Soạn bài Bác ơi!

Các em hãy cùng tham khảo phần soạn bài Bác ơi! dưới đây để thấy được sự bàng hoàng, tâm trạng đau xót đến tột cùng của nhà thơ Tố Hữu cũng như hàng triệu con người Việt Nam trước sự ra đi của Bác- vị cha già dân tộc.
Mục Lục bài viết:
1. Bài soạn số 1
2. Bài soạn số 2


SOẠN BÀI BÁC ƠI! - TỐ HỮU, ngắn 1

Câu 1. Nỗi đau xót lớn lao trước sự kiện Bác Hồ qua đời thể hiện như thế nào trong bốn khổ thơ đầu của bài thơ? 

Trả lời:
- Là nỗi đau lớn, tiếng khóc đầy xót thương, vô hạn của đất nước, con người Việt Nam  : “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” .
- Nỗi đau được thể hiện ở cả cảnh sắc, không gian vốn quen thuộc nhưng nay chúng trở nên thật trống rỗng, lặng câm: “lối sỏi quen, thang gác, chuông nhỏ, rèm buông, phòng lặng, trái bưởi, hoa nhài, mặt hồ”.
⟹  Mọi vật xung quanh trở nên hoang vắng, lạnh lẽo, vô hồn và bi thương .
- “Bác đã đi rồi sao Bác ơi?” : Tang tóc quá lớn, không thể tin được sự thật xót xa, đau đớn này.
- Câu hỏi tu từ, câu cảm thán ⟹ Khóc thương, bày tỏ niềm thương xót dâng trào, tiếc nuối của nhà thơ với Bác .
 
Câu 2. Sáu khổ thơ tiếp theo tập trung thể hiện hình tượng Bác Hồ như nào? (Về lí tưởng và lẽ sống, niềm vui và tình thương, ân nghĩa; đức tính khiêm tốn, giản dị và sự hi sinh quên mình)
Trả lời: 
* Về lí tưởng và lẽ sống: 
- “Ôm cả non sông, mọi kiếp người” .
- “Tự do cho mỗi đời nô lệ” 
- “Nâng niu tất cả chỉ quên mình” 
⟹ Là lí tưởng sống lớn lao, lẽ sống cao đẹp. Người cha vĩ đại của dân tộc đã quên mình vì mọi người, để lo cho cả dân tộc được tự do, hạnh phúc .
* Tình thương của Bác: 
- Bác đau: Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu
- Bác nhớ: Miền Nam, thương,  yêu... 
- Bác nghe lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa...
⟹ Tái hiện bức tranh chân dung về Bác hiện lên rõ nét với trái tim ấm áp, nhân hậu. Bác dành cả cuộc đời để lo cho dân tộc Việt Nam, nỗi năm châu. Bác luôn dõi theo miền Nam ruột thịt, nghe lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa...
* Di sản Người để lại: 
tình cảm thương đồng bào  đó là lòng nhân đạo, tình yêu thương cao cả.
Đức tính giản dị, thanh bạch, khiêm tốn song vô cùng gần gũi. 
 
Câu 3. Cảm xúc của mọi người dân Việt Nam trước sự ra đi của Bác (qua ba khổ thơ cuối) như thế nào? 
Trả lời: 
-  Ngày Bác ra đi, cả đất nước, thiên nhiên con người đều thương tiếc, đau xót. Đó là tiếng lòng cảm xúc như hòa vào một, tiếng khóc của con người xen lẫn vào tiếng mưa lạnh => Nỗi nhớ Bác Hồ là nỗi nhớ nghìn thu, muôn thuở .
-  Khẳng định về sự bất diệt và sức sống vĩnh hằng của trái tim Hồ Chí Minh: “Bác đã lên đường theo tổ tiên / Mác – LêNin, thế giới người hiền”.
 -  Đó là lời biết ơn sâu nặng công lao của Hồ Chí Minh của toàn dân tộc Việt Nam. 
-  Cuối bài thơ là lời hứa của cả dân tộc: về sự kìm nén nỗi đau để hoàn thành nhiệm vụ cao cả để đưa đất nước dành thắng lợi cuối cùng.
=> tình yêu da diết, sự biết ơn của các con dân Việt Nam đối với Bác vô bờ bến
 

SOẠN BÀI BÁC ƠI! - TỐ HỮU, ngắn 2

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN

I. TÁC GIẢ (xem bài Việt Bắc)

II. TÁC PHẨM BÁC ƠI!

1. Hoàn cảnh ra đời.
- Bài thơ Bác ơi! Được Tố Hữu viết ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Trong niềm đau xót, tiếc thương vô hạn đó, nhà thơ càng nhận rõ những phẩm chất đẹp tuyệt vời của Bác để ghi lại trong tiếng khóc tiễn biệt Người.
– Bác ơi! Không chỉ là một “điếu văn bị hùng bằng thơ (Xuân Diệu) mà còn được xem như bức tượng đài Hồ Chí Minh bằng ngôn ngữ thơ, khắc hoạ sâu sắc chân dung của một trong những con người đẹp nhất của thời đại ngày nay.

2. Chủ đề bài thơ
– Bày tỏ nỗi tiếc thương đau xót của tác giả và mọi người trước sự ra đi của Bác.
– Đúc kết những công lao to lớn của Bác cho dân tộc, đất nước.
- Khẳng định vai trò lãnh tụ vĩ đại của Bác đối với dân tộc.

3. Những giá trị nội dung, nghệ thuật

a) Bốn khổ thơ đầu:
- Nỗi đau xót lớn lao của tác giả trước sự kiện Bác Hồ qua đời.
- Từ nơi điều trị, khi nghe tin Bác mất, Tố Hữu tìm về ngôi nhà sàn thân yêu của Bác. Nhà thơ “lần” từng bước trong nỗi đau đớn, bàng hoàng đến tột bậc. Không gian, thiên nhiên dường như cũng hoà điệu với tâm trạng của con người “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”.
- Mọi vật xung quanh trở nên hoang vắng: vườn rau ướt lạnh, gian phòng lặng yên, chuông không reo, rèm không cuốn, đèn không sáng.
- Không còn dáng Bác hôm sớm dạo bước bên hồ, mặt hồ cũng trở nên thành ra cô đơn, côi cút. Cả trái bưởi vàng kia còn ngọt với ai nữa, mùi bông hoa nhài cũng không muốn toả hương. Tất cả chìm lặng trong nỗi đau, nỗi mất mát khôn tả: “Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm / Quanh mặt hồ in mây trắng bay”.
– Sự ra đi của Bác càng xót xa hơn nữa khi miền Nam đang thắng lớn. Nhân dân miền Nam mơ ngày mở hội toàn thắng để được đón Bác vào thăm. Ý thức về điều này, nỗi đau càng trào dâng.
- Tác giả diễn tả nỗi đau mất mát khi Bác ra đi bằng cái nhìn khái quát (đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa) sau đó đi vào những biểu hiện cụ thể: những cảnh vật gắn bó với Bác, miền Nam, ngôi nhà sàn, mảnh vườn,... Nhờ cách diễn đạt này mà người đọc thấy nỗi đau giăng tràn khắp nơi.

b) Sáu khổ thơ giữa: Hình tượng Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
- Qua những vần thơ bỏng cháy tình cảm chân thành, hình ảnh Bác hiện lên ngời sáng với bao phẩm chất cao đẹp, mẫu mực. Đó là lòng yêu nước sâu xa và lòng yêu thương con người rộng lớn. Với Bác tình cảm chân thành phải được biểu hiện cụ thể. Dĩ nhiên, đích hướng tới vẫn là những người chịu nhiều khổ ải nhất: “Tự do cho mỗi đời nô lệ / Sữa để em thơ lụa tặng già”.
– Suốt cả cuộc đời mình, lòng Bác không lúc nào thảnh thơi vì nỗi lo lắng cho vận mệnh đất nước, lo cho quần chúng lao khổ. Nỗi lo lắng của Bác đã vượt lên nỗi lo bình thường và trở thành nỗi quán xuyến có qui mô lịch sử “Nỗi đau dân nước nỗi năm châu”.
– Trong những ngày chống Mỹ cứu nước quyết liệt của dân tộc, trái tim Bác Hồ hướng về nửa nước đau thương, dành tình cảm của mình cho miền Nam thân yêu và lạc quan, tin tưởng vào tiền tuyến lớn anh hùng. Nhà thơ Tố Hữu đã viết nên những câu thơ đẹp để ca ngợi mối tình ruột thịt đó: “Bác nhớ Miền Nam nỗi nhớ nhà / Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”.
- Con người có trái tim lớn ấy lại là con người có một lẽ sống giản dị tự nhiên “như trời đất của ta”. Bác yêu thiên nhiên và con người cũng tự nhiên và tha thiết như lòng Bác vậy. Niềm vui của Bác giản dị, tự nhiên như con người của Bác, một niềm vui cao cả, luôn trân trọng hướng về mọi người trên cả thế giới. Ở đấy, Tố Hữu đã nhìn thấy sâu sắc, thấm thía vẻ đẹp tuyệt vời Hồ Chí Minh và cả sự vĩ đại của người: “Vui tiếng ca chung hoà bốn biển / Nâng niu tất cả, chỉ quên mình”.
- Chính vì thế, Bác đã để lại cho chúng ta một di sản tinh thần quý giá nhất: một tình thương mênh mông, sâu sắc và một cuộc đời thanh bạch, giản dị. Nhà thơ nhìn thấy ở cuộc đời ấy một vẻ đẹp riêng của Bác: vẻ đẹp nằm ở phía tâm hồn, tinh thần con người:

Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Đó là vẻ đẹp của một con người hết sức giản dị nhưng sự giản dị ấy lại chuyển tại sự vô cùng vĩ đại ở Người.
- Hình tượng Bác Hồ hiện lên qua bài thơ thật thân quen, gần gũi bởi Người là người cha già dân tộc, người Bác kính yêu của tất cả chúng ta. “Bác sống như trời đất của ta”, như mọi con người gần gũi với mọi con người.
Ở Bác, mối quan tâm không chỉ dừng lại ở những cái lớn lao mà Người còn dành tình yêu thương cho từng số phận, từng hoàn cảnh, từng con người cụ thể. Ngay niềm vui của Bác cũng đi từ những cái nhỏ bé, bình thường đến cái lớn lao, cao cả:

Vui mỗi mầm non trái chín cành
Vui tiếng ca chung hoà bốn biển.

Bác mãi mãi ở giữa chúng ta, chan hoà vào cuộc đời, hoà nhập trong linh hồn dân tộc.

c) Ba khổ cuối: Cảm nghĩ chân thành của con người Việt Nam trước sự ra đi của Bác.
- Thời gian trong khoảnh khắc tưởng niệm Người đã hoàn thành thời gian vĩnh hằng lịch sử: “Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều / Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu!”
- Cả cộng đồng dân tộc đều hướng về Người với niềm thương nhớ thiêng liêng. Bác đã hoá thân thành đất nước: “Ánh hào quang đỏ thêm sông núi / Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!”
– Bác đã hoà nhập vào hàng ngũ những người bất tử, những vị anh hùng dân tộc, nghìn năm sau và nghìn năm sau nữa, hình ảnh của Người vẫn toả rạng trên dãy Trường Sơn hùng vĩ của non sông đất nước.
- Từ sự ra đi của Bác, từ di sản vô cùng lớn lao Bắc để lại, Tố Hữu đã thay mặt toàn thể dân tộc Việt Nam hứa với Người rằng:

Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn

- Thực tế lịch sử đã chứng minh lời hứa đây, sáu năm sau ước mơ cháy bỏng của Bác về mảnh đất miền nam thương yêu, đã trở thành hiện thực. Đất nước hoàn toàn thống nhất, sạch bóng quân thù.
- Tinh thần cao cả, tư tưởng vĩ đại, tấm lòng nhân đạo vô biên của Người mãi mãi là ngon đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam tiếp tục bước đến những chân trời mới.

B. TỰ LUẬN
1. Hình tượng Bác Hồ trong Bác ơi! của Tố Hữu gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì?
Gợi ý làm bài
a) - Tố Hữu sáng tác rất nhiều bài thơ về Bác. Ở mỗi giai đoạn, hình tượng Bác hiện lên với nhiều dáng vẻ khác nhau. Trong bài thơ Hồ Chí Minh hình ảnh Bác hiện lên đầy hào khí của một thủ lĩnh can trường nơi trận mạc:

 

Tiếng Người thét
Mau lên gươm lắp súng!
Và cả đoàn quân
Đã bao nhiêu năm tháng trái phong trần
Mắt sáng quắc tay xanh loè mã tấu
Vụt ào lên quyết hy sinh chiến đấu
Diệt cường quyền!
Ôi sức mạnh vô biên!

- Trong bài Sáng tháng Năm, Bác lại hiện lên bình dị, đầy thân ái, gần gũi:

Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà
Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút...

– Bài thơ Bác ơi được sáng tác trong cảm xúc mất mát khôn cùng khi Tố Hữu nghe tin Bác đã qua đời. Hình ảnh Bác trong bài thơ hiện lên trọn vẹn và có sức khái quát cao hơn.
– Trên nền tâm trạng đau buồn của sự mất mát, cảm xúc thơ Tố Hữu dào dạt trào tuôn. Nhưng âm hưởng thơ không hề bị lụy, đau xót vật vã mà là một nỗi đau đằm thắm, thanh cao rất tương thích với hình tượng trữ tình Bác Hồ được khắc hoạ là dung dị, ân cần, trìu mến nhưng rất đỗi vĩ đại, bao la.
+ Khổ thơ thứ hai miêu tả cận cảnh: lối sỏi, thang gác, chuông nhỏ,... những cảnh vật thân thương còn đó nhưng Bác đã đi xa.
- Với nhịp ngắt đầy sáng tạo, câu thơ “Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!” diễn tả rất sâu sắc nỗi mất mát trong tâm hồn nhà thơ. Qua đó, ta thấy rõ hơn tình cảm sâu đậm của Tố Hữu dành cho Bác.
+ Khổ thơ thứ ba mở rộng trường nhìn (mùa thu, nắng xanh trời) và trường liên tưởng (miền Nam rước Bác vào thăm). Khổ thơ này khắc hoạ được vẻ đẹp hồn hậu, niềm ấm áp toát lên từ Bác. Cấu trúc của khổ thơ này cũng thật đặc biệt: Câu đầu diễn tả nỗi đau đớn thảng thốt, nghẹn ngào (Bác đã đã đi rồi sao, Bác ơi!) tương phản với không khí của ba khổ thơ sau là thơ mộng, ấm áp tình người (mùa thu đẹp, nắng xanh trời, Bác cười…) Sự tương phản này càng tô đậm thêm nỗi tiếc nuối, đau xót khi Bác phải đi xa.
+ Khổ thơ thứ tư lại quay về với cảnh vật gần gũi (bưởi, hoa nhài) để gửi gắm niềm chua xót của nhà thơ khi Bác không còn trên cõi đời.
- Ở bốn khổ thơ đầu, hình tượng Bác được khắc hoạ qua ngoại cảnh, bao gồm trời, đất và những vật dụng gần gũi với Bác. Chỉ cần một câu thơ “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” tác giả vừa tái hiện được tình cảm của con người và trời đất dành cho Bác vừa khắc hoạ được tầm vóc vĩ đại của một vị lãnh tụ anh hùng.
b) - Sáu khổ thơ tiếp theo cho thấy sự độc đáo trong lời thơ của tác phẩm.
Tác giả chủ yếu “đọc” tâm sự và nỗi niềm của Bác. Qua đó, khắc tạc chân dung của vị cha già dân tộc đầy bình dị, hồn hậu mà vĩ đại: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế / Ôm cả non sông, mọi kiếp người”.
- Chưa dừng lại ở đó, bằng biện pháp so sánh, Tố Hữu ví tình cảm của Bác bao la như đất trời. Tình cảm đó hướng đến những cảnh đời tự nhiên và xã hội cụ thể. Đương nhiên đây là cái đẹp, sự mong manh, yếu ớt, nghèo khổ,... cần chở che:

Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già.

- Chính sự bình dị nhưng đầy nhân ái đã làm nên sự vĩ đại ở Bác: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng / Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”. Hình ảnh Bác đã ăn sâu vào triệu triệu trái tim con người Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới.
– Điểm đặc biệt trong cấu trúc của sáu đoạn thơ này là Tố Hữu đã đan xen lời của chính mình với lời “đọc” tâm trạng của Bác. Cụ thể lần lượt như sau:
+ Khổ thứ năm: Hai câu đầu là “đọc” tâm sự của Bác: “Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi / Năm canh bớt nặng nỗi thương đời”. Đến hai câu cuối lại là lời Tố Hữu: “Bác ơi tim Bác mênh mông thế / Ôm cả non sông, mọi kiếp người”.
+ Khổ thứ sáu là lời Tố Hữu “đọc” tâm sự Bác: “Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau...” .
+ Khổ thứ bảy là lời Tố Hữu: “Bác sống như trời đất của ta”.
+ Khổ thứ tám là lời tâm sự của Bác: Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà / Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”
+ Khổ thứ chín tiếp tục là lời tâm sự của Bác: “Vui tiếng ca chung hòa bốn biển / Nâng niu tất cả, chỉ quên mình”.
+ Khổ thứ mười là lời Tố Hữu: “Bác để tình thương cho chúng con. Một đời thanh bạch, chẳng vàng son”.
- Cách đan xen linh hoạt các kiểu lời này một mặt tạo sự hấp dẫn cho lời thơ, khiến người đọc không tiếp nhận chỉ một kiểu câu, kiểu giọng điệu duy nhất. Mặt khác, nghệ thuật khai thác tâm sự này khiến cho hình ảnh Bác hiện lên sinh động, gần gũi hơn với người đọc
c) – Ba khổ thơ cuối khẳng định việc ra đi của Bác về với thế giới người Hiền là tất yếu, vừa phù hợp với quy luật sinh – tử của ta phù hợp với tầm vóc vĩ đại của Bác. Nơi chốn Bác đi về là thế giới của Mác và Lê-nin, những lãnh tụ kiệt xuất của phong trào vô sản. Tố Hữu không viết Bác mất, Bác qua đời,... mà dùng chữ lên đường. Cách sử dụng từ ngữ này vừa làm giảm nhẹ nỗi đau mất mát vừa khắc tác được tư thế chiến sĩ của Người:

Bác đã lên đường, theo tổ tiên
Mác – Lê-nin, thế giới Người Hiền
Ánh hào quang đỏ thêm sông núi
Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!

- Tiếp nối mạch suy nghĩ: “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta”, Tố Hữu tri nhận được sự vĩ đại của Bác ở chiều sâu nhân phẩm, ở sức mạnh chinh phục và lan toả của tấm lòng đó: “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn”.
– Nỗi đau mất mát phải biến thành hành động, tác giả nguyện quyết tâm làm theo lời dạy của Bác: “Xin nguyện cùng người vươn tới mãi / Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”. d) – Theo suốt hành trình xả thân vì dân tộc, tổ quốc của Bác, Tố Hữu đã tri ân công lao trời bể của Người. Cái nhìn của Tố Hữu có nét tương đồng với Ni-cô-lát Ghi-den trong bài thơ Hồ Chí Minh (Lê Xuân Quỳnh dịch) được viết ở Cu Ba mấy ngày sau khi Bác qua đời, ngày 5-9-1969:

Cuối một chuyến đi xa
Hồ Chí Minh hiền hoà và tỉnh táo
Trên màu trắng tinh của bộ quần áo
Trái tim người sôi sục bao la
Không cần vệ, chẳng người hầu
Người vượt qua núi cao, sa mạc
Trong màu trắng của bộ áo quần
Chỉ có một trái tim rộng mở
Nào Người có muốn gì hơn
cho cuộc đi xa...

- Nhiều năm sau, nhà thơ Hô-lô An-đrát, người Hung-ga-ry ngợi ca Bác: “Hơi thở của Người không lấy ngang tầm mắt / Ma ngọn cỏ, giọt sương”. Nhân cách, đạo đức và tài năng, trí tuệ của Bác đã chinh phục mọi trái tim trên khắp năm châu.

----------------------HẾT-----------------------

Soạn bài Bác ơi! là một nội dung, bài học hay trong SGK Ngữ Văn 12. Sau phần học này chúng ta tiếp tục chuẩn bị trả lời câu hỏi, Soạn bài Tự do (P.Ê-Luy-A) cùng với phần Soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận để học tốt môn Ngữ Văn lớp 12 hơn

https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-bac-oi-38871n.aspx
Trong chương trình học văn lớp 12, Phân tích bài Tây Tiến của Quang Dũng luôn là một trong những nội dung rất quan trọng mà các em cần quan tâm và trau dồi kiến thức Ngữ Văn 12 của mình.


Tác giả: Trần Quốc Anh     (4.0★- 14 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Từ khoá liên quan:

soan van bai bac oi

, huong dan soan bai bac oi, soan bai tho bac oi cua to huu,

Tin Mới