớp 12 đều được Taimienphi.vn tổng hợp và biên soạn bám sát vào nội dụng chương trình học trong SGK Ngữ văn lớp 12 từ tập 1 đến tập 2, thông qua tài liệu Văn mẫu lớp 12, các em nhanh chóng nắm bắt cấu trúc bài viết, dễ dàng triển khai và sắp xếp ý để có bài văn hoàn chỉnh, hấp dẫn hơn.

https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-viet-bai-lam-van-so-1-nghi-luan-xa-hoi-van-12-38490n.aspx
 

Tác giả: Cao Thắng     (4.0★- 14 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Từ khoá liên quan:

Soan bai Viet bai lam van so 1 Nghi luan xa hoi Van 12

, soan bai trang 35 sgk ngu van 12,

Tin Mới