Cảm nhận về đoạn trích: "Con sóng dưới lòng sâu... Cả trong mơ còn thức"

Tình yêu và nỗi nhớ, khao khát được yêu chính là mạch nguồn cảm xúc tuôn chảy trong thơ Xuân Quỳnh. Hãy cùng khám phá thêm về phong cách nghệ thuật của nữ sĩ tài năng này qua bài cảm nhận về đoạn trích: Con sóng dưới lòng sâu... Cả trong mơ còn thức trên Taimienphi.vn nhé!

Bài viết liên quan

Đề bài: Cảm nhận về đoạn thơ sau trích trong bài thơ sóng của Xuân Quỳnh: "Con sóng dưới lòng sâu... Cả trong mơ còn thức"

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.
1. Bài mẫu số 1.
2. Bài mẫu số 2.
3. Bài mẫu số 3.

 

cam nhan ve doan trich con song duoi long sau ca trong mo con thuc

2 Bài văn mẫu Cảm nhận về đoạn thơ sau trích trong bài thơ sóng của Xuân Quỳnh: "Con sóng dưới lòng sâu... Cả trong mơ còn thức"

 

I. Dàn ý Cảm nhận về đoạn trích: "Con sóng dưới lòng sâu... Cả trong mơ còn thức" ngắn gọn

1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về đoạn thơ. 
2. Thân bài: 
a, Nội dung: 
- Nỗi nhớ bờ da diết của con sóng: 
+ Mở rộng về không gian: “dưới lòng sâu” - “trên mặt nước”.
+ Cặp từ đối lập “trên” - “dưới”.
+ Mở rộng về thời gian: “ngày” - “đêm”.
+ Thán từ “Ôi” -> Cảm xúc tuôn trào.
=> Sóng lúc nào cũng thức. Nếu sóng ngủ tức là nó không còn tồn tại.
=> Sóng là nhịp đập trái tim của biển khơi.
- Nỗi nhớ của người con gái trong tình yêu: 
+ Lời bày tỏ trực tiếp: “Lòng em nhớ đến anh”.
+ Nỗi nhớ ăn sâu vào tiềm thức: “Cả trong mơ còn thức” -> Phá vỡ ranh giới giữa mơ và thực. 
=> Nỗi nhớ trong tình yêu cũng giống như sóng ngoài biển. Nếu ngừng nhớ thì tức là tình yêu cũng không còn nữa. 
=> Khát khao tình yêu mãnh liệt. 
b, Nghệ thuật 
- Biện pháp điệp được sử dụng đến 3 lần -> Điệp khúc của bản tình ca da diết về tình yêu và nỗi nhớ. 
- Những câu thơ gắn liền với hình ảnh sóng -> Ẩn dụ về từng đợt sóng đang dâng trào trong lòng người con gái khi yêu. 
3. Kết bài: 
- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ. 
- Liên hệ mở rộng. 
 

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về đoạn thơ: “Con sóng dưới lòng sâu… Cả trong mơ còn thức” trong bài Sóng của Xuân Quỳnh của hsg

 

1. Bài văn Cảm nhận về đoạn trích: "Con sóng dưới lòng sâu... Cả trong mơ còn thức"  siêu hay số 1

Nhắc đến “Sóng” là ta nhớ ngay đến khát vọng tình yêu nồng nhiệt, cháy bỏng của người con gái. Bài thơ đã đem đến rất nhiều cung bậc cảm xúc, khơi gợi được sự đồng cảm trong lòng độc giả. Nỗi nhớ cũng chính là một trong những yếu tố được nhà thơ đem vào tác phẩm, minh chứng cho lòng thủy chung, son sắt đáng quý mà người phụ nữ gửi đến người yêu. Điều đó đã thể hiện rất rõ qua đoạn thơ: 

“Con sóng dưới lòng sâu

  Con sóng trên mặt nước

  Ôi con sóng nhớ bờ

  Ngày đêm không ngủ được

  Lòng em nhớ đến anh

  Cả trong mơ còn thức”

Hình tượng sóng đã được Xuân Quỳnh mượn để miêu tả từng cung bậc cảm xúc của người con gái trong tình yêu. Đó có thể là sự dữ dội, ghen tuông, giận dỗi, cũng lại có thể là sự dịu dàng, đằm thắm, hiền thục. Và giờ đây, hình tượng ấy lại được dùng để diễn tả nỗi nhớ da diết, khắc khoải trong tâm khảm người con gái. 

Đầu tiên, độc giả được thấy sự mở rộng của không gian: 

“Con sóng dưới lòng sâu

  Con sóng trên mặt nước”

Điệp từ “con sóng” được lặp lại như nhấn mạnh sự lặp đi lặp lại của hình ảnh này. Ngoài biển khơi rộng lớn, không thiếu những con sóng cả lớn, cả nhỏ. Tác giả đã khéo léo kết hợp chi tiết này với cặp cụm từ đối lập “dưới lòng sâu” - “trên mặt nước”, từ đó kéo giãn chiều kích của không gian. Cả đại dương bao la kia đang ngập tràn những xúc cảm, mong nhớ. Từ đó, nữ sĩ phải thốt lên: 

“Ôi con sóng nhớ bờ

  Ngày đêm không ngủ được” 

Thán từ “Ôi” được đặt ngay đầu câu thơ, khiến cho những xúc cảm như tuôn trào trong lòng người con gái. Những con sóng kia chính là nỗi nhớ đang dào dạt không yên, làm trái tim con người phải thổn thức, rung động. Con sóng ấy “nhớ bờ” đến độ “ngày đêm không ngủ được”. Vậy là cả thời gian trong đoạn thơ cũng được mở rộng. Nhưng trên thực tế, có thể thấy sóng là một sự vật luôn luôn vận động. Nó được coi như “nhịp đập trái tim” của biển khơi, lúc nào cũng phải dạt dào. Đó có thể là những đợt sóng dữ dội như muốn nhấn chìm mọi thứ, cũng có thể chỉ là những gợn sóng nhỏ ít ai để tâm. Nhưng nó có hiện hữu. Mất đi sóng, đại dương bao la kia sẽ mất đi “hơi thở” của sự sống. Cũng từ đó, nhà thơ liên tưởng đến nỗi nhớ trong tình yêu. Tình yêu làm sao có thể tồn tại mà không có nỗi nhớ? Nỗi nhớ chính là “nhịp đập” của trái tim, giữ sức sống cho tình yêu con người. Cũng bởi vậy, Xuân Quỳnh không ngần ngại mà bày tỏ lòng mình: 

“Lòng em nhớ đến anh

  Cả trong mơ còn thức” 

Nỗi nhớ ăn sâu vào tiềm thức của người con gái, đến cả trong những giấc mơ. Nó như đi xuyên qua cả cõi thực và cõi mộng, đêm ngày khiến cho trái tim thổn thức. Người con gái ấy tận hưởng tình yêu cả trong những giấc mơ, thể hiện khao khát tình yêu mãnh liệt mà tác giả muốn truyền tải. 

Trong đoạn thơ, Xuân Quỳnh đã mở rộng cả không - thời gian để diễn tả nỗi nhớ trong tình yêu. Không chỉ vậy, đến kết cấu của đoạn thơ cũng được nới ra thành sáu câu. Điều này đã thể hiện sự tinh tế trong ngòi bút của nữ thi sĩ. Việc kết hợp biện pháp điệp từ cùng các cặp từ đối lập cũng đã góp phần không nhỏ diễn tả sự bao trùm, rộng mở của nỗi nhớ lên khắp vạn vật. Với những phát hiện mới mẻ trong quy luật của con sóng, Xuân Quỳnh vô cùng thành công đưa đến cho độc giả một quan niệm độc đáo về nỗi nhớ, về tình yêu. 

Đoạn thơ tuy ngắn gọn nhưng cũng đã góp phần thể hiện được hồn thơ đầy nữ tính, tinh tế của Xuân Quỳnh. Qua đây, tác giả cũng khẳng định vị thế của mình trong dòng chảy của văn học Việt Nam. Bà xứng đáng là một trong những tượng đài ở mảng thơ tình, sánh ngang với Xuân Diệu hay Nguyễn Bính. 

- - - - - - - - - - - - - - - - - - -  HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Hình tượng con sóng đã được Xuân Quỳnh vận dụng vô cùng thành công, đem đến muôn vàn liên tưởng độc đáo, thú vị cho người đọc về tình yêu đôi lứa. Hãy thường xuyên ghé qua Taimienphi.vn để cập nhật thêm nhiều bài viết liên quan nhé: Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng; Cảm nhận bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh; Phân tích bài thơ Sóng để chứng minh Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính

 

2. Bài văn Cảm nhận về đoạn trích: "Con sóng dưới lòng sâu... Cả trong mơ còn thức" hay nhất số 2

Tình yêu đồng hành với nỗi nhớ và sự mong chờ, ngóng đợi. Yêu cuồng điên và nhớ thì cháy bỏng. Ta bắt gặp cảm xúc đó trong thơ Xuân Quỳnh - Một nữ hoàng của thơ tình yêu thế kỉ XX. Nỗi nhớ cứ dâng lên, tầng tầng, lớp lớp qua đoạn thơ:

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đên không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.

Giản dị thôi, đơn sơ thôi! Nhưng dường như đó lại là đoạn xuất thần của ngòi bút Xuân Quỳnh. Trong bài thơ, tác giả hiện ra như một người phụ nữ đang trầm ngâm suy cảm trước từng con sóng biển. Lần này, đối diện với đại dương, Xuân Quỳnh mới khám phá ra một điều giản dị mà cũng là chân lí sâu xa biển gồm cả những con sóng nổi lẫn những con sóng chìm. Bời mang hai thứ sóng ấy trong lòng mà biển chẳng bao giờ nguôi yên. Thì ra đại dương là cả một tâm trạng lớn. Đại dương đang bị những khát khao, những mong nhớ dày vò đến cồn cào. Ở đoạn trên, băn khoăn tìm hiểu về nguồn gốc bí ẩn của sóng, thi sĩ thấy bất lực. Nhưng ở đoạn này, xem ra Xuân Quỳnh đã thấy một sự lí giải không ngờ: sóng bắt đầu từ nỗi nhớ:

Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được

Sóng mang trong mình nỗi nhớ và sóng chính là nỗi nhớ. Tuy nhiên, điều thú vị là ở chỗ: đã là sóng thì bao giờ cũng thức. Sóng không ngủ. Bởi sóng ngủ thì sóng cũng không tồn tại. Vì lí do này mà người ta đã thấy sóng là nhịp đập của biển, là trái tim của biển, là sự sống của biển. Đối với Xuân Quỳnh, chỉ vì sóng nhớ bờ da diết mà sóng không ngủ được. Từ đó, thi sĩ liên tưởng đến trái tim người phụ nữ khi yêu. Và, thật bất ngờ, thi sĩ khám phá ra chính mình:

Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Có lẽ thế, nếu sóng là sự sống của biển thì nhớ là sự sống của tình yêu. Nỗi nhớ đồng nghĩa với tình yêu. Một tâm hồn nhớ là dấu hiệu chắc chắn để khẳng định một trái tim đã ngừng yêu, một mối tình đã tắt. Sóng thức trong lòng biển đã cồn cào, sóng thức trong lòng em còn muôn vạn lần cồn cào hơn. Sóng chỉ nhớ bờ trong cõi này "Ngày đêm không ngủ được". Người phụ nữ khi yêu là hiến dâng toàn tâm, toàn ý, toàn hồn. Cho nên ngay đến "Cả trong mơ còn thức". Câu thơ cũng tựa như một con sóng đi xuyên qua cả hai cõi Thực và Mộng. Giới hạn của sóng là cõi thực. Còn người phụ nữ khi yêu thì nỗi nhớ đã xáo trộn cả Thực và Mộng. Nếu còn một cõi nào khác nữa thì người phụ nữ ấy cũng sẽ dành trọn cho tình yêu. Cả cuộc đời là nỗi trăn trở lớn! Đã không ngủ trong cõi thực lại thao thức cả trong cõi mộng để nâng niu, chắt chiu từng khoảng khắc hạnh phúc. Ngỡ như chỉ cần chợp mắt trong giây lát thế là một khoảng khắc đã trôi qua uổng phí, không kịp tận hưởng. Chẳng phải khi yêu, người ta cũng thường phấp phỏng, lo âu vì nỗi sợ mất nhau? Cơ hồ chỉ cần chợp mắt một chút thôi, thì e rằng, vì một lí do nào đó, người mình yêu bỗng nhiên tan biến. Cái hạnh phúc mình đang cầm nắm sẽ tuột khỏi lòng tay! "Cả trong mơ còn thức", lời thơ thật phi lí mà khát khao thật cảm động. Muốn vào cả trong giấc mơ, đó không chỉ là khao khát của tình yêu, với Xuân Quỳnh đó còn là khao khát của tình mẫu tử. Ở một bài khác, viết cho con, chị cũng bộc lộ ham muốn này, nếu không được thì đó là một đau khổ lớn:

Con thức ban ngày mẹ chở che con
Đêm con mơ mẹ làm sao che chở
Trong giấc mơ chỉ mình con bé nhỏ
Chỉ mình con chống chọi với quân thù

"Cả trong mơ còn thức" sự phi lí đã chứa đựng một chân lí. Chỉ có ai biết trân trọng tình yêu, biết yêu chân thành mãnh liệt mới có thể chia sẻ được điều đó. Tình yêu thứ tình cảm rất xưa mà không cũ. Mỗi đôi lứa đang yêu có một cách khám phá khác nhạu về tình yêu. Suốt đời yêu, khát khao được yêu Xuân Quỳnh luôn trăn trở để đến được với một tình yêu đích thực, nồng nàn, chân thật và nâng niu, gìn giữ nó. Chị đã truyền đến cho những người đang yêu ở mọi thế hệ khát khao đó. Bởi thế mỗi người đều tìm thấy mình trong thơ Xuân Quỳnh và đồng cảm sâu sắc với chị.

 

3. Bài văn Cảm nhận về đoạn trích: "Con sóng dưới lòng sâu... Cả trong mơ còn thức" ngắn nhất số 3

"Sóng" là bài thơ dài, lời thơ cũng triền miên như sóng. Hình ảnh sóng biến hoá qua từng khổ, từng khổ. Phải nói rằng hình ảnh nào cũng sâu xa, thi vị Nhưng nếu phải chọn một khổ nào là hay hơn cả, hẳn không ít người sẽ chọn đoạn diễn tả sóng và nỗi nhớ.

Giản dị thôi, đơn sơ thôi! Nhưng dường như đó lại là đoạn xuất thần của ngòi bút Xuân Quỳnh:

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nưóc
Ôi con sóng nhó bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Trong bài thơ, tác giả hiện ra như một người phụ nữ đang trầm ngâm suy cảm trước từng con sóng biển. Lần này, đối diện với đại dương, Xuân Quỳnh mới khám phá ra một điều giản dị mà cũng là một chân lý sâu xa: biển gồm cả những con sóng nổi lẫn những con sóng chìm Bởi mang hai thứ sóng ấy trong lòng mà biển chẳng bao giờ nguôi yên. Thì ra đại dương là cả một tâm trạng lớn. Đại dương đang bị những khát khao, những mong nhớ dày vò đến cồn cào. ở đoạn trên, băn khoăn tìm hiểu về nguồn gốc bí ẩn của sóng, thi sĩ thấy bất lực. Nhưng ở đoạn này, xem ra Xuân Quỳnh đã thấy một sự lý giải không ngờ: sóng bắt đầu từ nỗi nhớ:

Ôi con sông nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được

Sóng mang trong mình nỗi nhớ và sóng chính là nỗi nhớ. Tuy nhiên, điều thú vị là ở chỗ: đã là sóng thì bao gờ cũng thức. Sống không ngủ. Bởi sóng ngủ thì sóng cũng không tồn tại. Vì lý do này mà người ta đã thấy sóng là nhịp đập của biển, là trái tim của biển, là sự sống của biển. Đối với Xuân Quỳnh, chỉ vì sóng nhớ bờ da diết mà sống không ngủ được. Từ đó, thi sĩ liên tưởng đến trái tim người phụ nữ khi yêu. Và, thật bất ngờ, thi sĩ khám phá ra chính mình:

Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Có lẽ thế, nếu sóng là sự sống của biển thì nhớ là sự sống của tình yêu. Nỗi nhớ đồng nghĩa với tình yêu. Một tâm hồn ngừng nhớ là dấu hiệu chắc chắn để khẳng định một trái tim đã ngừng yêu, một mối tình đã tắt. Sóng thức trong lòng biển đã cồn cào, sống thức trong lòng em còn muôn vạn lần cồn cào hơn. Sóng chỉ nhớ bờ trong cõi này "Ngày đêm không ngủ được". Người phụ nữ khi yêu là hiến dâng toàn tâm, toàn ý, toàn hồn. Cho nên ngay đến "Cả trong mơ còn thức". Câu thơ cũng tựa như một con sóng đi xuyên qua cả hai cõi Thực và Mộng. Giới hạn của sống là cõi thực. Còn người phụ nữ khi yêu thì nỗi nhớ đã xáo trộn cả Thực và Mơ. Nếu còn một cõi nào khác nữa thì người phụ nữ ấy cũng sẽ dành trọn cho tình yêu. Cả cuộc đời là nỗi trăn trở lớn! Đã không ngủ trong cõi thực lại thao thức cả trong cõi mộng. Câu thơ đã diễn tả thật hàm súc tâm lý của người phụ nữ khi yêu. Chẳng phải khi yêu, người ta muốn tận hưởng đến từng khoảnh khác của hạnh phúc? Cho nên người phụ nữ này ở đâu cũng muốn thức. Phải cố thức cả trong cõi thực lẫn trong cõi mộng để nâng niu, chắt chiu từng khoảnh khắc hạnh phúc. Ngỡ như chỉ cần chợp mắt trong giây lát thế là một khoảnh khắc đã trôi qua uổng phí, không kịp tận hưởng. Chẳng phải khi yêu, người ta cũng thường phấp phỏng, lo âu vì nỗi sợ mất nhau? Cơ hồ chỉ cần chợp mắt một chút thôi, thì e rằng, vì một lý do nào đó, người mình yêu bỗng nhiên tan biến. Cái hạnh phúc mình đang cầm nắm sẽ tuột khỏi lòng tay! "Cả trong mơ còn thức", lời thơ thật phi lí mà khát khao thật cảm động. Muốn vào cả trong giấc mơ, đó không chỉ là khao khát của tình yêu, với Xuân Quỳnh đó còn là khao khát của tình mẫu tử.

Ở một bài khác, viết cho con, chị cũng bộc lộ ham muốn này, nếu không được thì đó là một đau khổ lớn:

Con thức ban ngày mẹ chở che con
Đêm còn mơ mẹ làm sao che chở
Trong giấc mơ chỉ mình con bé nhỏ
Chỉ mình con chống chọi với quân thù

"Cả trong mơ còn thức" sự phi lí đã chứa đựng một chân lý. Chỉ có ai biết trân trọng tình yêu. biết yêu chân thành mãnh liệt mới có thể chia sẻ được điều đó.

https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-ve-doan-trich-con-song-duoi-long-sau-ca-trong-mo-con-thuc-42361n.aspx
Tình yêu là một lĩnh vực xưa cũ mà luôn mới mẻ. Xưa cũ và mới mẻ như chính con người, cùng với cả loài người. Mỗi đôi lứa yêu nhau là một khám phá về tình yêu. Mỗi thi sĩ đem đến một phát hiện mới về tình yêu. Xuân Quỳnh là một tâm hồn sống trong tình yêu, sống bằng tình yêu. Suốt đời trăn trở kiếm tim một tình yêu lý tưởng. Suốt đời mệt nhoài để chắt chiu gìn giữ cái hạnh phúc đời thường. Cho nên mỗi lời thơ được viết ra dường như đều được trả giá bằng chính những khắc khoải của bản thân mình. Thơ Xuân Quỳnh đã đi vào tâm hồn người đọc và làm rung động mãi lòng ta có lẽ là vì thế.

Tác giả: Nguyễn Long Thịnh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Từ khoá liên quan:

Cảm nhận về đoạn thơ sau trích trong bài thơ sóng của Xuân Quỳnh: "Con sóng dưới lòng sâu... Cả trong mơ còn thức"

, cam nhan ve doan tho sau trich trong bai tho song cua xuan quynh con song duoi long sau... ca trong mo con thuc,

Tin Mới