Phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi trong bài thơ Khúc hát ru những em bé trên lưng mẹ

Trong bài thơ “Khúc hát ru những em bé trên lưng mẹ”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã tập trung miêu tả hình ảnh những người mẹ Tà – ôi trong công việc nương rãy vất vả đang tích cực lao động làm hậu phương cho kháng chiến, trên lưng là đứa con thơ đang say ngủ. Bằng những hiểu biết của mình, em hãy phân tích hình ảnh người mẹ Tà – ôi trong bài thơ Khúc hát ru những em bé trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm.

Đề bài: Phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi trong bài thơ Khúc hát ru những em bé trên lưng mẹ

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu
  1. Bài mẫu số 1
  2. Bài mẫu số 2

phan tich hinh anh nguoi me ta oi trong bai tho khuc hat ru nhung em be tren lung me

Phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi trong bài thơ Khúc hát ru những em bé trên lưng mẹ


I. Dàn ý Phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ


1. Mở bài

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
- Giới thiệu tác giả: Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu của giai đoạn kháng chiến chống Mỹ với một hồn thơ giàu suy tư với những cảm xúc dồn nén chất chứa trong từng câu thơ.
- Giới thiệu tác phẩm: “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ của ông.
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Xuyên suốt bài thơ người ta thấy hiện lên hình ảnh bà mẹ Tà ôi như một biểu tượng về người mẹ Việt Nam anh hung.
 

2. Thân bài

* Hình ảnh người mẹ hiện lên gắn liền với cuộc sống lao động thường ngày
- “Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội”  công việc của người mẹ không chỉ chăm lo cho cuộc sống gia đình mà còn là hậu phương phục vụ bộ đội kháng chiến.
- “Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng”  mẹ và em bé như đang cùng chung một nhịp đập, cùng nhau chia sẻ công việc khó nhọc.
- Cùng với các hình “lưng mẹ gầy”, “lưng đưa nôi”…  thể hiện sự vất vả cũng như tình cảm của người mẹ.

* Hình ảnh người mẹ vẫn tiếp tục gắn liền với công việc lao động, tăng gia sản xuất
- Nghệ thuật tương phản  không gian rộng lớn của núi rừng cũng như sự vất vả của người mẹ.
- Hình ảnh ẩn dụ “mặt trời”  vừa thể hiện rằng đứa con như là nguồn sống của người mẹ vừa khẳng định rằng đây chính là nguồn năng lượng lớn nhất, tiếp sức cho mẹ vượt qua biết bao gian truân, khó nhọc.

* Hình ảnh người mẹ được hiện lên nơi chiến trường
- Mẹ góp sức mình vào việc “chuyển lán”, “đạp rừng”…  công việc gian lao, vất vả.
- Hình ảnh em Cu – tai vẫn xuất hiện trên lưng mẹ  giấc ngủ của em theo chân mẹ tới mọi nẻo đường, cùng mẹ trải qua mọi khó khăn, gian khó.
 

3. Kết bài

- Bài thơ vừa thể hiện được tình cảm của tác giả vừa khiến người đọc thêm yêu những bà mẹ Việt Nam anh hung. 

 

II. Bài văn mẫu Phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ
 

1. Phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, mẫu số 1 (Chuẩn):

Chúng ta biết đến Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu trưởng thành trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Thơ của Nguyễn Khoa Điềm là một hồn thơ giàu suy tư với những cảm xúc dồn nén chất chứa trong từng câu thơ. “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ của ông. Xuyên suốt bài thơ người ta thấy hiện lên hình ảnh bà mẹ Tà ôi như một biểu tượng về người mẹ Việt Nam anh hung.

“Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” được sáng tác vào năm 1971 khi Nguyễn Khoa Điềm đang ở chiến khu phía Tây Thừa Thiên. Đến năm 1984, bài thơ được in trong tập “Đất và khát vọng”. Với giọng thơ nhẹ nhàng, tha thiết như một lời ru đã giúp người đọc thấy được tình cảm trìu mến của người mẹ dành cho con của mình.

Trong “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” hình ảnh người mẹ hiện lên gắn liền với cuộc sống lao động thường ngày:

"Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội,
Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng.
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi,
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối,
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:"

Đầu tiên hình ảnh người mẹ gắn liền với công việc làm nương rẫy, chăm lo cho cuộc sống của bộ đội kháng chiến. Để có được hạt gạo trắng ngần, có được những bữa cơm nóng hổi nuôi bộ đội, người mẹ phải làm lụng vất vả, phải đổ biết bao mồ hôi công sức. Dù không trực tiếp tham gia chiến trường thế nhưng người mẹ đã làm hết sức mình nơi hậu phương để có thể góp phần làm nên chiến thắng của nhân dân ta. Cái hay, cái đẹp của đoạn thơ còn ở chỗ hình ảnh lao động của người mẹ gắn liền với giấc ngủ của con thơ “nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng”. Đây vừa là hình ảnh tả thực em bé được địu trên lưng mẹ vừa vô cùng ấm áp, thiêng liêng bởi nó đem đến cho người đọc cảm giác người mẹ và em bé như đang cùng chung một nhịp đập, cùng nhau chia sẻ công việc khó nhọc này. Dù đang ngủ say giấc nhưng dường như em Cu – tai cũng đang cảm nhận được sự vất vả của mẹ: “Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi”. Đặc biệt hình ảnh tả thực đôi vai gầy của mẹ cũng thể hiện được tình thương, nỗi vất vả của mẹ. Người mẹ ấy vừa phải chăm lo cho đứa con thơ của mình, vừa phải gánh trên vai trọng trách tiếp tế lương thực nơi chiến trường vậy mà trái tim của mẹ vẫn dành cho con tình yêu thương hết mực, vẫn hang say lao động bằng tất cả tình thương của mình.

Ở những câu thơ sau hình ảnh người mẹ vẫn tiếp tục là hình ảnh người mẹ gắn liền với lao động sản xuất:

-" Mẹ đang trỉa bắp trên núi Ka-lưi
Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ,"

-" Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi,
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng."

Trước hết, ta có thể thấy Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng rất thành công thủ pháp tương phản để vừa làm nổi bật không gian mênh mông rộng lớn của núi rừng vừa thể hiện sự vất vả khó nhọc của người mẹ. So với không gian mênh mông rộng lớn kia thì hình ảnh người mẹ trông thật nhỏ bé ấy vậy mà nó vẫn bừng sáng khắp không gian. Người mẹ không chỉ tích cực tham gia tang gia sản xuất mà còn mang trên vai “mặt trời” của mẹ với tất cả tình cảm yêu thương, chăm sóc. Hình ảnh ẩn dụ này vừa thể hiện rằng đứa con như là nguồn sống của người mẹ vừa khẳng định rằng đây chính là nguồn năng lượng lớn nhất, tiếp sức cho mẹ vượt qua biết bao gian truân, khó nhọc.

Và rồi từ vị trí hậu phương vững chắc ta đã thấy hình ảnh người mẹ được hiện lên nơi chiến trường, được tham gia vào kháng chiến một cách trực tiếp hơn:

 "Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng.
Thằng Mỹ đuổi ta phải rời con suối
Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông,
Mẹ địu em đi để dành trận cuối.
Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường,
Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn."

Khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất thì mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp không phân biệt già, trẻ, lớn, bé đều đứng dậy cầm súng ra trận thì người mẹ ấy cũng góp sức mình vào việc “chuyển lán”, “đạp rừng”… Đây là những công việc còn khó khăn gấp trăm lần vậy mà hình ảnh đứa con vẫn xuất hiện trên lưng mẹ. Giấc ngủ của em theo chân mẹ tới mọi nẻo đường, cùng mẹ trải qua mọi khó khăn, gian khó. Lúc này đây đứa con không chỉ là nguồn sống, là nguồn sức mạnh mà nó còn như một người bạn cùng mẹ vượt qua mọi nẻo đường.

Có thể thấy hình ảnh người mẹ Tà – ôi hiện lên thật chân thực nhưng cũng rất tình trong những vần thơ của Nguyễn Khoa Điềm. Đó là một người mẹ tần tảo sớm hôm, một người mẹ sẵn sàng hy sinh cho kháng chiến, một người mẹ với niềm tin mãnh liệt vào sự toàn thắng của dân tộc, một người mẹ với tình yêu thương con hết mực – một người mẹ anh hung.

Qua “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” ta không chỉ thấy được tình cảm của nhà thơ mà còn thấy yêu thêm biết bao bà mẹ Việt Nam hung khác trên khắp dải đất hình chữ S này.

 

2. Phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, mẫu số 2:

Một trong những tình cảm thiêng liêng, cao quý, thắm thiết sâu nặng nhất của con người không gì ngoài tình mẫu tử. Vẻ đẹp của thứ tình cảm thiêng liêng sâu sắc ấy đã từng được nhiều nhà văn, nhà thơ đưa vào trong tác phẩm của mình như một chủ đề quen thuộc, gần gũi và nhiều ý nghĩa. Cùng chung mạch cảm xúc ấy, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lại có những hướng đi riêng, những sáng tạo mới, khơi nguồn những miền cảm xúc mới để đưa vào tác phẩm của mình, đó là là bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, mà cốt lõi là hình ảnh người mẹ Tà-ôi đi xuyên suốt cả tác phẩm.

Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943, tại Huế, ông là một nhà thơ, nhà chính trị Việt Nam. Sáng tác của ông bao gồm một số tác phẩm tiêu biểu như tập thơ Đất và khát vọng, Đất ngoại ô, Mặt đường khát vọng,... Nguyễn Khoa Điềm là một trong những gương mặt tiêu biểu của các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ, thơ của ông là sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng về đất nước về nhân dân, về những con người bình dị không ai nhớ mặt đạt tên đã làm ra đất nước.

Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác ở chiến khu phía Tây Thừa Thiên vào ngày 25/3/1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang dần đi đến thắng lợi, tuy nhiên đời sống chiến đấu của quân dân ta còn nhiều khó khăn gian khổ. Bài thơ được in trong tập Đất và khát vọng (1984), là sự kết hợp giữa thể thơ tám chữ và một số câu 7 chữ, âm điệu của bài thơ nhẹ nhàng, như ôm ấp, vỗ về của một lời ru, chính giọng điệu trữ tình này đã thể hiện được tình cảm thiết tha trìu mến cảu người mẹ đối với con, đối với cách mạng, với đất nước, quê hương.

Bài thơ là những lời ru thiết tha trìu mến, những lời ru như thủ thỉ, tâm tình như vỗ về ôm ấp, giấc ngủ của em cu Tai và cũng là giấc ngủ của biết bao nhiêu đứa trẻ lớn trên lưng mẹ. Nhưng điều đặc sắc hơn cả đó là thông qua những lời ru dịu êm, thiết tha, trìu mến ấy đã làm hiện dần lên hình ảnh người mẹ Tà-ôi. Người mẹ hiện lên trong biết bao công việc trong cuộc sống lao động thường ngày.

"Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội,
Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng.
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi,
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối,
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:"

Đầu tiên là hình ảnh người mẹ Tà-ôi hiện lên trong công việc giã gạo nuôi bộ đội kháng chiến, đây là một công việc hết sức vất vả và nặng nhọc, để có thể làm ra được hạt hạo trắng ngần, thơm tho những người dân đã phải đổ biết bao mồ hôi công sức. Người mẹ Tà-ôi ở đây trong công việc giã gạo không chỉ là làm ra hạt gạo nuôi sống chính bản thân mà còn là những hạt gạo được chắt chiu trân trọng để nuôi bộ đội, đóng góp cho cuộc kháng chiến sắp đi đến thắng lợi của nhân dân ta. Như vậy, chỉ trong một công việc tưởng chừng như hết sức bình dị này thì người mẹ Tà-ôi đã hiện lên với một hình ảnh lớn lao, cao cả khi biết đóng góp những thứ vật chất nhỏ bé cho kháng chiến, trở thành hậu phương vững chắc cho cách mạng, điều đó là đáng quý biết bao. Hình ảnh "nhịp chày nghiêng" và "giấc ngủ em nghiêng" cho ta cảm giác dường như cả hai mẹ con đều cùng chung một nhịp, đó là nhịp chày giã gạo, nhịp điệu lao động của người mẹ. Giấc ngủ của em cu Tai luôn gắn liền với công cuộc lao động vất vả, chịu thương chịu khó, tần tảo sớm trưa của mẹ mình. Đặc biệt có những chi tiết tác giả dùng đặc tả nỗi vất vả của người mẹ như "Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi", ta như cảm nhận được những giọt mồ hôi như mưa, mặn đắng nỗi vất vả nhọc nhằn mà cả chính em cu Tai cũng cảm nhận được. Hình ảnh "Vai mẹ gầy" như đã bộc lộ cả cái cảm nhận của những đứa trẻ trong ngủ trên lưng mẹ, cũng là tình thương trước cái nỗi vất vả, nhọc nhằn, kham khổ, vắt kiệt sức lực khiến người mẹ phải gầy gò, lam lũ. Người mẹ ấy hy sinh nhiều vô kể, mang nặng đẻ đau, đôi tay tảo tần giã gạo, đôi làm chiếc gối, tấm lưng làm chiếc nôi và hát ru con ngủ bằng cả trái tim yêu thương tràn đầy.

Hơn thế nữa, người mẹ cũng là một trong những người dân tham gia lao động sản xuất ở chiến khu, đang bám từng tấc đất để vừa lao động tăng gia sản xuất, vừa phục vụ kháng chiến. Nguyễn Khoa Điềm đã gợi lên hình ảnh ảnh người mẹ thông qua những câu thơ sau:

-" Mẹ đang trỉa bắp trên núi Ka-lưi
Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ,"

-" Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi,
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng."

Ở đây, nhà thơ đã vận dụng rất thành công thủ pháp tương phản để làm nổi bật sự lớn lao mênh manh của núi rừng, đồng thời làm nổi bật được hình ảnh vất vả tảo tần của người mẹ. Tấm lưng mẹ tuy nhỏ nhắn nhưng bền bỉ thậm chí còn kiêu hãnh hơn lưng núi, bởi trên lưng mẹ có "mặt trời" là người con yêu thương, đây là hình ảnh ẩn dụ gợi lên thật sâu sắc, cảm động tình mẹ yêu con. Con là nguồn sống, là năng lượng tiếp sức cho mẹ trong công việc lao động vất vả, cũng giống như ánh mặt trời là nguồn sống, chiếu sáng cho cây bắp được sinh tồn và phát triển.

Đặc biệt hơn hết, ta còn thấy hình ảnh của người mẹ hiện lên trên chiến trường, hình ảnh này là một sự phát triển tất yếu của người mẹ từ vị trí hậu phương, phục vụ kháng chiến thầm lặng, thì hôm nay mẹ tham gia vào cuộc kháng chiến một cách mạnh mẽ hơn, trực tiếp hơn, mẹ giúp bộ đội "chuyển lán", "đạp rừng", "giành trận cuối" với quân Mỹ trong kháng chiến.

"Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng.
Thằng Mỹ đuổi ta phải rời con suối
Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông,
Mẹ địu em đi để dành trận cuối.
Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường,
Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn."

Trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến ngày càng trở nên ác liệt hơn, mọi tầng lớp, lứa tuổi đều đứng dậy cầm vũ khí để đấu tranh, thì người mẹ cũng giã từ góc sân giã gạo, ngọn đồi tỉa bắp để tham gia trực tiếp và cuộc kháng chiến, mẹ đi "chuyển lán", mẹ đi "đạp rừng" vốn là những công việc còn khó khăn, gian khổ gấp trăm lần. Nhưng người mẹ ấy vẫn địu đứa con của mình ở trên lưng, mẹ đi đến đâu giấc ngủ của con theo tới ấy, mẹ cùng con đi "giành trận cuối", đi ra chiến trường, băng rừng lội suối vượt cả Trường Sơn. Có thể thấy người mẹ và đứa con luôn gắn bó song hành cùng nhau ở mọi hoàn cảnh, nương tựa vào nhau cùng chiến đấu với niềm tin một ngày mai cách mạng giành chiến thắng.

Hình ảnh người mẹ Tà-ôi hiện lên trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm thật thú vị và đặc sắc, tiêu biểu cho những người phụ nữ anh hùng chịu thương chịu khó, phục vụ cho cách mạng, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu thương con sâu sắc luôn tràn đầy trong trái tim ấm nóng. Trong tâm hồn người mẹ luôn tồn tại một niềm tin mãnh liệt rằng mai đây đất nước lại hòa bình, con của mẹ sẽ sống trong hạnh phúc và tự do, thì ngày hôm nay đây mẹ vất vả đến bao nhiêu cũng là xứng đáng.

------------------HẾT-------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-hinh-anh-nguoi-me-ta-oi-trong-bai-tho-khuc-hat-ru-nhung-em-be-tren-lung-me-41761n.aspx
Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ là bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, bên cạnh bài làm văn Phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi trong bài thơ Khúc hát ru những em bé trên lưng mẹ, học sinh và giáo viên cùng tham khảo các bài làm văn mẫu, Cảm nghĩ về bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Phân tích bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Nêu cảm nhận về bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Cảm nhận của em về tình yêu con và lòng yêu nước, gắn bó với cách mạng của người mẹ Tà-ôi trong những lời ru ở bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, và cả những phần Soạn bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ.

Tác giả: Trần Hoạt     (3.3★- 4 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích giá trị biểu cảm của những câu thơ sau: Mẹ đang tỉa bắp ... em nằm trên lưng
Cảm nhận đoạn thơ sau trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ: "Em Cu Tai... nằm trên lưng"
Cảm nghĩ về bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ
Soạn Tiếng Việt lớp 4 - Tập đọc Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, trang 48 SGK
Qua hình tượng con cò trong những câu hát ru, tác giả muốn nói về điều gì?
Từ khoá liên quan:

phan tich hinh anh nguoi me ta-oi trong bai tho khuc hat ru nhung em be tren lung me

, hinh anh nguoi me ta oi trong bai tho khuc hat ru nhung em be lon tren lung me, cam nhan cua em ve hinh anh nguoi me trong bai tho khuc hat ru nhung em be lon tren lung me,

SOFT LIÊN QUAN
  • Cảm nghĩ về người mẹ thân yêu của em

    Bài văn mẫu lớp 7 về mẹ

    Cảm nghĩ về người mẹ thân yêu của em là đề bài tập làm văn trong tài liệu bài văn mẫu lớp 7, được rất nhiều các em học sinh quan tâm tìm hiểu. Để làm tốt bài tập làm văn biểu cảm về mẹ, nêu cảm nghĩ về mẹ của em các bạn học sinh lớp 7 có thể tham khảo các bài văn mẫu lớp 7 hay nhất nêu cảm nghĩ về người mẹ được Taimienphi.vn sưu tầm và đăng tải dưới đây, giúp các em có thêm nhiều ý tưởng mới để hoàn thiện bài tập làm văn của mình.

Tin Mới