Cảm nhận về danh xưng chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân dành tặng ông lái đò trong Người lái đò sông Đà

cảm nhận về danh xưng chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân dành tặng ông lái đò trong Người lái đò sông Đà là một đề bài hay, độc đáo trong chương trình Ngữ văn 12, học kì I. Mời em tham khảo bài mẫu dưới đây do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn.

Đề bài: Cảm nhận về danh xưng chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân dành tặng ông lái đò trong Người lái đò sông Đà

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.
1. Bài mẫu số 1.
2. Bài mẫu số 2.

cam nhan ve danh xung chat vang muoi tay bac ma nguyen tuan danh tang ong lai do trong nguoi lai do song da

Cảm nhận về danh xưng chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân dành tặng ông lái đò trong Người lái đò sông Đà
 

I. Dàn ý Cảm nhận về danh xưng chất vàng mười Tây Bắc của ông lái đò trong Người lái đò sông Đà: 

1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác phẩm "Người lái đò sông Đà" và nhà văn Nguyễn Tuân. 
- Giới thiệu về danh xưng chất vàng mười Tây Bắc của ông lái đò. 
2. Thân bài:
a) Hình tượng ông lái đò:

* Giới thiệu: 
- Là nhân vật trung tâm trong câu chuyện
- Đã làm nghề chở đò xuôi ngược trên sông Đà hàng chục năm liền.
- Ngoại hình in đậm dấu ấn nghề nghiệp.
* Ông lái đò trong trận thủy chiến:
- Hiểu biết về dòng sông, kinh nghiệm phong phú.
- Sự tài hoa, điêu luyện, khéo léo trong việc chèo đò.
- Tinh thần dũng cảm, bình tĩnh trước hiểm nguy.
- Sau cuộc chiến, thái độ ung dung của nhà đò thể hiện vẻ đẹp giản dị, khiêm nhường.
b) Chất vàng mười trong ông lái đò:
- Bản lĩnh của con người trong công cuộc chinh phục tự nhiên.
- Vẻ đẹp tài hoa, điêu luyện, là người nghệ sĩ trong công việc của chính mình. 
=> Thiên nhiên tươi đẹp tuy quý giá nhưng những con người lao động mới là thứ vàng mười đáng được ca ngợi, trân trọng. 
- Quan điểm của Nguyễn Tuân sau Cách mạng: Người anh hùng không chỉ xuất hiện trong chiến tranh mà còn xuất hiện trong cả đời sống lao động bình dị.
=> Người lái đò sông Đà là khúc ca ca ngợi con người, ca ngợi lao động. 
3. Kết bài:
- Khái quát lại về danh xưng chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân đã dành tặng ông lái đò. 

 

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về danh xưng chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân dành tặng ông lái đò trong Người lái đò sông Đà (hay nhất):

 

1. Bài văn mẫu Cảm nhận về danh xưng chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân dành tặng ông lái đò trong Người lái đò sông Đà số 1

Trong bài kí "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân, thiên nhiên Tây Bắc được khắc họa bằng vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng trữ tình. Không những thế, tác phẩm còn ca ngợi vẻ đẹp của con người lao động. Danh xưng chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân dành tặng ông lái đò trong "Người lái đò sông Đà" là một sự so sánh cực kì chuẩn xác. 

Ông lái đò sinh ra và lớn lên ở ngay ngã ba sông Đà, làm nghề chèo đò đã mấy chục năm. Vậy nên, ông lái gắn bó, yêu thương và thấu hiểu tường tận, cặn kẽ dòng sông. Khi Nguyễn Tuân có dịp kiến diện với người lái đò thì cũng là lúc ông đã ở cái tuổi xế chiều. Người lái đò có thân hình quắc thước. Dường như, dấu ấn nghề nghiệp đã in đậm vào hình hài nhà đò.

Nguyễn Tuân đã đưa người lái đò vào trong trận chiến với thác đá sông Đà để làm nổi bật hình tượng của con người lao động. Trong thạch trận ấy, người lái đò hai tay giữ mái chèo để khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa. Mặt nước thì hò la vang dậy như muốn bẻ gãy cán chèo - thứ vũ khí duy nhất có trên tay ông lái đò. Sóng nước chiến đấu như một kẻ liều mạng, không do dự mà tấn công con người. Ông lái đò vẫn không hề nao núng, bình tĩnh, đầy mưu trí như một vị chỉ huy, dẫn dắt con thuyền vượt qua ghềnh thác. Ngay cả khi bị thương, người lái đò vẫn cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệch. Đặc biệt trên con thuyền có đến sáu bơi chèo vẫn nghe thấy tiếng chỉ huy ngắn gọn mà tỉnh táo của người cầm lái. "Vậy là phá xong cái trùng vi thạch trận thứ nhất". Trong trận đánh, người lái đò đã hiện lên thật gan dạ, dũng cảm, đầy sức dẻo dai, trí tuệ của người chỉ huy con thuyền.

Không một phút giây nghỉ tay, nghỉ mắt, người lái đò phải tiếp tục "phá luôn vòng vây thứ hai". Ông lái đò đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Bằng nghệ thuật liên tưởng độc đáo, Nguyễn Tuân đã miêu tả ông lái đò "cưỡi lên" thác nước sông Đà. Rồi ông đò ghì cương lái của con thuyền, chắc đôi bàn tay để bám chắc lấy luồng nước mà lái miết một đường vào cửa sinh. Ông đò đã nhớ mặt từng hòn đá một, mỗi hòn ông lại đối phó theo một cách khác nhau. Đứa thì ông tránh để bơi chèo nhanh, đứa thì ông đè sấn lên, chặt đôi ra để lấy đường tiến. Và cứ như vậy con thuyền đã bỏ qua hết những cửa tử. Trong trận chiến thứ hai phẩm chất nổi bật của ông lái đò lại anh hùng, linh hoạt và chủ động đối phó với thác đá trên sông.

Nếu trong hai trận chiến trên chúng ta có thể đã đủ để ngưỡng mộ người lái đò, nhưng với Nguyễn Tuân, con người ấy phải được miêu tả đến tài hoa tột bậc, phải trở thành nghệ sĩ. Và nhà văn đã tiếp tục khắc họa người lái đò trong cuộc chiến thứ ba. Với nghệ thuật miêu tả sắc nét, ông đò hiện lên như một tay lái nở hoa, đạt đến mức độ nghệ sĩ trong cái nghề của mình. Đến vòng thứ ba, ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả, nhưng người lái đã chủ động "tấn công". Người lái đò như một tiên ông với phép lạ, chỉ vẩy tay chèo mà con thuyền vút vút xuyên đi như có một mãnh lực siêu hình. Phải chăng đó là tuyệt tài của một tay lái nở hoa. Thế là kết thúc.

Thông qua tác phẩm, Nguyễn Tuân muốn ca ngợi vẻ đẹp tài hoa, điêu luyện, là người nghệ sĩ trong công việc của mình và bản lĩnh của con người trong công cuộc chinh phục tự nhiên. Cho dù thiên nhiên tươi đẹp, có quý giá nhưng những con người lao động mới là "thứ vàng mười" đáng được ca ngợi, trân trọng. Đây cũng chính là quan điểm của Nguyễn Tuân sau Cách mạng: người anh hùng không chỉ xuất hiện trong chiến tranh mà còn xuất hiện trong cả đời sống lao động bình dị.

"Người lái đò sông Đà" là khúc ca ca ngợi con người, ca ngợi lao động. Tác giả đã tìm thấy và khẳng định cái đẹp ở ngay trong cuộc sống bình dị hàng ngày của người dân. Cuộc đời của người lái đò vô danh, không tên tuổi, nơi có những ngọn thác hoang vu, khuất nẻo kia là cả một thiên anh hùng ca, một nghệ thuật tuyệt vời.

 - - - - - - - - - - - - - - - - - - -  HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Người lái đò trên dòng sông Đà thật xứng đáng là "thứ vàng mười" quý hiếm của núi rừng Tây Bắc. Để hiểu thêm về tác phẩm này, mời em tham khảo thêm những bài mẫu khác trên Taiminephi.vn như: Cảm nhận về hình tượng người lái đò qua bài tùy bút Người lái đò sông Đà; Chứng minh rằng con người trong Người lái đò sông Đà là Ông lái đò tài hoa; Phân tích vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của con Sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà.

 

2. Bài văn mẫu Cảm nhận về danh xưng chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân dành tặng ông lái đò trong Người lái đò sông Đà số 2

Người lái đò sông Đà là một trong những tùy bút xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam. Bài tuỳ bút có chất văn độc đáo, mới lạ được sáng tạo nên từ ngòi bút tài hoa và uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân. Qua "Người lái đò sông Đà", ta thấy hiện lên hình ảnh một con sông Đà với vẻ hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng không kém phần thơ mộng lãng mạn, mà tổng thể dường như con sông ấy cũng như có linh hồn, một tâm hồn sôi động bao bọc bên ngoài cái vẻ dịu dàng tiềm ẩn tựa một con người đang sống vậy. Trong văn bản sự xuất hiện của hình tượng ông lái đò được Nguyễn Tuân dành tặng cho một danh xưng hết sức thú vị "chất vàng mười Tây Bắc", thể hiện cái sự trân trọng, ngưỡng mộ mà tác giả dành cho ông lái đò trong công cuộc lao động mưu sinh, rất đỗi anh hùng, nghệ sĩ.

Phải nói rằng, hình tượng ông lái đò mà Nguyễn Tuân hướng đến, vốn nhìn vào tưởng chẳng có gì đặc biệt, nếu như không có cái đôi mắt và óc quan sát của Nguyễn Tuân chịu khó tìm tòi.

Ông lái đò cũng như bao con người lao động khác, ngày ngày vẫn cần mẫn với cái kế sinh nhai của mình, chèo đò ngược xuôi sông Đà không mệt nghỉ, Nguyễn Tuân không đề cập rõ về tên, tuổi, gốc gác của ông lái đò, mà chỉ lướt qua mấy nét cơ bản. Và cái làm người ta chú ý hơn cả đó là ngoại hình của ông lão, ai mà nghĩ được rằng một ông lão, đã ngoài cái tuổi thất thập cổ lai hi, vẫn còn ngày ngày vật lộn với sóng nước, bộ dáng đầy phong sương, mang đậm hơi thở của miền sông nước dữ dội, "tay lêu nghêu như cái sào, chân khuỳnh ra như kẹp lấy một cái bánh lái tưởng tượng, giọng nói ào ào như thác lũ sông Đà, nhãn giới vòi vọi như nhìn về một bến xa nào đó,...". Để nói về cái gian truân trong cuộc sống lao động của ông lái đò, Nguyễn Tuân đã viết thế này: "cuộc sống của người lái đò sông Đà quả là một cuộc chiến đấu hằng ngày với thiên nhiên, một thứ thiên nhiên Tây Bắc có nhiều lúc trông nó thành ra diện mạo và tâm địa của một kẻ thù số một". Dường như người ta chỉ nghe thấy rằng, con người dựa dẫm, nương nhờ vào mẹ thiên nhiên là nhiều, chứ chẳng mấy khi nghe đến chuyện "chiến đấu" như những chiến binh để chinh phục, làm chủ tự nhiên cả, điều đó đã làm nổi bật lên cái vẻ đẹp trong cuộc sống lao động của ông lái đò, mà ở đó Nguyễn Tuân đã tinh tế nhận ra và khai thác triệt để.

Ông lái đò không chỉ đơn thuần là một người lao động bình thường mà còn mang trong mình hai vai trò khác, ấy là người chiến sĩ trên mặt trận sông nước, lại cũng là người nghệ sĩ tài hoa, hằng ngày vẫn viết lên những bản trường ca lao động anh hùng, điêu luyện.

Chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân nhắc đến chính là ở những khía cạnh ấy, tại sao không phải là một thanh niên cao to lực lưỡng mà lại là một ông lão, để trả lời câu hỏi ấy ta lại quay về với "chất vàng mười" mà Nguyễn Tuân đề cập, có câu "lửa thử vàng, gian nan thử sức", cái tài năng, điệu nghệ, cái kinh nghiệm "chinh chiến" trên sông nước của ông lái đò, đâu phải ngày một ngày hai mà có được, đó là cả một quá trình vất vả, tôi luyện, trong đó có cả máu, mồ hôi và nước mắt đổ xuống hòa cùng dòng nước đang mặc sức chảy. Ông lái đò tâm sự, ông đã không dưới trăm lần ngược xuôi trên sông Đà và có tới 60 lần cầm lái chính, mỗi một chuyến đi tưởng sinh tử ấy mà ông lão đã kinh qua từng ấy lần, đâu phải là điều mà ai cũng làm được và dám làm. Suy ra chất vàng mười ấy còn là niềm đam mê lao động, sự kiên trì dũng cảm, trong công việc, ta thấy trong tâm hồn ông lão hãy còn rất sôi động, nhiệt thành, ông chẳng thích những thứ êm đềm, dễ dàng, bởi với ông "Chạy thuyền trên khúc sông không có thác nó dễ dạy, chân tay dễ buồn ngủ". Cái bản tính hiếu chiến, trẻ trung, niềm đam mê khai phá, lao động, chinh phục gian nan thử thách mới đúng là bản tính của ông lái đò, chẳng thế mà công việc dẫu vất vả, dẫu bao lần ăn phải "đòn đau" của con sông Đà hùng vĩ, nhưng ông vẫn không thôi ngược xuôi trên ấy. Thân thể ông đầy những vết "củ nâu" là dấu tích của những lần vật lộn với sóng dữ sông Đà, Nguyễn Tuân đã rất ngưỡng mộ, trân trọng mà ví von thật thú vị rằng đó là những "huân chương lao động siêu hạng" dành cho sự cống hiến bằng cả cuộc đời của ông lái đò.

Đặc biệt chất vàng mười Tây Bắc còn được Nguyễn Tuân làm rõ thông qua cảnh ông lái đò vượt sông Đà. Ví rằng ông lái đò là người nghệ sĩ tài hoa đó là bởi cái sự nghiêm túc, tỉ mẩn, điêu luyện trong công việc của ông. Trong tâm hồn của người lái đò sông Đà dường như đã ăn sâu vào máu thịt, đó là bản trường ca mà người nghệ sĩ từng nghiên cứu, tập dượt vô số lần, đã thuộc lòng "từng dấu chấm câu, dấu chấm than, cả những đoạn xuống dòng", đến mức "đóng đanh vào lòng" từng đặc điểm, từng khúc lên xuống, thật nhịp nhàng. Với ông lái đò sông Đà đích thực là sân khấu để ông thi triển tài năng, tâm huyết cả đời, cũng lại là miền chiến tuyến đầy cam go thử thách, mà ở đó ông lái đò đóng vai trò là một vị tướng già, đầy rẫy kinh nghiệm chiến đấu, nét mặt đanh thép, với một vũ khí duy nhất là chiếc mái chèo đơn sơ, chiếc đò bỗng trở thành cỗ xe chinh chiến. Và đối nghịch với sự lẻ loi đơn bạc của ông lái đò, thì sông Đà lại thật hung bạo và dữ dội, những âm thanh rùng rợn, khủng khiếp như "như một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa...", rồi thì những "trùng vi thạch trận", những cái hút nước sâu hoắm, cả những cửa tử, cửa sinh, luồng sống, luồng chết, mà chỉ sơ ý một chút thôi thì cả người, cả thuyền tan xác lúc nào không hay.

Khung cảnh ông lái đò vượt sông Đà, được Nguyễn Tuân miêu tả như một bộ phim hành động, gay cấn và hồi hộp, nhân vật chính cũng từng phải nếm những đòn đau từ kẻ thù đến nỗi"mặt méo bệch đi". Thế nhưng bằng lòng kiên cường, bằng chất vàng đã tôi luyện suốt mấy chục năm cuộc đời, chẳng có một lý do nào khiến ông lái đò chùn bước, người ta chỉ thấy hiện lên sự kiên cường, vững chãi, sự bình tĩnh của một người lính chiến, bàn tay cầm mái chèo ấy là "tay lái ra hoa", rất điệu nghệ và gọn gàng, dứt khoát, không một chút bối rối sơ sẩy. Bởi với cương vị người nghệ sĩ, nắm lòng tác phẩm và trình bày nó một cách trôi chảy đã là bản năng, là trách nhiệm không thể chối từ, đó là niềm đam mê bất diệt, còn với cương vị người chiến sĩ trên mặt trận sông nước, đã nắm rõ "binh pháp thần sông, thần núi" lại càng không cho phép ông lái đò được đầu hàng, dũng cảm tiến về phía trước mới là tôn chỉ của cuộc đời. Như vậy trong cả 3 cương vị, người lao động, người chiến sĩ và người nghệ sĩ ông lái đò đều hoàn thành một cách xuất sắc, dường như công việc chèo đò trên sông Đà đã trở thành lẽ sống, niềm vui của ông lão, thế nên bao nhiêu tâm tư, nhiệt huyết ông đều đổ vào đó cả, một con người tôi luyện thành thục cái nghiệp của mình thì xứng lắm với danh xưng "chất vàng mười Tây Bắc" mà Nguyễn Tuân tâm đắc chứ.

Xung quanh tùy bút Người lái đò sông Đà, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ nơi miền rừng núi Tây Bắc hiện ra thật đẹp đẽ và hoang sơ, mà điểm nhấn chính là hình tượng con sông Đà vừa dữ dội, vừa dịu êm, trên dòng sông ấy, sự xuất hiện của hình tượng ông lái đò sông Đà, như là một vì tinh tú, xuất sắc và thật đáng quý. Cả hai hình tượng trên đều được Nguyễn Tuân xưng tụng cho danh hiệu "chất vàng mười Tây Bắc", hình tượng ông lái đò chính là đại diện cho chất vàng mười quý báu được hun đúc từ đời sống lao động, từ máu, mồ hôi và nước mắt, lại càng đáng quý và ấn tượng hơn cả. Ông lái đò là đại diện cho sức mạnh của con người, dẫu nhỏ bé giữa mẹ thiên nhiên, thế nhưng bằng sự nỗ lực, phấn đấu và tôi luyện không ngừng nghỉ, con người vẫn có thể chế ngự được thiên nhiên, tạo nên thế cân bằng của tạo hóa.

---------------------HẾT-----------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-ve-danh-xung-chat-vang-muoi-tay-bac-ma-nguyen-tuan-danh-tang-ong-lai-do-trong-nguoi-lai-do-song-da-47500n.aspx
Tuỳ bút Người lái đò sông Đà là kết quả của hành trình "xê dịch" tìm kiếm chất "vàng mười" của nhà văn Nguyễn Tuân. Là tác phẩm hay nhưng Người lái đò sông Đà cũng là một trong những tác phẩm khó trong chương trình Ngữ văn 12. Để việc tìm hiểu và phân tích dễ dàng và hiệu quả nhất, bên cạnh bài Cảm nhận về danh xưng chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân dành tặng ông lái đò trong Người lái đò sông Đà, các bạn cũng đừng quên tham khảo các bài văn mẫu chọn lọc khác như: Hình ảnh con sông Đà trong bài tùy bút Người lái đò sông Đà, Nhân vật ông lái đò trong thiên tùy bút Người lái đò sông Đà, Hình tượng người lái đò qua bài tùy bút Người lái đò Sông Đà, Cảm nhận về hình tượng người lái đò qua bài tùy bút Người lái đò sông Đà hay bài văn mẫu Phân tích hình tượng người lái đò sông Đà  bài phân tích người lái đò sông đà.

Tác giả: Lộc Ngô     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Hình ảnh con sông Đà trong bài tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân hay nhất
Phân tích những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân thể hiện trong Người lái đò sông Đà
Cảm nhận chất Tây Nguyên trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
Nhân vật ông lái đò trong thiên tùy bút Người lái đò sông Đà siêu hay chọn lọc
So sánh hình tượng người lái đò và nhân vật Huấn Cao
Từ khoá liên quan:

cam nhan ve danh xung chat vang muoi tay bac ma nguyen tuan danh tang ong lai do trong nguoi lai do song da

, dàn ý Cảm nhận về danh xưng chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân dành tặng ông lái đò trong Người lái đò sông Đà, Người lái đò Sông Đà Văn bản,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới