Soạn bài Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ

Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ là một nội dung quan trọng trong chương trình Ngữ văn lớp 12. Qua phần soạn bài dưới đây, các em sẽ biết cách viết bài nghị luận hay, nội dung sâu sắc, giàu sức thuyết phục.

SOẠN BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT BÀI THƠ, ĐOẠN THƠ

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Mục đích của văn nghị luận về thơ
- Đi tìm cái hay, cái đẹp của thơ.
- Xác định chủ đề, tư tưởng, nội dung của một bài thơ, đoạn thơ,...
- Cắt nghĩa được cái hay của một bài thơ, một phong cách thơ,... giúp người đọc thưởng thức được cái hay đó và hiểu văn bản thơ sâu sắc hơn.

2. Đối tượng của văn nghị luận về thơ
– Nghị luận về thơ hướng tới rất nhiều đối tượng:
+ Một thể thơ, chẳng hạn như thể thơ lục bát, thơ Đường luật.
+ Một bài thơ, chẳng hạn như Tây tiến, Cảnh khuya,...
+ Một đoạn thơ, chẳng hạn như Tìm hiểu khổ thơ đầu trong “Tràng giang” của Huy Cận.
+ Một hình tượng thơ, chẳng hạn Hình tượng mẹ Suốt trong bài thơ cùng tên của Tố Hữu...

3. Cách thức tiến hành của văn nghị luận về thơ
– Tìm hiểu từ ngữ, nhịp điệu, âm thanh.
- Tìm hiểu hình ảnh, cấu tứ.
- Tìm hiểu các biện pháp tu từ và giá trị của chúng.
- Tìm hiểu giá trị tư tưởng thẩm mĩ của văn bản được khảo sát...

4. Bài nghị luận về thơ thường tập trung vào những nội dung sau:
- Giới thiệu sơ lược về văn bản thơ được nghiên cứu, bao gồm xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác, nơi chốn sáng tác...
- Tập trung bàn về những giá trị nội dung, nghệ thuật đặc sắc của văn bản thơ, bằng cách chỉ ra những tín hiệu thẩm mĩ độc đáo, riêng biệt của nó, phân tích trong mối liên hệ với những văn bản của thể loại, cùng đề tài, cùng phong cách,... để chỉ ra được những nét kế thừa và phát triển của riêng văn bản đó.
- Đánh giá chung về các giá trị, các mặt chưa thành công của văn bản và nêu suy nghĩ của riêng mình.

B. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI, BÀI TẬP
1. Phân tích bài thơ sau của Hồ Chí Minh:

Cảnh khuya
Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nồi nước nhà.

Gợi ý làm bài
1. Mở bài:
- Năm 1947, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt, Hồ Chí Minh sáng tác Cảnh khuya. Bài thơ được xem là nốt nhạc trong trẻo cất lên trong khói lửa chiến tranh.
- Bài thơ khẳng định vẻ đẹp của đất nước, tâm hồn thi sĩ của nhà cách mạng kiên cường của dân tộc.

2. Thân bài:
- Được sáng tác theo thể thơ tứ tuyệt, Cảnh khuya phảng phất sự trang nhã của hương vị Đường thi.
– Bài thơ được thực hiện chủ yếu dưới cái nhìn của hội hoạ. Khung cảnh sáng tác thơ là vào một đêm khuya, nơi núi rừng, có tiếng suối, có cây rừng, có ánh trăng, những hình tượng rất quen thuộc của thơ xưa.
- Cảm nhận không gian được bắt đầu bằng âm thanh, âm thanh từ xa vọng lại. Đấy là kiểu âm thanh trang nhã, tinh khiết của núi rừng, được ví như là tiếng hát. Một khung cảnh thanh bình có chiều sâu.
- Nhờ biện pháp nhân cách hoá này mà không gian thơ trở nên gần gũi, thân thuộc với con người. Phải tĩnh lặng tâm hồn, phải yêu thiên nhiên tha thiết thì mới có thể nghe được cái âm thanh tựa tiếng hát kia. Cần chú ý ở đây là tiếng hát xa, tiếng hát khẽ. Không gian phải thật tĩnh lặng, người nghe phải thật chăm chú thì mới có thể cảm nhận được âm thanh ấy. Một khung cảnh tuyệt vời được cảm nhận qua một tâm hồn kì diệu, tinh tế.
- Nếu ở câu thơ đầu, cảnh vật được chiêm ngắm từ xa. Từ không gian rộng mở ấy, cái nhìn của thi nhân hướng về cận cảnh. Không còn âm thanh nữa mà là màu sắc, hình khối: ánh trăng và bóng cổ thụ đan lồng vào nhau. Cảnh vật xoắn xít hữu tình, hoà trong âm thanh của tiếng suối xa gợi vẻ thanh bình đầm ấm.
– Hai câu thơ đầu vẻ nên bức tranh phong cảnh đẹp. Nói cách khác, trước cảnh đẹp ấy, tâm hồn con người dễ rung động, ngân lên nốt nhạc đồng cảm. Chủ thể trữ tình là người có tâm hồn nhạy cảm và tha thiết yêu mến thiên nhiên.
- Thiên nhiên đẹp là cái cớ để tâm hồn nghệ sĩ không ngủ: “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ”. Đây là điều bình thường. Thi nhân hiện lên như là người nhàn rỗi, thưởng ngoạn cảnh đẹp của núi rừng.
- Nhưng cậu kết lại đưa người đọc sang địa hạt cảm xúc khác: “Chưa ngủ vì lo nồi nước nhà”. Đây không còn là người đơn thuần ngắm cảnh. Và cái cảnh đẹp kia không phải ngay từ đầu đã hớp hồn nhà thơ. Nó không phải là duyên cớ để khiến nhà thơ không ngủ. Cái sự trằn trọc, thao thức ấy có nguồn cơn từ chỗ khác.
- Đây là nỗi lo cho dân nước. Chính nỗi lo này đã khiến Hồ Chí Minh không ngủ được. Để trong đêm không ngủ ấy, Người bắt gặp bức tranh khuya tuyệt đẹp. Tâm hồn nghệ sĩ của Người lên tiếng. Với Bác nỗi lo cho dân cho nước luôn thường trực và được ưu tiên hàng đầu. Việc làm thơ chỉ là tình cờ.
- Thế nhưng, Cảnh khuya lại là một trong những thi phẩm nổi tiếng của dòng thơ kháng chiến. Mới hay, dù chỉ là phút ngẫu hứng vụt hiện nhưng hồn thơ Bác nồng nàn, sâu thẳm biết bao.

3. Kết bài:
- Bác từng tâm sự “Ngâm thơ ta vốn không ham”, mặc dù sở hữu một tâm hồn thi nhân nồng cháy, nhưng Bác vẫn ưu tiên cho những vấn đề bức thiết của dân tộc. Đây chính là cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Tinh thần của người chiến sĩ trên tuyến đấu chống thù luôn thường trực trong Bác.
– Con người chiến sĩ trong Bác không làm thui chột con người nghệ sĩ. Ở đây có sự đan quyện hài hoà. Chất thép của người chiến sĩ được thể hiện ngay trong chất thơ mượt mà sâu lắng. Con người nghệ sĩ – chiến sĩ không thể tách rời nhau.

2. Phân tích đoạn thơ sau trong bài “Tràng giang” của Huy Cận.

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quế dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Gợi ý làm bài

1. Mở bài:
- Huy Cận là nhà thơ Mới nổi tiếng trên thi đàn văn học Việt Nam. Trước Cách mạng tháng Tám, thơ Huy Cận thường buồn. Nỗi buồn trong thơ ông được khái quát lên thành “Sầu vũ trụ”.
- Bài thơ Tràng giang thuộc hàng những bài thơ hay nhất của Huy Cận. Bài thơ diễn tả rất thành công tâm trạng cô đơn của con người trước vũ trụ bao la diệu huyền.
– Trên dòng tâm trạng sầu nhớ mênh mông đó, khổ thơ cuối kết tinh đầy đủ nét hoạ buồn của thi nhân.

2. Thân bài:
– Thời gian chiều tối gợi nỗi buồn mênh mông
+ Thời gian chỉ tập trung vào một khoảnh khắc: chiều tối.
+ Thời gian Tràng giang không vận động. Khởi đầu là bóng chiều và kết thúc cũng trong bóng chiều ấy.
– Màu chiều gợi nỗi buồn tê tái. Cảm giác lạc lõng bơ vơ của nhà thơ vì thế càng trĩu nặng hơn.
– Hệ thống từ láy góp phần hữu hiệu trong việc gợi lên nỗi buồn. Khổ thơ cuối tập trung nhiều từ láy nhất.
+ Có lẽ Tràng giang là bài thơ sử dụng nhiều từ láy nhất trong thơ ca Việt Nam. Trong tổng số 16 dòng thơ (112 chữ) thì có đến 9 từ láy (18 chữ): điệp điệp, song song, lơ thơ, đìu hiu, chót vót, mênh mông, lặng lẽ, lớp lớp, dọn dợn; và cả một “từ láy” đặc biệt: hàng nối hàng. Bốn trong số từ láy đó đứng ở đầu câu và bốn từ đứng ở cuối câu, chỉ một từ đứng giữa câu ở khổ cuối.
+ Bố trí từ láy chủ yếu ở đầu và cuối câu thơ, Huy Cận càng làm tăng thêm nhạc tính cho lời thơ. Và âm hưởng bàng bạc, được lấy ngay từ nhan đề Tràng giang vẫn tiếp tục được cộng hưởng xuyên suốt cả bài thơ.
+ Tràng giang được cấu tứ dựa trên thị giác, song nhờ sử dụng nhiều từ láy nên độc giả vẫn bị mê hoặc bởi âm điệu qua cái cấu tứ ngầm dựa trên thính giác nội tâm của nhà thơ.
- Trên cái nền mênh mông của đất trời, hình ảnh cánh chim côi cút đang chao cánh càng làm tăng thêm nỗi buồn và cảm giác đơn côi của thi nhân trước đất trời.
- Hình tượng thơ đẹp:
+ “Chim nghiêng cánh” tương ứng với “bóng chiều sa”.
+ Hoặc “bóng chiều sa” hiện hình qua cái nghiêng cánh của chim trời.
+ Hình ảnh vừa là nét hoạ xuất thần vừa là thủ pháp lấy động nói tĩnh của thơ Đường.
- Trước khung cảnh đất trời mênh mông đó, trong nỗi cô đơn rợn ngợp thì nỗi nhớ quê càng da diết hơn bao giờ hết.
- Hai câu thơ cuối gợi lại ý thơ của Thôi Hiệu: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn - Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”.
- Huy Cận mượn chút khói sương bảng lãng đó để gửi chút niềm nhớ thương về chốn quê.

3. Kết bài:
- Khổ thơ cũng như toàn bộ bài thơ không có lấy bóng dáng của một con người mà chỉ có thuyền, củi, bèo, mây trời, chim chiều...
- Cảm giác cô đơn và buồn lan toả.
- Cái tôi nhà thơ hiện lên đầy cảm xúc, rất nhạy cảm và tinh tế trong cảm nhận thiên nhiên.

C, TỰ LUẬN
1. Anh (chị) cảm nhận như thế nào về “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử?
Gợi ý làm bài
1. Mở bài:
- Thông thường, thi nhân sáng tác theo hai cách: hoặc là đối cảnh sinh tình, trực tiếp sáng tạo, hoặc là từ một kỉ niệm được lưu giữ trong kí ức nhờ một cú huých gợi nhớ nào đó ở thực tại nên thơ chợt hiện.
- Đây thôn Vĩ Dạ ra đời theo cách “gợi nhớ”. Nhà thơ viết về thôn Vĩ thông qua kí ức, sự hoài niệm về một khoảng trời thơ mộng lúc ông đã bị bệnh, sống ở Quy Nhơn, rất xa Huế và Vĩ Dạ.
2. Thân bài:
- Ngay nhan đề bài thơ cũng đã gợi lên cái kỉ niệm được đánh thức ấy: “Đây thôn Vĩ Dạ”, thôn Vĩ của quá khứ.
- Nhan đề này giống nhan đề một bài thơ nổi tiếng của Xuân Diệu “Đây mùa thu tới”: + Khác là, mùa thu của Xuân Diệu là thu thực tại, nhà thơ chứng kiến cảnh vật ngay trước mắt.
+ Thôn Vĩ của Hàn Mặc Tử là thôn Vĩ của quá khứ, một khung cảnh chìm sâu trong trầm tích thời gian.
- Bài thơ bao gồm ba khổ lại diễn tả ba khung cảnh, ba trạng thái tâm lí khác nhau. Đây là các mảng thời gian đồng hiện theo lôgic của một trạng thái bất an, đầy âu lo.
- Lớp trầm tích thứ nhất của thời gian qua khổ thơ đầu:
+ Một khung cảnh đẹp, ngập tràn trong nắng sớm, có hàng cau, có khóm trúc, có cả vườn cây trái “xanh như ngọc”.
+ Có cả bóng hình người con gái yêu kiều nào đó.
+ Thôn Vĩ hiện lên qua nét vẽ phác nhưng thần thái của nó thì được lưu giữ muôn đời trong cái “nắng hàng cau nắng mới lên”.
+ Bức tranh có hai gam màu, đều là màu sáng chói: màu nắng mới lên và màu xanh như ngọc.
+ Lốp trầm tích về không gian thanh bình ấy nói cho chúng ta hay về tình cảm tha thiết của thi nhân với cuộc sống, với mảnh đất kinh kì nơi hằn in cả thời hoa mộng của mình.
– Thế nhưng, chốn thần tiên ấy bỗng chốc vỡ tan, khối trầm tích thứ hai không còn nguyên vẹn, màu tươi sáng hồng chuyển nhanh sang sắc số, tái tê sầu thảm.
+ Cảnh vật lúc này đã dời từ đất liền xuống sông (dòng nước, con thuyền) rồi rộng mở ra cả bầu trời để hóng theo mây, theo gió.
+ Thời gian thì mới vừa sáng (nắng mới lên) vội chuyển ngay sang buổi tối (chở trăng về). Dấu đứt gãy của thời gian diễn tả sự biến động sâu sắc của hồn người.
+ Ở khổ thơ đầu, thi nhân ngóng chờ sự hội ngộ, và tin rằng sẽ hội ngộ, hội ngộ sẽ về.
+ Nhưng ngay sau dấu hỏi hình bóng người xưa đã biến mất, tựa như tuổi xuân sắc, sức lực,... chỉ còn đây căn bệnh phong quái ác và sự xa lánh của đồng loại: Gió theo lối gió mây đường may / Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay.
+ Điệp gió, mây để nhấn mạnh sự chia lìa, tan tác, tâm trạng thi nhân là cả khối trống rỗng như đất trời không mây gió. Ngay đến cả dòng sông vốn hồn nhiên và vô tư cũng trở nên buồn bã.
+ Nỗi buồn của thi nhân đã toả phong lên vạn vật. Ngay đến sự chuyển động (gió thổi, mây bay, hoa bắp lay) cũng không làm khung cảnh đó vui lên, sống động hơn.
+ Cung trầm tích buồn còn có cả ánh trăng toả chiếu. Vì dòng nước buồn (không chỉ buồn mà còn buồn thiu) nên trăng với nước cũng chẳng thể nào vui:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?

- Nỗi đợi chờ khắc khoải đã vỡ tan thành mất mát. Càng níu giữ, thi nhân càng bị đẩy lùi gần hơn đến lớp trầm tích thực tại. Quá khứ xưa - tươi đẹp, quá khứ gần hơn – cái đẹp suy sút, quá khứ cận kề – tươi đẹp tan biến, tình người tan biến, đau thương, mất mát, tuyệt vọng lên ngôi:

Mở khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra

+ Từ thực chuyển sang mơ, từ xanh ngọc chuyển sang trắng quá. Màu trắng quá là màu đánh mất hình hài, màu của hư vô, màu không ảnh, không màu.
+ Chút kí ức sống động của thời quá vãng vừa hiện đã vội nhạt nhoà, chìm trong cõi mù sương của miền lở dở. Khoảng cách càng được khẳng thêm một lần: định, càng khắc khoải xa cách nghìn trùng. Dẫu thế thì cũng cố níu giữ thêm một lần:

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

+ Hỏi người và cũng hỏi ta, hỏi quá khứ mà cũng hỏi thực tại, khẳng định mà cũng là phủ định, tin yêu đồng hành với hoài nghi, chối bỏ. Tâm trạng của thi nhân là cả khối mặc cảm đớn đau của con người cô đơn bị ném ra bên lề cuộc đời, nhưng vẫn hoài khao khát trong bất lực sự trở về với dòng đời cuốn trôi... 3. Kết bài:
- Trầm tích thời gian là cả khối phức cảm bi kịch của thi nhân: muốn níu giữ, hoà nhập với dòng đời, muốn tha thiết với cuộc đời tươi đẹp nhưng càng ngày càng bị đẩy lùi xa hơn vào vùng cô tịch.
- Khi được đánh thức, những “đền đài, miếu mạo” trong các lớp trầm tích thời gian kí ức trỗi dậy nhưng chỉ để vùi sâu hơn nỗi đớn đau ở thực tại, nỗi khắc khoải của tâm hồn bị đát mang cái-tôi-bi-kich-thi-nhân Hàn Mặc Tử.

2. Trình bày suy nghĩ của anh (chị) dưới dạng một bài văn hoànchỉnh về cái hay, cái đẹp của Đây mùa thu tới (Xuân Diệu).
Gợi ý làm bài
- Là một trong những bài thơ viết về mùa thu nổi tiếng nhất của Thơ mới và của thi ca Việt Nam, Đây mùa thu tới được in trong tập Thơ Thơ (1938), tập thơ đầu tiên của Xuân Diệu. Với tập thơ này, ngay lập tức tên tuổi Xuân Diệu vang dội khắp đất nước và Thơ mới đã khẳng định hoàn toàn khả năng thay thế thơ cũ (thơ có niêm luật) trên thị đàn thơ ca Việt Nam.
- Đây mùa thu tới thể hiện sự cách tân vượt bậc nghệ thuật thơ. Tấm lòng rộng mở trước thiên nhiên tươi đẹp, sự ngưỡng mộ, cũng như khả năng quan sát tinh tế, thấu đáo của Xuân Diệu đều được thể hiện rõ trong cảm xúc trước mùa thu này.
- Mùa thu là mùa của thi ca và cũng là mùa của bất kì loại hình nghệ thuật nào. Từ hoạ phẩm Mùa thu vàng rực lá của Lê-vi-tan đến nhạc phẩm Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong và thi phẩm Tiếng thu của Lưu Trọng Lư... mùa thu luôn hiện diện, là nguồn cảm hứng vĩnh viễn không hề vơi cạn của bất kì một tâm hồn nghệ sĩ nào. Dựa vào ý thơ của A-pô-li-ne, Phạm Duy đã viết nên nhạc phẩm thu bất tử:

Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi.
(Mùa thu chết)

Với văn chương, mùa thu là mảnh đất riêng của thơ. Văn xuôi cũng miêu tả mùa thu, khai thác mùa thu cho những mục đích thẩm mĩ nhưng do đặc trưng mùa thu là mùa cảm xúc nên các áng văn xuôi dù dụng công đến mấy cũng không thể có được thành tựu bằng thơ. Tiếng xào xạc của lá, dáng vẻ ngơ ngác của chú nai dè dặt đặt chân lên thảm lá vàng rơi rụng, ấy là thu:

Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.
(Tiếng thu, Lưu Trọng Lư)

Trong tiến trình văn học Việt Nam, điểm gặp gỡ sâu nặng, bền vững nhất giữa trời thu và hồn thu trong văn chương là giai đoạn 1932-1945. Lịch sử nô lệ của dân tộc thời kì này đã khảm trong hồn các thi nhân màu thương nhớ, màu tiếc nuối, màu u sầu... đấy là các gam màu thu được cảm nhận qua tâm hồn một thế hệ vàng trong thi ca Việt nam.
Thâm Tâm trong Tống biệt hành tiễn đưa người trong sắc vàng của nắng thu khi mùa thu vừa chớm (Trời chưa mùa thu tươi lắm thay):

Nắng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.
Bích Khê diễn tả thu trong sắc lá vàng rơi:
Ô hay buồn cương cây ngô đồng.
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông.
(Tì bà)

– Cùng là sắc vàng thu, nhưng Anh Thơ không chọn màu của lá, của hoa cúc mà là màu vàng của hoa mướp – loài hoa bình dị chốn làng quê:

Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác
Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay.
(Sang thu)

Nguyễn Bính thì trống tênh thu trong Một trời quan tái.

Chiều lại buồn rồi, em vẫn xa
Lá rừng thu đổ, nắng sống tà
Chênh vênh quán rượu mờ sương khói
Váng bất thôn sâu rộn tiếng gà

Đành rằng một trong những đề tài lớn của thi phái lãng mạn là thiên nhiên bao gồm đủ cả bốn mùa và vạn vật cây cỏ, nhưng với các nhà lãng mạn bậc thầy Việt Nam, thu luôn là phạm vi chiếm ưu thế. Bởi lẽ họ có thể đọc trong thu nỗi xao xuyến lúc giao mùa, đọc trong thu sự tiếc nuối; đọc trong thu bản hoà tấu vĩ đại của hạ - thu – đông, của khoảnh khắc cái đẹp đột ngột hiện ra rồi vội tan biến trong cái xứ sở nóng ẩm nhiệt đới gió mùa.
Ở Việt Nam, do địa hình địa lí qui định ba miền Bắc - Trung - Nam có các hình thái thời tiết khác nhau. Miền Nam và miền Trung hầu như không có mùa thu. Nơi đó, ngay sau cái nắng khủng khiếp của mùa hè
Bắt đầu từ nhan đề: Đây mùa thu tới. Sao không phải là mùa thu tới đây? Thi nhân muốn nhấn mạnh sự xuất hiện thu? Có lẽ vậy. Theo đó, nhan đề chuyển tải ý không phải là mùa thu đang tới mà là mùa thu đã tới nhưng chỉ vừa mới bắt đầu và đang ở trong thế vận động. Chữ “đây đã chớp đúng cái khoảnh khắc vừa chợt đến của thu, nhưng cũng hàm chứa dự cảm thoáng vụt qua của thu: sự ngắn ngủi – khoảnh khắc lạ hoá “mùa thi ca” của riêng Xuân Diệu.
Không giống với tâm trạng của Bạch Cư Dị tiễn khách trong một đêm trăng thu: “Bến tầm dương canh khuya đưa khách / Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu” (Tì bà hành) mà giống với Hàn Mặc Tử trong Buồn thu:

Ấp úng không ra được nửa lời
Tình thu bị thiết lắm thu ơi!
Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi
Nằm gắng đã không thành mộng được
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi
Ngàn trùng bóng liệu trong xanh ngắt
Cảnh sắp về đông mắt lệ rơi.

Thu của Xuân Diệu cũng lấy biểu tượng là cành liễu. Liễu muôn đời thì lá vẫn rủ và xanh ven hồ (nếu không được trồng nơi khác). Giống mọi cây cối hay vạn vật tự nhiên khác, liễu buồn hay vui, khóc hay cười không phải do liễu mà do tâm trạng của người ngắm liễu, vẽ liễu hay miêu tả liễu. Vậy nên, trong Thơ mới mới có “liễu xanh ngắt” vào độ cuối thu của Hàn Mặc Tử và “liễu chịu tang” của Xuân Diệu:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buôn buông xuống lệ ngàn hàng.

Biện pháp nhân cách hoá đã được sử dụng ngay lúc mở đầu. Thực ra, Xuân Diệu còn sử dụng lổi so sánh ngầm: “rặng liễu đìu hiu” như “đứng chịu tang”, như “tóc buồn buông xuống”, như “lệ ngàn hàng”. Dáng đứng của liễu là “đứng chịu tang”, âu sầu, buồn bã. Lá rủ của liễu là “tóc buồn buông xuống”, là “lệ ngàn hàng”. Cùng một dáng lá mà thi nhân hình dung ra hai dáng điệu: dáng tóc và dáng lệ. Lối quan sát và trí tưởng tượng ở đây quả thật tinh tế và khác lạ. Khi liễu buồn cũng là lúc thu về. Hay thu về khiến liễu buồn? Ấy thế mà vào ngay câu thơ tiếp theo - một phần câu thơ được lấy làm nhan đề – nhà thơ bày tỏ một tâm trạng có phần khác hẳn: dường như là thoáng giật mình kín đáo, thảng thốt trước vẻ đẹp diệu kì vừa được khám phá:

Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.

Nếu bỏ hai câu thơ đầu, thay bằng hai câu khác (hay những từ khác) mang sắc thái trung tính hoặc bớt sầu đau, thì âm hưởng bài thơ sẽ không bị cái buồn của dáng liễu kia phong tỏa. Nói cách khác, trừ hai câu thơ đầu, hay trừ các từ diễn tả nỗi đau xót như đìu hiu, tang, buồn, lệ thì bài thơ sẽ không có âm điệu tái tó, sầu não mà chỉ là mang mác buồn như bản chất thu muôn thuở, như tâm hồn nghệ Bí muôn thuở. Bài thơ quả có sự gặp gỡ kì lạ giữa cảnh thu của trời đất và hồn thu của thi nhân.
“Đây mùa thu tới - mùa thu tới” dẫu sao cũng là tiếng reo thầm. Tiếng reo của sự ngóng chờ bấy lâu (hoặc có thể là chẳng mong chờ chút nào) mà giờ đây thu đã đến. Hoặc khác đi là thu đã đến nhưng bây giờ thi nhân mới chợt nhận ra. Tiếng reo đó có thể là không vui nhưng tuyệt đối không thể là buồn trĩu nặng như dáng vẻ liễu câm lặng trong tang tóc kia. Điều này một phần xuất phát từ việc lặp cụm từ “mùa thu tới”, lặp hai âm mở ới, ới (trong tới) và phần khác đến từ những từ miêu tả màu sắc ở câu sau: không có gam màu buồn mà lại đẹp, trang trọng: mơ phai và cả động từ dệt gợi lên sự yên ả, thanh bình.
Mùa thu mang nỗi buồn dịu êm, thiết tha, da diết,... muôn thuở. Đấy là lẽ tất nhiên. Nếu không thì tại sao những cuộc tiễn đưa, những chiều nhung nhớ lại thường diễn ra trong mùa thu. Câu thơ nổi tiếng của Bạch Cư Dị trong bài Thu giang tống Hạ Chiêm sáng tác lúc tiễn bạn cũng xuất phát từ bầu không khí thu: Yên ba sầu sát nhân (khói sóng buồn chết người). Có lẽ do nét văn hoá thu buồn ấy, thêm tâm trạng đa sầu đa cảm của một tâm hồn lãng mạn, cùng với sự nhạy cảm về thân phận của một người dân nô lệ, nên Xuân Diệu mới mở đầu bài thơ bằng nỗi buồn trĩu nặng kia.
Nhưng thoáng chốc, dòng lệ bị thương của thu Xuân Diệu vội chuyển từ nỗi buồn tang tóc sang sắc thái tâm trạng khác, một sắc thái trung tính qua vẻ đẹp đằm thắm kiêu kì. Đây là sắc màu áo thu: “áo mơ phai dệt lá vàng”. Cấu trúc của câu thơ thật độc đáo: Lá vàng dệt nên áo mơ phai hay áo mơ phai dệt lên màu lá vàng?
Nếu hai câu đầu, nhà thơ chỉ tập trung miêu tả nỗi buồn của rặng liễu qua dáng vẻ chứ chưa chú ý đến màu sắc thì ở câu thơ thứ tư rặng liễu đã có màu. Nhưng gam màu (không buồn hoặc ít buồn) này lại có phần tương phản với dáng điệu (buồn) kia. Phải chăng cảm xúc thơ đã có sự thay đổi?
Quả là đã thay đổi. Nhà thơ buồn đó rồi lại bớt buồn, thậm chí là hết buồn. Đây là diễn biến bình thường của tâm trạng, luôn xảy ra khi có một sự kiện bất ngờ nào đó ập đến. Mùa thu đến với Xuân Diệu đầy bất ngờ. Đang bình lặng vô ưu bỗng chợt thấy sắc thu về, cõi lòng sao không khỏi hồi hộp, thảng thốt, vấn vương?
Khổ thơ đầu không chỉ đặc biệt về cách thức thể hiện tâm trạng (thoáng vui xen lẫn u buồn, bình thản xen ngỡ ngàng), về cấu trúc câu (áo mơ phai dệt lá vàng) mà còn độc đáo cả về kĩ thuật huy động và phối màu. Bức tranh mùa thu ở khổ thơ này chủ yếu được vẽ nên từ những gam màu gián tiếp. Tự người đọc phải hình dung ra sắc màu ấy qua cảnh vật thi nhân đưa ra: “Rặng liễu” gợi màu xanh (nhưng đã chuyển sắc mơ phai), màu tang tóc là màu trắng, màu tóc chủ yếu là đen, mà của nước mắt là trắng trong suốt. Xanh, trắng, đen, trắng trong suốt là những gam màu trội, đặt cạnh nhau càng tôn rõ sắc màu nhau. Sắc mùa thu vì thế càng sinh động bội phần.
Cái nhìn ở khổ thơ này là cái nhìn bao quát, cái nhìn ở một khoảng cách xa. Toàn cảnh thu ở đây chủ yếu nhuốm buồn, khoác màu mơ vàng lên sắc lá, kể cả liễu, cũng thôi không còn xanh nữa. Từ màu lá, thi nhân chuyển sang màu hoa. Theo đó, cái nhìn từ viễn cảnh chuyển sang cận cảnh. Khổ thơ thứ hai bắt đầu bằng câu thơ rất “Tây” và đây cũng chính là đường nét chủ đạo của cả khổ thơ – “Tây” hơn ba khổ thơ còn lại:

Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luống run rẩy rung rinh lá...
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.

Đưa một từ so sánh lên ngay đầu câu “hơn” (hơn một loài hoa) quả là một cách tân táo bạo không chỉ riêng thời Xuân Diệu mà ngay cả bây giờ câu thơ vẫn là sự thách thức lớn đối với bất kì ai làm thơ. Cái nhìn tuy cận cảnh nhưng vẫn mang tính khái quát, chung chung, chưa thật cụ thể bởi nhà thơ không nói rõ đó là loài hoa gì. Ắt hẳn, khung cảnh nơi nhà thơ chiêm ngắm ấy có quá nhiều loài hoa? Hoặc khác đi là nhà thơ không muốn nhắc đến một loài hoa biểu tượng của mùa thu mà hằng bao thế kỉ nay đã ngự trị trong thơ:

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
(Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà).
(Đỗ Phủ, Thu hứng - Nguyễn Công Trứ dịch)

Đúng thế, thi nhân không hề muốn lặp lại ai bao giờ. Lại nữa, dẫu cho có thấy liễu như đứng chịu tang thì nỗi buồn của Xuân Diệu chỉ là buồn thi sĩ chứ đâu có đau đáu như nỗi buồn tha hương bi thiết của Thánh thi Đỗ Phủ.
Hoa của Xuân Diệu là "hơn một loài hoa”. Còn hoa đó là loài gì thì tùy trí tưởng tượng của người đọc, chúng sẽ hiện diện. Nhưng phải theo cái cách “rụng cành” và "sắc đỏ rũa màu xanh” (có bản chép là “rủa màu xanh”), Dầu có rũa hay rủa thì câu thơ vẫn cứ mang đậm phong cách Xuân Diệu. Nếu là rữa thì câu thơ được hiểu như sau: hai sắc màu đỏ, xanh được đặt trong thế xâm lấn thông qua động từ “rũa”. Màu đỏ lấn át màu xanh hoặc xung đột với màu xanh là chuyện thường tình của trời đất khi thu về. Nhưng nếu là rủa thì, ngoài việc diễn tả sự xung đột, “rủa” còn gợi lên sự "mắng nhiếc”, sự “to tiếng” của sắc màu. Chính biện pháp nhân cách hoá này đã khiến màu sắc, khiến hoa lá, liễu,... vốn là vô tri bỗng trở nên hữu ý, hữu tình; bỗng trở nên ngoa ngoắt, đỏng đảnh,... một cách rất... thu.
Mùa thu thường gắn với lá vàng, lá khô, cành khô,... gắn với những âm thanh rất khẽ cùng với sự lảng bảng, trong veo của đất trời. Quan trọng hơn là thu luôn gắn với ý thu, tình thu điều mà có lẽ với bốn mùa trong năm, chỉ mùa xuân mới sánh nổi. Bởi vậy, ta dễ bắt gặp thu khắp nơi trong thơ ca, không chỉ ở Thơ mới, thơ Đường mà cả thơ hai-cư cũng dành cho thu phần trang trọng:

Trên cành cao
Chim quạ đậu
Chiều thu
(Thơ Ba-sô, Nhật Chiều dịch)

Bài thơ về “con quạ” này được xem là một trong những tuyệt tác của Ba-sô. Ba hình ảnh được dùng để khắc hoạ bức tranh thu của bài thơ gồm tám chữ (theo bản dịch) là ba hình ảnh gần như xuất hiện trong các bài thơ viết về mùa thu: cành cây, chim (quạ), buổi chiều. Nếu so sánh với Đây mùa thu tới thì ta sẽ thấy có một hình ảnh trùng nhau: cành cây. Cành cây của Ba-sô không có tính từ biểu lộ hình thể (do đặc điểm vô cùng hạn chế ngôn từ của thơ Hai-cư, nguyên bản mỗi bài chỉ 17 âm tiết, riêng bài “con quạ” này đã vượt ngưỡng thông thường - 19 âm tiết). Còn cành cây trong thơ Xuân Diệu thì được miêu tả rõ: “đôi nhánh khô gầy”. Nếu chỉ “đôi nhánh khô" không thôi thì hình tượng không có sức sống. Cành cây đã chết. Chỉ cần thêm chữ “gầy thì cành cây khô ấy đã sống lại, dẫu chỉ là “mong manh”. Sự tinh tế trong miêu tả và cảm nhận thiên nhiên của Xuân Diệu tập trung ở chỗ này. Không chỉ quan sát và đọc được lời “rủa” của hai sắc màu, ông còn cảm nhận được sự chuyển dịch rất khẽ của cây lá: “Những luồng run rẩy rung rinh lá”. Việc đặt hai từ láy có phụ âm đầu “r” khiến câu thơ tăng thêm phần động. Chỉ cần đọc lên, ta có thể cảm nhận và hình dung được sự chuyển dịch vô cùng bé nhỏ của thiên nhiên, của lòng người.
Chỉ hai câu thơ, Xuân Diệu đã dùng đến ba từ láy: run rẩy, rung rinh, mỏng manh. Những từ láy này vừa mang nhạc tính cao cho thơ vừa góp phần kiến tạo hình khối, động thái khiến mùa thu lung linh huyền diệu như chính sự kì diệu của nó kể cả sự xao xuyến đổi thay:

Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non ca khởi sự nhạt sương mờ.

Chính cái nhìn nhân cách hoá tiếp tục mang lại sự thân thương, gần gũi cho các sự vật hiện tượng trong tự nhiên. Nếu ta thay “nàng trăng” bằng “vầng trăng” thì câu thơ sẽ mất hết sự thân thuộc, tuy nhiên, “vầng trăng” thì vẫn có thể ngẩn ngơ. Nhờ động thái “ngẩn ngơ” này mà “nàng trăng” mới có sự liên ứng với “thiếu nữ” ở khổ cuối. Dẫu thế. những từ đáng lưu ý hơn cả ở hai câu thơ này lại là “tự” và “khởi sự”. Nếu bỏ chúng đi hoặc thay thế bằng từ khác thì hai câu thơ sẽ mất đi hoàn toàn sắc thái biểu cảm độc đáo của riêng chúng. Khi nói “thỉnh thoảng vầng trăng ngẩn ngơ” thì không thể diễn tả được yếu tố chủ quan của “trăng”, không diễn tả được cái sự hồn nhiên, nhi nhiên của trời đất. Trăng thì có bao giờ ngẩn ngơ? Chỉ có tâm hồn thi sĩ mới khiến được vầng trăng ngẩn ngơ. Vậy nên, khi thi nhân gọi trăng là “nàng trăng” thì “ngẩn ngơ” có thể được chấp nhận. Nhưng nếu “trăng ngẩn ngơ” thì chắc có sự tác động nào đó từ bên ngoài (khiến cho trăng rơi vào tâm trạng đó). Còn khi để trăng “tự” ngẩn ngơ thì tác giả khẳng định được tính ý thức của tạo vật vô tri vô giác. Trăng gần hơn với lối sống của con người.
Cũng thế, “khởi sự” có nghĩa là “bắt đầu”. Nếu ta thay “bắt đầu” vào câu thơ thì sẽ đánh mất không khí trang trọng. Đã “non xa” (chứ không phải “núi xa”) thì phải “khởi sự”, cách dùng từ của Xuân Diệu có sự liên kết chặt chẽ, rất lôgic, không thể thay thế. Cả ba câu của khổ thơ thứ ba đều được đặt dưới cái nhìn “nhân hoá”. Đối tượng được nhân hoá ở đây là “trăng”, “núi” và “giá rét”. Chúng là những khách thể tự nhiên và tồn tại vĩnh hằng, nhưng chúng chỉ có thể sống động là nhờ sự thấu hiểu, giao cảm từ phía thi nhân. Mới hay chính tài năng của nghệ sĩ mới thắp sáng một khoảng đời, một nét tính cách nào đó của tạo vật. Nhà thơ nhìn thấy nàng trăng “ngẩn ngơ”, nhìn thấy núi “nhạt sương mờ”. Cả trăng và núi đều được nhìn ở khoảng cách xa và được khám phá dưới vẻ động. Cái động của trăng chủ yếu là động từ nội tâm. Cái động của núi là động từ ngoại thể. Cùng là động nhưng mỗi vật thể đều có sắc thái riêng. Mùa thu đã khiến cho vạn vật thôi không là chúng như trước nữa, sẽ luôn có sự chuyển biến, đổi thay trong bất cứ sự vật hiện tượng nào trong trời đất.
Cái nhìn ở khổ thơ này lại trở nên bao quát hơn so với khổ thơ thứ hai và đối tượng quan sát ở đây mang tầm vũ trụ, hoành tráng hơn. Điều này chứng tỏ cảm xúc thu ngày một thăng hoa trong hồn thi sĩ. Vậy nên, trong lúc vừa trải lòng ra cả vùng không gian rộng lớn, XuânDiệu vẫn có thể nghe được tiếng “rét mướt luồn trong gió”. Đây ắt hẳn là một trong những câu thơ thành công nhất của Xuân Diệu và của cả nên thi ca dân tộc. Ta cùng đọc lại:
Đã nghe rét mướt buồn trong gió.
Thông thường gió mang theo rét đến chứ rét thì chẳng thể nào tách khỏi gió để luồn trong gió. Sự cảm nhận ở đây đã đạt độ tinh tế phi thường. Lối cảm nhận đó cho thấy điều này: mùa thu đã về, đang về ở ngay độ chớm thu. Xuân Diệu luôn có những vần thơ thu đầy ắp sự tinh tế diệu kì:

Nõn nà sương ngọc quanh thềm đậu;
Năng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì
Hư vô bóng khói trên đầu hạnh;
Cành biếc run run chân ý nhi.
(Thu)

Và đây là không khí thu của Thơ duyên:

Chim nghe trời rộng giang thêm cánh,
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.

Tuy là không khí độ chớm thu nhưng Đây mùa thu tới không cùng tâm trạng với Thơ duyên và chắc hẳn Thơ duyên ra đời tại khoảnh khắc thu sớm hơn thu của Đây mùa thu tới. Dĩ nhiên, Thơ duyên được đặt trên cảm xúc tương giao tương hợp nên mới có được cái nhìn rộn ràng, tha thiết, tươi trẻ hơn:

Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền,
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền

Đây mùa thu tới thì được đặt trên cảm xúc của sự trống vắng, mất mát, chia lìa. Đâu còn cảnh “Mây biếc về đâu bay gấp gấp”. Thay vào đó là “Mây vẩn từng không chim bay đi”. Giữa hai bài thơ có sự trở lại của một số hình ảnh. Nhưng chúng được đặt trong những cảnh huống thật khác nhau. Nếu ở Thơ duyên, mây là “mây biếc” và chuyển động theo cách “bay gấp gấp”, thì mây ở Đây mùa thu tới là “mây vẩn từng không”, mây đứng im hoặc quanh quẩn một chỗ mà thôi.
Cũng thế, nếu so sánh cánh cò ở Thơ duyên được dựng trong tư thế cánh phân vân”, hẳn chưa bay thì cánh chim trong Đây mùa thu tới đã
“bay đi”... Bằng cách đặt hai từ “đã” ở đầu hai câu thơ ở khổ thứ ba, Xuân Diệu khẳng định thu đã đến và đã ở lại đây rồi. Thu khiến cảnh vật đìu hiu. Thu xui lòng người nhung nhớ. Thu khiến người ta buồn. Thu níu giữ bước chân người để xui những chuyến đò vắng khách: “Đã vắng người sang những chuyến đò”. Thu của Đây mùa thu tới là thu liêu, trống vắng, mênh mang,... nhưng chưa hề bước sang địa hạt của cõi chết như tiếng lá khô rơi trong Tiếng thu (Lưu Trọng Lư).
Cây cối, hoa lá, trăng núi, gió mây và đến cả khí trời cũng đều góp mặt: (Khí trời u uất hận chia li). Nhưng tất cả làm nền để xuất hiện bóng dáng con người. Đương nhiên là thiếu nữ (với Xuân Diệu chắc chắn phải như thế) và phải là “thiếu nữ buồn” thì mới hợp với bầu không khí thu ấy:

Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì.

Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh con người. Mở đầu là dáng liễu, kết thúc là dáng hình thiếu nữ. Liễu đứng đìu hiu như chịu tang. Thiếu nữ đứng (hẳn thế, vì tựa cửa cơ mà), không đìu hiu nhưng lại “buồn” và “không nói”, suy cho cùng thì cũng đều đìu hiu. Hình ảnh đầu cuối của bài thơ rất tương ứng.
Mặt khác, hình ảnh thiếu nữ được miêu tả vừa như là một khách thể của nỗi buồn thu, vừa như là chủ thể của nỗi buồn đó. Bởi cái nhìn xa xăm kết lại bức tranh thu ấy gợi ta nhớ đến mọi cái nhìn cảnh vật ở trên. Như thế, rất có thể thi nhân nhìn cảnh vật qua đôi mắt u sầu, qua tâm trạng của chính cô thiếu nữ kia.
Toàn bộ bài thơ được viết với sự thống nhất cao độ bởi sự liên ứng hình tượng và sự hạn định cảm xúc cũng như miêu tả tuy ở đây, màu của mùa thu chỉ là “mơ phai” chứ chưa “vàng úa”; người qua sông “thưa thớt” (vắng) chứ chưa hết hẳn (không); “hơn một loài hoa rụng” chứ không phải tất cả đều rụng; trăng “ngẩn ngơ” chỉ là “thỉnh thoảng”... Tất cả, vẫn chưa hết một mùa thu. Còn đó cả mùa thu dài phía trước nên dáng hình thiếu nữ “tựa cửa”, “buồn”, “nghĩ ngợi” sẽ mãi còn đó trong lúc hoa tàn, khách vắng, gió lùa... để xót thương cho nỗi chia li khôn giải toả, để ngẩn ngơ trong nỗi buồn vô cớ vốn là bản chất tình thu.
Xuân Diệu sáng tác nhiều bài thơ về mùa thu. Cũng như thu của nhiều thi nhân khác, Xuân Diệu hoặc là đặc tả thu (như trong bài Đây mùa thu tới) hoặc chỉ mượn thu như là cái tứ, cái nền để nói chuyện khác (chẳng hạn thu trong bài Thơ duyên). Tựu chung lại, phải yêu thu, tha thiết với thu đến độ nồng nàn thì Xuân Diệu mới có thể để lại cho đời những áng thơ thu kiệt xuất. Thu trong thơ Xuân Diệu có nhiều
cung bậc. Nếu đây mùa thu tới là bài thơ mang mang buồn, buồn độ chớm thu, buồn từ cảnh vật con người đến đất trời, cả chút gió cũng bị giá rét xé tan đâu còn nguyên vẹn, một nỗi buồn của sự mất mát thì thu trong bài thơ Xuân của Chế Lan Viên làm thuở Điêu tàn là thu của niềm khao khát được lưu giữ mãi mãi:

Ai đâu trở lại mùa thu trước.
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã,
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!

Trong thơ Việt, rộng hơn là trong bầu không khí nghệ thuật Việt, mùa thu là độc quyền của nhiều bộ môn nghệ thuật thời tiền chiến. Gần với thơ giai đoạn này là âm nhạc. Ta sẽ gặp thu trong nhiều nhạc phẩm nổi tiếng đương thời. Một Đặng Thế Phong héo hắt theo những Giọt mưa thu:

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ
Trong mưa thu
Ai khóc ai than hờ.

Một Văn Cao tài hoa cũng để cung đàn xót xa theo độ thu tàn, theo nỗi
Buồn tàn thu:

Ai lướt đi ngoài sương gió .
Không dừng chân đến em bẽ bàng.

Phạm Mạnh Cương viết hẳn ca khúc ngợi ca thu, đúng hơn là hát ca về nỗi buồn thu:

Lạnh lùng sương rơi heo may
Buồn ngơ ngác bóng chim bay
Mây tím giăng sầu đó đây
Ngày đi chiều mang sầu tới
Làn sương chiều thu lả lơi
Tiếng mưa rơi đều trên lối.

Dẫu là trong thơ hay trong nhạc và cả trong hội hoạ, thì thu của thời tiền chiến là thu buồn, thu của những mất mát, tiếc nuối, xót xa.
Nhưng thu nào mà chẳng vương buồn, ai chả biết thu nào lại chẳng bâng khuâng xa xót? Lí Thương Ẩn xưa cũng gửi trọn tình bạn trong làn nước hồ thu của một đêm mưa Dạ vũ kí Bắc (Đêm mưa gửi thư cho người phương Bắc), ao ước được gặp lại chỉ để nói chuyện về cái đêm mưa thu đó.
Hàn Mặc Tử cũng làm thơ về mùa thu. Nhưng thu của Hàn Mặc Tử , là cuối thu, buồn thu. Không phải là độ chớm thu, say thu, ngây ngất vì thu như Xuân Diệu, khi cái nóng bức của mùa hè dần nhường chỗ cho mát mẻ của mùa thu. Vì lẽ đó, thu của Xuân Diệu buồn nhưng không đến mức bị đát. Ngay cả khi rặng liễu đứng chịu tang, đìu hiu rơi lệ cả ngàn hàng thì lệ và sự tang tóc đó vẫn chỉ là chút mặc niệm thoáng để trả lại cho không khí thu vẻ tinh khiết, đẹp diệu vợi của nó. Thu của Xuân Diệu là thu của một tâm hồn tràn đầy sức sống. Tâm hồn dễ dàng hoà nhập với đất trời thu ngay lúc thu vừa “khởi sự”, còn Hàn Mặc Tử, người mà cái chết đang cận kề, thì hẳn dễ đồng cảm với độ thu tàn. Đáng lưu ý là các hình ảnh về thu trong thơ Xuân Diệu thì chẳng hề lạ lẫm, nét mới lạ ở Đây mùa thu tới chủ yếu là do “lạ hoá” cách đặt câu, sử dụng động từ, tính từ, cách tạo quan hệ cho hình tượng... Còn ở Hàn Mặc Tử, đây là những hình ảnh lạ, như đến từ cõi mộng, từ thế giới bên kia:

Lụa trời ai dệt với ai căng,
Ai thả chim bay đến Quảng Hàn,
Và ai gánh máu đi trên tuyết,
Mảnh áo da cừu ngắm nở nang.
(Cuối thu)

Dường như khổ thơ này đang miêu tả bầu trời. Trên nền trời (được ví như tấm lụa) có chim bay, có cả hình người gánh máu đi trên tuyết, khủng khiếp quá, gam màu chết chóc và u lạnh... Đây đích thị là thu của thế giới huyền ảo. Tâm trạng đó vẽ nốt cảnh thu quái dị:

Cây gì mảnh khảnh run cầm cập,
Điềm báo thu vàng gầy các xơ.
(Cuối thu)

Cũng là cây, cũng là màu vàng nhưng cây và màu ấy khác xa với cây và màu của Xuân Diệu:

Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy sương mỏng manh.

Rõ ràng chính tâm trạng và cái tạng thi sĩ đã khiến Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử có những cách nhìn và cảm thụ riêng về thu. Tuy nhiên, bài thơ thu của Xuân Diệu nổi tiếng hơn. Với Đây mùa thu tới, Xuân Diệu đã khảm trong lòng người đọc bao thế hệ bức tranh mùa thu qua rặng liễu, màu hoa, cành cây (trụi lá), mây, cánh chim, khí trời, thiếu nữ tựa cửa. Những hình ảnh này, mỗi khi được nhắc đến đều gợi trong lòng người đọc về một khung cảnh thu, một nỗi buồn man mác hệt như tình thu trong vũ trụ diệu huyền.
Xuân Diệu đã đi trọn con đường “lạ hoá” thu theo cách của ông. Dẫu có sử dụng ít nhiều thu ngữ của những người đi trước nhưng Xuân Diệu đã khoác cho chúng những sắc màu, những cảm xúc mới. Và, cái đích đến cuối cùng của “lạ hoá” lại chính là sự “quen hoá”. Biến cái quen thành lạ rồi lại khiến cái lạ ấy thành quen đây chính là con đường của tư duy sáng tạo nghệ thuật mà bao đời nay bất kì nghệ sĩ lớn nào cũng phải tuân theo.
Thu ngữ của Xuân Diệu là liễu chịu tang, cây cối và vạn vật khoác áo mơ phai, là sắc màu rủa (hoặc rữa) nhau, là giá rét luồn trong gió, là nỗi buồn vô cớ, là hình dáng thiếu nữ tựa cửa nhìn xa xăm... Xuân Diệu đã khiến cho thu hiện lên thật đậm đà, da diết. Thu của cõi trời riêng.

-----------------------HẾT--------------------------

Ngoài Soạn bài Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ, để học tốt Ngữ Văn 12 hơn các em cần tìm hiểu thêm các bài viết khác như Soạn bài Tây Tiến cũng như nằm trong phần soạn bài SGK Ngữ Văn 12

Ngoài ra, Soạn bài Đọc thêm: Đất nước là một bài học quan trọng trong chương trình Ngữ Văn 12 mà các em cần phải đặc biệt lưu tâm.

Trong chương trình học Ngữ Văn 12 phần Cảm nhận về Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ là một nội dung quan trọng các em cần chú ý chuẩn bị trước.

https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-nghi-luan-ve-mot-bai-tho-doan-tho-38495n.aspx

Tác giả: Chipu     (4.0★- 14 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Nghị luận về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải hay, ngắn gọn chọn lọc
Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ, Ngữ văn 10 KNTT
Soạn bài Luyện tập làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích), soạn Văn lớp 9
Nghị luận văn học đoạn trích Chị em Thúy Kiều
Viết bài văn nghị luận về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Trãi
Từ khoá liên quan:

Soan bai nghi luan ve mot bai tho doan tho trang 79 sgk ngu van 12

, soan bai nghi luan ve mot bai tho doan tho chi tiet, soan bai nghi luan ve mot bai tho doan tho soan van 12,
SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới