Phân tích vở kịch Tôi và chúng ta

Tôi và chúng ta là vở kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ viết về cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới để phát triển. Bài phân tích vở kịch Tôi và chúng ta sẽ giúp các em hiểu được vấn đề mang tính thời sự được thể hiện qua xung đột kịch, qua đó thất được ý nghĩa của việc đổi mới sản xuất, phá bỏ lối suy nghĩ lạc hậu, bảo thủ.

Đề bài: Phân tích vở kịch Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ

phan tich vo kich toi va chung ta

Bài văn mẫu Phân tích vở kịch Tôi và chúng ta

Bài làm:

Bằng ngòi bút nhạy bén, sắc sảo, tư duy thời cuộc của mình, Lưu Quang Vũ đã viết nên vở kịch Tôi và chúng ta, một tác phẩm có tính thời sự, phản ánh một khía cạnh của quá trình sản xuất của xã hội đương thời. Khi mà đất nước đang nằm giữa làn ranh "tranh tối tranh sáng", mọi suy nghĩ đổi mới đều sẽ trở thành ý tưởng điên rồ, táo bạo và vấp phải sự phản đối của những kẻ có tư duy lạc hậu, bo bo giữ mình đặc biệt là những con người có "hậu thuẫn" luôn nghênh ngang đắc chí .

Đoạn trích Tôi và chúng ta là cảnh thứ ba trong vở kịch lớn cùng tên, đánh dấu cuộc xung đột quan điểm đầu tiênvề việc thay đổi lề lối, phương thức hoạt động giữa hai tư tưởng trong một xí nghiệp nhà nước tên là Thắng Lợi. Một bên là tư tưởng bảo thủ, lạc hậu cứ khư khư ôm lấy những giáo điều, quy chế đề ra từ cấp trên, mà chẳng cần phải suy nghĩ vận động xem quy chế ấy có còn phù hợp hay không, ấy là Nguyễn Chính (Phó giám đốc) và Trương (Quản đốc phân xưởng). Hai con người này ỷ lại mình có được hậu thuẫn từ Trần Khắc (đại diện Thanh tra Bộ), nên thường ngang nhiên chống đối mệnh lệnh của cấp trên, thậm chí bỏ ngoài mắt những lời mà giám đốc Hoàng Việt nói, bởi họ coi đó là trái quy định là điên rồ. Một bên còn lại là những đại diện cho tư tưởng cải tổ đổi mới toàn diện, bởi họ phát hiện ra những lỗ hổng, những quy định cứng nhắc đang kiềm cặp sự phát triển của doanh nghiệp, bức ép cuộc sống của những người công nhân, đấy là nguyên nhân của nhiều tiêu cực trong xí nghiệp, và đại diện phải kể đến Hoàng Việt (giám đốc), Lê Sơn (Kỹ sư), Thanh (kíp trưởng phân xưởng 1) và đông đảo các anh chị em công nhân khác.

Cảnh mở đầu đoạn trích là một cuộc họp của toàn bộ những người có chức vụ trong xí nghiệp, giám đốc Hoàng Việt tuyên bố lý do họp và khơi mở để cho Lê Sơn người đã đề ra kế hoạch cải tổ được phát biểu ý kiến của mình. Lê Sơn vốn là người nhút nhát, giỏi làm nhưng không giỏi nói, anh nhiều lần ấp úng nhưng được sự dẫn dắt của Hoàng Việt bằng những câu hỏi, cuối cùng anh cũng nói ra được cái ý tưởng mới mẻ của mình và có lẽ là hoàn toàn lạ lẫm đối với tất cả mọi người xung quanh. Theo Lê Sơn "mức sản xuất của xí nghiệp ta có thể tăng... gấp 5 lần" và nếu mở rộng mặt hàng, nguyên liệu máy móc thì cần thêm rất nhiều công nhân "khoảng từ ba trăm đến năm trăm công nhân nữa" khác hẳn với con số trên dưới 200 công nhân của xí nghiệp hiện có. Đây phải nói là những con số mà trước giờ mọi người đều chưa từng nghĩ tới, và theo Trưởng phòng tổ chức lao động thì "chỉ tiêu biên chế" được cấp trên cho phép, và hiện nay chỉ còn 15 chỉ tiêu như vậy nữa, không thể thay đổi được theo lời của Lê Sơn. Hoàng Việt truy hỏi nguồn cơn của cái "kế hoạch sản xuất" mà Trưởng phòng tổ chức lao động nhắc đến thì nhận được câu trả lời ấy là "cấp trên", mà thực ra mọi người cũng mù mờ chẳng biết cái cấp trên đó có hình dáng mặt mũi như thế nào ngoài một tờ giấy chỉ đạo đưa xuống. Hoàng Việt đã nhanh chóng nhận ra được sự phi logic của vấn đề, mà theo lời anh nói là "các kế hoạch được đưa ra một cách ngược đời", ai đời cấp trên vốn chẳng biết gì về tổ chức của cơ sở mà lại đi đề ra kế hoạch, việc lập kế hoạch vốn dĩ phải do tự cơ sở đưa lên rồi cấp trên xem xét và duyệt, mới hợp lý. Và Hoàng Việt đã nhanh chóng đưa ra quyết định "Các đồng chí, từ nay chúng ta sẽ chủ động đặt ra kế hoạch cho chính chúng ta".

Dĩ nhiên câu nói ấy của Hoàng Việt đã nhanh chóng gây xôn xao trong mọi người, liên tiếp những khó khăn bắt đầu ập đến, đầu tiên là vấn đề "chỉ tiêu biên chế", Hoàng Việt lập tức thay bằng cách tuyển thợ hợp đồng, nhưng tiếp theo là vấn đề tiền lương cho công nhân, anh cũng nhanh chóng giải quyết bằng cách tạm dừng việc xây dựng nhà khách, ứng tiền trả lương trước. Và vấn đề khá lớn ấy là việc tài vụ không chịu chi tiền dù đã có chữ ký của giám đốc, quả thực rất nan giải, Hoàng Việt đã mạnh dạn đứng ra chịu trách nhiệm nhưng Trưởng phòng tài vụ vẫn không chịu bởi một thứ có tên là "quy định" cứng nhắc, sáo rỗng. Cuối cùng Hoàng Việt đành cách chức người phụ nữ này và thay vào một người mới, ấy là cô Loan kế toán, để thực hiện quyết định của mình, một cách làm rất quyết liệt nhưng cần thiết vào lúc này, bởi ta không thể làm một việc gì ra trò nếu cứ có kẻ cứng đầu ngáng chân bằng những cái quy định và nguyên tắc "trời ơi".

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, lúc này Nguyễn Chính, kẻ cầm đầu của tư tưởng bảo thủ, lạc hậu mới bắt đầu lên tiếng, anh ta lên liên tục chất vấn Hoàng Việt bằng những câu hỏi khó, nhưng Hoàng Việt với cương vị của một giám đốc, lẽ dĩ nhiên anh chẳng dại gì đi tay không đến đây, anh đã chuẩn bị sẵn tất cả những lời giải thích hợp lý cho vị phó giám đốc này rồi. Anh chỉ ra những tiêu cực "người chăm kẻ lười đều được đối xử như nhau" và kết lại "xã hội chủ nghĩa gì mà lạ thế?", cuối cùng đề ra nguyên tắc ai làm nhiều hưởng nhiều ai làm ít hưởng ít, nghe vậy anh chị em công nhân phấn khởi vỗ tay hoan hô rầm rộ. Bà Trưởng phòng tài vụ lại tiếp tục "nhai lại" nguyên tắc mà không biết chán, nhưng cuối cùng bằng lời kết của Hoàng Việt, nguyên tắc là do chúng ta đặt ra, bà ấy mới không nói thêm gì nữa.

Về quản đốc Trương, khi nghe Hoàng Việt nói chuyện sẽ bỏ chức quản đốc vì nó quá dư thừa làm tốn kém thời gian, thì mới bắt đầu lên tiếng phản đối, anh ta cảm thấy điều này là vô lý, bởi trong nhận thức của anh ta chức quản đốc là rất quan trọng, nhưng chỉ bằng một câu nói Hoàng Việt đã chặn miệng được quản đốc Trương "Không có chức vụ nào là quan trọng. Chỉ có hiệu quả công việc là quan trọng". Buổi họp kết thúc chỉ có ông Quých và bà Bộng còn ở lại để động viên và ủng hộ cho Hoàng Việt. Riêng Nguyễn Chính anh ta luôn dùng các lý lẽ như nguyên tắc, rồi quy định, đặc biệt còn khẳng định "Cái quy chế mà đồng chí mạt sát ấy tồn tại bền vững mấy chục năm nay", quả thật cực kỳ bảo thủ và lạc hậu, có lẽ Nguyễn Chính vì đã quen với việc ngồi không hưởng lợi, mà không muốn thay đổi bởi một khi thay đổi có thể chính chức vụ của anh ta cũng không thể giữ vững nữa, có lẽ đây mới là điều anh ta lo lắng nhất. Hoàng Việt rất đúng khi khẳng định với Nguyễn Chính một quy luật khách quan "Sự vật không đứng yên, cuộc sống không đứng yên một chỗ, có cái hôm qua đúng, hôm nay đã thành vật cản. Phải tìm cách phá bỏ", hẳn anh là người thấm nhuần các quy luật vận động của chủ nghĩa Mác- Lê Nin một cách sâu sắc. Nguyễn Chính vì không còn lý lẽ nào để nói lại Hoàng Việt nên tức tối rời đi và để lại một câu đầy thách thức: "Được rồi... đồng chí quá tự tin đấy! Được để rồi xem!", có lẽ anh ta đang mong chờ một ngày Hoàng Việt thất bại để hả hê đây mà, nhưng điều này chắc khó có thể xảy ra. Phòng chỉ còn Lê Sơn và Hoàng Việt, hai người tâm sự với nhau, Lê Sơn có đôi lời nhắc nhở Hoàng Việt về Nguyễn Chính, nhưng Hoàng Việt chẳng hề nản chí, bởi anh vốn rất vững vàng, tự tin vào kế hoạch của mình và tin tưởng Lê Sơn, chàng kỹ sư tuy nhút nhát nhưng có một cái đầu cực nhanh nhạy.

Đoạn trích là khởi đầu của giông tố trong xí nghiệp nhà nước Thắng Lợi, ở đây có cuộc chiến tư tưởng giữa hai phe đối lập, một bên là phe bảo thủ, lạc hậu còn một bên là phe có tư tưởng đổi mới lại lề lối, phong cách làm việc, để hướng tới một doanh nghiệp có mức sản xuất cao hơn, công nhân có đủ chi tiêu đảm bảo cuộc sống. Và bước đầu của cuộc đấu tranh, phía bên có khao khát tư tưởng đổi mới, dám nghĩ dám làm đã tạm chiến thắng nhờ sự kiên định, thông minh của giám đốc Hoàng Việt, đây cũng là tiền đề cho những màn xung đột, đấu tranh quyết liệt hơn nữa còn chờ ở phía sau của vở kịch.

----------------HẾT----------------

Tôi và chúng ta là một trong những vở kịch nổi tiếng của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, để thấy được tính thời sự cũng như những vấn đề được đặt ra trong vở kịch, bên cạnh bài Phân tích vở kịch Tôi và chúng ta trên đây, các em có thể tham khảo thêm: Soạn bài Tôi và chúng ta, Sơ đồ tư duy Tôi và chúng ta, Cảm nghĩ của em về Cảnh 3 trong vở kịch Tôi và chúng ta, Tóm tắt mâu thuẫn cơ bản và tính chất tiến bộ của nội dung tư tưởng trong Tôi và chúng ta.

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-vo-kich-toi-va-chung-ta-41887n.aspx
 

Tác giả: Nguyễn Thành Nam - NTN     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Tư tưởng và ý nghĩa phê phán trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt
Dàn ý phân tích đoạn trích Tình yêu và thù hận
Phân tích hồi IV vở kịch Bắc Sơn để làm nổi bật tính chất bi tráng của nó
Phân tích triết lý sống trong Hồn Trương Ba da hàng thịt
Phân tích giá trị nhân văn trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt
Từ khoá liên quan:

phan tich vo kich toi va chung ta cua luu quang vu

, phan tich toi va chung ta, phan tich canh iii trong toi va chung ta,

SOFT LIÊN QUAN
  • Chứng minh bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta

    Phân tích tầm quan trọng của môi trường

    Bằng những kiến thức thực tế và hiểu biết của bản thân, em hãy chứng minh bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta nhằm giúp người đọc, người nghe hiểu hơn về tầm quan trọng của môi trường sống đồng thời nân ...

Tin Mới