Phân tích hành động cởi trói của Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

Một trong những chi tiết đắt giá nhất ở truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” chính là cảnh Mị cởi trói cho A Phủ. Mời em tham khảo bài mẫu Phân tích hành động cởi trói của Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn để hiểu hơn ý nghĩa của chi tiết ấy nhé!

Đề bài: Phân tích hành động cởi trói của nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ.

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Văn mẫu.
  1. Bài mẫu số 1.
  2. Bài mẫu số 2.

phan tich hanh dong coi troi cua mi trong vo chong a phu cua to hoai

Phân tích cảnh Mị cởi trói cho A phủ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

 

I. Dàn ý Phân tích hành động cởi trói của Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài ngắn gọn


1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài.
- Nêu sơ lược về hành động cởi trói cứu A Phủ của nhân vật Mị.


2. Thân bài

a. Giới thiệu khái quát về nhân vật Mị

- Trước khi về làm dâu nhà thống lí: Xinh đẹp, có tài thổi sáo, có niềm yêu đời,...
- Sau khi bị A Sử bắt về làm về: Mị bị trói buộc, áp bức.

b. Phân tích diễn biến tâm lí dẫn đến hành động cởi trói cứu A Phủ trong đêm đông của Mị

- Tâm trạng của Mị trước đêm cứu A Phủ
- Tâm trạng của Mị khi nhìn thấy giọt nước mắt lấp lánh bò xuống hõm má đã xám đen của A Phủ
- Hành động cắt dây cởi trói:
+ Từ thương mình đến thương người
+ Mị đứng lặng trong bóng tối và sau đó vụt chạy theo A Phủ

c. Ý nghĩa của hành động cởi trói cứu A Phủ trong đêm đông của Mị

- Hành động cắt dây cởi trói diễn ra dứt khoát và quyết liệt cho thấy nhân vật đã tự giải thoát bản thân thoát khỏi sự trói buộc của cường quyền.
- Thể hiện rõ sự trỗi dậy mạnh mẽ của sức sống tiềm tàng trong tâm hồn nhân vật Mị
- Khẳng định tài năng miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật của nhà văn Tô Hoài.


3. Kết bài

Khẳng định ý nghĩa hành động cởi trói của Mị đối với giá trị nhân đạo của tác phẩm

 

II. Bài văn mẫu Phân tích hành động cởi trói của Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

 

1. Bài mẫu Phân tích hành động cởi trói của Mị trong Vợ chồng A Phủ hay nhất số 1

1.1. Dàn ý Phân tích chi tiết Mị cởi trói cho A Phủ:
1.1.1. Mở bài:

- Giới thiệu về tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài.
- Giới thiệu về chi tiết Mị cởi trói cho A Phủ.
1.1.2. Thân bài:
a) Giới thiệu về hoàn cảnh của nhân vật Mị và A Phủ:

- Nhân vật Mị:
+ Bị bắt về làm dâu nhà thống lí Pá Tra.
+ Phải làm việc quần quật cả ngày, "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa".
- Nhân vật A Phủ:
+ Vì đánh nhau với A Sử mà bị bắt đi phạt vạ, ở nợ cho nhà thống lí Pá Tra.
+ Vì làm mất bò, A Phủ bị phạt "dựa lưng vào cái cột trong góc nhà rồi lấy dây mây quấn từ chân đến vai, chờ đến khi nào bắn được hổ mới tha". 
=> Cả Mị và A Phủ đều bị thống lí Pá Tra bóc lột, không có được tự do. 
b) Những đêm trước khi cởi trói cho A Phủ:
- Đêm nào Mị cũng dậy hơ tay, hơ lưng. Thấy A Phủ bị trói, Mị vẫn thản nhiên, thờ ơ.
- Có đêm A Sử về liền đánh Mị nhưng đêm sau Mị vẫn ra sưởi lửa.
-> Dưới sự đàn áp của nhà thống lí, Mị đã trở nên vô cảm với những hoàn cảnh, số phận đau khổ giống mình, coi đó là điều bình thường mà những người như cô phải chịu đựng.
c) Hành động cởi trói của Mị:
- Mị thấy "dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại" của A Phủ:
+ Mị nhớ lại đêm bị  A Sử trói -> Lòng đồng cảm xuất hiện.
+ Nhận thấy rằng "Chúng nó thật độc ác".
+ Suy nghĩ "Người kia việc gì mà phải chết thế, A Phủ…".
=> Tình yêu thương người đồng cảm ngộ và căm ghét bọn thống lí đã quay trở lại trong con người Mị -> Cô không còn lạnh lùng, vô cảm nữa.
- Mị nhớ lại đời mình, nghĩ rằng mình sẽ bị trói thay A Phủ và chết trên cái cọc ấy -> Mị không sợ -> Từ thương bản thân mình, Mị đã thương cả người khác. Tình thương ấy còn lớn hơn cả nỗi sợ cái chết => Sự sống dậy những suy nghĩ, bản tính tốt đẹp trong con người Mị. 
- Hành động cởi trói:
+ Mị rón rén bước lại.
+ Mị rút con dao nhỏ cắt nút dây mây.
+ Đến khi cởi hết dây trói, mị cũng hốt hoảng thì thào "Đi ngay…"
- Ý nghĩa của hành động cởi trói:
+ Sợi dây mây cũng như sợi dây cường quyền trói buộc Mị và A Phủ. Sau khi cắt nó đi, họ cũng đã tự giải thoát cho bản thân.
+ Thể hiện rõ sự thay đổi mạnh mẽ trong sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị. Tưởng sau bao nhiêu năm sống trong nhà thống lí Pá Tra, cô đã trở nên thờ ơ, vô cảm, tha hóa nhưng hóa ra, trong Mị vẫn là lòng thương người cùng khát vọng sống, sức phản kháng mãnh liệt. 
d) Nghệ thuật:
- Tình huống truyện độc đáo.
- Nghệ thuật miêu tả diễn biến nhân vật tài tình.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật cá tính, hấp dẫn.
- Lối kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn. 
1.1.3. Kết bài:
- Khái quát lại về ý nghĩa của hành động cởi trói.
- Khẳng định tài năng của tác giả Tô Hoài.

1.2. Bài mẫu Phân tích hành động cởi trói của Mị trong Vợ chồng A Phủ:

Truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" được trích từ tập "Truyện Tây Bắc" - một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Tô Hoài. Ông đã đưa những nét đặc sắc về phong tục tập quán, văn hóa, lối sống của người dân tộc miền núi phía Bắc vào tác phẩm một cách đầy hấp dẫn, lôi cuốn. Thế nhưng, nổi bật nhất ở tập truyện này chính là khát vọng thoát khỏi chế độ cường quyền, vươn tới tự do của con người. Mị - nhân vật trung tâm của truyện cũng có hành động cắt dây cởi trói cho A Phủ. Hành động ấy đã thể hiện rất rõ ràng khao khát này.

Mị là một cô gái xinh đẹp nhưng nhà nghèo, bị bắt về làm dâu cho nhà thống lí Pá Tra để trừ nợ. Tuy mang tiếng là con dâu nhưng cô phải làm việc quần quật cả ngày cả đêm mà cũng chưa bao giờ hết việc. Dần dần, cô đã mất đi dáng vẻ hoạt bát vốn có. Thay vào đó, Mị trở nên "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Cũng có đêm tình mùa xuân, cô muốn đi chơi nhưng lại bị chồng mình là A Sử trói đứng vào cột không cho đi. Sức sống vừa trỗi dậy lại bị vùi dập một cách dã man càng khiến Mị trở nên thờ ơ, lạnh nhạt với cuộc đời. 

A Phủ là người làng khác nhưng đánh nhau với A Sử - con trai thống lí, thành ra bị phạt vạ trăm bạc trắng, vì không có tiền trả nên cũng đành ở nợ cho nhà Pá Tra. Trong một lần sơ ý để hổ bắt mất bò, A Phủ bị "bắt dựa lưng vào cái cột trong góc nhà rồi lấy dây mây quấn từ chân đến vai, chờ đến khi nào bắn được hổ mới tha". Thế nhưng mãi vẫn chưa bắt được, A Phủ vẫn bị trói đứng ở đó. Ta thấy được rằng cả hai nhân vật Mị và A Phủ đều đã từng là những con người tự do nhưng vì hoàn cảnh xô đẩy mà họ phải đến ở và làm việc cho nhà thống lí. Công việc nặng nhọc, bị đánh đập, chèn ép dã man khiến họ dần chẳng còn sức để phản kháng. 

Những đêm mùa đông, Mị không ngủ được vì lạnh, đêm nào cô cũng dậy nổi lửa để hơ tay, hơ lưng. Thấy A Phủ bị trói, Mị vẫn thản nhiên như không, chỉ biết rằng người đàn ông đó vẫn còn sống. Nhìn thấy người bị trói đứng ngay trước mặt mình mà vẫn có thể  làm ngơ, chắc hẳn Mị đã quá quen với điều đó. Dưới sự đàn áp của nhà thống lí, Mị đã trở nên vô cảm với hoàn cảnh, số phận đau khổ giống mình, coi đó là điều bình thường mà những người như cô phải chịu đựng. Thậm chí, cô còn chai lì đến độ khi bị A Sử đánh hôm trước, hôm sau cô vẫn ra ngồi sưởi lửa như không có gì. Dường như tất cả những điều đau đớn ngoài kia đều chẳng ảnh hưởng được đến Mị.

Thế nhưng, "dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại" của A Phủ đã thay đổi Mị. Cô bỗng nhớ lại đêm tình mùa xuân, cô cũng bị A Sử trói đứng như thế. Dường như cảm giác đau đớn khi bị dây mây quấn quanh mình siết chặt xuất hiện, Mị cảm thấy "Chúng nó thật độc ác". Cô nghĩ lại thân phận mình, mình đã bị cúng trình ma, đã coi như người ở nhà này, có chết ở đây cũng được, thế nhưng "Người kia việc gì mà phải chết thế, A Phủ…". Mị đã không còn lạnh lùng, vô cảm nữa. Cô nhớ lại cuộc đời mình, nghĩ rằng nếu mình cởi trói cho A Phủ thì sẽ bị cha con nhà thống lí trói thay vào đó rồi chết trên cái cọc ấy. Thế nhưng cô không sợ. Từ thương mình, cô đã thương cả những người khác có cùng cảnh ngộ. Tình thương ấy vượt lên cả nỗi sợ hãi về cái chết. Chính "giọt nước mắt" của A Phủ đã làm sống dậy những suy nghĩ, bản tính tốt đẹp đã bị vùi lấp đi trong lòng Mị bấy lâu nay. 

Hành động cởi trói của Mị chỉ diễn ra sau một vài ý nghĩ như thế. "Mị rón rén bước lại", rút con dao nhỏ cắt nút dây mây rồi cởi trói cho A Phủ, thì thào "Đi ngay…". Sợi dây mây trói A Phủ cũng tượng trưng cho sợi dây cường quyền trói buộc Mị và A Phủ. Nó siết chặt hai con người này lại, khiến họ phải chịu nhiều đau đớn, khổ sở. Hành động cắt dây cởi trói của Mị cũng đã cắt luôn cả những ngày tháng bị đàn áp. Từ đây, họ đã tự cứu lấy chính mình, giải thoát bản thân khỏi chốn địa ngục trần gian. Những suy nghĩ và hành động của Mị được diễn ra rất nhanh, thể hiện sức sống tiềm tàng trong nhân vật được trỗi dậy. Tưởng sau bao nhiêu năm sống trong nhà thống lí Pá Tra, cô đã trở nên chai lì. Thế nhưng, sâu trong tâm hồn Mị vẫn còn ngọn lửa của khát vọng tự do, chỉ chờ thời cơ là sẽ sáng bừng lên rực rỡ. 

Với cách xây dựng tình huống truyện độc đáo và lối kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn, nhà văn Tô Hoài đã cho người đọc thấy được khát vọng được thoát khỏi xiềng xích, hướng tới tự do của người dân Tây Bắc. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tài tình cũng đã góp phần khiến cho cảnh cởi trói mang nhiều ý nghĩa tượng trưng, bộc lộ sự phát triển tính cách nhân vật Mị đầy hợp lí. 

Vậy là, qua cảnh Mị cởi trói cho A Phủ, người đọc đã thấy được tài năng của tác giả Tô Hoài cũng như vẻ đẹp tâm hồn của người dân Tây Bắc. Tuy họ đều bị áp bức, bóc lột, làm trâu ngựa cho nhà thống lí đến mức trở nên tha hóa, thờ ơ, vô cảm trước cuộc đời. Thế nhưng, trong mỗi người đều tiềm tàng sức mạnh phản kháng, chỉ cần thời cơ thích hợp, họ sẽ đứng dậy đập tan xiềng xích, chiến đấu để giành lại tự do.

 - - - - - - - - - - - - - - - - - - -  HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Hành động cởi trói của nhân vật Mị đã thể hiện giá trị nhân đạo đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Mời em tham khảo thêm các bài mẫu khác của tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" trên Taimienphi.vn như:  Tấm lòng của nhà văn Tô Hoài với đồng bào miền núi qua Vợ chồng A Phủ, Phân tích Giá trị hiện thực truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân trong Vợ chồng A PhủPhân tích Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, mở bài Vợ chồng A Phủ. Các em cũng nên tham khảo bài tóm tắt Vợ chồng A Phủ để nắm bắt khái quát nội dung của tác phẩm cũng như cách viết mở bài Vợ chồng A Phủ để hoàn thiện bài phân tích Vợ chồng A Phủ của mình. 

 

2. Bài mẫu Phân tích hành động cởi trói của Mị trong Vợ chồng A Phủ hay ngắn của học sinh giỏi số 2

"Vợ chồng A Phủ" là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn Tô Hoài. Bằng tình yêu và vốn hiểu biết sâu rộng về nền văn hóa cùng phong tục tập quán của nhiều miền đất, tác giả đã đưa độc giả khám phá cuộc sống của con người Tây Bắc một cách chân thực, sinh động. Thông qua tác phẩm, độc giả có thể thấy được bức tranh thiên nhiên núi rừng với vẻ đẹp thơ mộng cũng như cuộc sống lao động và số phận của con người dưới ách áp bức của cường quyền bạo lực cùng sự trói buộc của thần quyền lạc hậu. Tuy nhiên, nổi bật hơn cả là khúc ca về khát vọng tự do và sức sống tiềm tàng của người dân lao động Tây Bắc được thể hiện tập trung qua nhân vật Mị, đặc biệt là hành động cắt dây cởi trói cho A Phủ của Mị.

Bằng những lời giới thiệu độc đáo, tác giả Tô Hoài đã từ từ gợi mở về số phận của một người con gái đẹp nhưng thân phận lại "không bằng con trâu, con ngựa" trong nhà thống lí Pá Tra: "Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy một cô gái quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa". Ít ai có thể ngờ rằng, Mị từng là cô gái trẻ đẹp, thổi sáo rất giỏi với niềm yêu đời, yêu cuộc sống tự do và là niềm mơ ước của biết bao chàng trai. Mị chính là hiện thân cho vẻ đẹp của người thiếu nữ núi rừng Tây Bắc qua vẻ đẹp vừa tự nhiên, vừa khoáng đạt. Tuy nhiên, người con gái xinh đẹp, tài năng đó lại trở thành nạn nhân của hủ tục và cường quyền bạo lực. Sau khi bị A Sử bắt về, Mị bị trói buộc, áp bức về cả thể xác lẫn tinh thần và chỉ được xem như một công cụ lao động, sống qua ngày âm thầm như một cái bóng.

Trước đêm cứu A Phủ, đã có lần sức sống tiềm tàng trong Mị trỗi dậy. Đó là khi ánh sáng le lói của niềm ham sống lắng nghe, cảm nhận được tiếng sáo gọi bạn tình vang vọng khiến tâm hồn của Mị "thiết tha bổi hổi". Sự đổi thay của ngoại cảnh khi mùa xuân đến cùng hơi men rượu cay nồng cũng là chất xúc tác khiến Mị "phơi phới trở lại" và nhận thức được "Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi". Tuy nhiên, khao khát vừa mới chớm nở đó của Mị đã bị A Sử dập tắt.

Trước cảnh tượng A Phủ bị trói, ban đầu Mị hoàn toàn dửng dưng, vô cảm và lãnh đạm, bởi Mị đã quá quen với những cảnh áp bức bóc lột mà cha con thống lí Pá Tra gây ra. Tuy nhiên, khi nhìn thấy dòng nước mắt lấp lánh "chảy xuống gò má đã xám đen lại" của A Phủ thì dòng nội tâm của của cô gái "Sống lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi" đột nhiên có những giằng xé và chuyển biến dữ dội. Ban đầu, sự đồng cảm và tình yêu thương trỗi dậy trong tâm hồn của một cô gái tưởng chừng như đã tê liệt cảm giác về sự sống. Mị nhớ lại đêm mà A Sử tàn nhẫn trói Mị, Mị thương mình và thương người. Mị thoáng nghĩ đến hình phạt mà Mị sẽ phải gánh chịu khi cắt dây cởi trói cho A Phủ, nhưng rồi, tình yêu thương, sự đồng cảm đã chiến thắng và trở thành động lực thúc đẩy Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ. Sau hành động liều lĩnh đó, Mị đứng lặng trong bóng tối và vụt chạy theo A Phủ, giải thoát bản thân thoát khỏi hủ tục thần quyền và ách áp bức bóc lột của cha con thống lí Pá Tra.

Hành động cắt dây cởi trói diễn ra dứt khoát và quyết liệt cho thấy nhân vật đã tự giải thoát bản thân thoát khỏi sự trói buộc của cường quyền. Đồng thời, thể hiện rõ sự trỗi dậy mạnh mẽ và sức sống tiềm tàng trong tâm hồn nhân vật Mị. Nếu như trong đêm tình mùa xuân, ý thức về sự sống, về tuổi xuân mới chỉ chớm nở thì hành động cắt dây cởi trói cho A Phủ đã thể hiện rõ ngọn lửa của sức phản kháng táo bạo vẫn luôn âm ỉ trong tâm hồn Mị, bởi "cái cọc" và "dây mây" - hai dụng cụ được sử dụng để trói A Phủ chính là hình ảnh ẩn dụ cho ách thống trị và bản chất tàn bạo của bọn cường quyền, bọn chúa đất miền núi. Bởi vậy, hành động cắt dây mây cởi trói cho A Phủ chính là hành động thể hiện khát vọng tự do vẫn luôn ẩn sâu trong tâm hồn của cô gái tưởng chừng như đã mất đi ý niệm về cuộc đời. Qua đó, chúng ta có thể thấy được tài năng của nhà văn Tô Hoài trong việc miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật. Từ đêm tình mùa xuân đến đêm cắt dây cởi trói cho A Phủ là một hành trình mang tính quy luật để tìm lại chính mình và tự giải thoát bản thân thoát khỏi "gông xiềng" của cường quyền.

Như vậy, qua hành động cắt dây cởi trói cho A Phủ của Mị, chúng ta có thể thấy được sức sống tiềm tàng mãnh liệt luôn tồn tại trong tâm thức của cô gái ham sống và yêu tự do mà không một "gông xiêng", sợi dây nào có thể trói buộc và dập tắt. Đó cũng chính là một trong những yếu tố làm nên giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc của tác phẩm "Vợ chồng A Phủ".

-----------------HẾT-------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-hanh-dong-coi-troi-cua-mi-trong-vo-chong-a-phu-cua-to-hoai-48299n.aspx
Hành động cởi trói cho A Phủ là đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ nhất của sức sống tiềm tàng bên trong con người Mị, tìm hiểu chi tiết về nhân vật Mị cũng như truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, bên cạnh bài Phân tích hành động cởi trói của Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, các em học sinh có thể tìm đọc thêm nhiều bài văn mẫu khác.

Tác giả: An Nguy     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân
Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài hay
Trong chuyện vợ chồng A Phủ của Tô Hoài vợ vủa A Phủ là gì?
Dàn ý phân tích Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
Phân tích Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài hay nhất của học sinh giỏi
Từ khoá liên quan:

Phan tich hanh dong coi troi cua Mi trong Vo chong A Phu

, phan tich canh mi cat day troi cho a phu, phan tich mi trong dem cat day coi troi cho a phu,

SOFT LIÊN QUAN
  • Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị

    Hướng dẫn phân tích truyện Vợ Chồng A Phủ

    Mị là nhân vật chính trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài với những nét tính cách đặc trưng cho người phụ nữ miền núi Tây Bắc, nổi bật trong đó là sức mạnh phản kháng, sức sống tiềm tàng mãnh liệt, cùng Phân tích sức sống tiềm tàng ở nhân vật Mị để thấy được dụng ý nghệ thuật của nhà văn trong việc khắc họa hình tượng nhân vật này.

Tin Mới