Phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thuỷ

Truyện An Dương Vương và Mị Châu-Trọng Thủy là truyền thuyết dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Các em hãy cùng tham khảo phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thuỷ dưới đây để thấy được công lao dựng nước và bi kịch mất nước của vua An Dương Vương.

Đề bài: Anh chị hãy phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thuỷ để hiểu rõ hơn về diễn biến, bi kịch mất nước của nhà nước Âu Lạc

Mục Lục bài viết:
1. Dàn ý
2. Bài mẫu số 1
3. Bài mẫu số 2
4. Bài mẫu số 3

phan tich truyen an duong vuong va mi chau trong thuy

3 bài văn mẫu phân tích truyện truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thuỷ hay, đặc sắc
 

I. Dàn ý Phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thuỷ (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu truyền thuyết An Dương Vương, Mị Châu - Trọng Thủy.

2. Thân bài

* Nhân vật An Dương Vương:
* Giai đoạn thứ nhất:
- Là vị vua anh minh, lỗi lạc, là người có công khá lớn trong công cuộc tiếp nối vua Hùng thứ 18, làm tiếp công cuộc dựng nước và giữ nước.
- Dời đô từ vùng núi Nghĩa Lĩnh về Cổ Loa, mở rộng sự phát triển kinh tế của đất nước.
- Xây thành Cổ Loa, chuẩn bị vũ khí tầm xa để bảo vệ kinh thành vững chắc.
- Đánh lui quân xâm lược Triệu Đà lần 1.

* Giai đoạn thứ hai:
- Trở nên mất cảnh giác, đắc thắng, mất đi sự anh minh, lỗi lạc, tầm nhìn xa trông rộng.
- Chấp nhận lời cầu hòa nhằm âm mưu kéo dài thời gian tìm hiểu của giặc, gả con gái duy nhất của mình cho con trai kẻ thù mà không chút do dự, cho Trọng Thủy ở rể một cách dễ dàng...(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thuỷ tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thuỷ (Chuẩn)
 

1. Phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thuỷ, mẫu số 1 (Chuẩn):

“Em hóa đá ở trong truyền thuyết
Để bao cô gái như em không phải hóa đá trên đời”

-Trần Đăng Khoa-

“Tôi kể người nghe chuyện Mị Châu
Trái tim lầm chỗ để lên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”

-Tố Hữu-

Những vần thơ trên chính là minh chứng cho sự nổi tiếng của truyền thuyết An Dương Vương Mị Châu Trọng Thủy, một truyền thuyết gắn liền với lịch sử dân tộc và có ảnh hưởng sâu rộng trong nền văn hóa của nước nhà, đi vào các tác phẩm thơ ca, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc biết bao nhiêu thế hệ. An Dương Vương Mị Châu Trọng Thủy không chỉ đơn thuần là một câu chuyện nói về biến cố cuộc đời của ba nhân vật chính, mà ẩn đằng sau nó là những bài học vô cùng sâu sắc về đạo làm vua, làm con, làm vợ, làm chồng và làm con dân của một quốc gia. Đó là những bài học ứng xử trong cuộc sống, sự lựa chọn đúng đắn giữa tình thân, tình yêu, và an nguy của quốc gia mà  cho đến tận ngày hôm nay nó vẫn mang trọn ý nghĩa thuở ban đầu. Dẫu rằng kết cục là bi thương nhưng có lẽ đó chính là cái giá phải trả cho sự lựa chọn, ứng xử sai lầm của các nhân vật chính, để lại trong lòng độc giả nhiều suy nghĩ trăn trở. 

Truyền thuyết An Dương Vương, Mị Châu - Trọng Thủy gắn liền với quần thể di tích tại làng Cổ Loa huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Truyền thuyết xuất xứ với tên Truyện Rùa Vàng nằm trong tập Lĩnh Nam chích quái được sưu tầm vào khoảng cuối thế kỷ XV. 

Trước hết là nói về nhân vật An Dương Vương là người mở đầu cho cả truyền thuyết với hai giai đoạn cuộc đời, và dường như đâu đó ta cũng cảm nhận được ở hai đoạn đời này An Dương Vương lại hiện lên như hai con người khác nhau. Từ một con người anh minh sáng suốt gắn với công cuộc dựng nước và giữ nước oai hùng, thì ở đoạn đời thứ hai ông lại trở thành một người chủ quan, mất cảnh giác, khinh địch nên dẫn tới bi kịch nước mất nhà tan, tình thân đứt đoạn. An Dương Vương là người có công lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Với một số sự kiện tiêu biểu như: Dời đô từ vùng núi Nghĩa Lĩnh về vùng đồng bằng Cổ Loa, đây được xem là một quyết định sáng suốt, khi đất nước đã trải qua thời giữ nước đầy gian lao, nay đã bước sang giai đoạn phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị, chính vì vậy vùng đồng bằng giao thông thuận lợi như Cổ Loa chính là một lựa chọn đúng đắn cho việc dời đô. Sau khi dời đô về đồng bằng thì với đôi mắt nhìn xa trông rộng của một quân vương, An Dương Vương đã rất kỹ lưỡng trong công việc xây thành Cổ Loa một cách kiên cố theo hình xoắn ốc, để kinh đô được bảo vệ bởi nhiều vòng thành, phòng khi có giặc ngoại xâm. Không chỉ xây dựng thành trì kiên cố mà An Dương Vương còn chuẩn bị đầy đủ vũ khí để đề phòng giặc ngoại xâm, không còn là các loại vũ khí đánh giáp lá cà mà là loại vũ khí đánh xa, tiêu diệt quân địch khi chúng chưa kịp bước đến đến chân thành trì, nhằm các yếu tố nguy cơ. Tiêu biểu cho loại vũ khí này chính là nỏ thần, cũng là đại diện cho các loại nỏ và cung tên với lực sát thương mạnh mẽ, từ xa, điều này đã thể hiện sự thông minh, tài thao lược của một đấng quân vương. Với tất cả sự anh minh, sáng suốt của mình thì kết quả mà An Dương Vương nhận được ấy là chiến thắng vang dội trong cuộc xâm lược của Triệu Đà lần thứ nhất. Từ những nhận định trên có thể thấy rằng An Dương Vương trong giai đoạn thứ nhất của cuộc đời là người tài giỏi, mang tầm vóc của một vị đế vương tài ba, lý tưởng, có tinh thần cảnh giác cao độ và ý chí quyết tâm đánh giặc. Bên cạnh đó sự trợ giúp của thần linh (Rùa Vàng) chính là minh chứng cho tính chất chính nghĩa của các công việc mà An Dương Vương thực hiện bao gồm việc dời đô, xây thành, chuẩn bị vũ khí chống giặc ngoại xâm. 

Bước sang giai đoạn thứ hai của cuộc đời An Dương Vương, cũng tức là khi đất nước vừa chiến thắng lần xâm lược đầu tiên của Triệu Đà, đất nước bắt đầu bước vào giai đoạn ổn định để phát triển, thì ở vị vua này bắt đầu có những biểu hiện của sự mất cảnh giác, buông lỏng tinh thần cuối cùng dẫn tới bi kịch mất nước. Nguyên nhân chính đến từ việc An Dương Vương mất cảnh giác, mơ hồ trước âm mưu của kẻ thù. Khi Triệu Đà cầu hòa với mục đích trì hoãn để tìm hiểu tình hình thì An Dương Vương lại không hề nhận ra mưu sâu kế hiểm của giặc mà dễ dàng nhận lời không hề có sự đề phòng chuẩn bị. Sai lầm thứ hai cũng là sai lầm đặc biệt nghiêm trọng của nhà vua ấy là chấp nhận cả lời cầu thân của Triệu Đà, gả con gái yêu của mình cho con trai của giặc, chẳng khác nào giao trứng cho ác. Kéo theo sai lầm thứ 2, chính là sai lầm tiếp theo của An Dương Vương khi cho Trọng Thủy sang ở rể theo tục lệ của nước Thục ta, chẳng khác nào đang cõng rắn cắn gà nhà cả, để con trai của kẻ thù làm nội gián ở ngay trong nhà mình mà không mảy may suy nghĩ. Bi kịch mất nước không chỉ nằm ở sự mất cảnh giác mà còn nằm ở sự chủ quan của nhà vua, dễ dàng cho Trọng Thủy về nước thăm cha mà không hề nghi ngờ. Đặc biệt là đến khi Trọng Thủy trở kéo quân sang âm mưu xâm lược lần thứ hai, giặc đã đến gần sát chân thành rồi nhưng An Dương Vương vẫn bình chân như vại, không hề mảy may chuẩn bị chống giặc, cậy cả vào việc mình đã có nỏ thần lợi hại với sức mạnh vạn năng. Từ những dẫn chứng trên ta có thể thấy rõ một điều rằng An Dương Vương đã đánh mất sự anh minh, sáng suốt đáng quý nhất của mình, sở dĩ có điều đó bởi trước đây bên cạnh nhà vua có sự xuất hiện của Rùa Vàng, vị thần đại diện cho trí tuệ, khi Rùa Vàng rời đi cũng là lúc vị thần trí tuệ ấy rời đi, cho nên An Dương Vương mới trở nên chủ quan, mất cảnh giác đến độ vậy. Một cách lý giải khác cho sự đi xuống của nhà vua ấy là do tâm lý thông thường của con người, khi chiến thắng người ta thường dễ ngủ quên trong chiến thắng ấy, “mãn nguyện” với những gì mình có và không muốn phải suy nghĩ gì thêm, mong mọi chuyện đều trở nên dễ dàng, giống như kẻ được điểm mười, thì thường nghĩ mình đã giỏi vậy. Cuối cùng sau tất cả những sai lầm của mình An Dương Vương đã phải đối mặt với hàng loạt bi kịch đau đớn, trước hết là bi kịch mất nước, bị kẻ thù - con rể của mình truy đuổi đến cùng đường, vô cùng thảm hại. Bi kịch thứ hai, ấy là bi kịch với tư cách cá nhân, bi kịch của một người cha trong gia đình, bị con gái đâm sau lưng mà không hề hay biết dù rằng Mị Châu không hề cố ý, rồi phải tự tay chém đầu đứa con gái ruột duy nhất của mình, để trả nợ cho nước, trừng phạt kẻ đã gây ra họa diệt quốc. Có thể nói cùng với nỗi đau mất nước, thì nỗi đau tự tay kết liễu người thân cũng đau đớn chẳng kém gì. Kết thúc cuối cùng là bất tử hóa nhân vật An Dương Vương, thực tế là mỹ lệ hóa cái chết của ông, bởi do ông là người có công trong công cuộc dựng nước và giữ nước, dẫu rằng có sai lầm thế nhưng về phần công trạng là không thể nào phủ nhận. Kết cục ấy cũng coi như là bù đắp cho An Dương Vương, tuy nhiên vì là người có tội với đất nước nên không thể được tiếp tục sống trên trần gian, cũng không thể có một cái kết huy hoàng như Thánh Gióng, mà chỉ có thể tiếp tục cuộc đời một cách im lặng theo ngòi bút của các  tác giả dân gian.

Với nhân vật Mị Châu, nàng thuộc kiểu nhân vật phức tạp, là tội nhân của bi kịch mất nước nhưng đồng thời cũng là nạn nhân của bi kịch tình yêu, cuộc đời nàng phải chịu nhiều giằng xé và đau đớn hơn cả. Với tư cách là tội nhân làm mất nước, Mị Châu có hai tội lớn, đầu tiên là sự mất cảnh giác, mà nguyên nhân sâu xa ấy là xuất phát từ cha của nàng, nếu cha nàng không gả nàng cho Trọng Thủy, rồi cho Trọng Thủy ở rể có lẽ sẽ chẳng bao giờ có cớ sự đau thương. Mị Châu là một người con gái yếu đuối, nghe theo sự sắp đặt của cha gả cho Trọng Thủy, dĩ nhiên rằng nàng cũng bị ám thị rằng chồng mình là người có thể tin tưởng, dẫn tới việc mất cảnh giác một cách nghiêm trọng. Sai lầm này chính là nguyên nhân cho sai lầm tiếp theo của Mị Châu, đó là cho Trọng Thủy xem trộm nỏ thần, được coi tội làm lộ bí mật quốc gia, vốn là cốt lõi của sự sống còn đất nước, dân tộc. Thế nhưng chẳng biết Mị Châu là ngây thơ hay mù quáng tin vào tình yêu để nên nỗi quên mất cả bổn phận của một công dân, đặc biệt là tư cách của một công chúa có trách nhiệm bảo vệ quốc gia, dân tộc mình. Sự mất cảnh giác của Mị Châu còn tiếp tục lên một tầm cao mới khi Trọng Thủy về nước thăm cha có để lại lời dặn dò: “Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ, ta nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hòa, Bắc Nam cách biệt, ta lại tìm nàng lấy gì làm dấu?”. Nếu như là một người bình thường, chỉ cần có chút tỉnh táo thì đã có thể dễ dàng nhận ra những ẩn ý đằng sau câu nói của Trọng Thủy, thế nhưng chính vì sự tin tưởng tuyệt đối, mất cảnh giác của mình mà Mị Châu còn hồn nhiên đáp lại rằng sẽ lấy áo lông ngỗng rải đường cho Trọng Thủy tìm mình. Nàng cư nhiên nghĩ đến cả tình huống xấu nhất, thế nhưng cũng chỉ chăm chăm nghĩ cách bảo vệ hạnh phúc gia đình, chứ không hề mảy may nghĩ đến chuyện nghi ngờ, cân nhắc lợi ích quốc gia. Tội thứ hai của Mị Châu ấy là đã không xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa việc nước và việc nhà, trong khi bản thân nàng không chỉ là một người vợ mà trên hết nàng là công chúa của một đất nước. Dẫu rằng không phải gánh trọng trách cầm đao đánh giặc nặng nề giống như cha mình, thế nhưng Mị Châu đã ngồi vị trí cao hơn người khác thì cần thiết phải có ý thức bảo vệ cơ đồ tổ tiên đã để lại cùng với cha mình. Thế nhưng nàng vẫn xử lý theo cảm tính, vẫn chỉ chăm chăm vào tình cảm của mình với Trọng Thủy, ngay cả khi hai nước đã trở mặt thành thù, vẫn rắc áo lông ngỗng để Trọng Thủy đuổi theo tìm giết cha mình. Chính vì sự mê muội, cả tin của mình thế nên Mị Châu đã phải gánh chịu kết cục bi thảm, bị kết tội là giặc, là kẻ phản bội Tổ quốc, phản bội cha mình và cuối cùng là bị chính tay cha mình chém đầu, chịu cái chết tàn khốc và đau đớn vô cùng. 

Bên cạnh tư cách là tội nhân của bi kịch mất nước thì Mị Châu còn hiện lên với tư cách là nạn nhân của bi kịch tình yêu. Ta có thể nhận thấy rõ ràng rằng, Mị Châu là một cô gái trong sáng, ngây thơ, nàng đã dành hết tất cả tình yêu tha thiết của cuộc đời mình dành tặng cho Trọng Thủy thế nhưng kết cục mà nàng nhận lại chỉ là sự lừa dối, phản bội, lợi dụng từ chồng.  Nàng bị rơi vào nghịch cảnh trái ngang ấy là khi trao đi tình yêu một cách chân thành thì lại bị lừa dối, lợi dụng, đến khi được nhận tình yêu thực sự từ Trọng Thủy, thì trong trái tim nàng lại chỉ còn biết bao nhiêu hận thù, đắng cay chồng chất.   Có thể nói rằng cả đời Mị Châu chỉ mong ước một tình yêu vẹn toàn, thế nhưng tất cả chỉ là “hoa trong gương, trăng dưới nước”, thấy được mà không sờ được. Tình yêu đặt nhầm chỗ của nàng đã biến nàng trở thành kẻ phản bội tổ quốc, trở thành tội đồ của cả dân tộc, khiến nàng phải gánh chịu tiếng xấu ngàn đời, khiến nàng phải chịu cái chết đau đớn dưới tay người cha thân yêu. Cái chết của Mị Châu chính là một kết cục hóa thân không trọn vẹn, ứng với lời khấn cầu chứng minh sự trong sạch của nàng, máu biến thành ngọc trai, còn xác thì biến thành ngọc thạch. Điều đó thể hiện quan điểm và thái độ của dân gian đối với nhân vật, trước hết là sự thấu hiểu thông cảm, xót thương cho số phận của Mị Châu, đồng thời là sự bất tử hóa, mỹ lệ hóa cái chết của Mị Châu. mặt khác cũng thể hiện thái độ nghiêm khắc của dân gian trước sai lầm và tội lỗi của nhân vật, phải chấp nhận sự hóa thân không trọn vẹn. 

Cuối cùng là nhân vật Trọng Thủy cũng là một nhân vật phức tạp hiếm có trong truyện dân gian, y bị mắc kẹt giữa tham vọng quyền lực và tình yêu, chính vì thế Trọng Thủy cũng xuất hiện với hai tư cách ấy là tội nhân và nạn nhân như Mị Châu. Có thể nói rằng Trọng Thủy chính là tội nhân trong bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu mà Mị Châu phải gánh chịu. Là đàn ông “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” thế nhưng Trọng Thủy không có được cái khí khái anh hùng, làm việc quang minh chính đại, mà lại giở trò khuất tất, cầu hôn Mị Châu, lừa dối hai cha con nàng, để lập mưu ăn cắp bí mật quốc gia. Đáng lên án nhất ấy là hành động lợi dụng tình cảm chân thành của Mị Châu để thực hiện âm mưu của mình, nhẫn tâm chà đạp lên thứ tình yêu cao đẹp ấy một cách không thương tiếc. Dẫn tới việc đẩy người vợ kết tóc, đã có đến mấy năm chung sống mặn nồng vào cảnh nước mất nhà tan, chịu nỗi oan thiên cổ, cùng với sự tuyệt vọng và cái chết đau đớn. Phải nói rằng tham vọng quyền lực đã khiến Trọng Thủy không từ bất kỳ thủ đoạn hèn hạ nào kể cả việc lợi dụng người phụ nữ chân yếu tay mềm, lại hết lòng tin tưởng mình. Trước những tội lỗi, trước sự tàn nhẫn của bản thân Trọng Thủy đã phải chịu kết cục tự kết liễu đời mình, hình ảnh nước giếng nơi Trọng Thủy tự tử nếu lấy làm nước rửa ngọc trai, thì ngọc trở nên sáng đẹp hơn, ấy chính là biểu trưng cho cái chết đền tội của Trọng Thủy đã góp phần minh oan cho Mị Châu. Hoặc cũng có lẽ là một ẩn ý nói về việc Mị Châu đã phần nào nguôi ngoai mối hận dưới cửu tuyền, hoặc tượng trưng cho tình yêu đầy ngang trái của họ cuối cùng cũng thoát khỏi những thứ như lợi ích quốc gia, bổn phận nghĩa vụ của một công chúa, hoàng tử,... Bên cạnh tư cách là một tội nhân thì Trọng Thủy cũng là một nạn nhân của bi kịch tình yêu, khi bị mắc kẹt giữa tham vọng quyền lực và tình yêu. Trọng Thủy không chỉ là con trai của Triệu Đà, mà còn là một bề tôi trung thành, là một hoàng tử có nghĩa vụ duy trì sự hưng thịnh của đất nước, làm trong sứ mệnh được giao mà ở đây lại là sứ mệnh gián điệp. Y yêu Mị Châu là có thật bởi tình nghĩa vợ chồng chung sống bao lâu đâu phải dễ dàng từ bỏ, đặc biệt đứng trước tình cảm chân thành, tha thiết của Mị Châu thì Trọng Thủy lại càng mềm lòng. Thế nhưng việc đại sự thì vẫn phải hoàn thành mà bản thân y cũng không muốn từ bỏ tình yêu của mình, chính vì vậy mới có lời dặn dò nếu như Nam - Bắc phân li. Trọng Thủy vẫn hy vọng về một mái ấm với Mị Châu, thế nhưng rất tiếc tình yêu của hai người chẳng bao giờ có thể vượt qua được lợi ích của quốc gia, kết cục chỉ có thể là thù hận, là bi kịch. Sau khi kết thúc sứ mệnh của mình, trong mắt Trọng Thủy có lẽ chỉ còn tình yêu, cái chết của Mị Châu đã làm y đau đớn khôn xiết, thế nên cái chết chính là để tạ lỗi với nàng, đồng thời có lẽ cũng là một con đường mà Trọng Thủy nghĩ ra để sum họp với Mị Châu ở dưới cửu tuyền chăng? Chung quy lại cả Mị Châu và Trọng Thủy đều đáng trách mà cũng đáng thương, sự trẻ trung đã khiến họ có nhiều mong ước về tình yêu, thế nhưng lợi ích quốc gia dân tộc vốn là bổn phận của mỗi con người, ngay từ đầu đã định rằng họ là người của hai chiến tuyến khác biệt, chỉ tại cái duyên ngang trái thế nên cuộc đời họ mới rơi vào bi kịch chồng chéo và phức tạp đến tử biệt sinh ly. 

An Dương Vương, Mị Châu - Trọng Thủy là một truyền thuyết có ý nghĩa sâu sắc khi đề cập đến các cách ứng xử trong mối quan hệ giữa công dân với Tổ quốc, mối quan hệ cha con, vợ chồng, quân thần,... Từ đó đưa ra những bài học đáng giá dành cho hậu thế về cách xử lý giữa tình cảm cá nhân và lợi ích dân tộc, con người ta cần phải lý trí khi đứng trước an nguy của Tổ quốc, phải đặt cái lợi ích chung của đất nước lên trên tình cảm cá nhân, bằng không nếu cứ sống theo cảm tính thì chính là đại hận thiên thu. Thêm vào đó truyền thuyết còn răn dạy con người chớ ngủ quên trên chiến thắng, dù là trong việc trị quốc, bình thiên hạ hay trong đời sống thường ngày, bởi đó chính là vực sâu vạn trượng, bước nhầm một bước thì không có ngày mai.

----------------- HẾT BÀI 1 -----------------

Cùng với việc tham khảo bài mẫu phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thuỷ, để hiểu hơn về quá trình mất nước, thái độ của nhân dân đối với vai trò và trách nhiệm của cha con An Dương Vương khi làm mất nước, các em có thể tham khảo các bài mẫu Soạn bài Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng ThủyCảm nghĩ về truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy, Bài học ứng xử của nhân dân qua truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng ThuỷSơ đồ tư duy Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thuỷ
 

2. Phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy, mẫu số 2:

Suốt chặng đường 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta có vô số những trận chiến lớn nhỏ, trải qua vô số triều đại, chứng kiến đủ mọi bi kịch khổ đau. Có những trận chiến, những triều đại đã đi vào sử sách, trở thành một trong những tác phẩm văn học nổi tiếng nhất để ngàn đời sau còn ca tụng, thế nhưng bên cạnh đó cũng có những trận chiến, những câu chuyện đau thương khiến cho ngàn đời sau còn đau xót. Và một trong số những câu chuyện làm tan nát trái tim về một thời dựng nước và giữ nước đầy oai hùng nhưng lại có một kết thúc bi thương đó là truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy.

An Dương Vương là vua của nước u Lạc, là người đã đưa ra quyết định rời đô từ Phong Châu về Phong Khê, nhờ có sự giúp đỡ của rùa vàng thì xây xong thành và trước khi về ông còn được rùa vàng để lại cho một cái móng vuốt để làm lẫy Nỏ thần. Thật vậy nhờ có chiếc Nỏ thần ấy mà quân ta đã giành được chiến thắng nhiều lần trước sự xâm lăng của quân Triệu Đà. Tưởng chừng như được thần giúp đỡ, có trong tay chiếc nỏ thần là có thể giữ được hòa bình và sự phát triển phồn thịnh cho đất nước thế nhưng sự thực thì không phải như thế.

Những kẻ có dã tâm luôn muốn chà đạp lên mảnh đất của người khác thì đâu có bao giờ từ bỏ thủ đoạn của mình. Không đánh được trên chiến trường, Triệu Đà đưa con trai sang liên hôn nhưng mục đích thật sự là đánh cắp bí mật quân sự của nước ta. Tình yêu có thể cứu rỗi linh hồn con người nhưng nó cũng có thể khiến cho người ta rơi vào tận cùng của bất hạnh. Thật vậy điều đó được thể hiện rõ qua cuộc hôn nhân chính trị giữa Mị Châu và Trọng Thủy. Triệu Đà thua trận xin cầu hòa và đã đưa con trai của mình sang cầu hôn với con gái của An Dương Vương, là một vị vua cả đời anh minh thế nhưng khi ấy An Dương Vương lại đưa ra quyết định sai lầm khi đã đồng ý cuộc hôn nhân và cho Trọng Thủy ở rể. Trong thời gian ở rể thì Trọng Thủy lợi dụng thời cơ đổi trộm mất Nỏ thần rồi mang về phương Bắc. Không còn Nỏ thần An Dương Vương thua trận và cùng con gái chạy về Phương Nam, cuối cùng đau đớn chém chết con và đi xuống biển. Trọng Thủy mang xác vợ về chôn ở Loa Thành, xác liền biến thành ngọc thạch, không lâu sau vì quá thương tiếc Mị Châu mà Trọng Thủy đã nhảy xuống giếng tự tử, kết liễu sinh mạng của mình.

Nhắc đến truyền thuyết này thì không thể không nhắc đến An Dương Vương. Người là một vị vua anh minh, tài đức, sớm có ý thức xây dựng đất nước. Thật vậy An Dương Vương đã dời đô từ Phong Châu về Phong Khê, thế nhưng việc xây thành lại gặp nhiều trắc trở, cũng vì xây đến đâu lở đến đấy nên người ta đồn đoán rằng chuyện này do ma quỷ. Để giải quyết khó khăn này vua đã đã lập đàn trai giới, đón tiếp cụ già ở phương xa, ra cửa Đông đón Rùa Vàng, nhờ thành tâm nên được Rùa Vàng trợ giúp xây thành, chỉ trong vòng nửa tháng đã xây xong. Không những thế An Dương Vương còn là người có tầm nhìn xa trông rộng, biết cảnh giác trước kẻ thù: "Nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống?", thấy vậy Rùa Vàng trước khi đi đã để lại cho một chiếc vuốt để làm lẫy Nỏ thần giúp đánh tan quân xâm lược. Chiếc Nỏ thần là sức mạnh thần linh ban tặng cho nước u Lạc, cũng là sức mạnh của nhà nước u Lạc, sự đoàn kết đồng lòng quyết tâm đánh tan quân xâm lược.

Thế nhưng là một vị vua anh minh không có nghĩa là sẽ không phạm phải sai lầm. Và sai lầm lớn nhất của An Dương Vương đó chính là lơ là, mất cảnh giác trước âm mưu của kẻ thù. Ông không những đồng ý cuộc liên hôn giữa hai nước mà còn đồng ý cho con trai kẻ thù ở rể. Sự anh minh, lỗi lạc cùng sáng suốt của vị vua ngày nào vậy mà nay ông lại trở nên lầm đường lạc lối, thiếu tỉnh táo đến vậy. Hơn thế ông còn chủ quan, khinh địch, để mất thế chủ động của mình khi địch đến nhưng vẫn ung dung đánh cờ, ỷ lại vào sức mạnh của thành trì và vũ khí. Nhưng vũ nỏ thần giờ không còn, giặc đánh vào thành chỉ còn là vấn đề thời gian, thua trận An Dương Vương dẫn con gái chạy thoát về phía Nam.

Là vua nhưng An Dương Vương cũng là một người cha, hành động tuốt gươm chém chết Mị Châu ở cuối truyện thể hiện sự dứt khoát của một vị vua đã thức tỉnh sẵn sàng cắt đứt tình cha con để thực hiện nghĩa vụ cuối cùng của một vị vua.

Sau khi tự tay chém chết con gái ruột ông cầm sừng tê bảy tấc rẽ một đường xuống biển, đây là chi tiết thể hiện sự bất tử của nhà vua và sự trân trọng của nhân dân với nhà vua. An Dương Vương tuy đã để mất nước nhưng ông lại là vị vua đa tài, biết chăm lo cho đất nước và cả đời vì dân vì nước nên được người đời tôn kính và tưởng nhớ.

Nhân vật thứ hai được nhắc đến trong truyện là Mị Châu, con gái An Dương Vương. Là người thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần, có có đủ tài sắc thế nhưng lại có một số phận bất hạnh nhiều khổ đau. Mị Châu hết mực thủy chung và tin tưởng chồng, cũng vì vậy mà nàng dẫn Trọng Thủy đi thăm thú khắp nơi, cho xem nỏ thần và dạy cách sử dụng. Đâu hay những lời ngon ngọt đầu môi ấy thực chất chỉ là những lời nói dối của kẻ phụ bạc đang lợi dụng tình cảm của nàng. Và sự tin tưởng ấy đã phải trả giá bằng cả mạng sống, nàng không những hại chính mình mà còn hại cả dân tộc mình.

Chi tiết ngọc trai, giếng nước mang những ý nghĩa sâu sắc. Sau khi Mị Châu chết máu chảy xuống nước khiến sò ăn phải đều hóa thành hạt châu, đó là sự giải oan, là minh chứng cho sự trung hiếu của nàng với cha, Mị Châu không hề theo giặc bán nước mà đó chỉ là sự mù quáng vô thức trong tình yêu. Qua chi tiết ấy ta cũng thấy được thái độ cảm thông đầy nhân hậu của nhân dân ta dành cho nàng. Còn Trọng Thủy, kẻ giả tình giả nghĩa đầy mưu mô thủ đoạn ấy sau khi Mị Châu chết thì vô cùng xót thương để rồi cuối cùng kết liễu đời mình trong giếng nước. Giếng nước là tấm gương phản chiếu mọi tội lỗi của Trọng thủy, đồng thời qua đó chúng ta cũng thấy được một Trọng Thủy đang đau đớn và dằn vặt biết bao, hắn cũng là nạn nhân trong ván cờ của kẻ bạo chúa, là công cụ bị người cha của mình lợi dụng.

Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy đã thành công trong việc kết hợp giữa sự kiện lịch sử và các yếu tố kì ảo, góp phần thể hiện được thái độ của nhân dân ta đối với các nhân vật, giúp cho câu chuyện thêm sinh động và linh hoạt.

Cuộc sống luôn mang đến những điều bất ngờ không tưởng và bất hạnh luôn chầu trực phía trước để bóp nghẹt số phận con người. Và đúng như vậy, chẳng ai có thể đoán trước được điều gì, chỉ đến phút chót chúng ta mới nhận ra, đó là sai lầm, là sự cả tin hay mất cảnh giác đôi chút thôi thế nhưng đổi lại nó lại trở thành sai lầm lớn khiến thay đổi vận mệnh của cả một dân tộc. Đúng vậy, đó cũng là sai lầm của người lãnh đạo, của một vị vua cả đời anh minh lỗi lạc nhưng lại mất một vài phút giây lầm lỡ khiến dân tộc mình tiêu vong. Và đó là kết cục đáng buồn của câu chuyện về An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy, là một câu chuyện đầy đau thương và ẩn chứa nhiều bài học ý nghĩa.

 

3. Phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy, mẫu số 3 (Chuẩn):

Nhà thơ Tố Hữu từng viết:

Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu
Trái tim nhầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu

Những câu thơ ấy của Tố Hữu đã gợi lên trong mỗi chúng ta thật nhiều suy nghĩ về truyện “An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy” - một trong số những truyền thuyết với những lời răn dạy có ý nghĩa sâu sắc và to lớn của nhân dân trong quá trình dựng nước, giữ nước và giải quyết mối quan hệ riêng chung.

Trước hết, truyền thuyết “An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy” đã tái hiện lại công cuộc xây thành, chế nỏ, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước của An Dương Vương. Để tiếp tục công cuộc dựng nước và giữ nước, vua An Dương Vương đã cho xây thành ở đất Việt Thường nhưng đáng tiếc thay, công cuộc xây thành lại gặp phải thật nhiều những khó khăn, thành cứ xây cao tới đâu là lại lở ngay đến đấy. Điều đó đã khiến cho An Dương Vương không khỏi suy nghĩ, lo lắng và vì vậy, ông đã cho “lập đàn trai giới, cầu đảo bách thần”. Dường như, cảm nhận được tấm lòng của An Dương Vương, ngày mồng bảy tháng ba có một cụ già từ phương Đông tới và được vua tiếp đón rất chu đáo, đồng thời, cụ già ấy đã nói với vua sẽ có sứ Thanh Giang tới giúp xây thành. Và quả nhiên, sau đó với sự giúp đỡ của Rùa Vàng - sứ Thanh Giang vua An Dương Vương đã có thể xây xong thành chỉ trong vòng nửa tháng. Hành động “lập đàn trai giới, cầu đảo bách thần” và sự tiếp đón niềm nở, nồng hậu của An Dương Vương xét đến cùng là biểu hiện ở tấm lòng trọng người hiền tài của ông. Không chỉ trọng người hiền tài, An Dương Vương còn là người luôn lo lắng, suy nghĩ cho vận mệnh, tương lai của đất nước. Điều này được thể hiện rõ nét qua câu hỏi của An Dương Vương với Rùa Vàng trước lúc từ biệt Rùa Vàng về với biển cả: “Nếu nay có giặc ngoài thì lấy gì mà chống?”. Khi được Rùa Vàng cho chiếc vuốt phòng khi có giặc ngoại xâm, An Dương Vương đã sai Cao Lỗ lấy chiếc vuốt làm thành lẫy nỏ. Và với chiếc nỏ thần này, về sau, khi Triệu Đà đưa quân sang xâm lược, quân và dân ta đã đánh thắng quân Triệu Đà, buộc chúng phải xin hòa. Chiến thắng của An Dương Vương trước quân Triệu Đà cho thấy sức mạnh quân sự cùng ý chí và tinh thần đoàn kết của nhân dân ta lúc bấy giờ. Như vậy, với những chi tiết tưởng tượng, kì ảo, truyện đã cho chúng ta thấy những công lao to lớn của An Dương Vương trong sự nghiệp xây dựng đất nước và chống giặc ngoại xâm.

Tuy nhiên, truyện không chỉ ngợi ca công lao to lớn của An Dương Vương mà nó còn cho chúng ta thấy được bi kịch nước mất nhà tan của vua An Dương Vương và bi kịch trong tình yêu của Mị Châu và Trọng Thủy. Trước hết, trong tác phẩm chúng ta thấy được bi kịch nước mất nhà tan. Sau chiến thắng trước quân Triệu Đà xâm lược, An Dương Vương đã mất cảnh giác, vô tình gả con gái của mình là Mị Châu và cho Trọng Thủy ở rể mà không nhận thấy được âm mưu của kẻ thù. Thêm vào đó, khi quân của Triệu Đà kéo sang xâm lược, An Dương Vương vẫn cậy có nỏ thần mà điềm nhiên ngồi chơi cờ, không chút lo lắng, chuẩn bị phòng ngự và đánh trả. Và để rồi, chính thái độ chủ quan, coi thường giặc này của An Dương Vương đã khiến cho ông nhanh chóng đi đến thất bại thảm hại. Cuối cùng, khi giặc đã kéo vào, vua An Dương Vương không còn có sự lựa chọn nào khác nên đành phải đem theo con gái lên lưng ngựa và chạy về phía hướng Nam. Nhưng thật đáng tiếc thay, khi ngồi trên lưng ngựa sau cha, Mị Châu vẫn rải áo lông ngỗng của mình làm dấu và để rồi quân giặc cứ thế đuổi theo. Đến cùng đường, không còn lối nào để chạy thoát, vua cha ngửa mặt lên trời, hét lớn, tìm sứ Thanh Giang, lúc đấy Rùa Vàng hiện lên và nói “kẻ ngồi sau lưng ngươi chính là giặc đấy’. Câu nói của Rùa Vàng như một lời kết tội đanh thép, đó cũng là lúc An Dương Vương nhận ra mọi thứ nhưng có lẽ đã quá muộn rồi, ông rút gươm và tự tay chém chết Mị Châu - người con gái mà ông nhất mực yêu thương. Hành động rút gươm và chém chết Mị Châu của An Dương Vương cho thấy sự tỉnh ngộ muộn màng của ông, đồng thời, qua đó cũng cho thấy ông là người luôn đứng về công lí, về lẽ phải và luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. 

Không chỉ dừng lại ở bi kịch nước mất nhà tan, trong tác phẩm tác giả dân gian còn thể hiện bi kịch trong tình yêu của Mị Châu và Trọng Thủy. Mị Châu là công chúa của một nước nhưng vì nhẹ dạ cả tin, nàng đã cưới Trọng Thủy và còn lén cho chàng xem trộm nỏ thần để rồi kết quả là bị Trọng Thủy tráo chiếc nỏ và kết quả cuối cùng là đất nước lâm vào cảnh khốn cùng. Không chỉ nhẹ dạ, cả tin, Mị Châu vì tình yêu mù quáng với Trọng Thủy nàng đã rải lông ngỗng làm áo dọc đường cùng cha bỏ trốn, khiến quân giặc đuổi theo và hai cha con nàng không còn đường để thoát thân. Như vậy, Mị Châu vì tình yêu mù quáng và sự cả tin với Trọng Thủy đã vô tình tiếp tay cho bọn giặc và có lẽ không sai khi Rùa Vàng gọi nàng là giặc. Yêu và tin Trọng Thủy nhưng đến cuối cùng, Mị Châu lại vô tình hại cha, hại đất nước, hại nhân dân vào cảnh khốn cùng, đấy chính là bi kịch của nàng. Không riêng gì Mị Châu, Trọng Thủy cũng là một nhân vật phải chịu bi kịch của tình yêu. Thoạt đầu, Trọng Thủy lấy Mị Châu chỉ để thực hiện ý đồ xâm lược của cha mình, để thực hiện âm mưu tráo nỏ thần về cho cha mình. Tuy nhiên, trong suốt quãng thời gian sống với Mị Châu ở Loa Thành, Trọng Thủy đã thực sự cảm mến tình yêu, sự hồn nhiên, ngây thơ của Mị Châu và yêu nàng. Nhưng giữa tham vọng lấy nỏ thần để đánh thắng nước Âu Lạc và khát vọng tình yêu không đi cùng một hướng, buộc Trọng Thủy phải lựa chọn. Chàng chấp nhận hi sinh tình yêu vì sự nghiệp của cha nhưng đến cuối cùng khi đã giành được chiến thắng, vì yêu Mị Châu và rất nhớ thương nàng, “lúc đi tắm tưởng tượng thấy bóng của Mị Châu chàng lao đầu xuống giếng mà chết”. Như vậy, tình yêu giữa Mị Châu và Trọng Thủy là một mối tình thắm thiết nhưng đầy éo le và bi kịch, không đem đến sự vẹn tròn cho các nhân vật.

Thêm vào đó, trong phần cuối của tác phẩm, tác giả dân gian còn thể hiện thái độ, cách đánh giá của mình đối với các nhân vật được kể đến. Trước hết, thông qua hình ảnh An Dương Vương “cầm sừng tê bảy tấc, Rùa Vàng rẽ nước dẫn vua xuống biển” tác giả đã bất tử hóa cái chết của An Dương Vương, từ đó, thể hiện sự kính trọng, yêu mến và có phần tiếc thương đối với vị vua này. Đồng thời, qua tác phẩm, nhân dân cũng thể hiện thái độ, tình cảm của mình đối với công chúa Mị Châu. Với chi tiết Mị Châu bị chính cha của mình chém chết dường như nhân dân đã lên tiếng phê phán Mị Châu vì nàng đã nhẹ dạ cả tin, nhẹ dạ cả tin mà làm lộ bí mật của dân tộc, tiếp tay cho kẻ thù thực hiện được âm mưu xâm lược của mình và bởi Mị Châu đã không thể rạch ròi, phân định được rõ ràng được mối quan hệ giữa tình nhà và nghĩa nước. Tuy nhiên, trong tác phẩm, nhân dân còn thể hiện thái độ đồng cảm, thương cảm trước nỗi oan và sự chung thủy trong tình yêu với Kim Trọng của Mị Châu. Và có lẽ, xuất phát từ tình cảm này nên nhân dân đã sáng tạo nên chi tiết máu Mị Châu hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch, nước giếng rửa ngọc thì ngọc càng sáng ra như để giải bớt nỗi oan tình cho Mị Châu.

Tóm lại, với việc sử dụng hàng loạt các chi tiết tưởng tượng thần kì, độc đáo, hấp dẫn,  truyền thuyết “An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy” đã nêu lên bài học sâu sắc về tinh thần cảnh giác với kẻ thù và cách để giải quyết tốt nhất mối quan hệ riêng chung. Đó là một bài học quan trọng và vẫn còn nguyên ý nghĩa cho đến ngày hôm nay.

------------------ HẾT --------------------

 An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thuỷ là một trong những bài học quan trọng trong chương trình Ngữ văn lớp 10, để tìm hiểu chi tiết về truyền thuyết này, bên cạnh bài Phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thuỷ, các em có thể tham khảo thêm các bài: Phân tích đoạn trích Ra-ma buộc tộiHãy tưởng tượng và tả lại một nhân vật trong truyện Tấm Cám, Phân tích truyện Tam đại con gàKhái quát đặc sắc về nội dung và nghệ thuật truyện Nhưng nó phải bằng hai mày,...

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-truyen-an-duong-vuong-va-mi-chau-trong-thuy-47943n.aspx

Tác giả: Công Lý     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thuỷ
Thái độ và tình cảm của nhân dân đối với nhân vật Mị Châu qua Truyện An Dương Vương và Mị Châu-Trọng Thuỷ
Dàn ý phân tích chi tiết giếng nước, ngọc trai trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thuỷ
Dàn ý phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thuỷ
Dàn ý bài học ứng xử của nhân dân qua truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thuỷ
Từ khoá liên quan:

Phan tich truyen An Duong Vuong va Mi Chau - Trong Thuy

, dan y phan tich truyen an duong vuong va mi chau, phan tich bai An Duong Vuong va Mi Chau - Trong Thuy,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới