Cảm nhận khi đọc đoạn trích Sau phút chia li

Với đề văn Nêu cảm nhận khi đọc đoạn trích Sau phút chia li, chúng ta sẽ phải trình bày các ý chính và hiểu vấn đề như thế nào, cùng đón đọc những bài viết mẫu đã được chọn lọc và tổng hợp kĩ càng dưới đây để biết cách viết bài văn cảm thụ nhé.
Mục Lục bài viết:
1. Bài mẫu số 1
2. Bài mẫu số 2
3. Bài mẫu số 3
4. Bài mẫu số 4

Đề bài: Cảm nhận khi đọc đoạn trích Sau phút chia li

cam nhan khi doc doan trich sau phut chia li

4 bài văn mẫu Cảm nhận khi đọc đoạn trích Sau phút chia li


1. Cảm nhận khi đọc đoạn trích Sau phút chia li, mẫu số 1:

Trong xã hội phong kiến người phụ nữ phải chịu rất nhiều bất hạnh, khổ cực. Người phụ nữ lúc bấy giờ chưa được xã hội công nhận, họ không có quyền quyết định cuộc đời mình, phải phụ thuộc vào người chồng, người cha. Có rất nhiều tác phẩm nói về số phận người phụ nữ trong giai đoạn nay, trong đó phải kể đến đoạn trích Sau phút chia ly trích trong tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn.

Đoạn trích bày tỏ nỗi lòng sầu thương, nhớ nhung với sự mong mỏi, da diết của người vợ có chồng ra trận. Bài thơ với thể thơ cổ song thất lục bát. Toàn bài là nỗi nhớ thương ngày một tăng tiến, nâng cao của đôi vợ chồng trẻ, đặc biệt là người vợ - một phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Văn bản "Sau phút chia li" là đoạn trích sau khi người vợ ngậm ngùi tiễn chồng ra miền biên ải, nàng trở về đơn chiếc xót xa.

"Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh".

Rồi lại:

"Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai".

Tác giả đã sử dụng nghệ thuật đối giữa các câu thất và sử dụng điệp từ ngữ với những tính từ miêu tả độc đáo, đặc sắc đã toát lên nội dung chính là lên án chiến tranh, đặc biệt là khát vọng hòa bình, được yêu thương của người phụ nữ thời phong kiến.

"Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn".

cam nhan doan trich sau phut chia li

Những bài Cảm nhận khi đọc đoạn trích Sau phút chia li hay nhất

Vì điều kiện đất nước xảy ra chiến tranh người chồng đã phải chia tay người vợ trẻ yêu quý của mình để ra chiến trường. Đó là cuộc chia li buồn và cô đơn của cả hai người. Trong "cõi xa mưa gió" của chàng ẩn chứa bao hiểm nguy, gian nan của hòn tên mũi đạn, của đời sống chốn sa trường. Trong nỗi lòng "buồn cũ chiếu chăn" của thiếp lại đau đớn bao đơn côi phiền muộn, bao khắc khoải đợi chờ. Hai cặp đối "Chàng thì" - "Thiếp thì" ẩn chứa bao chán nản, buồn phiền. Nghĩ đến nhau, họ chỉ còn biết:

"Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh".

Khi đã tiễn chồng ra trận, người vợ quay trở về chỉ biết chôn chặt nỗi buồn trong loàng. "Đoái" nghĩa là ngoảnh lại, ngoái lại nhưng dùng từ "đoái" còn hàm ẩn được cái đau đớn, mệt mỏi của tâm trạng người vợ. Nhưng càng đoái theo trông ngóng chỉ càng thấy cách xa nghìn trùng, giữa họ "đã cách ngăn" "mây biếc" "núi xanh" "tuôn màu" "trải ngàn" cách trở. Nỗi buồn của người phụ nữ như đã âm thầm lan thấm vào thiên nhiên cảnh vật. Đoàn Thị Điểm đã dùng cảnh vật thiên nhiên để nói lên tâm trạng người phụ nữ khi xa chồng:

"Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu".

Trong đoạn thơ tiếp, nỗi sầu chia li và lưu luyến chẳng muốn rời của đôi vợ chồng trẻ đã được thể hiện bằng những điển tích cổ, thủ pháp đối, phép điệp ngữ rất độc đáo.

Những địa danh Tiêu Tương, Hàm Dương tác giả mượn trong điển tích Trung Quốc gợi đến sự cách xa, chia lìa: "cách... mấy trùng". Phép đối vừa thể hiện tấm lòng sâu nặng dành cho nhau của đôi vợ chồng người chinh phụ vừa như thể hiện sự rời xa nhau từng giờ từng khắc của họ: "Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại" - "Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang", "Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương" - "Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương". Đặc biệt, phép điệp ngữ khiến những câu chữ như muốn đan quyện vào nhau chẳng muốn rời: Tiêu Tương - Tiêu Tương, Hàm Dương - Hàm Dương, thấy - thấy, xanh xanh - xanh, ngàn dâu - ngàn dâu. Nét đặc sắc đó đã thể hiện thành công tấm lòng lưu luyến chẳng muốn rời xa nhau của hai vợ chồng nàng. Thể thơ song thất lục bát thiết tha đã góp phần thể hiện tâm trạng u sầu nhung nhớ khôn nguôi trong lòng người chinh phụ. Nhưng dầu thế, đất trời như đang đẩy họ xa nhau hơn. Trong hai câu thơ:

"Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu"

Tác giả đã mượn ý câu thành ngữ "Thương hải tang điền" - biển rộng đã biến thành ruộng dâu tít tắp, ý chỉ những dâu bể cuộc đời. Chẳng những vậy, những sắc thái khác nhau của màu xanh được sử dụng trong hai câu thơ này cũng góp phần diễn tả sâu sắc nỗi lòng người chinh phụ. "Xanh xanh" là màu xanh nhẹ, xanh nhạt. "Xanh ngắt" lại là màu xanh đậm. Từ "xanh xanh" đến "xanh ngắt" là sự tăng tiến, màu xanh thể hiện sự chia li, li biệt; sự tăng tiến đó như thể hiện nỗi buồn ngày càng đậm nét, ngày càng quằn quại xót xa.

Đoạn trích đã sử dụng thể thơ song thất lục bát ngắn ngủi cùng khá nhiều những thủ pháp nghệ thuật được sử dụng thành công, tác giả đã thể hiện sâu sắc nỗi lòng của người vợ "sau phút chia li" tiễn chồng đi chinh chiến. Đó là nỗi buồn tê tái, nỗi nhung nhớ vơi đầy, sự lưu luyến khôn nguôi... Và như thế, văn bản "Sau phút chia li" (trích "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm) đã thể hiện tinh thần nhân đạo rất nhân bản, nhân văn.

Người phụ nữ trong xã hội cũ phải chịu quá nhiều đắng cay tủi nhục, chỉ có người chồng là chỗ dựa tinh thần rồi cũng phải ra đi, chưa biết khi nào mới gặp lại. Sự ác liệt của chiến tranh làm cho nỗi nhớ chồng của người phụ nữ càng nhân lên gấp bội, bởi giữa cái sông và cái chết của con người trong hoàn cảnh đó là quá mong manh.

-----------------HẾT BÀI 1--------------------

Trên đây là phần Cảm nhận khi đọc đoạn trích Sau phút chia li để có thêm kiến thức trả lời, làm tập làm văn, các em có thể tham khảo thêm phần Soạn bài Sau phút chia li và cùng với phần Phân tích nỗi sầu chia li của người vợ trong Sau phút chia li nữa nhé.
 

2. Cảm nhận khi đọc đoạn trích Sau phút chia li, mẫu số 2:

Trong văn chương từ khúc Việt Nam, Chinh phụ ngâm khúc nổi lên như một viên kim cương óng ánh sắc màu. Cả bản nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn và bản diễn nôm của Đoàn Thị Điểm đều là những kiệt tác nghệ thuật bất hủ.

Chinh phụ ngâm khúc ra đời vào đầu thế kỉ XVIII, cái thời mà chiến tranh loạn lạc kéo dài dẫn đến bao cảnh chia li bi thương sâu thiết:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh.
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiều Dương thiếp hãy trông sang
Khói Tiên Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
Cùng trông lại mà cũng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

(Sau phút chia li - Trích Chinh phụ ngâm khúc)

Mười hai câu song thất lục bát với giọng điệu lâm li, vừa bùi ngùi xót xa cho chính mình, vừa vời vợi nỗi sầu nhớ thương, đọc xong rồi cứ ám ảnh mãi. Người chinh phu và người chinh phụ còn trẻ tuổi, đang trong tình vợ chồng gắn bó yêu thương bỗng vì đâu mà ra nông nỗi:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.

Chàng thì đi - Thiếp thì về, hai hình ảnh tương phản nhau như hình sự ngăn cách nghiệt ngã. Dường như người vợ cũng cảm nhận thấm thía điều đó. Và nỗi sầu đã nhuốm cả không gian:

Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh

cam nghi ve doan trich sau phut chia li

Bài văn Cảm nhận khi đọc đoạn trích Sau phút chia li, văn mẫu tuyển chọn

Ngàn núi xanh đã chia cách họ mà tâm lòng nhớ thương vẫn cứ đau đáu dõi về nhau:

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Từ Chốn Hàm Dương- Bến Tiêu Tương đến khói Tiêu Tương- Cây Hàm Dương thì sự xa cách đã lên đến mấy trùng, cũng như nỗi sầu đã dâng lên trùng trùng lớp lớp trong lòng người chinh phụ:

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng

Càng dõi trông theo chồng, ước mong gặp mặt càng trở nên vô vọng. Còn đâu bóng dáng của người chồng thân yêu? Chỉ còn những ngàn dâu xanh xanh trải dài tít tắp đến tận chân trời như nỗi bi thương vô vọng không biết đến tận bao giờ:

Cùng trông mà lại cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? Câu nghi vấn như một nốt nhấn làm hằn sâu nỗi sầu chất chứa trong lòng người chinh phụ một khối sầu càng lắc càng đầy. Cả một khối sầu nặng trĩu trong lòng người vợ trẻ tội nghiệp và đè nặng tâm can người đọc. Trong câu thơ dường như có cả tiếng nấc nghẹn ngào uất ức của người vợ. Vì đâu mà dẫn đến nỗi sầu nghịch chướng, oái oăm này? Vì đâu mà người chinh phụ phải đi vào cõi xa mưa gió, còn người chinh phụ trở về buồng cũ chiếu chăn vò võ một mình? Chiến tranh thật là tàn nhẫn.

Nhà thơ không chỉ nhận thấy, mà còn nghe thấy cả tiếng lòng sâu thẳm của người vợ trẻ và thể hiện nó một cách chân thực qua những sáng tạo nghệ thuật tài hoa và điêu luyện. Chưa bao giờ có trong văn học Việt Nam, nỗi sầu chia li và tiếng lòng của người phụ nữ lại được thể hiện một cách sâu đậm đến thế.

Mười hai câu song thất lục bát trở thành tiếng nói chung cho cảnh biệt li của tất cả những cặp vợ chồng (Hoàng Xuân Hãn) và in dấu ấn trong tiềm thức của tất cả những ai yêu văn chương cổ điển Việt Nam.
 

3. Cảm nhận khi đọc đoạn trích Sau phút chia li, mẫu số 3:

Cách ta hàng ngàn năm, thi hào Nguyễn Du đã từng đau đớn thốt lên:

"Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung."

Những khách mà hồng mà phận bạc, ngàn năm còn vọng đến trời xanh câu hỏi thiên cổ, chỉ tiếc rằng không thể hóa giả nổi "kiếp sinh ra thế biết là tại đâu". Và vì thế, thơ ca ra đời như là sự giải thoát, sự đồng cảm, là tiếng nói đồng ý đồng chí đồng tình để đi tìm những tâm hồn đồng điệu cùng gặp nỗi gian truân mà cất lên những vần thơ làm buốt lạnh lòng người cho thân phận người phụ nữ bạc mệnh. Và trên hành trình ấy, ta bắt gặp "Sau phút chia li" của Đặng Trần Côn-Đoàn Thị Điểm.

Thơ là tiếng nói của những cảm cảm xúc mãnh liệt, đi ra từ nỗi cô đơn đến đau thương, tội nghiệp của người chinh phụ có chồng ra trận phải chăng vì thế nên "Sau phút chia ly" trích Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn là khúc ngâm cứa sâu vào lòng người đọc nhiều nỗi niềm xót xa. Không chỉ dừng lại ở việc xót thương, khúc ngâm ấy còn là lời kết án đanh thép chiến tranh phi nghĩa đã làm chia cắt hạnh phúc gia đình của đôi vợ chồng trẻ, hao mòn thanh xuân của người phụ nữ. Đoạn trích này thực sự đã lột tả được tình cảnh thê lương của những cặp vợ chồng trẻ trong năm tháng chiến tranh ác liệt.

Nỗi niềm ấy dâng sóng ngay từ những câu thơ mở đầu:

"Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh"

Không gian đối lập giữa người chinh phu và chinh phụ cõi xa mưa gió tan tác đao binh chưa biết ngày trở về, đầy rấy những hiểm nguy, còn thiếp lại ở nơi khuê phong chật hẹp một mình gặm nhấm nỗi cô đơn. Chàng và thiếp, mỗi người một ngả, mỗi người một nơi. Biện pháp tương phản được tác giả sử dụng một cách khéo léo. Còn gì đáng buồn hơn, đua đớn hơn là tình yêu, là hạnh phúc lứa đôi vừa chớm nở, chờ đợi để vun vén ấp ủ nay đã bị ngăn cách, bị tách rời, chia xa. Người vợ trẻ còn "đoái trông theo" nhưng không gian mênh mông, chỉ thấy cách biệt, không thấy tương phùng. Chữ "đoái" như nặng nề và da diết khi phải chứng kiến cảnh biệt li như vậy. Ở câu thơ cuối, tác giả dùng từ "tuôn" như tạo điểm nhấn cho đoạn trích. Nó vừa diễn tả chiều dài, vừa diễn tả chiều rộng. Màu xanh của đất trời bao phủ lấy không gian chia ly tan tác này. Màu xanh khiến cho lòng người thêm nặng nề và u sâu hơn. Nếu câu thơ mở đầu là sự dâng sóng, thì đến đây cảm xúc như đã tràn bờ:

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

cam nghi cua em ve doan trich sau phut chia li

Cảm nhận khi đọc đoạn trích Sau phút chia li của Đoàn Thị Điểm

Nghệ thuật đối lập tiếp tục được tác giả sử dụng triệt để: Chốn hàm dương>

Đặc biệt ở khổ thơ cuối thì nỗi đau càng trở nên quặn thắt và não nề hơn:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chằng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Điệp từ "cùng" cho thấy tâm trạng luyến tiếc, xót xa và sự đấu tranh ghê gớm trong tư tưởng của người chinh phụ, khi càng cố gắng trông lại để níu giữ, để khắc ghi thì người yêu thương càng xa hình khuất bóng. Điệp từ xanh điệp đi điệp lại liên tiếp gợi cảm giác mênh mông, heo hút, rợn ngợp của không gian. Nhà thơ dường như muốn mượn cái trống trải của không gian để nói cái trống vắng của lòng người. Cấp độ của màu xanh tăng tiến dần, giống như nỗi đau xót của người chinh phụ càng thêm da diết quặn thắt. Màu xanh ấy đâu chỉ gợi không gian mà dường như còn ám gợi đến sự chia phôi mãi mãi, giống như mùi doa xuyên thấu trái tim nàng bởi màu xanh vốn là màu của hi vọng nhưng trong câu thơ này nó lại là màu của li biệt, của đau thương, của những chuyện chẳng lành. Câu hỏi tu từ ở cuối đoạn trích như dao cứa "Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?" Hỏi người nhưng cũng là tự hỏi bản thân mình. Hỏi người có sầu hơn không nhưng câu thơ lại không có ý so sánh ai sầu hơn ai. Dường như nó chỉ muốn nhấn mạnh rằng nỗi sầu thương đã rơi vào bế tắc đến cùng cực mà thôi. Và như thế người chinh phụ đã đến cực điểm của đau đớn, của khắc khoải và sọ hãi. Nỗi sợ cô đơn, sợ chia li, sợ không thể tương phùng. Qua đây nhà thơ như muốn đòi quyền sống hạnh phúc cho người phụ nữ nhằm tố cáo chiến tranh phi nghĩa đã cướp đi cuộc sống hôn nhân hạnh phúc gia đình của biết bao cặp vợ chồng trẻ.

Người phụ nữ luôn là tâm điểm của văn chương muôn đời, những đau đớn bất công mà họ phải trải qua đã khơi nguồn cho mạch nguồn nhân đạo của văn học, để từ đó nói lên một cách đầy đủ, sâu sắc nhất số phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Bằn tấm lòng nhân đạo và tài năng nghệ thuật trong việc khắc họa diễn biến tâm lí nhân vật, tác giả của "Sau phút chia li" đã thực sự chinh phục trái tim bạn đọc mà gửi tiếng thơ kêu gói sự tri âm đồng cảm muôn đời cho thân phận người phụ nữ.
 

4. Cảm nhận khi đọc đoạn trích Sau phút chia li, mẫu số 4:

"Chinh phụ ngâm khúc" của Đặng Trần Côn là một tác phẩm văn vần vô cùng có ý nghĩa, phản ánh nỗi mất mát, đau khổ của người chinh phụ có chồng ra chiến trận trong bối cảnh rối ren của thời đại nói riêng và nỗi đau thương mất mát của con người thời chiến nói chung. Đoạn trích: "Sau phút chia li" trích trong khúc ngâm diễn tả nỗi nhớ da diết của người chinh phụ sau khi tiễn chồng ra lên đường ra "nơi binh đao loạn lạc". Đọc đoạn trích, ta xót xa biết bao trước những ám ảnh cảm xúc mà con người phải gánh chịu bởi chiến tranh.

Hai câu đầu đoạn trích như một lời kể của nhân vật về việc tiễn chồng ra chiến trận:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

"Chàng" và "thiếp" rõ ràng là đôi phu thê mặn nồng tình ái nhưng không thể như lẽ thường tình, được bên nhau vui vầy mà mỗi người một nơi. Người chinh phu thì cất bước ra đi đến nơi biên ải xa xôi, ở nơi đó không biết có bao "mưa gió mịt mùng" mà chẳng ai biết sẽ đợi chờ. Còn người chinh phụ thì về nơi xưa chốn cũ, căn buồng của đôi trẻ chờ ngày tái ngộ. Hai từ đối lập "đi"- "về" trong hai câu tạo nên sự ngăn cách, đôi người đôi ngả cho đôi lứa yêu nhau. Mới ở đó mà ta đã thấy thoáng vị chia phôi.

Người chinh phụ giống như phần nào nhận ra sự cách trở giữa đôi bên khi mà:

Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh.

phan tich doan trich sau phut chia li

Bài văn mẫu Cảm nhận khi đọc đoạn trích Sau phút chia li

Sự ngăn trở giữa đôi phu thê đâu phải là một bức tường hay một thôn, một xóm mà xa tận chân trời, xa không đong đếm được, chỉ có thể ước lượng bằng sư hùng vĩ rộng lớn của thiên nhiên bao la. Khi trông theo hướng người chinh phu cất bước, người chinh phụ chỉ có thể thấy mây tuôn, thấy núi trải và hình ảnh mây, núi là sự liên tưởng cho cái xa nghìn trùng, một sự cách trở khó lòng đong đếm.

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiều Dương thiếp hãy trông sang
Khói Tiên Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

Ở những câu thơ tiếp, những địa danh cụ thể được gọi ra, Hàm Dương là nơi người chinh phu tới và bến Tiêu Dương là quê nhà có người chinh phụ đang mỏi mòn chờ ngóng. Phải chăng sự xa xôi giữa khói Hàm Dương và khói Tiêu Dương, giữa cây Hàm Dương và cây Tiêu Dương là biểu thị cho sự xa cách của chính con người? Họ xa cách là thế nhưng vẫn một lòng hướng về nhau nên "chàng còn ngoảnh lại", "thiếp hãy trông sang", họ luôn tìm kiếm cơ hội để tìm thấy hình bóng nhau trong không gian xa cách, dù biết trong vô vọng. Ở tận sâu thẳm đáy lòng của cả hai, ai cũng một niềm khát khao xum vầy để trọn vẹn trong tình yêu đôi lứa. Nhưng hiện thực thì lại nghiệt ngã khi mà cả hai:

Cùng trông lại mà cũng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Vì khoảng cách địa lí đã quá xa để họ có thể tìm thấy nhau, cho dù họ có cùng trông lại, cố tìm kiếm bóng dáng người thương thì cũng chỉ có thể thở dài trong tuyệt vọng bởi chẳng thể thấy nhau. Những gì họ có thể trông thấy trong tầm mắt đó là một màu xanh xanh giăng lấy tầm nhìn của ngàn dâu, một thứ màu xanh đồng sắc độ, vô vị nhưng bao trùm cả một không gian rộng lớn, hạn chế tầm nhìn và khóa kín hi vọng về khoảng cách.

Và vì thế, một câu hỏi tu từ bật lên từ tận đáy lòng:

Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Người chinh phụ này đang tỏ bày nỗi sầu của mình hay đang bày tỏ nỗi lo về tình cảm của người chinh phu? Cho dù hiểu theo cách nào thì câu hỏi vẫn xoáy sâu vào lòng người đọc, toát lên nỗi sầu buồn, lo lắng của người chinh phụ. Đâu còn niềm hân hoan phơi phới mong ngày chồng mình có thể "áo gấm về làng" mà mới đó đã thấy một dạ xót xa.

Có lẽ những điểm chung nhất của nỗi khổ con người mọi thời đại khi có cảnh đao binh đó là chia li. Sự chia li là nguồn cơn của bao nhiêu những nỗi bất hạnh của những kiếp người mà ở đây cụ thể là đối với tình yêu đôi lứa. Đặng Trần Côn đã tinh tế nhìn ra nỗi mất mát lớn lao này và cất lên tiếng nói cảm thông với số phận khổ đau trong cảnh chia li tan tác.

------------------HẾT--------------------

Bên cạnh nội dung đã học, các em cần chuẩn bị bài học sắp tới với phần Soạn bài Ôn tập văn bản biểu cảm để nắm vững những kiến thức Ngữ Văn 7 của mình.

Ngoài ra, Soạn bài Sài Gòn tôi yêu là một bài học quan trọng trong chương trình Ngữ Văn 7 mà các em cần phải đặc biệt lưu tâm.

https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-khi-doc-doan-trich-sau-phut-chia-li-39227n.aspx
 

Tác giả: Nguyễn Thành Nam - NTN     (4.0★- 14 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích nỗi sầu chia li của người vợ trong Sau phút chia li
Vẻ đẹp ngôn từ của Sau phút chia li
Dàn ý bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ qua đoạn trích Sau phút chia li
Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong Sau phút chia li
Cảm nhận của em sau khi đọc Người cầm quyền khôi phục uy quyền
Từ khoá liên quan:

cam nghi cua em khi doc doan trich sau phut chia li

, phat bieu cam nghi ve doan trich sau phut chia li, cam nhan cua em khi doc doan trich sau phut chia li ,
SOFT LIÊN QUAN
  • Lời cảm ơn khi nhận được lời chúc ngày 20/11

    Lời cảm ơn 20/11 hay nhất

    Sau khi nhận được những món quà từ phụ huynh và học sinh, việc thầy/cô giáo gửi lời cảm ơn sẽ thể hiện sự trân trọng và tôn trọng đối với những người đã tặng quà, bày tỏ lòng tri ân với mình. Dưới đây là những lời cảm ...

Tin Mới